Print

BÀ NGOẠI YÊU THƯƠNG - Lê Vũ Anh Thư. CLB Sao Khuê

Published Date
Written by Võ Quê
Hits: 12265

Giới thiệu trang viết Lê Vũ Anh Thư, CLB Sao Khuê.

 

IMG_1385

 

BÀ NGOẠI YÊU THƯƠNG

Gia đình tôi kể cả họ nội lẫn họ ngoại đều sống vui vẻ và rất hạnh phúc. Mọi người đều yêu thương lẫn nhau, trên môi ai cũng rạng rỡ tiếng cười. Rồi một ngày nọ, tai họa bỗng dưng ập đến với nhà ngoại tôi, một ngày mà những đứa con của ông ngoại và kể cả ông đều khóc, khóc cho quên nỗi buồn…Tôi khi đó còn là một đứa trẻ thơ dại, không biết gì hết, chỉ nghe những lời của cô, cậu hay ba má nói rằng: bà ngoại đã mất. Tâm trí tôi lúc đó hao hụt hẳn, thẫn thờ ngồi yên một chỗ và lặng lẽ khóc. Tôi chợt nghĩ về bà, một người bà mà tôi hết mực yêu quý, về những kỉ niệm sâu sắc nhất đối với tôi.

Các cô, cậu và mẹ tôi đều do tay bà nuôi nấng nên người. Vì lẽ, ông tôi đi bộ đội để phục vụ cho Tổ Quốc. Sau này, khi đất nước đã hoàn toàn giải phóng vào năm 1975, ông tôi trở về, gia đình tôi xiết bao vui mừng, cả nhà lại được đoàn tụ vui vẽ bên nhau. Lớn lên gì tôi phải vào Đà Nẵng để học tập ở đó. Bà tôi luôn gọi điện, hỏi thăm sức khỏe, bảo ban cố gắng học tập và nhớ ăn uống cân đối. Bà tôi suốt mười mấy năm trời bôn ba ngoài chợ Đông Ba để bán những con gà, con vịt kiếm miếng cơm, manh áo. Các gì ở nhà học tập đều giỏi giang, có thời gian rãnh thì chằm nón để bán.

Cứ mỗi lần đi học về, tôi chạy tới thăm bà, đưa biếu bà chiếc bánh giò mà mẹ tôi mới cho ban trưa. Bà ngồi dậy, cười cười, rồi tay bà run run, bà mở cái tay nải của bà, đưa cho tôi một gói quà đặc biệt: Ô mai sấu! Bà ơi bà! Ô mai sấu bà cho, cháu sẽ chia cho ba cháu, mẹ cháu và em cháu… Cháu biết rồi, bà ơi! Cứ sáng sớm rồi mỗi đêm mưa gió to bà lại lần ra sân, bà nhặt những quả sấu rụng ở quanh gốc cây sấu mà bà đã trồng từ thời con gái. Rồi bà rửa, bà ngâm muối, bà phơi, bà gói thành từng gói nhỏ, bà đợi cháu đến, bà cho.. Bà ơi, sấu bà muối hơi mặn một tý, nhưng ngon lắm bà ạ! Cháu ăn sấu bà cho, cháu cứ ứa nước mắt ra. Không phải tại sấu chua đâu mà tại vì cháu yêu bà lắm!. Sau này lớn lên, cháu biết lấy gì đền đáp lại tấm lòng thương cháu của bà.?

Tôi nhớ đến ngày xưa, cứ mỗi lần sinh nhật của bà, dì Vân mua hoa, cậu Vinh cắt tiết gà. Còn em Bi vẽ chân dung bà bằng bút dạ. Sau bữa ăn vui vẻ, mọi người đưa quà ra biếu bà, nào vải để bà may áo, nào xà phòng thơm, lại cả hồng xiêm và mứt hạt sen nữa, riêng tôi, tôi chờ mọi người tặng quà xong mới bẻn lẽn giúi vào tay bà một cái lọ nút kín. Bà tủm tỉm cười, nhìn kĩ thấy gói hoa dại phơi khô. Khi đó, tôi nghe nói chuyện về hoa, bông hoa dại ở sân nhà hàng xóm, phơi khô để làm quà tặng nhân ngày sinh nhật thân yêu của bà.

Rồi mai này, tôi lớn lên vào lớp 5, tôi cũng thường xuyên vào thăm bà, bà còn yếu vì đã gần 80 tuổi, bà ở nhà nội trợ. Cứ mỗi tuần vào ngày Chủ Nhật tôi vào thăm bà cùng em lật đật đáng yêu. Tôi ở trên này chơi với em, còn bà đang loay hoay dưới bếp nấu cơm trưa. Chán quá, không có gì chơi, với lại môn toán hôm qua được điểm bảy, tôi ấm ức lắm. Chẳng hiểu tôi nghĩ thế nào, tôi dùng tay ném em lật đật. Bà tôi hốt hoảng chạy lên và nói:

- Cháu của bà sao vậy? Sao lại ném em búp bê thế kia?

Tôi mếu máo rồi khóc. Tôi kể hết mọi chuyện cho bà tôi nghe Bà nhẹ nhàng đến bên tôi âu yếm rồi nói:

- Cháu thấy không! Lật đật khi bị cháu ném, thì lập tức nó đứng dậy.

Em ngồi suy nghĩ một lán, đến bên bà, ôm hôn và thì thầm:

- Cháu biết rồi bà ạ! Ý bà muốn nói em lật đật biết đứng dậy sau khi vấp ngã. Còn cháu hôm qua cháu bị điểm bảy môn Toán thì ngày mai và mãi mãi mai sau, cháu sẽ không bao giờ được điểm 10 môn Toán? Con người luôn biết đứng dậy sau khi vấp ngã, sẽ cố gắng và nhất định đạt được thành công có phải không bà.

Bà lặng lẽ cười, tôi biết nụ cười của bà, ánh mắt dịu dàng nói lên rằng: thật sự cháu của bà đã lớn thật rồi, đã biết nhận thức về cuộc sống và sau này cháu sẽ mãi mãi vững bước trên con đường dẫn đến tương lai và sự nghiệp. Sau kỉ niệm sâu sắc đó, nhờ chính bà mà tôi đã nhận ra rằng: “Thất bại là mẹ thành công” và “Chúng ta thực sự thất bại khi chúng ta từ bỏ mọi cố gắng”

Sau này, bà mất, mẹ, ba và cô chú, ông ngoại đều rơm rớm nước mắt. Mẹ bảo trước khi bà mất, bà dặn tôi phải chăm học, giữ gìn sức khỏe, nhớ cho gà mái mơ ăn thêm rau (nó thích ăn rau lắm) và nhốt riêng con gà ri ra, kẻo nó hay bị các con khác bắt nạt, tội nghiệp nó. Mấy ngày sau bà mất, cả nhà vắng lặng hẳn. Mấy chú gà đã ngơ ngác cả ra, bà chăm chúng nó thế, thảo nào! Cái bình vôi để ăn trầu của bà kia. Cái chổi bà thường luôn tay quét. Cái nồi, rổ bát, bao giờ bà cũng lau chùi, cũng xếp gọn gàng. Đến cây cối vẫn còn nhớ bà, các ngọn mướp cứ ngóc đầu lên chờ đợi được bàn tay bà tưới tắm.

Cái giường bà nằm sao mà trống vắng, buồn thiu. Cho tới nay, bà tôi mất đã gần mười năm rồi, cây sấu vẫn ngày càng xanh mát. Đêm nọ tôi nằm nghe gió táp vào lá sấu rì rào mà không sao ngủ được. Tôi nhớ bà tôi quá. Cây sấu chắc chắn là nó cũng như tôi, nó đang nhớ tới bà… Bà ơi, lại sắp hè rồi bà ạ! Cháu sắp bước lên lớp 9 và một kì thi chuyển cấp quan trọng mà cháu phải cần cố gắng.

Bà ơi! Bây giờ cháu rất nhớ đến bà. Nhớ những kỉ niệm về bà, nhớ những món quà bà cho mà cháu đang còn cất giữ. Cháu sẽ cố gắng học giỏi để không phụ lòng mong ước của bà. Đó là những điều tôi thật sự muốn nói với bà. Bỗng dưng trong tôi hiện lên một bài hát mà hồi nhỏ tôi đã từng hát cho bà nghe.

“Bà ơi bà cháu yêu bà lắm

Tóc bà trắng, màu trắng như mây

Cháu yêu bà cháu nắm bàn tay

Khi cháu vâng lời cháu biết bà vui”

 

L.V.A.T