Print

NHẠC SĨ LÊ ANH - NGƯỜI KẾT SÓNG TÌNH CA

Published Date
Written by Võ Quê
Hits: 11642

 

images303768_giaiA

Ca khúc Ngẫu hứng Huế của nhạc sĩ Lê Anh, phổ thơ Triệu Nguyên Phong được giải A giải thưởng VHNT Cố đô lần thứ IV (2003 – 2008).

 

LÊ ANH – NGƯỜI KẾT SÓNG TÌNH CA

 


Trong những năm gần đây, công chúng yêu thích âm nhạc vui mừng đón nhận, thưởng thức các đĩa CD giới thiệu những ca khúc được dàn dưng một cách công phu của nhạc sĩ Lê Anh, đó là CD “Chơi vơi”, “Tình Quê”. “Giọng hò thương nhớ” do nhiều ca sĩ tên tuổi trong nước biểu diễn (Nhà xuất bản Âm Nhạc Việt Nam thực hiện). Nhạc sĩ Lê Anh sinh ngày 4.2.1937 tại xã Vĩnh Hiền, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị. Từ thời niên thiếu Lê Anh đã say mê và có năng khiếu bẩm sinh về âm nhạc. Mặc dầu hoàn cảnh gia đình lúc bấy giờ tương đối khó khăn, chật vật nhưng Lê Anh cũng được bố mẹ nỗ lực chu cấp đầy đủ để anh theo học Trường Âm Nhạc Việt Nam tại Hà Nội từ năm 1959 đến 1962.

Sau khi tốt nghiệp, Lê Anh trở về công tác tại Ty Văn hóa Thông tin Vĩnh Linh cho đến năm 1972. Đây là một giai đoạn khó khăn gian khổ nhất bởi cuộc kháng chiến chống Mỹ ngày một ác liệt. Vượt lên những thử thách một thời trẻ trai, bằng sở học của mình, Lê Anh tích cực tham gia, lăn lộn vào các hoạt động văn hóa văn nghệ quần chúng ở quê nhà. Phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” của nhân dân miền Bắc đã giúp cho Lê Anh trưởng thành trong nghệ thuật. Khát vọng và ước mơ được sáng tác nên những ca khúc phục vụ chiến đấu, phục vụ chính cuộc sống của nhân dân, thể hiện trang trọng tình yêu lứa đôi, tình yêu quê hương đất nước luôn cháy bỏng trong anh. Năm 1972, lại một lần nữa anh được ra Nhạc viện Hà Nội học khoa sáng tác như điều anh hằng mong muốn. Từ môi trường học tập chính quy này, Lê Anh đã sống những tháng năm quý báu. Các nghệ sĩ bậc thầy trong âm nhạc, các đồng nghiệp, đồng môn đã luôn tạo cho anh những khám mới trong khúc thức, ca từ. Hồn nhạc dân tộc, chất liệu dân ca từ miền Trung quê hương đã tiềm ẩn sinh động tiếp truyền trong mạch nguồn sáng tạo của anh.

Năm 1976, rời Hà Nội Lê Anh trở về phụ trách phần âm nhạc của phòng văn nghệ thuộc Sở Văn hóa Thông tin Bình Trị Thiên, năm 1985 làm chỉ đạo nghệ thuật rồi Trưởng Đoàn Nghệ thuật Ca Múa Nhạc Bình Trị Thiên cho đến 1989 thì ra công tác một năm tại Hội Văn Học Nghệ thuật Quảng Trị. Tuy bề bộn với công tác quản lý, Lê Anh vẫn dành nhiều thời gian cho công việc tìm hiểu, nghiên cứu các thể loại dân ca, các điệu lý Huế, lý miền Trung nhằm chuyển tải hồn dân nhạc một cách tinh tế vào trong từng ca khúc. Với phong cách trữ tình, những bài hát của Lê Anh được công chúng dễ dàng tiếp nhận bằng những rung động chân thật, sâu sắc. Trong các hội diễn, liên hoan nghệ thuật trong và ngoài tỉnh, các tác phẩm của Lê Anh luôn được nhiều cơ quan, đơn vị chọn vào dàn dựng trong chuơng trình và được khán giả yêu thích, thuộc lòng, tiêu biểu là các ca khúc “Trên phá Tam Giang em hát”, “Màu xanh yêu thương”, “Thu Bồn ơi!”, “Giọng hò thương nhớ”, “Ánh mắt Thành Huế”, “Đi cùng sông Hương” (phổ thơ Lâm Thị Mỹ Dạ)…

Trong những năm gần đây, khi đã nghỉ hưu, so với một số nhạc hữu cùng thời khác, bút lực Lê Anh càng sung mãn, tràn trề sức sống. Niềm say mê được đi và viết luôn thơi thúc Lê Anh làm những chuyến điền dã dài hơi trên nhiều địa phương khác nhau. Từ vốn liếng thực tế phong phú của thời trai trẻ cộng với những gì mà Lê Anh tiếp cận, thâu thập được trong thời gian công tác và hưu trí, Lê Anh đã sáng tác thành công nhiều ca khúc để đời. Đến thâm nhập thực tế, sáng tác tại Quảng Bình, Lê Anh đã cho ra đời CD “Tình Quê”, một công trình nghệ thuật cò giá trị ngợi ca cuộc sống, con người Quảng Bình trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước. Riêng với Quảng Trị, nơi anh đã được sinh ra và lớn lên; nơi anh từng hạnh phúc và khổ đau cùng người đất Quảng chịu khó chịu thương anh đã tâm huyết gửi đến bà con quê nhà và trong cả nước CD “Giọng Hò Thương Nhớ”. Trong những ca khúc của CD này những địa danh quen thuộc như Đông Hà, Gio Linh, Đa Krông, Hải Lăng, Thành Cổ, sông Hiếu… được Lê Anh biến thành những ca từ ý vị, tâm huyết, lắng đọng, mượt mà và sâu thẳm một khối tình mong dành tặng quê hương. Trên lĩnh vực in ấn, ca khúc Lê Anh đã có trong nhiều tuyển tập nhạc thời Bình Trị Thiên, Nhạc viện Hà Nội, tuyển tập “Bài ca đất nước”, “30 năm ca khúc Việt Nam , 1975-2005 (Hội Nhạc Sĩ Việt Nam-NXB Âm Nhạc Việt Nam)…

Với Huế thơ mộng, miền đất Lê Anh đang sống, đã yêu thương, đã hy vọng và buồn, vui cũng mang lại cho anh những tứ nhạc mới giúp anh viết lên những giai điệu trữ tình, da diết. Ngoài các ca khúc được giải thưởng của Hội Nhạc Sĩ Việt Nam, của UBTQLHCHVHNT Việt Nam, tại Thừa Thiên Huế nhạc sĩ Lê Anh đã được giải B Giải thưởng VHNT Cố Đô lần thứ II (1993), ca khúc “Ngẫu hứng Huế” phổ thơ Triệu Nguyên Phong được giải A giải thưởng VHNT Cố đô lần thứ IV (2003 – 2008). Hiện nay, Lê Anh đang mong khi có điều kiện, hoặc được sự quan tâm của Tỉnh và thành phố Huế , anh sẽ thực hiện CD những ca khúc viết về Huế trong những năm qua mà anh rất tâm đắc và người Huế cũng đã biết đến nhiều như: “Ánh mắt Thành Huế”, “Qua Lăng Cô”, “Thành Huế sáng nay”, “Đây thôn Vỹ Dạ” (phổ thơ Hàn Mặc Tử); “Tạm biệt Huế” (phổ thơ Thu Bồn), “Tháng Ba hoa nhãn” (phổ thơ Võ Quê)… Nhạc sĩ Lê Anh mong có những tuyển ca khúc riêng, những CD chuyên đề riêng như thế cũng là nguyện vọng chính đáng của người nghệ sĩ. Theo nhạc sĩ Lê Anh, dòng sống, dòng tình, dòng nhạc trong Lê Anh cứ đan xen, hòa quyện, vọng ngân thành sóng tình ca hiến tặng đời.




IMG_1802

 

 


VHNTCD

Các tác giả đạt giải A - giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố Đô lần thứ IV.
Ảnh: Bảo Anh