Print

TỰ THÚ SAU KHI ĐỌC SÁCH - Càm Ràm

Published Date
Written by Võ Quê
Hits: 4472

 

 

Lời Tự Thú Của Một Nhà Báo Mỹ - Những Gì Người Ta Không Dạy Bạn Ở Các Trường Báo Chí

LỜI TỰ THÚ SAU KHI ĐỌC SÁCH

Càm Ràm


35373_140301972649194_100000081759059_405223_2480402_n

 

Lời tự thú của một nhà báo Mỹ (tựa bự), và Những gì người ta không dạy bạn ở trường báo chí (tít nhỏ) là một cuốn sách dày hơn 550 trang, tôi mới được đọc xong.
Hình như tít hay tựa thì cũng chỉ là một, nhưng người đời tạo ra, chắc để tránh cái gọi là lỗi lặp. Trong trường hợp này, thì tôi cố tình dùng trường hợp tít, trường hợp tựa có phân biệt. Bởi ở đời có chữ giựt tít, chứ chưa nghe giựt tựa (chắc đã tựa rồi sao giựt, còn ở tít trên cao, thì chỉ nước nhảy lên giựt một cái, ai lùn như tôi, chắc đồng cảm vấn đề này).
Rằng thì đó là tựa, là tít của một cuốn sách mà chắc ai làm báo cũng tò mò muốn đọc qua, huống là được tặng. Nhân đây vô vàn cám ơn bạn Hà ở Dtbooks đã gửi tặng cuốn này, mình đã đọc mọi lúc mọi nơi, vì cầm nó theo tay mỗi ngày.


Cái tựa bự chẳng qua vì ông Tom Plate, tác giả của cuốn này, vốn là chuyên gia giựt tít (như ông tự nhận ở trong sách), nghe hai chữ tự thú, thấy có gì ghê gớm, theo cách hiểu thông thường của tiếng Việt của mình là có gì đó hơi hơi tội lỗi, người ta mới tự thú (không biết cách hiểu như thế thì có gì sai không?). Nhưng tự thú động từ này hóa ra không phải vậy khi mình đọc sách, chỉ đơn thuần ông kể nhiều chuyện mà ông nghĩ là bí mật của làng báo Hoa Kỳ thôi, chẳng phải tội lỗi gì của ổng. Nhưng như đã nói, cái tựa sách như vậy mới làm người ta mua. Thú động từ may thay khi đọc cũng thấy được thú tính từ, hay diễn lại là đọc sách này thấy có một số chỗ thú… vị!


Thú vị ở cái tít nhỏ: Những gì người ta không dạy bạn ở trường báo chí. Sách đúng là nói nhiều những chuyện mà mặc dù mình chưa kinh qua một trường báo chí nào, mình cũng đoán là, người ta khó dạy trong trường báo chí. Bởi đó là những chuyện, theo mình, nó thuộc về kinh nghiệm, quan điểm hoặc chuyện đối nhân xử thế (mà chuyện phân biệt giới tính, chủng tộc hóa ra tồn tại như một chuyện thâm căn cố đế ở những tòa soạn báo to chà bá tại một đất nước hay nói chuyện nhân quyền như Mỹ).


“Chinh chiến suốt một thời gian dài” với vai trò là biên tập viên trang xã luận của những tờ báo như Time, Newsday, tạp chí New York, Family Weekly và Los Angeles Times, Tom Plate rõ ràng có nhiều chuyện để kể, nhiều kinh nghiệm (lẫn mánh lới) để chia sẻ, nên đúng là Những gì người ta không dạy bạn ở trường báo chí.


Và đây là một cuốn sách mình cảm thấy khó đọc, chẳng hiểu vì người viết, hay do người dịch, hay do chính mình cứ trúc tra trúc trắc. Cuốn sách này mình đã đọc kiểu “nhai”, trong lúc đọc có nhiều đoạn cũng bày đặt ngẩng đầu suy nghĩ.


Ví dụ như một trong những đoạn suy nghĩ là có phải tít, tựa báo VN như thế nào nhỉ?

Hình như hơi bị ít chơi chữ, cũng uổng khi mà chữ nghĩa Việt Nam đủ trò để chơi.
Rứa thôi, phần còn lại hay ho cứ để bạn nếu đủ tò mò thì đi mua sách. Mà nãy giờ mình cũng chưa kể chi nhiều về sách nên tha hồ cho bạn đọc và khám phá.

 

C.R