Print

THANH TÙNG MONG MUỐN ĐƯA LỜI CA HUẾ, HÒ LÊN HÀNG VĂN THỂ

Published Date
Written by Võ Quê
Hits: 5801
Tâm huyết với ca Huế, Thanh Tùng cũng chí cốt, hướng tâm để sáng tác nhiều tác phẩm mới về những đổi thay trên quê hương...

 

 

 

THANH TÙNG

                                   MONG MUỐN ĐƯA LỜI CA HUẾ,

                     HÒ LÊN HÀNG VĂN THỂ 

     Đã từ lâu trong các chương trình biểu diễn ca Huế thường được bắt đầu bằng làn điệu cổ bản và nội dung là bài "Huế đẹp và thơ" : "Đâu nước non xinh đẹp bằng chốn kinh thành. Chỗ Huế mình có dòng uốn quanh, với non Bình cảnh lịch người thanh ...". Bài ca này được nhà văn Phan Du nhận xét : "Qua bao sóng lớp phế hưng, bao cảnh đổi thay biến chuyển. Cố đô vẫn giữ nguyên những nét giai thắng và cái phong thái u nhã, trang nghiêm của chốn cựu kinh. Vì Hương giang vẫn còn, núi Ngự vẫn còn, Linh Mụ tự và bửu tháp Phước duyên, cung xưa, điện cũ, lăng tẩm, thành quách - dù còn phủ rêu phong vì tuế nguyệt - cũng vẫn còn đó để tạo riêng cho những du khách biết ngắm, biết nhìn một thế giới thơ mộng, ưu du ...". Tác giả bài ca được nhiều ca sĩ biểu diễn; được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến ấy là nghệ sĩ Thanh Tùng, một người Huế đã có một mong muốn đưa lời ca Huế lên hàng văn thể.     

     Nghệ sĩ Thanh Tùng tên thật là Nguyễn Gia Tuân, sinh năm 1914 tại Huế trong khi nguyên quán của ông là thôn Cổ Luỹ, xã Hải Ba, huyện Hải Lăng, Quảng Trị. Sinh ra và lớn lên trên thành phố Huế, vùng đất văn vật có nhiều cảnh trí thiên nhiên tươi đẹp; được giao du với nhiều tao nhân mặc khách, nhạc hữu, nghệ sĩ nghệ nhân thuộc nhiều thế hệ khác nhau nên Thanh Tùng đã đến với nghệ thuật đàn ca Huế từ rất sớm. Ông sử dụng thuần thục hai loaị nhạc cụ dân tộc: đàn tranh và đàn nguyệt.

      Vốn là học trò Quốc tử giám, thông thạo chữ Hán và về sau lại tinh thông chữ Pháp,  nghệ sĩ Thanh Tùng đã chuyên tâm nghiên cứu, dịch thuật một số công trình như : "Ức Trai thi tập" (dịch và chú giải toàn tập thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi), "Đưòng thi" (dịch và chú thích), "Thi văn Pháp" (tuyển dịch và biên chú), "Con cá vàng" (tập truyện ngắn dịch từ truyện Pháp) ... về biên soạn và sáng tác ông có các tác phẩm : "Những mẩu chuyện ly kỳ thời Đông châu của Trung Quốc", "Những vui buồn trong giới văn thi sĩ, nghệ sĩ" (tập tuyện ngắn). Riêng lĩnh vực thơ, ca Thanh Tùng đã có những tác phẩm : "Những mối tình" (tập thơ), "Cố đô Huế" (tuyển tập thơ, ca Huế), "Cố đô Huế" (tuyển tập ca Huế và hò in chung với các tác giả Kiều Khê, Vu Hương).

     Trong số các tác giả soạn lời ca Huế cùng thời thì số lượng bài ca Huế của tác giả Thanh Tùng được nhiều nghệ nhân, nhiều ca sĩ ca Huế thuộc lòng, biểu diễn tương đối thuần thục, phổ biến sâu rộng trong giới hâm mộ thú đàn ca Huế  và du khách trong, ngoài nước. Nghệ sĩ Thanh Tùng đã có chung một quan niệm với Kiều Khê và Vu Hương khi sáng tác lời ca Huế . Theo họ soạn lời mới cho ca Huế, hò là nhằm 3 mục tiêu : Một là đả phá quan niệm "xướng ca vô loại". Hai là phụng sự đất nước với ca và hò. Ba là đưa những làn điệu ca Huế và hò lên hàng văn thể ". Riêng về mục tiêu thứ ba Thanh Tùng, Kiều Khê, Vu Hương nhấn mạnh : "Vỗ theo tiếng đàn với những câu dài câu ngắn, với những âm thanh khi trầm, khi bổng, khi nhặt khi khoan, lời ca phải phục tùng những vận bằng và vận trắc. Vả lại những vận nầy phải uyển chuyển và hoà hợp với nhau để khi ca lên có thể gây được một hoà âm vui tươi hay trang nghiêm, não nùng, hay ai oán ... có như thế mới có thể "truyền cảm" từ nội dung của bài ca đến tâm hồn của thính giả. Vậy ca là một loại vận văn, có lẽ hơn tất cả các loại vận văn khác. Cũng như ca, hò cũng là một loại vận văn, phục tùng cả vần bằng lẫn vần trắc. Một câu hò không có một thể cách và một số chữ nhất định; cách cấu tạo của nó có thể tuỳ thuộc ý muốn của tác giả, nhưng những vận bằng và vận trắc của nó phải được tôn trọng luôn luôn. Khéo cấu tạo về nội dung cũng như về hình thức, hò có thể có một tác dụng lớn".(Trích Lời nói đầu tập "Cố đô Huế" - Ca và hò của Thanh Tùng, Kiều Khê, Vu Hương, xuất bản năm 1971).

     Những năm gần đây, mặc dù tuổi hạc đã cao nhưng nghệ sĩ Thanh Tùng vẫn luôn quan tâm đến những sinh hoạt nghệ thuật đàn ca Huế với sự phát triển đáng quý, trong đó có công lao rất lớn của các nghệ nhân, nghệ sĩ ... như bài chầu văn "Điểm mặt tài hoa" ông viết "Cố đô văn vật Huế ta. Bộ môn ca Huế chính là đặc trưng. Đâu đâu tiếng cũng vang lừng ... Lắm tay tài nghệ vô cùng nổi danh. Này đây anh Kế đàn kìm, thâm trầm khúc chiết, đáng xem biệt tài. Bác Cần có ngón tỳ tươi. Khúc mau sầm sập như trời đổ mưa ... Thanh Tâm uyển chuyển mơ màng. Giọng ngân truyền cảm thấm tràn nước mây ...".

    Tâm huyết với ca Huế, Thanh Tùng cũng chí cốt, hướng tâm để sáng tác nhiều tác phẩm mới về những đổi thay trên quê hương; truớc sự kiện Huế được Unesco hai lần công nhận Huế có di sản văn hoá nhân loại. Chúng ta ghi nhận và trân trọng những cống hiến của nghệ sĩ Thanh Tùng trong lĩnh vực sáng tác lời ca Huế cũng như đồng cảm với niềm mong muốn của ông và của nhiều người điệu nghệ trong việc cố gắng đưa ca Huế, hò lên hàng văn thể.