Print

NHÀ THƠ VÕ QUÊ: HUẾ CẦN MỘT TỜ BÁO CHO THIẾU NHI - LÝ HẠNH

Category: Báo chí
Published Date
Written by Võ Quê
Hits: 5948
Image Ở Thừa Thiên Huế đang thiếu một tờ báo dành cho thiếu nhi...

 

NHÀ  THƠ   VÕ  QUÊ:

HUẾ  CẦN  MỘT  TỜ  BÁO  DÀNH  CHO  THIẾU  NHI

Lý Hạnh ghi

                   27 năm gắn bó với CLB sáng tác tác Văn học thiếu nhi Sao Khuê,  nhà thơ Võ Quê là người hiểu rõ "bút lực" cũng như nhu cầu của các cây bút thiếu nhi hiện nay. Những  lời tâm sự dưới đây của ông tuy giản dị, mộc mạc nhưng lại ẩn chứa biết bao tâm huyết của một thế hệ nhà văn đi trước với thế hệ văn học đang được ươm mầm.

 

 

IMG_3902

 

     1. Năm 1979, năm Quốc tế Thiếu Nhi, Nhà Thiếu Nhi Huế mở trại sáng tác tại làng Dương Xuân, Phường Đúc. Cũng trong dịp này, CLB sáng tác văn học thiếu nhi mang tên Sao Khuê ra đời. Ngôi sao được ví cho hình ảnh của danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi "Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo". Thời gian ấy tôi rồi nhà thơ Phùng Tấn Đông phụ trách đội. Một tháng sinh hoạt một lần. Hiện nay thì tôi cung đang gắn bó sinh hoạt đều dặn hằng tháng với các em. Chúng tôi thường tổ chức những chuyến dã ngoại để các em khám phá vẻ đẹp thiên nhiên, bởi với chúng tôi, văn chương chính là hơi thở cuộc sống. Những chuyến đi thuyền rồng dọc sông Hương đến Ngọc Hồ, đi xe đạp về cầu ngói Thanh Toàn, lên Phú Mộng, Thiên An... vừa giúp các em có giây phút thư giản sau những giờ học căng thẳng ở nhà trường, học thêm... lại giúp tâm hồn các em rộng mở hơn trước cuộc sống.

     Mục đích của chúng tôi không nhất thiết là phải là đào tạo các em trở thành nhà văn, bởi lẽ, việc các em có trở thành nhà văn hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào năng khiếu, chiều sâu nội tâm và cả những con người, những hoàn cảnh mà các em sẽ gặp trên bước dường đời. Điều mà chúng tôi hướng đến chính là giúp các em cảm nhận văn học bằng chính trái tim mình để biết suy nghĩ sâu sắc, sống đẹp và sống nhân văn hơn.  Từ thế hệ đầu tiên sinh hoạt ở đội Sao Khuê đã có một số em thành danh như Hoàng Dạ Thi, Hương Giang, Ngô Thu Hồng...

     2. Cách viết, cách cảm nhận cuộc sống của các em có sự thay đổi theo từng thời. Vì vậy, so sánh khả năng viết giữa các thế hệ sẽ có sự khập khiểng. Có thể nói, hôm nay, các em có nhiều phương tiện viết hơn trước. Cuộc sống hiện đại với computer, internet... giúp các em dễ dàng tiếp cận với nhiều tác phẩm mới cũng như bổ sung kiến thức để làm mới các tác phẩm của mình. Tuy nhiên, không thể nói, điều kiện của em bây giờ thuận lợi hoàn toàn so với thế hệ trước. Cuộc sống hiện đại, các em phải sống chung với khói bụi, tiếng ồn, nhà cao tầng... các yếu tố ấy, vô hình chung tạo một bức màn ngăn cách các em với thế giới thiên nhiên. Bên cạnh đó, vấn đề mà các em phải đối mặt hàng ngày càng nhiều hơn. Nếu như thế hệ thiếu nhi trước hồn nhiên với "phong, hoa,  tuyết, nguyệt..." và những tình cảm trong trẻo, sáng trưng của cha mẹ, thầy cô, bạn bè... thì thế hệ hiện nay phải trăn trở về thế giới chung quanh như môi trường bị ô nhiểm, chất lượng cuộc sống với bao hiện thực xô bồ, phức tạp... Chính những điều này đã khiến giọng văn hồn nhiên đầy tính nhân ái của các em có sự đan xen của những băn khoăn, thao thức.

     3. Thời của chúng tôi khó khăn là thế, nhưng trường nào cũng có một tờ báo dành cho học sinh. Không chỉ mỗi trường, mà mỗi lớp đều có tờ đặc san vào dịp đón xuân, Tết, trước khi nghỉ hè... Một số nhà văn nhà thơ đã được trưởng thành từ báo chí nhà trường. Hồi ấy chúng tôi đã viết rất say mê và hết mình. Các em bây giờ cũng thế, nhu cầu đọc và viết rất lớn. Thế nhưng, phương tiện chuyển tải các nhu cầu viết lại quá thiếu. Những suy nghĩ đầy tính trẻ con, hồn nhiên của các em đôi lúc lại mở ra cho người lớn chúng ta không ít những băn khoăn suy nghĩ. 27 năm gắn bó với Đội Sao Khuê, đã nhiều lần, tôi phải ngạc nhiên trước sự quan sát tinh tế, cảm nhận sâu sắc cuộc sống cũng như cách thể hiện của các em. Thiết nghĩ, Thừa Thiên Huế nên có một  tờ báo dành cho lứa tuổi thiếu nhi. Tờ báo này chính là phương tiện nuôi dưỡng tâm hồn các em, giúp phong trào viết, đọc trong các em thật sự phát triển và ươm được những mầm non văn học mới.

 

(Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế Cuối Tuần số 351 / 5-8.10. 2006)