Print

CÁI BÌA SÁCH - Càm Ràm

Published Date
Written by Võ Quê
Hits: 6197

 

 

 


"...bìa sách của cuốn Đường còn dài, còn dài của nữ văn sĩ Nguyễn Thiên Ngân."

CÁI BÌA SÁCH

Càm Ràm

 

 

 Ta không thể nhớ về những cuốn sách yêu thích nhất mà không thể đồng thời nhớ lại bìa của chúng.


Đọc được câu này trong blog của ông LVT (nhiều em si mê ông này hơn cả si mê mình, bực mình), được biết câu này là dịch từ bài Nine Notes on Book Covers của Orhan Pamuk trong tập Other Colors.


Và ta bắt đầu nhớ lại những cái bìa sách của cuốn sách mà ta thích. Là cuốn Lụa (1) của Nhà xuất bản Trẻ, cái bìa nâu nâu, có chữ Lụa được viết bằng tiếng Tàu (hay tiếng Nhật). Sau này Nhã Nam cũng xuất bản Lụa (2) với cái bìa sách có cô gái mặc áo đỏ. Không thể không so sánh, dù sự so sánh nào cũng khập khiễng, thích bìa (1) hơn, nhưng nghĩ rằng bìa (2) lột tả được sự nóng bỏng mãnh liệt của tình yêu trong tác phẩm, và bìa (2) mới là đường dẫn thuyết phục hơn để người ta đọc sách (dĩ nhiên mua sách).

Bìa cuốn Anh Chi yêu dấu, một cô bé với gương mặt bum bê thánh thiện, tròn tròn đôi mắt, bầu bầu đôi má hồng hồng.


Bìa cuốn Tôi là Bê tô: một chú chó với nét vẽ rất dễ thương của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường.
 
http://mizzya.files.wordpress.com/2007/06/toilabeto.jpg

Bắt trẻ đồng xanh, không nhớ cái bìa sách cũ ngày xưa, nhưng ấn tượng với cái bìa hiện nay với màu xanh ngập bìa.


Con lừa và tôi (Juan Ramon Jimenez – Bửu Ý dịch), bìa sách cũ cũ với hình ảnh một người đàn ông và một con lừa.


Một con đường, và một chiếc xe tải nhỏ đang chạy… hình ảnh trên bìa sách của cuốn Đường còn dài, còn dài của nữ văn sĩ Nguyễn Thiên Ngân.

 


Ơ, nhớ tới ngang đây thì không thể nhớ thêm những bìa sách của những cuốn sách mình thích. Nếu có nhớ thêm, chắc là gượng gạo của sự cố gắng. Chắc còn sẽ có nhiều cuốn mình thích nữa, có cái bìa cũng rất chi hay ho, nhưng chỉ vì "thời gian thật là xuẩn ngốc/ mới thôi đã một đời người" (*)


Bìa sách, mình từng không mua nhiều cuốn sách, vì thấy cái bìa mà cảm giác của mình nói là “nó xấu”.


Bìa sách đẹp không chưa đủ, nó còn phải có khả năng cạnh tranh với những bìa sách còn lại trên giá sách nữa, nhất là trong các cửa hàng sách.


Rồi nghĩ đến bìa cuốn sách Càm Ràm, cuộc đời và sự nghiệp, chắc sẽ là những cô gái xinh đẹp đứng xếp hàng ngang, tay để trước người, nâng ngang ngực. Và trên những bàn tay ấy, là thằng mình nằm dài, tay chống lên cằm, mặt vênh vênh tự đắc. Trên cùng bìa sách là chữ Cuộc đời (viết ngay ngắn), ngay dưới thân mình là chữ Càm Ràm (kiểu chữ đàng hoàng, nghiêm túc), tuột xuống dưới cùng là hai chữ Sự nghiệp (chữ xộc xa xộc xệch).


Đọc cái đoạn ba dẻm (hay giẻm) trên đây để thư giãn cuộc đời, xong đừng vội nản. Đọc những câu sau đây mà thấm thía hít hà nè, đều được trích từ cái đoạn đầu nêu trên.

* Những bìa sách thành công có tác dụng như những đường dẫn, đưa ta khỏi cái thế giới bình thường nơi ta sống và dẫn lối ta vào thế giới của sách.


* Sự hấp dẫn của một tiệm sách không nằm trong những cuốn sách nó có mà ở sự phong phú của bìa những cuốn sách đó.


*Tên sách như tên người: chúng giúp ta phân biệt một cuốn sách với triệu cuốn tương tự.

 

Nhưng bìa sách thì như mặt người: hoặc chúng ta gợi lại cho ta niềm hạnh phúc ta từng biết đến hoặc hứa hẹn một thế giới diễm tuyệt ta chưa khai phá. Đó là nguyên cớ tại sao ta ngắm bìa sách say đắm như ngắm những gương mặt.


Dĩ nhiên những câu có dấu hoa thị phía trước là của cái ông Orhan Pamuk, và dấu hoa thị phía sau thì là thơ của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Mình mà viết được vậy, mình đã chẳng còn là Càm Ràm ngồi đây mà càm ràm.

 

CR