Print

NGHỆ SĨ ƯU TÚ KHÁNH VÂN TỪ SÂN KHẤU ĐẾN DÒNG HƯƠNG

Published Date
Written by Võ Quê
Hits: 8129

Giới thiệu NSƯT Khánh Vân, hội viên Hội Nghệ Sĩ Sân Khấu Việt Nam:

 

NGHỆ SĨ ƯU TÚ  KHÁNH VÂN

TỪ SÂN KHẤU ĐẾN DÒNG HƯƠNG

 Khánh Vân đã được nuôi dưỡng trong môi trường nghệ thuật từ thưở còn thơ bé. Những năm 1970 - 1971, bước vào độ tuổi 14-15, Khánh Vân đã bắt đầu được tiếp nhận làm thành viên chính thức của Đoàn Ca kịch Huế - Trị Thiên lúc bấy giờ đang ở khu văn công Mai Dịch, Từ Liêm, Hà Nội.

Được sự nuôi dưỡng chăm chút, dìu dắt của thân sinh là NSƯT Mạnh Cẩm và của tập thể đoàn, Khánh Vân trưởng thành dần trong nghệ thuật ca kịch Huế. Là học trò cưng của NSƯT Mộng Điệp, Khánh Vân đã được truyền thụ các ngón sở trường, sở đoản của nghệ thuật biểu diễn, sân khấu ca kịch; với các vũ đạo, điệu bộ phức tạp nghệ thuật diễn xướng, ca Huế, các làn điệu dân ca Bình Trị Thiên. Với Khánh Vân, NSƯT Mộng Điệp đã không tiếc công sức rèn luyện đào tạo. Bằng tinh thần tôn sư trọng đạo, Khánh Vân đã trân trọng, quyết tâm học với người thầy, người nghệ sĩ tài danh Mộng Điệp đã tâm huyết dạy dỗ, rèn luyện Khánh Vân những tuyệt kỹ của nghề ca.

Về nghệ thuật vũ đạo, biểu diễn ca kịch trên sân khấu, Khánh Vân may mắn được nghệ sĩ Châu Thành (bác ruột của Khánh Vân), cô Bạch Trúc (vợ nghệ sĩ Châu Thành) truyền dạy tận tâm, chu đáo, giúp Khánh Vân thể hiện thuần thục các bước đi ban đầu của nghệ thuật ca kịch Huế để rồi trở thành diễn viên chính của đoàn.

13738_1178991642972_1473589121_30649034_8089544_n

Khi được hỏi về vai diễn đầu tiên trong cuộc đời nghệ thuật, Khánh Vân đã không ngần ngại kể về một vai phụ trong vở ca kịch Huế "Thoại Khanh Châu Tuấn", đó là vai công chúa nước Tề, lúc ấy Khánh Vân đang vào tuổi 15. Sau đêm diễn này tại Hà Bắc, khi đi chợ, bà con bạn hàng không ngất trầm trồ về một "công chúa Tề" nhỏ tuổi mà diễn xuất rất điệu nghệ. Năm 1970, trong một lần đột xuất Khánh Vân đã vào vai Em Vũ trong vở "Sông Hương từ ấy", kịch bản Văn Lang do Trần Hoạt, Ngọc Oanh đạo diễn. Vai em Vũ vốn do nghệ sĩ Kim Phú đảm nhiệm nhưng Khánh Vân được diễn thay. Thật may, Khánh Vân đã thành công và từ thành công này, Khánh Vân đã tâm đắc với nhiều vai diễn khác qua các vở ca kịch sau này như vai nàng Xita (vở Nàng Xita, Xuân Đàm đạo diễn); vai Liễu Châu (vở Ngọn lửa tình yêu, Ngọc Bình đạo diễn), vai Hương (vở Chiếc áo cưới màu xanh, Xuân Lư đạo diễn), vai Diệu Hương (vở Lời trăn trối, huy chương vàng năm 1990) ...

Năm 1988, sau 20 năm gắn bó với Đoàn Ca kịch Huế - Trị Thiên, do hoàn cảnh gia đình, nghệ sĩ Khánh Vân đã xin chuyển về công tác tại Phòng Văn hoá Thông tin thành phố Huế. Rời đoàn, rời môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp nhưng Khánh Vân vẫn luôn hướng lòng về sân khấu ca kịch Huế. Khánh Vân đã có lần nhận lời vào vai diễn Diệu Hương (như đã giới thiệu trên) và đã diễn xuất rất đạt.

Trong cương vị thành viên Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ ca Huế của Nhà Văn hoá Huế, Khánh Vân lại tiếp tục thực hiện nghệ thuật ca Huế, ca kịch Huế của mình. Vai diễn qua hoạt cảnh, hay trích đoạn của ca kịch Huế được khán giả, công chúng hoan nghênh qua các sân khấu nhỏ, thính phòng hoặc sân khấu lộ thiên ở thành phố hoặc ở các phường xã trong các dịp đăng ký được công nhận là địa phương đạt chuẩn văn hóa.

 

 
                                   NSƯT Khánh Vân (ngoài cùng, bên trái)

Không dừng lại trong các thính phòng, trong các khoang thuyền ca Huế trên sông Hương, Khánh Vân đã có dịp đi biểu diễn ở nước ngoài cùng Câu lạc bộ ca Huế tại Mỹ (1995), Hồng Kông (1996), Hàn Quốc (2007), biểu diễn trong chương trình Âm sắc Huế của Festival Huế (ảnh) và lưu diễn nhiều nơi trong tỉnh, trong nước phục vụ các yêu cầu văn hóa, chính trị tuỳ theo từng thời điểm.

Với quá trình cống hiến nghệ thuật, và tâm huyết dành cho bộ môn ca kịch Huế, Khánh Vân đã được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú vào năm 1997 cùng với các nghệ sĩ : La Cháu, Ngọc Bình, La Cẩm Vân ... Khánh Vân còn được tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhì, được Bộ Văn hoá Thông tin tặng Huy chương Vì sự nghiệp văn hoá.

Như các đồng nghiệp làm nghệ thuật sân khấu khác, hiện nay dù không còn công tác tại đoàn nhưng Khánh Vân vẫn tiếp tục đến với bộ môn ca Huế đêm đêm trên dòng Hương thơ mộng. Sự góp mặt của NSƯT Khánh Vân trong các chương trình này góp phần gìn giữ, nâng cao diện mạo của loại hình âm nhạc truyền thống Huế đang được khách du lịch trong và ngoài nước quan tâm tìm hiểu, thưởng thức. Khẳng định ca Huế vẫn tồn tại một cách tốt đẹp và đang được tiếp tục phát huy trên xứ Huế quê nhà bằng những giá trị đích thực, chân chính.

 

KV VQ