Print

NHẠC SĨ NHẬT LỆ

Published Date
Written by Võ Quê
Hits: 10552

Giới thiệu Nhạc sĩ Nhật Lệ, hiện đang sinh sống tại Cần Thơ.

 

IMG_0150

Tên thật: Lê Thuận

1934: Chào đời tại Kim Long, Huế.

1950: Bắt đầu học nhạc tại Huế với các thầy NS Văn Giảng, NS Nguyễn Hữu Ba, NS Ngô Ganh, NS Ngô Quang Nhạc; Cựu học sinh Pellerin Huế.

1953: Bắt đầu sáng tác ca khúc và có tên tuổi trong giới nhạc sĩ Sài Gòn.

1955: Đào tạo ca sĩ tại Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ.

1960: Học lớp chuyên tu hòa âm, phối khí tại Sài Gòn.

1980: Gia nhập các CLB Văn - Thơ - Nhạc Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ (Phân hội Âm nhạc).

Tác phẩm: Đã viết trên 100 ca khúc.

Thơ in chung: GIỌT NẮNG CHIỀU, NXB Đồng Tháp; THƠ ĐƯỜNG LUẬT VIỆT NAM HÀNH TRÌNH ĐẤT NƯỚC, NXB Văn Nghệ 2009.

CUNG THƯƠNG, tuyển tập ca khúc, NXB Văn Nghệ TP. Hồ Chí Minh, Hội LHVHNT Cần Thơ 2009.

 

IMG_0163

 

DÒNG SÔNG TÂM TƯỞNG, tản văn - truyện ngắn, NXB Văn Hóa Văn Nghệ 2011

 

 

ĐÔI ĐIỀU NHỚ HUẾ


Mỗi người điều có một quê hương, khi xa rồi mới biết nhớ thương da diết lạ thường. Sinh trưởng ở Huế, nhưng đã xa cách Huế hơn bốn mươi năm trời, quãng đời đi hơn nửa chặng đường thế kỷ, không nhiều cũng biết chút ít về Huế đôi điều để mà thương, mà nhớ.

Có một lần tôi được đọc trên tạp chí Sông Hương, một bài thơ ca ngợi cảnh đẹp, tình yêu Huế, làm tôi xúc động nhớ Huế vô cùng. Một điều lạ hóa ra tác giả bài thơ ấy chưa bao giờ đến Huế một lần mà cái tình yêu Huế nó lai láng đến dường ấy. Từ thuở thiếu thời, tôi chẳng hiểu câu : "Huế là cái nôi của thi ca" nghĩa ra làm sao ? "Lớn lên mới được lý giải sáng tỏ dần ra : Huế là nơi mà văn học thi ca nảy mầm từ nhiều thế hệ, cho đến nay đã không biết bao người viết, ca ngợi về Huế, không bút nào vẽ hết cảnh đẹp thơ mộng thiên nhiên của Huế hết được.

Khi đến Huế, bao giờ cũng mong ngày tái ngộ, người đi xa Huế nhớ mãi đến khôn nguôi, chưa đến Huế, ao ước đến một lần. Phải chăng Huế nghèo khó mà thơ mộng, hoặc kín đáo hoặc kiêu sa. Luôn cùng với thi ca vươn lên đấu tranh với thiên tai, đau khổ mà được nhiều người yêu mến nhắc nhở đến Huế chăng ?

Huế có bốn mùa rõ rệt :

- Xuân về có mưa bay lất phất, muôn hoa đua nở.

- Hạ có hoa sen phượng vỹ bãi biển Thuận An ve kêu vẫy gọi.

- Thu có sương mù vương dãi lụa trên sông Hương

- Đông lạnh lẽo, mưa sa nước lũ.

Viết những lời này về Huế không ngoài những hoài niệm cá nhân, nếu cho rằng óc địa phương tôi xin cam chịu : Bởi lẽ rằng chúng ta mỗi người đều có một quê hương, dù là mái tranh nghèo, bên nhịp cầu tre lắc lẻo đều mang một đặc thù tình cảm êm đẹp nơi ta sinh ra. Sao ta không có quyền hảnh diện nhắc đến ?, như lời một bài ca "Huế của ta, ôi Huế trong trái tim ta". Ông bà Huế ngày xưa độc đáo thật, lựa nhiều tên hay đặt cho Huế cái xứ văn chương thi phú có khác... Có bao giờ quí du khách tới Huế và quên Huế dễ dàng chưa ? Riêng tôi, mỗi lần nghe ai nhắc những gì về Huế là tôi nhớ và buồn vô cùng. Nỗi buồn riêng lòng về nơi chôn nhau cắt rốn, miền đồi núi Nam Giao, Trà Am, nơi tổ tiên nằm an nghỉ. Thật tội nghiệp cho những ai xa quê hương còn nặng tình lưu luyến.... Không biết những người đi xa, xa vời vợi nghìn trùng, cách đại dương ấy họ nhớ Huế biết chừng nào ?

Đâu phải không như sợi tơ đàn, những đồng hương ấy và tôi chẳng rung cảm qua những câu thơ ca dao, những địa danh quen thuộc gợi nhắc những gì liên quan về Huế ngày xa xưa cũ như :

"Cầu Tràng Tiền sáu vài mười hai nhịp

Em qua không kịp tội lắm anh ơi"

Cái cầu đẹp chứng tích thời đại, thiên tai và chiến tranh làm gãy đổ bao lần

"Núi Ngự Bình trước tròn sau méo

Sông An Cựu nắng đục mưa trong

Biết có còn gạo đe An Cựu mà nuôi mẹ già...?"

Năm 46 thời thăng trầm Huế, đồi thông đỉnh Ngự được đốn làm chất đốt, nên :

"Ngự Bình không cây chim ngủ đất

Sông Hương vắng khách (chúng) kêu trời !"

Thiên Mụ được lập nên từ thời nhà Nguyễn :

"Hoành sơn nhất đái vạn đại dung thân"

"Gió đưa cành trúc la đà

Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương"

Kim Luông tức " Kim Long, có gái mỹ miều

Trẩm yêu, trẩm nhớ, trẩm liều trẩm đi....."

Thì ra cái lãng mạn của nhà vua cũng như hàng thứ dân, đến lúc hưng phấn thì cũng phải đi chơi thôi.

Nam Giao là nơi ngày xưa cứ bốn năm vua lên cúng tế trời đất một lần.

Ba Đồn, như những sân banh, là mộ chôn tập thể người dân xứ Huế, do đạn tàu Pháp bắn lên từ cửa Thuận An ngày 23/5 âm lịch.

"Từ ngày thất thủ Kinh Đô

Tây qua giăng dây thép hoạ địa đồ nước Nam"

Bãng Lãng, Tuần có lăng tẩm, phấn thông vàng, reo rắc trên mái tóc một thời hoa mộng những học sinh sinh viên trường Huế.

Từ Đàm "Từ Đàm quê hương tôi" một thời nơi bộc phát làm rung động nước Mỹ.

Cống An Hòa cụ Ngáo chặt đầu tội phạm

Phú Cam, Thiên An gợi nhớ vang danh "Cố Trầu" miền Trung, 9 hầm.....

Hồ Tịnh Tâm, Thương Bạc, Văn Lâu, nơi vua tôi, Duy Tân - Trần Cao Vân mật đàm cứu nước, rồi nhà vua bị đi đày qua đảo Reunion.

"Chiều chiều ngồi bến Văn Lâu, ai câu, ai sầu, ai thảm, ai nhớ, ai thương"

Thuyền ai lấp ló bến Sông Hương, đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non"

Diệu Đế : "Đông Ba - Gia Hội hai cầu

Ngó qua Diệu Đế bốn lầu hai chuông"

Đông Ba : "Chợ Đông Ba đem ra ngoài giại

Cầu Tràng Tiền đúc lại xi mon

Hỡi người lỡ vận chồng con

Vô đây gá nghĩa vuông tròn như xưa"

Vĩ dạ : Hàn Mặc Tử thường ngâm

"Lá trúc che ngang mặt chữ Điền"

Tây Thượng : bánh bèo

Nam Phổ : bánh canh

Hương Cần, An Thuận có quít ngọt, cốm giòn

"Chợ Truồi dâu ngọt ai ơi !

Làng Chuồn nếp dẽo, cá tươi xin mời"

Huế thân yêu xưa là Phú Xuân rồi Thuận Hóa, Thừa Thiên, Bình Trị Thiên. Giờ Huế trở lại Huế thành phố du lịch festival, thành phố di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận....Cầu Tràng Tiền còn đó nhưng không còn chỗ nghỉ chân cho khách nhàn du. Những tà áo dài, những chiếc nón bài thơ ít tung bay theo chiều gió.

Ôi còn quá nhiều chuyện xưa nay về Huế làm sao nói cho hết. Thôi để dành cho đồng hương Thừa Thiên Huế. Bởi Huế đâu phải của riêng tôi, mỗi người có mỗi khía cạnh, tình cảm khác nhau.

Huế ơi, hoài bảo sẽ có đôi lần về thăm lại đường xưa lối cũ vang vọng tiếng chim ca, ve sầu để ta hồi tưởng lại những chuỗi ngày thơ ấu ta sẽ chắt chiu từng kỷ niệm gợi nhớ khôn nguôi, cho dù mắt mờ, tai lãng, chân đi ngập ngừng, người thân lần hồi mất hết....

Một chiều nhớ Huế, 24/08/2008

Nhật Lệ

CÒN VUI BA NGÀY TẾT - ĐỔ XĂM HƯỜNG?

Dòng thời gian trôi mau thật, mới ngày nào thoáng chốc đã mấy chục năm. Thế nhưng tôi không bao giờ quên một thời thơ ấu tuổi hoa niên khi đón Xuân về, cắn hột dưa, ăn bánh mứt, tai nghe rỗn rẽn leng keng, mắt nhìn dăm dăm những hột tào cáo nhảy múa trong tô nghe sao mà vui tai lạ lùng, đổ xăm hường !

Chơi xăm hường một thú tiêu khiển thanh tao giữa anh em họ hàng bên nhau tề tựu quây quần vui ba ngày Tết. Cuộc chơi này cốt là giải trí, thỉnh thoảng nghe la rần dậy cả xóm không khác gì giờ xem đá bóng trong Tivi, la ầm vang mỗi khi banh đá vào lưới.

Chơi cốt để mua vui chớ ăn thua có là bao. Trẻ nít chúng tôi cho ngồi chung chiếu, chơi ké là sướng lắm rồi. Bởi vì Tết đến đứa nào chẳng có tiền lì xì. Qua một ván nếu thua chút đỉnh, anh chị chung dạy cho, còn ăn thì lờ đi hưởng một mình lấy hên bởi thiếu mình sao được, không đủ tay chơi mất hào hứng. Xin khẳng định một điều : Xăm hường là trò chơi tao nhã thuộc phạm vi gia đình nề nếp ngày xưa. Vui chơi để thử may rủi, hên xui không mang tính chất cờ bạc vì đã là cờ bạc ắt hẳn phải có cao thấp bùa phép sát phạt tới cùng mánh lới gian lận. Còn chơi đổ xăm hường thì vô phương với 6 người có 12 con mắt tay mơ chơi cũng được cả làng xem hộ giùm, chẳng ai chèn ép. Nhìn rất ngoạn mục nhiều người chơi sành điệu, tay thao tác nhuần nhuyễn bốc trọn 6 hột thả tung ra trong lòng tô (thường là tô kiểu cở lớn, miệng bịt đồng thoa) tránh để sót và làm văng ra khỏi tô dù là một hột, nếu không sẽ bị phạt lỡ mất một lần đổ. Cứ nhìn vào 6 mặt tào cáo (ngoài Bắc gọi là xúc xắc, trong Nam kêu xí ngầu) điểm hiện trên mặt tô tùy theo giá trị số nút lớn nhỏ mà nhận thẻ.

Có tất cả 63 thẻ lớn nhỏ (thẻ theo từ Hán Việt gọi là trù) tổng cộng 192 điểm, gồm có :

1. Thẻ Trạng Anh (tính 32 điểm)

2. Thẻ Trạng Em (mỗi thẻ 16 điểm - 2 x 16 : 32)

4. Thẻ Tam Hường (mỗi thẻ 8 điểm - 4 x 8 : 32)

8. Thẻ Tứ Tự (mỗi thẻ 4 điểm - 8 x 4 : 32)

16. Thẻ Nhị Hường (mỗi thẻ 2 điểm - 16 x 2 : 32)

32. Thẻ Nhất Hường (mỗi thẻ 1 điểm - 32 x 1 : 32)

Khi đổ ra mặt : 4 thường gọi là Tứ, tức mặt hường

- Lấy thẻ nhất hường

- Lấy thẻ nhị hường : Phải đổ ra 2 mặt tứ

- Lấy thẻ Tam hường : Đổ ra 3 mặt tứ

- Lấy thẻ Trạng Anh : đổ ra 4 mặt tứ (gọi là Trạng đỏ hay Trạng chu)

- Lấy thẻ Trạng Anh và 2 thẻ Trạng Em phải đổ ra 5 mặt tứ (tức là ngũ hường, ngũ hường đoạt tam khôi).

May phước đổ ra 6 mặt tứ (lục phú hường) thì khỏe re êm trời mát gió, xin bà con chung mau mau để còn chơi ván khác, chung 64 thẻ tức tăng 2 lần số thẻ 32 của mỗi phần phải có. Nếu đổ ra 6 mặt giống nhau (không phải mặt tứ) tức là lục phú đen được quyền thâu mỗi người 32 thẻ. Lục phú lấy hết thẻ (lục phú đoạt tân trù). Thỉnh thoảng mới gặp những trường hợp hên xui ấy kẻ méo mặt, người cười tươi ! Chứ thường thường mong cho ra được 4 mặt nhất, 4 mặt nhị, 4 mặt ngũ tức là 4 mặt đen giống nhau, lấy được thẻ tứ tự là mừng rồi.

Đổ ra 2 nhất, 2 nhị, 2 tam (thường mã) ; đổ ra 2 tứ, 2 ngũ, 2 lục (hạ mã thường gọi là : tứ ngũ thiêng). Hoặc đổ ra đầy đủ mặt như : nhất, nhì, tam, tứ, ngũ, lục là suốt. Hay 3 mặt kia 3 mặt nó giống nhau như : 3 tam 3 lục (phân song), hoặc 4 mặt như (không phải mặt tứ) là tứ tự và lại có 2 mặt khác cộng lại với nhau bằng mặt tứ tự ấy gọi là tứ tự cáp. Xin nói rõ để dễ hiểu hơn như là : 4 mặt ngũ được cộng thêm : I mặt nhị và I mặt tam hoặc là I mặc tứ và I mặt nhất thì được lấy thẻ Trạng Em (bảng nhất Thám Hoa).

- Đổ ra ngũ tứ (5 mặt đen) bằng 4 mặt đỏ được Trạng Anh.

- Đổ ra 5 mặt đen giống nhau và mặt hường (tứ) tức là Ngũ tử đại ấn lớn hơn ngũ tử thường. Còn 4 mặt hường (tứ) với I mặt nhất, I mặt tam là Trạng cáp xiên lớn hơn Trạng đỏ.

* Cướp Trạng :

Trò chơi xăm hường rất sinh động hào hứng lại hồi hộp nữa, đôi khi muốn đứng tim. Sung sướng nhất là cướp Trạng (đoạt Trạng trên tay kẻ khác)

Chẳng hạn như : Ông A đổ ra Trạng 8 tuổi được thẻ Trạng Anh, ông B đổ ra Trạng 9 tuổi (hơn một nút) lấy thẻ Trạng của ông A. Nhưng ông B chỉ đổ được Trạng 8 tuổi như ông A hay chỉ đổ được 6, 7 tuổi (điểm nút hột) thì thua ông A chỉ được lấy 32 thẻ ở giữa chiếu mà thôi. Còn nữa hấp dẫn vui lắm, nếu đổ ra Trạng cáp chính ông B đổ ra ngũ hường lấy thẻ Trạng Anh luôn 2 thẻ Trạng Em nữa vì "Tam Khôi" thua Ngũ hường.

Ông A đổ ra Ngũ tử 3 tuổi, đến phiên ông B đổ ra Trạng 8 tuổi/ được lấy 32 thẻ nếu còn đủ số thẻ giữa làng.

Trạng đỏ đoạt Trạng đen, ngũ hường đoạt Trạng đen (ngũ hường đoạt Tam khôi).

Bán Trạng : Nếu chơi trên 6 người sẽ có chuyện bán Trạng. Khi có một người chơi nữa xong ván kẻ nào được Trạng Anh bán hết số thẻ mình có. Thêm 2 người (tức 8 tay em) Người có Trạng Anh được bán gấp đôi vì tất mọi người phải có mỗi phần đủ 32 thẻ, thừa hay thiếu bao nhiêu thế điểm là coi như : ăn hay thua, bấy nhiêu điểm qui ra mỗi điểm bao nhiêu đồng bạc mà thanh toán khác hơn đậu chén tứ sắc là không gom tiền trước khi chơi.

Xưa thú chơi xăm hường còn gọi là Tam hồng hiệu, một trò chơi rất thanh cao quí tộc. Chưa bao giờ nghe tiếng chửi thề văng tục hay xảy ra chuyện cãi lộn nhau. Bởi nhận được thẻ đổ ra :

- Nhất hường là thẻ tú tài (mỗi thẻ có ghi son đỏ bằng chữ Hán)

- Nhị hường là thẻ cử nhân hay thẻ cử

- Tứ tự (bốn mặt giống nhau không phải mặt tứ) lấy thẻ Tấn (Tiến sĩ)

- Tam hường lấy thẻ Hội (Hội nguyên)

- Còn suốt phân song, Tứ tự cáp Thượng mã, Hạ mã lấy thẻ Bảng nhãn, Thám hoa (Trạng Em)

- Và 4 mặt hường (còn gọi là Trạng đỏ và Trạng chu) lấy thẻ Trạng Nguyên (Trạng Anh)

- Ngũ hường (5 tứ) lấy thẻ Trạng Nguyên và 2 thẻ Bảng nhãn và Thám hoa luôn thể. Và 2 thẻ Trạng Em thẻ này có tên Bảng nhãn, thẻ kia là Thám hoa. Mỗi thẻ có giá trị 16 điểm bằng nhau trong xăm hường ngoài thực tế, ở khoa bảng thì vị trí, giá trị lại khác nhau.

Thẻ Trạng Anh là Trạng Nguyên cao trong này, ngoài đời rất được tôn kính. Bởi ngày xưa quí vị này ngày đêm quyết chí sôi kinh nấu sử để đạt bảng vàng, có vị rất trẻ tuổi, có vị già khú để nêu gương hiếu học cho hậu thế, nhưng có thực tài thi cử không dựa thế mua chuộc. Nếu đỗ đạt được thì rộng đường công danh thơm lây cả họ hàng làng xóm.

"Chồng tôi cưỡi ngựa vinh qui

Hai bên có lính hầu đi dẹp hàng"

"Quan trạng đi bốn lọng vàng

Có thiêu tám chữ qua làng trang nghiêm"

Tên tuổi quí vị được niêm yết tại Phú Văn Lâu, 3 ngày trên Chánh bản (giáp bảng) màu vàng có vẽ rồng gọi là Long bảng hay là Kim bảng và bởi kết quả được treo vào mùa xuân nên gọi là Xuân bảng. Danh tánh quí vị Tiến sĩ còn được khắc vào bia đá dựng trên lưng rùa trang trọng đặt vào Văn Miếu ở Hà Nội hoặc ở đền Văn Thánh bên bờ sông Hương trên chùa Thiên Mụ vài cây số.

Sau này có lẽ các cụ tiền bối bày ra trò chơi xăm hường chắc muốn nhắc đến lịch sử tính của sự tiến hóa dân tộc để cho con cháu tìm hiểu : Có từ ngày xưa (1075) năm thứ tư thời Lý Nhân Tông các khoa thi được mở lần đầu tiên. Đến thời Tây Sơn thời (1788 - 1802), thời Thành Thái thứ 7 (1895) những khoa thi Hương, thi Hội, thi Đình vẫn còn duy trì tuy nhiên mỗi thời mỗi cải cách trong sự kén chọn hiền tài ra giúp nước.

Trên cơ sở đó chúng ta hình tượng ý niệm được : Tú tài là thua cử nhân, Tiến sĩ hơn Cử nhân, Hội nguyên hơn Tiến sĩ. Còn Tam khôi là Bãng nhãn, Thám Hoa, Trạng nguyên thì chức vị cao quí vô cùng.

Nhưng nay chung cuộc trò xăm hường cũng như chuyện khoa cử ngày xưa chỉ còn vang bóng một thời.

Cần Thơ, 35 - 10 - 1999

Sưu tầm : Nhật Lệ

NHỚ NGƯỜI, THƠ XƯA

Buổi thiếu thời, mỗi lần xuân về, tôi lại được dịp hầu các cụ, bạn thơ của ông Nội tôi. Ngày xưa, tình thi hữu, tình yêu thơ của quí cụ (trong đó có cụ Hồ Đắc Định, cụ Thúc Gia, cụ Thảo Am ở Thi xã Hương Bình) quá thanh cao, tao nhã.

Nếu quí cụ gặp nhau ở Kim Long buổi sáng, thì tôi hải nấu nước châm trà, bày bánh mức, còn vào buổi chiều, tôi hầu rượu. Chén thù chén tạc sinh hoạt thơ thật rôm rã, tương đắc, đến hết ngày không hay. Kể ra "gia trang" quí cụ nghỉ cũng thường thường bậc trung, phong lưu chán, không đến nỗi.

"Ao sâu nước cả khôn chài cá

Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà

Bạn đến chơi đây ta với ta"

(Cụ Nguyễn Khuyến)

Khi thì các cụ đọc thơ mình cho nhau nghe, rồi có kẻ xướng, người họa, hoặc nhiều người, mỗi cụ làm một câu, để hoàn thành bài thơ Đường thi "thất ngôn bát cú" bốn người thì chơi bài tứ tuyệt, hoặc cụ nầy ra câu đối, để các cụ kia đối lại. Tôi không dám khen, chớ quí vị (chơi thơ) tiền bối ấy, đối rất mau, quá chỉnh mà hay nữa. Nếu không ? sao thỉnh thoảng quí cụ lại vỗ tay đánh bốp gật đầu khen hay hay rồi trân trọng thưởng nhau một chung rượu lễ ! Kể về lãnh vực thơ , phú, tôi đoan chắc nghĩ quí cụ vào hàng cự phách, chớ không phải làm thơ để tự khen nhau :

"Con cóc trong hang

Con cóc nhảy ra

Con cóc ngồi đó

Con cóc nhảy đi" Than ôi ! Quí cụ ngày xưa chơi thi phú rất thanh cao thú vị để nuôi dưỡng, an ủi tâm hồn mà nàng thơ thì luôn đãi ngộ. Riết rồi tôi cũng nhiễm bệnh sính thơ, từ đó không còn thấy nhọc tâm hầu hạ quí cụ, bỏ cuộc chơi bắt bướm hái hoa với bạn bè.

Có một hôm, quí cụ lấy bài thơ "Trông chồng" của Tự Đức đem ra đọc, diễn ngâm chơi và khen : "Bài thơ độc nhất vô nhị, vô tiền khoáng hậu". Đặc biệt là đọc xuôi, đọc ngược cũng được. Bỏ bớt 2 chữ đầu, 2 chữ cuối, sẽ thành 6 bài thơ nghiêm chỉnh.

Đây bài "Trông chồng" - Vần "song"

DƯƠNG TÀ, NGUYỆT XẾ ĐÃ NGÒAI SONG

HÉO HẮT TRÔNG AI QUÁ RẤT TRÔNG

THƯƠNG BẤY THIẾT THA LÒNG HÉO LIỄU

NHỚ THAY VÀNG VỎ MÁ PHAI HỒNG

VƯƠNG SẦU XIẾT KỂ CHI NGƯÔI BẮC

Ý TỦI THÊM BUỒN VẢ CHẠNH ĐÔNG

CHÀNG HỠI BIẾT AI CHĂNG BỘI BỰC ?

LOAN HÀNG VIẾT THẢO TẢ TÌNH CHUNG

Tự Đức

Bài 2 - Đọc ngược lại từ dưới lên - Vần "Loan"

CHUNG TÌNH TẢ THẢO VIÉT HÀNG LOAN

BỰC BỘI CHĂNG AI BIẾT HỠI CHÀNG ?

ĐÔNG CHẠNH VẢ BUỒN THÊM TỦI Ý

BẮC NGUÔI CHI KỂ XIẾT SẦU VƯƠNG

HỒNG PHAI MÁ VÕ VÀNG THAY NHỚ

LIỄU HÉO LÒNG THA THIẾT BẤY THƯƠNG

TRÔNG RẤT QUÁ AI TRONG HẮT HÉO

SONG NGOÀI ĐÃ XẾ NGUYỆT, TÀ DƯƠNG

Bài 3 - Đọc xuôi từ trên xuống, bỏ bớt 2 chữ đầu - Vần "Song"

NGUYỆT XẾ ĐÃ NGÒAI SONG

TRÔNG AI QUÁ RẤT TRÔNG

THIẾT THA LÒNG HÉO LIỄU

VÀNG VỎ MÁ PHAI HỒNG

XIẾT KỂ CHI NGƯÔI BẮC

THÊM BUỒN VẢ CHẠNH ĐÔNG

BIẾT AI CHĂNG BỘI BỰC ?

VIẾT THẢO TẢ TÌNH CHUNG

Bài 4 - Đọc xuôi từ trên xuống, bỏ bớt 2 chữ chót - Vần "Đã"

DƯƠNG TÀ, NGUYỆT XẾ ĐÃ

HÉO HẮT TRÔNG AI QUÁ

THƯƠNG BẤY THIẾT THA LÒNG

NHỚ THAY VÀNG VỎ MÁ

VƯƠNG SẦU XIẾT KỂ CHI

Ý TỦI THÊM BUỒN VẢ

CHÀNG HỠI BIẾT AI CHĂNG

LOAN HÀNG VIẾT THẢO TẢ

Bài 5 - Đọc từ dưới ngược lên, mỗi câu bớt 2 chữ sau - Vần "Loan"

TẢ THẢO VIẾT HÀNG LOAN

CHĂNG AI BIẾT HỚI CHÀNG

VẢ BUỒN THÊM TỦI Ý

CHI KỂ XIẾT SẦU VƯƠNG

MÁ VÕ VÀNG THAY NHỚ

LÒNG THA THIẾT BẤY THƯƠNG

QUÁ AI TRÔNG HẮT HÉO

ĐÃ XẾ NGUYỆT, TÀ DƯƠNG

Bài 6 - Đọc từ dưới ngược lên, mỗi câu bỏ bớt 2 chữ trước - Vần "Viết"

CHUNG TÌNH TẢ THẢO VIẾT

BỰC BỘI CHĂNG AI BIẾT

ĐÔNG CHẠNH VÀ BUỒN THÊM

BẮC NGUÔI CHI KỂ XIẾT

HỒNG PHAI MÁ VÕ VÀNG

LIỄU HÉO LÒNG THA THIẾT

TRÔNG RẤT QUÁ AI TRÔNG

SONG NGOÀI ĐÃ XẾ NGUYỆT

Tự Đức là nhà thơ tài hoa vương giả, thời Thi xã Tuy Lý Vương, Tùng Thiện Vương, có những bài thơ, câu thơ tuyệt diệu để đời. Như trong bài : "Khóc Bằng Phi". 2 câu rất hay quá mỹ từ như :

"Đập cổ kính ra, tìm lấy bóng

Xếp tàn y lại, để dành hơi ..."

Tuy nhiên, đáng tiếc một người thơ vô phước phải làm nhà vua, dù sao cũng phải giữ cái ngôi Thiên Tử độc tôn nên cái ác vua chúa phải lấn cái thiện cố hữu của người nghệ sĩ nên Tự Đức nhà thơ không gớm tay, đang tâm giết anh là Hoàng thân Hồng Bảo, nghi tội toan cướp ngôi mình. Cho nên mới có bài "Răng cắn lưới mà làm chi", thơ rằng :

"Sinh ngã chi sơ, nhữ vị sinh.

Nhữ sinh chi hậu, ngã vi huynh

Nhất đương cộng hưởng trân cam vị

Hà nhẫn thương vong cốt nhục tình"

Thơ ngụ ý : "Tao sinh ra trước mầy mới sinh, mầy sinh sau, tao là anh, cùng nhau hưởng thụ ngọt bùi, sao lại nỡ cắn xé, đoạn tình cốt nhục".

Bởi cái hớ hênh của Tự Đức khi dự yến tiệc, thấy răng mình cắn nhằm lưỡi nên ra lệnh "ai làm thơ tả sự cố sẽ được thưởng". Bài thơ của ông Nguyễn Hàm Ninh (một trong đám quần thần) được Tự Đức khen hay nhất dĩ nhiên (không làm sao được?) ông ta vẫn được thưởng nhưng lại bị phạt 3 roi vì tội ngụ ý chế nhạo, chưởi xéo nhà vua trước bá quan văn võ.

Trời xế chiều, các cụ quyến luyến chia tay, miệng cười hả hê, ngụ ý : "Thời phong kiến đã qua , ai rồi cũng theo ông bà về cõi vĩnh hằng, còn chăng chỉ đôi vần thơ để hậu thế đọc nghe chơi, khi trà dư, tửu hậu, mà ngàn năm vẫn là "Dương tà nguyệt xế đã ngoài song".

Cần Thơ, 10 - 06 - 2003

Nhật Lệ (st)

TỪ XƯA ĐÌNH BÌNH THỦY

Nếu du khách đến Cần Thơ, trên đường về Long Xuyên di xe độ 5 km qua cầu Bình Thủy sẽ thấy Long Tuyền Cổ Miếu tức Đình Bình Thủy uy nghi tọa lạc bên đường Lê Hồng Phong, mặt tiền có cổng tam quan cao lớn, mái cong, lợp ngói men xanh, với hàng chữ nho cổ kính : Long Tuyền Cổ Miếu.

Tiền đình của Đình ngó ra dòng sông Bình Thủy, nước im trong xanh lững lờ trôi chảy ... Đối diện bên kia song là chùa Nam Nhã, cũng một di tích lịch sử, thế cuộc thăng trầm, qua bao mùa khói lửa, nơi đây xưa đã từng in dấu nhiề chí sĩ, nhà cách mạng yêu nước từ thời Cần Vương, phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, thời chống Pháp, đánh Mỹ, chùa như cõi Tiên bên dòng chạy qua cầu ....

Ngày xưa, từ đời Hậu Lê đến đời Gia Long năm thứ 15 (Bính Tý 1816) Bình Thủy thuộc xã Long Tuyền , tổng Định THới, quận Ô Môn và trước đó là Long Tuyền còn có tên là Bình Hưng, sau lại cải danh thành Bình Phó. Lúc bấy giờ dân cư sống rất thưa thớt, có người nói còn thấy dấu chân cọp đi. Về sau có ông Lê Thành Hiếu và ông Võ Văn Tựu từ Định Tường đem vợ con chạy giặc vè trú ngụ tại hai ấp Hưng Hòa (Bình Nhựt), ấp Thới Hòa (Bình Lạc). Hai ông có nhiều công khai hoang lập ấp. Bình Thủy có dòng nước trong lành, lưu vực từ Cồn Linh đến xã Thới Bình, sông sâu, nhưng nước êm đềm chảy, ít khi có gió to, sóng lớn.

Long cuộc phát sinh, phong cảnh đôi bờ xinh đẹp hữu tình. Một miền đất hứa, ngừoi dân sinh sống hiền hòa. Con rạch theo nguồn nước chảy uốn khúc như rồng nằm, miệng ngậm trái châu. Con rạch lại có Cồn án ngang, hình thể tựa như có 4 chân , 2 chân trước là rạch Ngã tư lớn và Ngã tư bé nằm ngang nhau, 2 chân sau là rạch Miễu Ông và rạch Cái Tắc.

Về sau Tri phủ Nguyễn Đức Nhuận và Cai tổng Lê Văn Noãn (quê Bình Thủy) cùng với thân hào nhân sĩ, hội họp tại công sở, đồng ý đặt lại tên là xã Long Tuyền, còn danh xưng Bình Thủy thì đặt tên chợ.

Sau cơn bão lụt năm Giáp Thìn (1844) hoành hành, dân tình đói rách, ruộng vườn hoang tàn. Người dân lam lũ, làm lại từ đầu một ngôi đình nguyên sơ bằng gỗ, mái lợp lá tại vàm rạch Bình Thủy được ra đời. Dân chúng nguyện Linh Thần phù hộ làm ăn sinh sống yên ổn. Từ đó cuộc sống trở lại sung túc. Đất lành chim đậu, khách phương xa trong đó có người Hoa, tấp nập tới lập nghiệp ngày càng đông.

Tương truyền vào năm 1852 dưới triều vua Tự Đức thứ 5, quan Tuần phủ Huỳnh Mẫn Đạt ngồi thuyền tuần du qua sông Hậu, gặp phải trận cuồng phong, ông cho thuyền tấp vào Cồn Linh, rồi vô rạch Bình Thủy, tới đây thấy được bình yên, gió lặng, quan Khâm sai Đại thần bèn lên bờ tìm hiểu dân tình, thấy nơi đây phong cảnh tốt tươi, lương dân chí thú làm ăn, đúng là nơi an cư lạc nghiệp. Rồi sau đó Cụ trở vè triều, bèn dâng sớ tấu trình lên mọi sự việc địa phương Ngài đi qua... Vua Tự Đức mới ban sắc phong thần cho đình Bình Thủy là Thành Hoàng Bổn Cảnh.

Về sau Tri phủ Nguyễn Đức Nhuận thấy đình sắp sập, nên năm 1904 có ý định dời đình về Ngã tư bé, trên đất làng rộng 2 ha 9, nhưng chẳng may người chủ trương ấy qua dời, công việc dời đình bị đình trệ. Cho đến ngày 12 tháng 7 năm 1909, gnôi đình được xây dựng lại tại vàm Bình Thủy, do ông Hương cả Nguyễn Doãn Cung đứng ra điều khiển, công việc thiết kế do ông Huỳnh Trung Trinh đảm nhận. Sẽ thiếu sót nếu quên nói thêm, có ông La Xuân Thanh và con trai ông là La Thành Cơ, cùng bà Đặng Thị Viết (thân mẫu ông Nguyễn Doãn Cung) đóng góp tiền bạc công sức không ít, đến năm 1910 mới hoàn thành. Trải qua bao sóng gió thời cuộc biến đổi, thăng trầm, ngôi dình Bình Thủy vẫn uy nghi tồn tại đến ngày nay đã hơn 140 năm.

Quần thể đình gòm có 4 miễu nhỏ : hai bên hông đình, phía sau, có Miến Thần Nông, miểu ông Hổ hai đằng trước, miểu Tả Bang, miểu Hữu Bang, mọt dãy nhà dài Lục Ấp : Bình Nhựt, Bình Lạc, Bình Thường, Bình Dương, Bình Phó và Bình yên, dùng để 6 ấp sinh hoạt , cúng kiếng nghỉ ngơi trong 3 ngày lễ lớn.

Vào trong đình, những cột chạm trỗ chữ Nho tinh vi, nào hoa mẫu đơn, những con rồng quấn quanh cột được sơn son thếp vàng, rập theo nghệ thuật tuyệt diệu điêu khắc ở cung đình. Đèn mầu thắp sáng choang. Trước bệ thờ Sắc Thần, đặt một bộ đỉnh lư đồng nặng trên 108 ký, ước độ 100 năm, thật là bệ vệ trang nghiêm, làm tăng chốn tôn nghiêm thờ phụng. (Năm 1945 bộ đỉnh lư đồng nầy bị hai vợ chồng tên H....... lấy trộm đem xuống thuyền, chở thẳng lên Châu Đốc dạm bán, nhưng chẳng ăi dám mua, bèn đem chôn giấu tạm cạnh chùa Phi Lai ở núi Tượng. Nay có bà Bảy Tỷ, thấy dình không có dỉnh lư thờ Thần, bèn bỏ tiền ra mua một bộ đỉnh lư khác, cúng dường cho đình, cở nhỏ hơn nhiều, độ chừng 70 ký. Về sau, không ngờ, Hòa Thượng trụ trì chùa phát giác, có vật lạ chôn giấu trong khuôn viên chùa, đúng giờ ngọ ngài bèn sai đệ tử lấy xà ben nạy lên xem thử, hóa ra là bộ đỉnh lư đồng, đem chùi rửa sạch sẽ mới nhận ra chữ đề : Đình Long Tuyền. Ngài cho người về Bình Thủy báo tin cớ sự. Nhân dân vui mừng cảm tạ vô cùng, bèn cử 4 ông trong ban Tế tự, lên Châu Đốc nhận lại báu vật.

Đình còn thờ các vị anh hùng dân tộc có công với đất nước như : Trần Hưng Đạo, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Bùi Hữu Nghĩa ..v..v.... Người ta còn nhìn thấy trên mỗi bàn thờ : Hương chức Tiên Giác, Tiền Hiền, Hậu Hiền,

Hữu Bang, Tả Bang dều có một bộ lư đồng đánh bóng như mới.

Mỗi năm đình Bình Thủy có hai kỳ lễ hội : lễ Kỳ Yên hạ điền nhằm ngày 14 tháng chạp âm lịch (cúng một ngày), lễ Kỳ Yên thượng điền nhằm vào những ngày 12,13, 14 tháng 4 âm lịch.

Coi như hai kỳ lễ hội, một mừng vụ Đông Xuân, hai mừng vụ Hè Thu, gieo hái kết quả, dân chúng bình yên, mở hội cúng tế Thần Làng, cảm ơn trời đất, cầu quốc thái dân an. Theo nghi lễ, bản sắc dân tộc mà người Việt Nam luôn gìn giữ "uống nước nhớ nguồn" !

Cũng những ngày nầy, từ 5 giờ sáng khách thập phương và dân chúng địa phương đã tề tựu về đình để theo xe kiệu rồng rước sắc thần du ngoạn phố xá, từ đình đến Ngã tư bé, dân chúng ở hai bên đường đều bày hương án, hoa quả trang ngihêm để cúng thần. Rồi người người tấp nập tới đình dâng hương cúng lễ. Quán xá bày bán la liệt, đường nghẹt người đi. Con cháu đi làm xa phương cũng về dự cúng đình. Trai thanh gái lịch lục ấp được dịp cúng đình rủ nhau ra Bình Thủy vui lễ, thật là những ngày vui cổ truyền trong năm.

Đêm dến mới thật là vui, hoa đăng sáng rực một góc trời, trước sân đình đoàn hát bị hoặc Hồ Quảng diễn những vở tuồng cổ mang tính chất truyền thống dân tộc cho đến sáng. Ở khuôn viên Ủy ban Phường, trường học, nào là lô tô, ném lon, mô tô bay, tưng bừng như hội chợ. Bình Thủy xưa nay là phường, nơi đô hội sầm uất thuộc thành phố Cần Thơ , được nâng lên thành quận, thật mừng thay !

Ngày 5 tháng 9 năm 1989, Bộ Văn hóa công nhận di tích lịch sử văn hóa đình Bình Thủy. Trong bia tạc dựng trước sân đình có đề rằng : "Long Tuyền Cổ Miếu tức đình Bình Thủy ngày nay, được vua Tự Đức năm thứ 5 phong Sắc : Bổn Cảnh Thành Hoàng ngày 29 tháng 11 năm 1852". Ngôi đình hiện tại được xây dựng từ năm 1909. Đây là một trong những ngôi dình lâu đời của Nam Bộ, còn giữ được khá nguyên vẹn ở TP Cần Thơ.

Đình Bình Thủy một công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị của dân tộc Việt Nam, nơi sinh hoạt văn hóa tinh thàn của đông đảo quần chúng nhân dân trong những ngày lễ hội truyền thống.

Thấy ngôi đình Bình Thủy xuống cấp năm 2003 Chính quyền cùng nhân dân sở tại có kế hoạch trùng tu, nâng nền, lợp ngói nội thất, các cột trụ sơn son thếp vàng do Công ty trùng tu ngoài Trung đảm nhận, vì thế ngôi đình Bình Thủy hôm nay thật hoành tráng tôn nghiêm.

Bản thân là dân cư ngụ nên trong sưu tầm và hiểu biết rất hạn hẹp có điều gì sơ sót, xin quí vị tiền bối địa phương niệm tình.

Cần Thơ, ngày 08 tháng 8 năm 2008

NHẬT LỆ (ST)



 

TÌNH NGƯỜI

Tôi còn nhớ chiều ấy tại Trạm bảo sanh Khu vực Bình Thủy sau giờ giao ban, mấy chị em sắp sửa ra về thì có một chàng thanh niên cùng với người vợ trẻ rụt rè bước vào, cười chào chúng tôi rất là lễ phép rồi hai tay đưa tôi hộp bánh :

"Thưa Cô, chúng em đến thăm cô, xin gởi cô chút của lấy thảo đón xuân!".

Tôi bỡ ngỡ nhìn hai vợ chồng thanh niên và từ chối nhận quà.

Không dám ! Cậu là ai ? Lý do gì đến quà cáp cho tôi tại công sở bảo sanh nầy! Không nên đấy ! Có lầm người không ?

- Cô quên em rồi sao ? Năm ngoái em đem mẹ bệnh "vợ sanh" được cô tận tình giúp đỡ chạy chữa cho đó, nếu không có cô thì đã ......

- À, à, tôi nhớ ra rồi. Bây giờ trẻ đẹp và mập mạp ra. Hèn gì tôi khong nhẩn a là phải ! Được gặp lại cậu như thế nầy tôi mừng lắm rồi !

- Em xin vào Trung tâm cai nghiẹn cả năm nay được về và đi làm mấy tháng nay. Chút quà mọn làm sao xứng đáng với công ơn của cô đã khuyên dạy giúp đỡ đền bù cho em, mong cô nhận, chúng em xin chúc quí cô năm mới hạnh phúc.

- Như vậy thì được ! Cảm ơn - Cảm ơn ! Bà má có khỏe không ? Cho tôi gởi lời thăm.

- Dạ khỏe - Cám ơn cô. Không dám giấu gì ngày trước lên cơn em đã phạm tội bất hiếu làm mẹ bị thương !

- Các chị quên rồi sao ? Năm ngoái cái anh chàng nầy nói rằng "mẹ bị té ngã", tới xin băng bó vết thương nơi đầu đang chảy máu. Mấy chị bảo xuống bệnh viện đa khoa, chớ đây là nhà bảo sanh khu vực không có chức năng chữa trị. Nó la rần rần đòi quậy dữ nhớ chưa ? Tôi nghĩ vết thương cũng chẳng có gì trầm trọng bèn băng bó giú cho bà về theo yêu cầu.

Sau nầy mới biết thằng nhỏ bị vướng vào xì ke, ma túy, xin tiền mẹ không cho nên mới xô ngã bà ta mới ra nông nổi thế.

Buồn rủi thay, sau khi tôi băng xong đâu đấy, họ ra về, tôi lại phát hiện bộ dụng cụ y tế của nhà bảo sanh mình "không cánh mà bay mất tiêu". Linh tính tôi nghi đám ấy, thế mà đúng. Tôi đi hỏi và tìm đến nhà ấy mấy lần, thằng nhỏ nghe thấy là trốn lũi.

Bà mẹ nói khóc lóc "năn nỉ quá", lạy lục tôi xin đừng thưa gởi con bà đi tù tội nghiệp, bà chỉ có một mình nó là đứa con trai. Hư hỏng, bỏ học theo bạn bè mới đây thôi. Rồi bà cưới vợ cho nó cũng như không. Bà hứa sẽ kiếm tiền mua lại đền cho nhà bảo sanh và hứa sẽ giáo dục khuyên bảo nó. Các chị có thấy không ? Thương người mà hại mình. Nhưng nghĩ cũng chẳng bao nhiêu tiền. Tôi phải bỏ tiền túi ra mua dao kéo và đồ linh tinh để cho nhà bảo sanh có mà dùng tạm đã. Phải báo cáol ên cấp trên và chịu kiểm điểm nữa đấy. Có tức giận không ? Mất cả điểm thi đua !

Rồi một hôm gặp ngày chủ nhật được nghỉ trùng hợp ngày dự lễ cưới con người bạn, hai vợ chồng tôi được nhà trai mời làm chủ hôn. Áo quần đàng hoàng, còn sớm giờ nhưng mắc mớ gì tôi lại ghé qua nhà bảo sanh mình làm chi ? Không ngờ lại gặp thằng nhỏ ấy chở vợ đi sanh, mà sanh rất khó, đâu phải ca bình thường. Bấy giờ ở nhà bảo sanh ngoài cô mụ trực mới ra trường, chỉ còn có tôi. Xe cộ phương tiện chẳng có đối với phường xã lẻ xa xôi, nguy quá rồi. Tôi đành phải bao xe liền đi cùng với hai vợ chồng thằng nhỏ chạy mau tới nhà thương lớn đa khoa, may quá còn kịp, cứu được cả mẹ lẫn con. Hỏng làm trưởng tộc mất ăn đám cưới.

Thảm hại " tiền xe, tiền phòng, thuốc men", tôi đều lo hết, bởi cu cậu không có một xu dính túi.

Thấy đứa con đầu lòng ra đời, vợ nó khổ sở như thế, nó chợt bừng tỉnh khóc :

- Em mang ơn Cô suốt đời, biết ngày nào trả được ?

Tôi an ủi : - "Em còn trẻ lắm, tương lai còn dài, nếu muốn trả ơn thì chưa muộn. Hãy nghe lời cô tu tỉnh lại, chưa trễ đâu mới bị mà, đừng để qua HIV là hết đường! Em còn vợ trẻ, con thơ, còn mẹ già, còn tương lai rực rõ đang đón chờ!"

- Dạ, em xin nghe lời cô dạy vẽ, sẽ có một ngày, em xin hứa.

Hai vợ chồng trẻ như đôi chim én ngày xuân, vừa đến tặng quà làm chúng tôi bở ngỡ trong câu chuyện tôi kể đây. Và lẽ tất nhiên tôi phải mừng và có gì đâu mà không nhận của họ cho họ vui, có đúng là bao tình nghĩa khác tôi lợi đấy chứ!

N.L

.

Nhạc sĩ Nhật Lệ & Võ Quê