Print

NGÔ LAN HƯƠNG NỖI NIỀM EM GÁI

Published Date
Written by Võ Quê
Hits: 5970
"...tranh của Ngô Lan Hương đã có mặt tại các sưu tập cá nhân trong và ngoài nước..."

 

NGÔ LAN HƯƠNG
NỖI NIỀM EM GÁI

 

      Ngô Lan Hương quê quán ở Tuy Hòa nhưng lại được sinh ra và lớn lên từ thành phố Vinh, Nghệ An. Vốn có niềm say mê hội họa lại có năng khiếu vẽ, Ngô Lan Hương đã thi vào trường Đại học Nghệ thuật Huế và tốt nghiệp năm 1992.

     Từ sau cuộc triển lãm Sinh viên Toàn quốc 1992, Ngô Lan Hương ấp ủ một mong ước là có một cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên trên thành phố Huế, miền đất trữ tình, thơ mộng mà Ngô Lan Hương đã cùng chồng là một chàng trai Bình Định quyết định chọn làm nơi sinh cơ lập nghiệp. Phải mất một thời gian dài chắt chiu sáng tác bên cạnh công việc mưu sinh vô cùng khó khăn, vất vả Ngô Lan Hương mới tổ chức cuộc triển lãm cá nhân tại Huế vào năm 1996. Cuộc ra mắt tác phẩm mỹ thuật của Ngô Lan Hưong trước công chúng Huế lần này đã gặt hái nhiều thành quả. Bạn bè đồng nghiệp ghi nhận tâm huyết, tài năng của một tác giả nữ đã vượt lên chính mình để ra mắt giới thưởng ngoạn nghệ thuật Huế một phòng tranh đầy ấn tượng, giàu cảm xúc.

     Là một thành viên trong Ban chầp hành Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế, Ngô Lan Hương rất năng nỗ trong các hoạt động góp phần xây dựng phát triển phong trào mỹ thuật của Hội. Và trong tư thế của một người sáng tác, từ năm 1995 đến nay, Ngô Lan Hương tham gia gần như hầu hết các cuộc triển lãm mỹ thuật nữ tác giả hằng năm vào dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ (8.3) do các cơ quan Hội LH Văn học Nghệ thuật, Hội LH Phụ Nữ Thừa Thiên Huế, Trường Đại Học Nghệ Thuật Huế, Phòng VH TT-TT thành phố Huế phối hợp tổ chức; Ngô Lan Hương cũng đã tích cực gửi tác phẩm dự các cuộc triển lãm khác như triển lãm mỹ thuật Bắc Miền Trung do Hội Mỹ Thuật Việt Nam mở hằng năm tại Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế; triển lãm 4 trường Đại học tại Thái Lan (1998); triển lãm Mùa Xuân do Hội Mỹ Thuật, Sở Văn hóa Thông tin Thừa Thiên Huế, Phòng VHTT-TT thành phố Huế phối hợp thực hiện (1997, 1998, 1999, 2000, 2001, 2002...) triển lãm Câu Lạc Bộ Mỹ thuật Nhà Văn hóa Huế (1998,1999). Tháng 5.2000, được sự tài trợ của Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam tài trợ, Ngô Lan Hương đã cùng với các họa sĩ Huế: Đỗ Kỳ Hoàng, Đặng Mậu Tựu, Thân Văn Huy, Nguyễn Thái Hòa, Hồng Trọng Mỹ, Vũ Văn Thiện triển lãm tranh chủ đề “ 7 Họa sĩ Huế” tại khách sạn Mélia, Hà Nội.

     Bằng chất liệu sơn dầu, lụa Ngô Lan Hương đã rất tâm đắc khi chuyển tải nhiều nội dung của đời sống lên tranh với sự nhuần nhuyễn trong tạo hình, bố cục, màu sắc. Người xem bắt gặp ở tranh Ngô Lan Hương sự gần gũi, nồng ấm của ngày thường cùng những rung động nhẹ nhàng mà sâu lắng. Các tác phẩm Nỗi niềm em gái (sơn dầu), Chiều về (sơn dầu) đã phần nào tạo nên những cảm xúc thật, gợi mở cho người xem tranh. Trên tạp chí Sông Hương số158 (4.2002) họa sĩ Đặng Mậu Tựu đã có đôi nét về tranh Ngô Lan Hương: “ ...Quê ở vùng đất Tuy Hòa, sinh ra ở Nghệ An, lấy chồng Bình Định, lập nghiệp tại Huế. Bóng dáng của những miền quê ấy đã được chị hòa vào trong tranh, và nó tạo cho tác giả một nét riêng. Những thiếu nữ miền sơn cước, những thiếu nữ dáng vẻ chân quê luôn là niềm say mê sáng tạo của chị”.

     Hiện nay, bên cạnh công tác giảng dạy tại trường Đại học Nghệ thuật Huế, Ngô Lan Hưong vẫn tiếp tục lặng lẽ sáng tác, tích cực công tác Hội, cộng tác với tạp chí Sông Hương trong lĩnh vực minh họa. Những công việc mà Ngô Lan Hương đang thực hiện là rất đáng quý vì Ngô Lan Hương còn phải dành thời gian để đảm đương chuyện gia đình với bộn bề lo toan, con cái và bếp núc...

     Từ các cuộc triển lãm mỹ thuật trong những năm qua, tranh của Ngô Lan Hương đã có mặt tại các sưu tập cá nhân trong và ngoài nước. Điều ấy khẳng định tác phẩm hội họa của Ngô Lan Hương đã được công chúng đón nhận rất công tâm với niềm mến mộ chân tình. Hy vọng và chờ đợi Ngô Lan Hương trong thời gian tới sẽ có một phòng tranh mới vừa sinh động vừa ngời lên sắc màu hạnh phúc của cuộc sống.