Print

TINH THẦN BIỂN ĐẢO TRONG THƠ VÕ QUÊ - Ngọc Bích

Category: Báo chí
Published Date
Written by Võ Quê
Hits: 5651

"Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử" tại Huế - Ảnh 1

 
Ảnh: Internet.  
 
Ba bài thơ dài, 10 bài thơ tứ tuyệt và hai bài ca Huế chỉ trong thời gian hơn một tháng, đó là một con số đáng biểu dương cho một tinh thần yêu nước, dù đã quá tuổi lục tuần vẫn ngày đêm hướng lòng về biển đảo, điểm nóng của Tổ quốc…

Một người từng vào sinh ra tử, nếm đủ đòn roi của kẻ thù nơi nhà lao Thừa Phủ, Chí Hòa, và cả nhà tù Côn Đảo – địa ngục trần gian vẫn nhất mực ôm trọn tình yêu Tổ quốc với sự kiên trung trong lý tưởng và giữ sự đanh thép trong từng ánh mắt căm thù, từng lời nói, câu thơ sục sôi ý chí chiến đấu nhằm phơi bày tội ác của giặc ngoại xâm và bè lũ bán nước. Nay, trong cảnh nước nhà với sự biến Trung Quốc hạ đặt dàn khoan HD-981 trái phép xuống vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam và liên tiếp có những hành động gây hấn, một lần nữa, tấm lòng vì non sông gấm vóc lại được thổi bùng lên trong lòng người chiến sĩ – thi sĩ ấy: nhà thơ Võ Quê.



Nhà thơ Võ Quê (Ảnh: Ngọc Bích)


Gặp nhà thơ Võ Quê, một người Huế luôn “nặng lòng với Huế” trong việc gìn giữ và phát huy các vốn quý của dân tộc, đặc biệt là nghệ thuật Ca Huế, vẻ mặt phúc hậu với nụ cười thân thiện luôn thường trực dễ khiến người đối diện có cảm tưởng ở con người này chỉ giỏi viết về tình yêu và những gì lãng mạn mà thôi. Kể cũng không sai, nhưng tình yêu của Võ Quê không chỉ nhỏ nhắn, dễ thương dành cho giai nhân, cho vợ con, cho cây cối, hoa lá quanh vườn; không chỉ tinh tế trong vô vàn món ăn đậm đà chất Huế, trong những lời ca Huế mới mẻ tự sáng tác thêm… mà còn rất sắc sảo trong những câu thơ phản đối chiến tranh, kêu gọi hòa bình.

Nhà thơ tâm sự: “Lòng yêu nước, thương dân Việt đã thôi thúc tôi viết. Tôi muốn tiếng nói mình đến được với người dân Trung Quốc, với trong nước, quốc tế để ai cũng biết rằng hồn nước Việt của nhân dân ta luôn sáng tinh thần chủ quyền, độc lập”.
Và nhà thơ viết:


“… Tôi hiểu
Và căm hờn
Mười ngón tay máu dồn lên phím chữ
Tuôn từng dòng nộ khí
Nhả từng tràng đạn lời
Những ngôn từ bất khuất trong tôi
Trong hằng hằng lớp lớp người
Dân Việt…”



Bài thơ "Viết trong đêm Sài Gòn" được sáng tác trước sự kiện các trí thức Huế với nhiều hoạt động hướng về biển đảo diễn ra chiều ngày 15/05 (Ảnh: Ngọc Bích)


Trong bài thơ “Viết trong đêm Sài Gòn” (14/05/2014), “tôi hiểu” được nhắc đi nhắc lại, như một sự nhấn mạnh, như một lời sẻ chia của một người từng trải và cũng như một lời kêu gọi kết đoàn của toàn thể nhân dân Việt Nam cũng như những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Từng là Trưởng khối Báo chí - Văn nghệ của Tổng hội Sinh viên trước 1975, tuổi trẻ của nhà thơ Võ Quê là những năm tháng xuống đường đấu tranh, mít-tinh, bãi khóa nhằm kêu gọi hòa bình và độc lập chủ quyền lãnh thổ; những bài thơ cổ vũ tinh thần cách mạng của ông viết vội trên giấy pơ-luya mỏng, giấy hút thuốc lá… cũng từng được chuyền tay nhau và được thế hệ trẻ thuộc nằm lòng. Khó mà kể hết những bài thơ ấy, và trong cuốn “Côn Đảo – Thơ và Ký họa” của nhà thơ Võ Quê và họa sĩ Đặng Mậu Triết (NXB Văn học) vừa rồi, nhà thơ đã phải nhờ các anh chị tù nhân Côn Đảo như Thiều Thị Tân, Thiều Thị Tạo, Phan Biên, Phan Thị Chanh, Lê Thị Nhân… nhớ, chép lại giúp cho. Những câu thơ về Ma Thiêng Lãnh, về Nghĩa trang Hàng Dương, về Sở Củi Bến Đầm… nay đọc lại cũng đủ để hình dung về những năm tháng lịch sử đã qua ở Côn Đảo của một nhân chứng sống: nhà thơ Võ Quê (ông bị giam giữ ở đây từ 7-5-1972 đến 8-3-1973).

Thời điểm các nhân sĩ, trí thức yêu nước ở Huế xuống đường ôn hòa, phản đối hành động việc Trung Quốc hạ đặt dàn khoan HD-981 xuống vùng biển của Việt Nam vào những ngày nắng tháng Năm, nhà thơ Võ Quê không có điều kiện để có mặt tại Huế để tham gia, nhưng vẫn đau đáu với những thông tin và hình ảnh ở quê nhà. “Viết trong đêm Sài Gòn” đã được ra đời như thế:


Tôi hiểu
Từ nhiều đêm
Như đêm nay
Đồng bào mình khó ngủ
Ngoài đại dương kia
Cảnh sát biển trắng canh
Gió trùng dương đã hết trong lành
Bởi hung thần nước lớn
Bởi bọn ăn thai nhi táo tợn
Đang rắp tâm muốn nuốt chửng dân mình

Tôi hiểu
Và thương
Những chàng trai nước Việt
Bằng tuổi con mình
Đang sục sôi căm phẫn
Phải bấm ngón tay đeo nhẫn
Nén lòng uất hận
Nung chí bền gan
Trước quân thù thâm độc mưu đen

Tôi hiểu
Và thương
những người mẹ hiền khô
Những người cha chất phát
Những người vợ ngoan lành rất mực
Mỗi ngày chong mắt
Từng đêm nhói lòng
Hướng về biển đông
Cầu nguyện an lành
Mẹ trông con mạnh khỏe
Cha mong con giữ tròn dũng khí
Vợ thầm hẹn chồng giây phút đoàn viên

Tôi hiểu…

Tôi hiểu…


“Viết thơ trong lúc này và ở Côn Đảo cũng giống nhau ở tình yêu nước, nhiệt huyết, tâm thành!”, nhà thơ Võ Quê cho rằng xuất phát từ việc cực lực phản đối những hành vi ngang ngược của Trung Quốc đối với Việt Nam mà thành thơ, những câu thơ “rút” ra từ tim gan của mình thì không cần phải thai nghén hay suy nghĩ quá lâu. Bởi vậy mới có những bài thơ tứ tuyệt đề theo mỗi bức ảnh thời sự được cập nhật hàng ngày hàng giờ trong việc Trung Quốc hạ đặt dàn khoan HD-981 cùng những nỗ lực bảo vệ của Đảng, nhà nước và nhân dân Việt Nam, đủ thấy được tấm lòng của một người dân Việt.

Đó là “Mẹ đã xuống đường”, “Mừng em hướng về tổ quốc”, “công trường chiều nay em về góp bão”… thậm chí cả những bài không cần lấy một tên gọi cũng tỏ rõ khí phách, tinh thần quật khởi:



(Ảnh: Internet)

Từ biển người đến chiến thuật biển "Tàu"
"Tàu" - nước lớn nhưng tâm hồn lại nhỏ
Vòi bá quyền bạo hành phun nham nhở
Mà quên rằng: Ta sức sống Tiên Long!


Đó còn là:



(Ảnh: Ngọc Bích)
Hội nghị Diên Hồng lưu vọng âm vang
Hòa hay Chiến? Hào hùng nhiệt huyết!
Nay tuổi hạc cũng dương cao hồn nước
Chống bá quyền vì Tổ quốc Việt Nam!


Là:


Đan tay nhau, Mẹ đã xuống đường
Tình yêu nước vẫn nồng nàn mãnh liệt!
Mẹ chẳng già đâu khi trái tim nhiệt huyết
Đang trẻ hoài cùng sức sống Việt Nam!


Thơ chính là vũ khí, là khẩu hiệu, băng rôn tham dự mitting trên mặt trận văn hóa, tư tưởng. Hơn ai hết, người chiến sĩ cách mạng Võ Quê thấu đáo hơn ai hết.


Tiếng lòng dân thành bản hùng ca
Thành khẩu hiệu ngời son nhiệt huyết
Việt Nam!Việt Nam bất diệt!
Này núi sông, này biển đảo Hoàng Sa…


Không chỉ có thơ, mà ngay cả trong loại hình nghệ thuật vừa sâu sắc, bác học, vừa dân dã, đời thường là Ca Huế, nhà thơ Võ Quê cũng đã soạn lời theo điệu Hò Mái nhì – Nam bình bài “Ngợi ca người lính đảo” và theo điệu Tương tư khúc với bài “Sắt son giữ gìn biển trời Nam!”. Cùng với các nghệ nhân nghệ sĩ khác, những bài ca Huế trở nên gần gũi hơn bao giờ hết đối với công chúng khi đã hòa vào tdòng thời sự, nói lên được những tâm tư, nguyện vọng mà bất cứ ai cũng đang hết sức quan tâm.

Dậy sóng biển Đông
Đang nức lòng người dân nước Việt
Quê hương vốn thanh bình
Giờ nay oán hận
Càng sâu nặng
Niềm căm giận
Quân bá quyền đang làm đục trùng dương
Nguyền một lòng sắt son trong trời Nam
Chung tay gìn giữ giang san
Càng hưng thịnh
Vì tâm nguyện
Ân nghiệp tiền nhân gìn giữ Hoàng Sa
“Thiên thư” lời cổ nhân kia sáng trong hồn ta
Mạch nguồn thiêng gấm vóc sơn hà!

(Tương tư khúc "Sắt son giữ gìn biển trời Nam")

 

Dự kiến, những ca khúc mới này sẽ được trình diễn, thể hiện vào tối thứ Ba ngày 10/06 theo chủ đề Hưởng ứng tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam. Tin tưởng rằng, sự đổi mới này sẽ đem đến cho nghệ thuật Ca Huế một diện mạo mới, có khả năng kết nối mạnh mẽ hơn nữa giữa truyền thống và hiện đại, giữa các thế hệ những người yêu nước, và tình yêu ấy được bắt đầu từ tình yêu nghệ thuật, từ niềm tự hào những gì thuộc về bản sắc văn hóa dân tộc.

Ba bài thơ dài, 10 bài thơ tứ tuyệt và hai bài ca Huế chỉ trong thời gian hơn một tháng, đó là một con số đáng biểu dương cho một tinh thần yêu nước, dù đã quá tuổi lục tuần vẫn ngày đêm hướng lòng về biển đảo, điểm nóng của Tổ quốc của chiến sĩ - thi sĩ Võ Quê.

Ngọc Bích.

Nguồn:
http://khamphahue.com.vn/vanhoa-dulich-Hue/l-3/CBE88312-1114-4218-AFC5-54ABC4116837/14262-tinh-than-bien-dao-trong-tho-vo-que.aspx#.U6J1inai06E