Print

NGHỆ SĨ THU VÂN NGƯỜI CON GÁI NỐI NGHIỆP NHÀ

Published Date
Written by Võ Quê
Hits: 8971
Thu Vân đã cố gắng rèn luyện học tập theo lối khẩu truyền từ các nghệ nhân, nghệ sĩ lão thành như thầy Mục, thầy Họa, cô Tư Huệ...

 

NGHỆ SĨ THU VÂN

NGƯỜI CON GÁI NỐI NGHIỆP NHÀ      

 

     Với các loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc như nhạc nhã cung đình, sân khấu tuồng, ca kich, ca Huế... thì Huế là nơi có nhiều gia đình nối nghiệp nhau qua nhiều thế hệ. Nghệ sĩ Thu Vân, diễn viên đoàn Nghệ thuật Truyền Thống Huế là một trong những gia đình như thế.

      Thu Vân tên thật là Trần Thị Thu Vân, sinh ngày 4.5.1951 tại làng Mậu Tài, một địa danh đã đi vào câu hát ru “Triều Sơn bán nón, Mậu Tài bán kim” thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang. Thân sinh của Thu Vân là ông Trần Hiếu Cấn, một nghệ nhân sử dụng được nhiều loại nhạc cụ dân tộc như đàn nhị, trống, kèn... của đoàn Ba Vũ. Từ nhỏ, Thu Vân thường đi theo cha xem biểu diễn múa cung đình và đoàn Thanh Bình biểu diễn tuồng Huế. Cung đàn lời ca, các vũ đạo, điệu bộ của múa, của tuồng đã sớm hằn sâu trong tâm thức Thu Vân từ thuở ấu thời với niềm say mê lớn. Vì thế khi nghe thân sinh tâm sự là ông rất muốn có con nối nghiệp nhà trong lĩnh vực múa hát truyền thống thì Thu Vân là một trong năm cô con gái và người anh là Trần Hiếu Minh, một trong sáu người con trai của nghệ nhân Trần Hiếu Cấn đã tình nguyện tiếp bước cha.

     Sau khi học xong cấp 2 ở trường Phan Sào Nam, năm 1966 Thu Vân được nhận vào đoàn Ba Vũ, đây là bước ngoặt đầu đời giúp Thu Vân thể hiện được ý nguyện và ước mơ nối nghiệp nhà của cha. Tại môi truờng này, Thu Vân đã cố gắng rèn luyện học tập theo lối khẩu truyền từ các nghệ nhân, nghệ sĩ lão thành như thầy Mục, thầy Họa, cô Tư Huệ...Qua những người thầy đầu tiên này, Thu Vân đã tìm gặp, tiếp thu ở họ những ngón nghề chân truyền rất mẫu mực; giàu hình tượng, đầy điệu nghệ; Thu Vân đã chịu ảnh hưởng lớn về tính nghiêm túc, công tâm của cá thầy, cô trong lao động nghệ thuật. Họ đã chuyển tải vào tình cảm, tâm hồn Thu Vân niềm say mê mãnh liệt, sự rung động đích thực của nghệ thuật cung đình Huế. Bên cạnh các thầy cô trên, Thu Vân còn được các đàn chị trong đoàn như các nghệ sĩ La Thị Cẩm Vân, Thanh Tâm dạy học ca, học múa, học các điệu bộ cơ bản của tuồng. Ân nghĩa thầy trò, tình cảm chị em đồng nghiệp trong giai đoạn ấy cứ sống mãi một cách trìu ái, dễ thương trong lòng Thu Vân cho đến những thàng năm hiện tại.

     Do loại hình nghệ thuật cung đình Huế ngày càng được biết đến trên trường quốc tế nên Thu Vân cũng đã may mắn có một số dịp được theo đoàn đi biểu diễn ở nước ngoài. Đây chính là những cơ hội tốt giúp Thu Vân vững  vàng, tự tin hơn, rút được nhiều kinh nghiệm biểu diễn hơn trong quá trình buồn vui cùng nghệ thuật dân tộc: Năm 1970 đoàn sang biểu diễn tại Osaka (Nhật Bản), năm 1976 ở Savanakhet (Lào), năm 1994, ở Tokyo (Nhật Bản).    Phải mất một thời gian dài cùng đoàn gắn bó, biểu diễn luyện tập nâng cao tay nghề,  năm 1980, Thu Vân mới được đoàn phân vai diễn. Đó là vai Bà mẹ Phạm Công trong vở tuồng Phạm Công Cúc Hoa, vai Thị Mầu trong vở tuồng Quan Âm Thị Kính. Không thể nào diễn tả được niềm vui của mình khi lần đầu tiên Thu Vân chính thức đóng các vai tuồng lớn, đòi hỏi khả năng diễn xuất về điệu bộ, giọng ca cùng chiều sâu nội tâm nhân vật. Từ thành công sau các vai bà mẹ Phạm Công, Thị Mầu, Thu Vân được đoàn cho đảm nhận các vai Bà Huyện (vở tuồng đồ Nghêu Sò Ốc Hến), Hồ Nô (tuồng Kỷ Lan Anh). Bà Bình (tuồng Chim bằng trong bão tố).Từ các vai diễn trên, Thu Vân được thành công trong hai lần Liên hoan Trích đoạn Tuồng hay toàn quốc: 2 huy chuơng Bạc với vai Bà Bình (1990), vai Bà Mẹ Phạm Công (1995).     

     Định hình trong nghệ thuật, ổn định trong cuộc sống gia đình, Thu Vân đang cố gắng sống khiêm tốn, không phô trương để cống hiến hết mình cùng sân khấu dân tộc bằng máu nghề rất thật, rất đam mê. Thu Vân tâm sự: “Từ trước đến nay người dân Huế, nhất là ở các vùng nông thôn, ven biển, tuồng vẫn được ham thích, yêu chuộng. Khi nào có đoàn về là khán giả tìm đến rất đông, tạo niềm vui , phấn khởi lớn cho diễn viên, nhạc công của đoàn. Thời gian gần đây, do nhiều hoàn cảnh khó khăn chung, đoàn đã không có nhiều dịp về tiếp cận với khán giả quê nhà như trước. Đó cũng là những thiệt thòi, mất mát không chỉ riêng cho người xem mà còn cho nghệ sĩ , diễn viên vì có đối tượng, môi trường biểu diễn nghệ thuật tuồng tốt thì giới nghệ sĩ, diễn viên tuồng mới luôn được lên tay nghề và việc bảo tồn, phát huy các giá trị nghệ thuật truyền thống Huế mới đạt hiệu quả cao”