Print

PHẠM ĐÌNH TRỌNG NGƯỜI HỌA SĨ DƯỚI CHÂN ĐỒI CHÂU SƠN

Published Date
Written by Võ Quê
Hits: 6389

 

PHẠM ĐÌNH TRỌNG

NGƯỜI HỌA SĨ DƯỚI CHÂN ĐỒI CHÂU SƠN

 

       Trong khi hầu hết những hoạ sĩ hội viên Hội Mỹ Thuật Thừa Thiên Huế đều sinh sống, công tác, hoạt động trên địa bàn thành phố Huế thì hoạ sĩ Phạm Đình Trọng lại một mình lặng lẽ sống, vẽ trong một ngôi nhà nhỏ dưới chân đồi Châu Sơn, xã Thuỷ Châu, Hương Thuỷ. Với đời sống từ một miền quê yên ả ấy lại là chất liệu, vốn quý giúp Phạm Đình Trọng có nhiều sáng tác mỹ thuật.

     Hoạ sĩ Phạm Đình Trọng sinh năm 1954 tại làng Xuân Thiên Hạ, Vinh Xuân, Phú Vang, Thừa Thiên Huế. Với năng khiếu mỹ thuật và niềm say mê vẽ tranh mà Phạm Đình Trọng đã theo học hội hoạ và tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế khoá 12bis năm 1973, cùng khoá với một số hoạ sĩ khác như Bửu Tân, Đào Hữu Lợi (Huế), Nguyễn Thành (TP. Hồ Chí Minh), Phan Đơn (ở Mỹ)…Ngoài sở trường vẽ tranh lụa, Phạm Đình Trọng còn sáng tác điêu khắc, vẽ tranh với các chất liệu khác như sơn dầu, bột màu, ghép giấy...

       Theo một số bằng hữu, đồng nghiệp thì tranh lụa của Phạm Đình Trọng rất hiện thực với chiều sâu của mạch nguồn dân tộc, tranh Phạm Đình Trọng hồn hậu, chơn chất, tiềm ẩn một tình yêu quê nhà đằm thắm, dung dị. Trên tạp chí Sông Hương số 181(3-2004), hoạ sĩ Đặng Mậu Tựu đã nhận xét về tranh Phạm Đình Trọng :” Nhà anh không dư dật gì, nhưng khi anh vẽ thì ai cũng nễ, anh dành nhiều thời gian cho vẽ tranh. Anh vẽ nhiều chất liệu, nhất là tranh lụa.Nhìn tranh anh, tức đã nghe anh nói, tranh nhẹ nhàng từ dáng, màu và kể cả đề tài, anh timf trong cái dịu dàng, và cho nguời xem thấy như lạc vào vùng sương khói, ở đó những tiếng nói của những thiếu nữ tưởng chừng đang ru ta trong mộng mị”.

       Vượt lên những khó khăn của cuộc sống gia đình, được sự động viên của vợ hiền vốn là một người buôn bán nhỏ cùng sự hỗ trợ, giúp đỡ của thân hữu, Hội Mỹ thuật tỉnh…Phạm Đình Trọng đã tích cực tham gia nhiều cuộc triển lãm chung trong tỉnh, khu vực và nhiều nơi trong nước và ở Singapore; đồng thời thực hiện các cuộc triễn lãm nhóm hoặc cá nhân. Từ 1970, Phạm Đình Trọng đã lần lượt mở những phòng triển lãm sau đây: triển lãm chung với hoạ sĩ Nguyễn Đình Thuần (1989), triển lãm cá nhân (1992) tại TP. Hồ Chi Minh; tại Savanakhet, Lào (1994), triển lãm cá nhân tại Huế (1998), triển lãm chung với hoạ sĩ Bửu Tân tại Huế (1999). Hiện nay tranh của Phạm Đình Trọng đã được có trong các sưu tập cá nhân trong và ngoài nước. Do tác phẩm của Phạm Đình Trọng tiềm ẩn hồn dân tộc đậm đà nên một số khách sạn tại Huế cũng đã mời Phạm Đình Trọng tham gia vào việc trang trí nội thất nhằm giới thiệu phần nào bản sắc văn hoá Huế thông qua loại hình mỹ thuật. Riêng tại khách sạn Century, ngoài những tác phẩm nhỏ anh treo trong các phòng, anh đã sáng tác bức phù điêu cỡ lớn chủ đề Bắc Trung Nam, 4 bức tranh phong cảnh lớn: “Sưong mù Bạch Mã”,”Sông Hương”,”Vịnh Hạ Long”,”Nông thôn Thừa Thiên Huế”.

 

      Trong tư cách của một hội viên Hội Mỹ Thuật Thừa Thiên Huế, Phạm Đình Trọng năng nổ trong việc tham gia các trại sáng tác văn học nghệ thuật mở tại các địa phuơng trong tỉnh. Năm 2003, tại trại sáng tác Thuỷ Thanh, Hương Thuỷ trong vòng 15 ngày anh đã sáng tác một số tác phẩm đáng chú như: “Nét đẹp Thuỷ Thanh” (tranh sơn dầu), “Cầu ngói xanh”(tranh ghép giấy), “Dương Hoà-Nơi đây sẽ là lòng hồ Tả Trạch “(tranh ghép giấy). Riêng tác phẩm này Phạm Đình Trọng đã rất tâm đắc khi sáng tác. Anh đã hình dung một vùng quê xanh tươi thân thuộc với một đời sống dân dã đượm tình làng nghĩa xóm sẽ một ngày chìm trong lòng hồ Tả Trạch. Sự hy sinh của người dân nơi đây dành cho sự nghiệp xây dựng kinh tế đất nước to lớn biết chừng nào! Các tác phẩm vẽ tại trại sáng tác Phạm Đình Trọng đã tặng Huyện uỷ, UBND Huyện Hương Thuỷ và xã Thuỷ Thanh. Chính những ngày dự trại sáng tác ở Thuỷ Thanh mà Phạm Đình Trọng lại có duyên với vùng đất có danh thắng cầu ngói Thanh Toàn. Trong Festival Huế 2004, Phạm Đình Trọng đã mở một quán tranh nhỏ trưng bày tranh tại Chợ quê ngày hội với những tác phẩm mô tả thiên nhiên ruộng đồng, làng quê, các sinh hoạt ở nông thôn. Quán tranh của anh đã thu hút sự chú ý của du khách trong, ngoài nước về cầu ngói Thanh Toàn dự hội. Nhân dịp này, Phạm Đình Trọng cũng đã tặng nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm tác phẩm “Cầu ngói xanh”.

      Những ngày tháng 8.2004 Phạm Đình Trọng lại được dự trại sáng tác do Hội LHVHNT tỉnh mở tại xã Vinh Hiền, Phú Lộc. Nơi đây, anh có dịp trở về danh thắng Tuý Vân và vẽ tác phẩm “Phong cảnh Tuý Vân”, được sống hoà đồng trong dân để có tác phẩm “Cuộc sống đầm phá”,”Biển và cá”,”Đuờng về Phú Lộc”, với tác phẩm “Công trường thi công cầu Vinh Hiền” anh cho đây là sự may mắn của anh. Nếu không kịp về trong giai đoạn đầu thi công cầu Vinh Hiền thì sau này khó mà tìm được cảm xúc tinh khôi về một công trình lớn ích quốc lợi dân của tỉnh nhà.

      Lặng lẽ một cõi riêng dưới chân đồi Châu Sơn, Phạm Đình Trọng cứ miệt mài, âm thầm vẽ. Anh còn một hạnh phúc khác là hai con trai lớn đã lần lượt vào đại học. Cảnh nghèo đạm bạc nhưng có một không gian sắc màu của cuộc sống dưới mái ấm của hoạ sĩ Phạm Đình Trọng.