Print

TRANG TRỊNH, GIAO HƯỞNG VÀ... - Càm Ràm

Published Date
Written by Võ Quê
Hits: 5318

 

 

 

 

Vốn mê nhạc giao hưởng, nên mỗi tháng hoặc một đến hai lần, tôi cố gắng tham dự những buổi biểu diễn của nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch thành phố cũng như những buổi hòa nhạc khác ở nhạc viện thành phố.

Hôm Nhật ký Dương cầm diễn ra ở TP.HCM, vì chậm chân không mua được vé, tôi tiếc hùi hụi và đành mong chờ một cơ duyên khác được xem Trang Trịnh biểu diễn.

Để rồi tôi thắc mắc một điều: vì sao cũng là loại hình nhạc giao hưởng mà buổi biểu diễn của Trang Trịnh thì sốt vé đến thế, trong khi những buổi hòa nhạc kia, vé đến sát buổi diễn vẫn còn dư không phải ít.

Thắc mắc ấy lại trở lại khi mới đây, tôi đến nhà hát thành phố thưởng thức một buổi biểu diễn giao hưởng và lại thấy khán phòng còn khá nhiều chỗ trống.

Nếu Trang Trịnh có sự xuất hiện của Trang Trịnh thì những chương trình khác cũng có những sự xuất hiện của những tên tuổi tương đương như  Bùi Công Duy,  Vũ Ngọc Linh, Tăng Thành Nam…

Nếu Trang Trịnh nỗ lực “bày trò” (tạm dùng từ như thế) để thu hút khán giả thì những chương trình diễn ra hàng tháng kia, nhà tổ chức cũng đã đầu tư bằng nhiều tác phẩm kinh điển, thậm chí một số chương trình còn được nhẹ nhàng hóa, đa dạng hóa bằng các tiết mục múa ấn tượng.

Phải chăng vì yếu tố quảng bá, PR của chương trình Trang Trịnh đã được đẩy mạnh hơn với nhiều bài phỏng vấn, bài viết về Nhật ký dương cầm đăng tải đầy trên các báo, trong khi so với các chương trình mang tính định kỳ kia chỉ dừng lại ở mức độ một tin vắn 200-250 chữ, và những tờ rơi, những catalogue do chính đơn vị tổ chức phát ngay tại buổi biểu diễn?

Lần lượt tự hỏi, tự trả lời, vẫn biết sẽ không thể nào tìm được câu trả lời chính xác với cách thức như vậy, nhưng nào còn cách nào khác. (Giá người ta làm thăm dò để có được câu trả lời định lượng).

Nhưng như nhìn vào chính những gì Trang Trịnh đã làm, để thấy, vẫn còn một khoảng cách khá lớn giữa khán giả và loại hình âm nhạc được xem là hàn lâm này, và vẫn có nhiều khán giả muốn biết giao hưởng, muốn hiểu giao hưởng, muốn đến với giao hưởng.

Để rồi, vì thế mà mong Trang Trịnh sẽ còn viết thêm nhiều Nhật ký Dương Cầm, sẽ có thêm những Trang Trịnh khác nỗ lực bày trò để kéo khán giả đến với âm nhạc giao hưởng. Và cũng mong những chương trình đã lên lịch của nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch thành phố có thêm nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu, tạo nên sự hứng thú, tò mò từ phía khán giả.

Tương tự thế, phải chăng cũng là việc cần làm của nhiều loại hình nghệ thuật dân tộc khác như cải lương, tuồng, chèo, hát bội… để kéo khán giả đến với mình hơn chỉ là ngồi “than thân, trách phận” sao khán giả quay lưng với mình?

 

CR

 

*

 

Ảnh: Internet