Joomla 1.7 NivoSlider developed by NewJoomlaTemplates in collaboration with best web hosting reviews and ratings.
Print

NHÀ VĂN NHẤT LÂM

 

 

Nhà văn Nhất Lâm tên thật Đoàn Việt Lâm

Quê quán: An Tiêm, Triệu Thành, Triệu Phong, Quảng Trị.

Hội viên Hội Nhà Văn thừa Thiên Huế.

Hội viên Hội Nhà Báo Việt Nam.

TÁC PHẨM:

Văn Xuôi

KINH THÀNH BỎ NGÕ tập truyện ngắn NXB Thuận Hóa 1999.

TRĂNG VIỄN DU tập truyện ngắn NXB Thuận Hóa 2000.

ĐỒI KHÔNG TÊN tiểu thuyết NXB Thuận Hóa 2002.

12 CON GIÁP truyện ký NXB Thuận Hóa 2006.

ĐÊM PHÙ THỦY tiểu thuyết NXB Văn Học 2009.

ĐẤT QUÊ HƯƠNG hồi ký Lê Văn Hoan – trợ bút Nhất Lâm, NXB Thuận Hóa 2009.

IMG_0025

XA HÀ NỘI tiểu thuyết NXB Văn Học 2011.

Thơ

THỨC VỚI MÙA TRĂNG NXB Thuận Hóa 1995.

TIẾNG KHÓC VÀ LỜI RU NXB Thuận Hóa 1997.

VÚ ĐÁ NXB Thuận Hóa 2004.

TIẾNG MƯA NXB Thuận Hóa 2007.

NHẬT THỰC NXB Thuận Hóa 2008.

.


GỬI EM Ở XỨ HOA ĐÀO

Gửi em ở xứ anh đào
Động đất thảm họa ập vào quê hương
Mẹ cha làng mạc mái trường
Có ai thoát nạn tai ương cơ trời...
Chiến tranh tội ác con người
Thiên tai khốc liệt hỏi trời vì đâu...!
Ước chi có phép nhiệm màu
Giúp em ngăn sóng ngõ hầu biển xanh...
Gửi em một tấm lòng thành
Vòng tay bầu bạn một vành hoa hương.

N.L

 

***

 

SUỐI NÀNG TIÊN

Truyện ngắn Nhất Lâm


Tết êm đềm trôi hết tháng Giêng, mà bầu trời thung lũng Mu Lu còn khá lạnh. Chập tối, hơi đá từ dãy núi Ta Chan phả ra, sương buông màn màu sữa đục.

Bản Mu Lu có đến 80 nóc nhà sàn chạy dài theo con suối nước trong vắt. Các nhà địa chất đi tìm vàng nhận định rằng: có một con sông cổ bị chôn vùi dưới độ sâu bảy mét. Họ căn cứ vào tầng cuội kết, sỏi, cát thô, cát mịn... lộ ra ở đâu đó không xa bản này. Đồng thời dọc theo con suối chảy qua, các nhà địa chất đã thấy được những gì phù hợp ở các điểm lộ. Tầng dày bảy mét đó có chứa vàng sa khoáng.

Trời tối, khoảng một giờ, cả bản đã chìm vào đêm bởi cái lạnh đang bủa vây không gian.

Tôi xuống nhà nhìn trời đầy sương mà ngại đi ra ngoài. Nhìn những mái tranh đã nhuốm sương bạc, nên phân vân.

Không một tiếng chó sủa, lợn kêu hay ngựa hí. Cái lạnh ùa tới như bảo tôi trở lên nhà, nơi có bếp than hồng. Rồi ngủ một đêm ngon lành trong chăn bông nệm dày của chủ nhà hiếu khách.

Nhưng vốn có tính hiếu kỳ, tôi tự nhủ: thì đến cho biết...

Tôi đi về cuối bản trong đêm lạnh dày sương. Và khi bước trên những tảng đá to để qua một con suối cạn thì thấy ánh lửa. Thấy lửa tôi như được tiếp thêm sức. Nhà nàng đấy, tôi thêm tự tin đi nhanh hơn đến chân cầu thang.

Ánh lửa hồng thế kia thì chắc là chủ nhà còn ngồi sưởi ấm bên bếp lửa.

Chân bước lên từng bậc thang bằng gỗ, tôi nhẹ nhàng bước đến phía cửa. Cánh cửa mở.

Tôi nhận ra nàng, người đàn bà mang cả hơi ấm đã đứng trước mặt tôi. Nàng mỉm cười như bảo tôi vào nhà.

Quanh bếp có mấy cái ghế bỏ không, tôi ngồi quay lưng với cánh cửa. Nàng đến sau tôi rồi ngồi vào cái ghế còn mới. Có lẽ cái ghế này dành riêng cho chủ ngôi nhà là nàng. Nàng mỉm cười thật tự tin, nhìn tôi thân thiện.

Bếp lửa hồng than, do những khúc củi như cột nhà chụm vào nhau nuôi ngọn lửa hết ngày qua đêm. Nàng cho một vài khúc nứa khô đập dập có sẵn bên bếp vào trong lửa. Nứa khô bén lửa cháy bùng lên, làm ngôi nhà sáng hẳn. Đúng là ngôi nhà có ngọn lửa ấm. Nhờ có ánh lửa sáng mà tôi thấy nàng ở tư thế ngồi có nét đẹp sơn cước, pha trộn chất phố thị nhưng vẫn hồn nhiên trong áo váy sắc rừng. Giá mà nàng khoác vào mình áo quần sang trọng thì chẳng thua kém bậc quý phái ở các dinh thự quan quyền. Những gì được bày biện trong ngôi nhà sàn xinh xắn đã nói lên chủ nhân cũng có một thời sung sướng.

Sàn nhà lát ván gỗ dày khít nhau, bốn phía đóng ván có cửa sổ hai mặt cầu kỳ. Hai cửa lớn đi lên từ cầu thang được tay thợ mộc nào đó trau chuốt chẳng thua thợ miền xuôi khéo tay. Ngoài then cài, còn có khuy đồng buộc dây mà chẳng biết để làm gì? Chỗ ngủ song song với bếp, lửa tỏa hơi nóng nên nệm càng ấm hơn. Nệm thật dày, dày đến gang tay, chăn gối gọn gàng của những cô gái biết làm đẹp mà còn son rỗi. Bao quanh chỗ nằm là những tấm vải được thiết kế vừa là màn chống muỗi, vừa là phòng riêng, để khi chủ nhân, vợ chồng vào đó thả cánh cửa vải xuống là kín đáo lắm. Viền quanh cánh cửa vải đen là các loại vải vàng, đỏ, xanh khá cầu kỳ, điểm thêm những nét hoa văn lạ mắt. Cách trang trí của chiếc khăn Piêu của các cô thanh nữ Thái Yên Châu rất đẹp, khiến ta ưa nhìn. Họ thường quấn chúng những lúc xuống chợ, lên nương, hay những lúc hẹn hò bên suối...

Đập vào mắt tôi là hai cái chai thủy tinh trong suốt cực đẹp mà tôi chưa hề thấy ở Hà Nội. Một chai chẳng còn gì, chai kia còn gần như già một nửa, một thứ nước màu vàng chanh... cũng không hẳn vàng chanh. Thấy tôi chăm chú nhìn, nàng đến cầm cái chai mở nắp lắc... lắc.

Trời ạ, nước hoa hảo hạng của Pháp chánh hiệu. Thời còn đi học trường tiểu học Pháp Việt, cô giáo Tôn Nữ... mỗi ngày đến lớp với bộ áo quần thật sang trọng, mùi nước hoa từ áo quần trên người cô khuyếch tán trong lớp học có đến 48 học trò lên 10 cùng trang lứa như tôi. Đã rất lâu, tôi mới được ngửi mùi thơm nước hoa hảo hạng này.

Cách vối tóc thả sau gáychứng tỏ nàng là dân Thái trắng. Họ sống quần tụ thành bản khá đông ở những cánh đồng lúa trù phú, cũng như từng Mường dọc hai bên sông Đà.

Bản Mu Lu có gạo nếp thổi cơm vừa dẻo vừa thơm, nhưng gạo nếp nương mới là sản vật quý ở đất này. Lên Sơn La, tôi chỉ biết một số từ ít ỏi khá thông dụng như hỏi thăm đường vào một bản cần đến, mua rau xanh, mua gà... xin ở nhờ qua đêm. Bây giờ ngồi với nàng trong ngôi nhà ấm áp muốn nói nhiều chuyện lắm, mà đành chịu, thế là nhìn nhau cười.

Nàng còn rất đẹp. Ở tuổi qua thì xuân sắc, mà từ vóc dáng, da thịt, khuôn mặt, đôi mắt... chẳng có gì để lộ một sự khiếm khuyết. Những chiều bắt gặp nàng tắm tiên ở Pó Thẳm, tôi choáng ngợp trước một cơ thể hoàn mỹ mà đất Mường này sinh ra. Một bông hoa suối kỳ lạ.

Pó Thẳm là con suối chảy ngầm trong bụng núi Ta Chan, lộ ra hòa vào suối Mu Lu. Rồi nó chảy tiếp ra cánh đồng hòa dòng vào con suối lớn. Nước chảy ngầm sâu dưới cánh đồng nên đã nguội. Duy nhất ở cái miệng Pó Thẳm là nước nóng ấm quanh năm.

Miệng Pó Thẳm tức cửa hang lộ ra đẹp quá. Chẳng ai tả được thật hay vẻ đẹp kỳ ảo của thạch nhũ. Đá vôi và các loại đá khác được thợ trời mài giũa, đẽo gọt, tỉa nắn... để có những hình hài chẳng nơi đâu có được. Những chiều có mặt trời rọi xuống còn rực rỡ hơn cung vàng điện ngọc vua chúa. Và đêm trăng thì thật là xứ bồng lai. Cảnh đất trời như vậy, có một thiếu nữ đẹp là nàng Ín đến ngâm mình trong nước ấm mỗi chiều thì chẳng khác gì tiên giáng xuống Pó Thẳm trần thế.

Chàng kỹ sư trẻ tuổi đẹp trai từ Pari hoa lệ qua xứ lạ Đông Dương, chứng kiến cảnh và người không nén được con tim đã thốt lên:

- Chúa ơi! Phải chăng người đã mang con đến đây...!

Chiều gặp nàng lần đầu, tôi đã nhìn thấy Ín ngâm mình dưới nước từ eo xuống chân. Nàng ngồi như để tịnh tâm. Da trắng hồng hơn cả trứng gà vừa luộc chín bóc vỏ, hai bờ vai thon với hai tay trần cân đối.

Tóc nàng có lẽ dài lắm, được bối lên đầu theo phong tục xứ Mường. Tôi nín thở, choáng ngợp trước da thịt, hai bầu vú no tròn mà thật thanh tao. Thề có trời đất và núi rừng Tây Bắc, tôi nhìn mà chiêm ngưỡng, không hề dung tục. Có lẽ bị bất ngờ nên sự thánh thiện trong tôi còn nguyên vẹn.

Nàng đứng thẳng để lấy áo váy, từ bụng xuống bắp chân là cả một tổng thể hài hòa, là bức tranh của nhà họa sĩ đại tài chấm phá cái màu đen rong rêu trên mảng trắng nơi kín đáo nhất của phái đẹp. Không thể tìm thấy khiếm khuyết hay một chút tì vết trên cơ thể nàng.

Chiều hôm sau tôi đến Pó Thẳm sớm hơn, hy vọng thấy nàng đi từ một hướng nào đến, nhưng đã muộn. Nàng đã đứng nơi mọi chiều nàng vẫn đến. Và lần lượt cởi sợi dây buộc quanh bụng. Sợi dây lụa màu lục, dài cả sải tay, lại to bản bằng cả gang tay. Rất hợp với cái áo hồng nhạt may thật khít ôm chặt cơ thể với hàng cúc bạc trắng hình con bướm, cái váy lụa dài, rộng vén qua đầu. Tất cả những thứ ấy được đặt lên hòn đá cao hơn mặt nước, vừa tầm tay lấy.

Chẳng biết vì sao mà nàng chưa chịu ngồi xuống hoặc lội ra xa hơn. Đứng vậy một lúc, thời gian như ngưng đọng. Lá cây quanh Pó Thẳm che kín cả một vòm trời xanh. Hình như lá cây cùng ngừng thở, một sự yên tĩnh ở chốn linh thiêng khiến máu và tim trong người tôi cũng ngưng tuần hoàn.

Bản này đông nhà, lắm cô xinh đẹp, con trai cũng đâu phải ít, mà chẳng ai đến đây tắm. Các cô các chàng đem nhau ra tắm bến suối trước bản mỗi chiều.

Lần thứ ba, tôi tự tin hơn, khi thấy nàng đã ngâm mình dưới nước ấm. Phần trên cơ thể bày ra cho trời đất, cây lá và cả tôi nữa mê đắm trước sắc đẹp của nàng. Trong cảnh chiều có nắng xuân, da trời xanh không gợn mây. Nàng bình thản trước chàng trai lạ. Tôi muốn lột phăng tất cả để được như nàng dưới nước ấm. Tôi tháo giày đi rừng, rửa chân tay, như một sự tình cờ, rồi thong thả ngồi xuống một hòn đá đi giày, tôi làm như không vội để nhìn tấm thân nàng trên mặt nước. Nàng nhìn tôi cười và cười. Tôi cười như để chia tay.

Bây giờ ngồi trong nhà nàng, nhìn bếp lửa ấm áp, nhìn ngôi nhà sàn bằng gỗ tốt mà người chồng Pháp cho xây dựng để hưởng hạnh phúc lâu dài.

Nàng mời tôi một ly nước có mùi thơm dễ chịu, có vị ngọt lơ lớ như nước luộc ngô tươi. Tôi uống ngon lành. Ở Sơn La lâu, tôi biết nước uống này được nấu bằng cành cây hoa ban. Cứ mùa xuân đến, bà con chờ cho ban ra hoa là chặt cành đưa về nhà, chặt ra từng đốt như ngón tay nấu sôi lên để uống, nhưng mùa khác thì dùng loại cây lá khác. Mùa thu uống quả sa nhân, bướm bạc, mùa đông uống cây dạ giao đằng...

*

Đêm, bên bếp lửa nhà sàn, già Lếch chủ ngôi nhà tôi đang ở nhờ là người thông thạo tiếng phổ thông, đã từng đi đãi vàng cho mấy kỹ sư người Pháp thuở họ đặt chân đến Sơn La.

Năm 1943, sau một thời gian đi dọc sông Đà, tìm vàng ở Tạ Bú, Pi Tong... người Pháp tìm đến Mai Châu, rồi vào bản Mu Lu.

Mấy ông tây có tuổi đi ngựa từ Hát Lót vào, tất nhiên từ Hà Nội lên Sơn La họ đi bằng ô tô. Trong đoàn có một kỹ sư rất trẻ ở bên Pháp vừa sang Đông Dương là Pôn. Già Lếch phục vụ cho viên kỹ sư này, kể cả khi Pôn ở lại một mình tại Mu Lu.

Pôn đẹp trai, dễ gần, hay mời người bản xứ thuốc lá, kẹo chanh. Nhờ ông dạy cho nói tiếng Thái, nên Pôn mau hòa nhập với dân cư bản địa.

Chẳng biết người Pháp lấy được bao nhiêu vàng ở Mu Lu và quanh vùng Ta Chan. Vài tháng họ cho ngựa thồ ra quốc lộ 6 tại Hát Lót, có cả những hòn đá rất đẹp được đánh dấu bằng sơn đỏ. Sau một năm cả đoàn về Hà Nội, riêng Pôn vẫn ở lại Mu Lu.

Ín tròn 16 tuổi, đẹp nhất Mai Sơn. Người dân bảo Ín đẹp như hoa ban mới nở đầu xuân ở Mường Ta Chan. Có người lại bảo nàng là hoa anh túc, loại hoa của cây chế ra thuốc phiện ở đỉnh núi Phiêng Nọi kiêu sa và làm say lòng người. Nơi đây có khí hậu mát mẻ cho loại hoa kiêu sa, nàng đẹp chết người. Phiêng Nọi được xem như hòn ngọc của vùng đất Phượng Hoàng, giàu có bậc nhất Sơn La. Cũng là nơi sinh nhiều con gái Thái đẹp mê hồn, hát hay xòe đẹp.

Người già trong bản gọi nàng là nắm cơm nếp gạo nương đầu mùa, khi xôi chín thơm xa đến mấy hòn núi. Cơm nếp này mà ăn với loại cá trắng suối Nậm Sập nướng trên than hồng với muối ớt thì thật tuyệt vời. Những kỹ sư địa chất Pháp ăn thử và khen hết lời.

Ín thường đến tắm hay ngâm mình ở Pó Thẳm, đó là mỏ nước thần, dân bản không ai dám đến. Từ xa xưa dân bản bảo ai đến tắm thì thần bắt tội.

Vậy mà Ín tắm, chẳng có gì xảy ra, nên các bà thầy cúng bảo nàng là con gái thần, hay là con vua. Chỉ có con của thần mới đẹp như thế. Càng tắm nước ấm Ín càng xinh tươi.

Tri Châu Lò Văn Nhại đem ngựa tốt đến nhà, xin được lấy nàng làm vợ ba. Nhại ngoài 40 tuổi, là quan Tri Châu săn gái khắp xòe (múa xòe) cho vua Đèo. Người Nhại chẳng khác nào cái cối xay, đến bản bắt dân phục dịch và ăn như lợn sề, chó mạ.

Ín nhất quyết không chịu, nàng nói với bố mẹ: nếu nhận ngựa nhận bạc trắng mà ép nàng thì Ín chạy lên đỉnh Phiêng Nọi ăn lá ngón... Sau đó tới Pó Thẳm dìm mình trong nước ấm. Quan Châu giận lắm, trả thù bằng việc báo lên Vua Thái họ Đèo bắt nàng vào đội xòe của vua ở tận Lai Châu. Vào đội xòe vừa hát múa, vừa để cho vua thưởng thức xác thịt khi đã phê thuốc phiện. Và cần thì làm quà cho các lãnh chúa Lào Xũng, hay tay Chệt từ Vân Nam bên Tàu đến với vua Đèo. Tất nhiên vua Đèo nhận được ở các ông lãnh chúa này thuốc phiện hảo hạng.

Nhưng quan châu Lò Văn Nhại và vua Đèo chậm mất rồi. Nàng Ín đã nằm gọn trong vòng tay chàng kỹ sư mắt xanh, da trắng tóc râu ngô khỏe
mạnh. Chàng như ở trên trời rơi xuống Pó Thẳm, khi nàng trút bỏ áo váy ngâm mình dưới nước ấm. Khi chàng đến đây tìm hiểu nguồn gốc thủy nhiệt và vàng ở Mu Lu thì họ biết nhau... và...

Một đám cưới xưa nay chưa có ở bản Mu Lu. Thịt trâu tơ, gà bản, rượu cần và xôi nếp nương... Dân toàn bản được vui chơi no say đến hai ngày. Tùy theo lứa tuổi, chàng rể Tây còn tặng quà lạ lẫm là đèn pin, bật lửa, con gái thì chỉ thêu đủ màu,
vòng tay.

Chàng rể mua cho ông già vợ một đôi ngựa tốt, trong nhà Ín ai cũng có bạc trắng. Một ngôi nhà gỗ tốt được dựng lên, xa bản bên con suối cạn. Thợ cứ việc làm theo mẫu, còn vợ chồng Ín đi Sơn La, rồi về Hà Nội hưởng tuần trăng mật ở một khách sạn bậc nhất Hà Thành. Khi đôi uyên ương trở về Mu Lu, nhà cửa đâu đã vào đó. Tiện nghi mua sắm về làm cho ngôi nhà chẳng thua gì nhà quan ở thị xã Sơn La. Pôn bày biện hài hòa giữa hai nền văn hóa.

Số vàng làm được Pôn nộp lên một phần nhỏ, số mà Pôn giữ lại lớn hơn, rồi đưa bố vợ vào một nơi sâu trong rừng đốt than, làm khuôn bằng đất sét, luyện vàng thành nhẫn thành vòng tay... cất giấu bí mật.

Khi Pôn con ra đời, sự giao thoa hai dòng máu cha Tây mẹ Thái trắng, đứa bé đẹp như
thiên thần.

Hạnh phúc đang tràn đầy thì Nhật lùn vào Đông Dương, bọn lính Thiên Hoàng sục sạo đến mọi nơi mà người Pháp đã khai thác đồng, chì kẽm, vàng, các kim loại quý hiếm khác. Khi lính Nhật mò đến suối Nậm Sập, vợ chồng Pôn đã quất ngựa phi lên Sốp Cộp, gần biên giới Việt Lào.

Pôn ôm hôn vợ và dặn nàng nuôi con và chờ: Nhật sẽ thua trận, người Pháp sẽ trở lại Đông Dương, mọi việc sẽ ổn. Rồi binh lính Pháp sẽ lên Tây Bắc, đồn bốt được đóng ở Cò Nòi, Nà Sản, Sơn La. Số tiền Đông Dương, số vàng Pôn để lại đủ sống cho hai mẹ con, và Pôn về lại Mu Lu đưa hai mẹ con sang Pari.

Ín được viên trung úy Pháp đưa ra đồn Cò Nòi chở che, nhưng nàng từ chối không chịu vào sống trong đồn. Linh tính phụ nữ bảo nàng đừng có vào đó, khi mà những tên lính Âu Phi nhìn nàng thèm thuồng.

Trở lại Mu Lu sống âm thầm cho đến khi đại úy Đèo Văn Phát, con trai vua Đèo Văn Long tìm đến. Phát ở lại Mu Lu một ngày đêm. Sau những trận mê cuồng, Phát bảo nàng đem con đi theo về Điện Biên Phủ chung sống. Ín lắc đầu, nếu Phát lấy nàng thì ở đây. Phát hứa cưới nàng làm vợ ba. Nàng cười bảo Phát: đại úy đã có vợ Lào, vợ Tàu, vợ Mẹo rồi, gái đẹp Điện Biên Lai Châu thiếu gì. Nàng mỉm cười lắc đầu. Mộng của Phát là làm vua thay cha, còn trước mắt như đại tá họ Đờ đã hứa, khi lập được thêm một tiểu đoàn Thai hai, thì đại úy Đèo Văn Phát sẽ là thiếu tá chỉ huy hai tiểu đoàn. Rồi lên Trung tá... Phát lừa nàng đem con ra đồn Cò Nòi, rồi đưa đứa con lên xe rép chạy một mạch đến Nà Sản, lên máy bay về Điện Biên Phủ, nhận con Tây làm con nuôi.

Ín về Mu Lu ở vậy một mình, vắng vẻ, không ai dám lấy nàng. Một phần sợ liên lụy với Tây, cũng sợ Ín là con thần hay là vua. Cũng có thể chẳng có ai vừa lòng nàng.

Một hôm đứng trên nhà sàn nhìn ra cửa sổ, tôi thấy nàng đi tới và đứng đâu đó dưới sàn nhà. Nàng và tôi cách nhau qua cái sàn bằng vàu mỏng. Hôm ấy kỹ sư Pô Pốp chuyên gia Nga đến Mu Lu, chúng tôi tranh luận sôi nổi về tầng chứa vàng. Nếu thăm dò thì bắt đầu từ đâu?

Đến chiều Pô Pốp lên ngựa về Sơn La, khi bóng người ngựa khuất, nàng mới về nhà mình.

Tối hôm sau bên bếp lửa, cô gái già Lếch bảo rằng: Ín thấy người Liên Xô lên tưởng người chồng trở về nên đến đây...

Tôi nghe mà thương cho nàng quá. Đêm ấy có lẽ nàng chẳng ngủ được, và biết đâu âm thầm khóc. Và đó cũng là ý muốn thêm thôi thúc để tôi đến nhà nàng.

*

Bây giờ tôi ngồi đây ấm áp bên bếp lửa hồng, ngoài trời, đêm rất lạnh trắng sương. Chẳng ai ra khỏi nhà vào lúc này.

Nàng có phôi pha theo năm tháng, nhưng nét đẹp còn ánh ngời trên làn da khuôn mặt, nụ cười và cơ thể. Sức sống no tròn ở hai bầu vú sau lớp vải mỏng màu hồng nhạt ôm chặt cơ thể.

Không thể ngồi lâu hơn nữa, phải về thôi... Nàng biết vậy, khi tôi mỉm cười để rút lui. Ra đến cửa, then cài, dây buộc, làm sao bây giờ? Tôi nhìn lui cầu cứu nàng. Nàng đi tới ngay, và đáng lẽ mở tung cửa thì cầm lấy tay tôi, trở về phía lửa. Vừa đi qua chỗ ngủ nàng xô tôi xuống cái nệm dày. Bị bất ngờ tôi nằm xuống nệm và nàng đổ ập lên người tôi mỉm cười như bắt được cái gì đó vừa ý. Nằm yên dưới da thịt nàng một lúc, từ nàng tôi được hít thở mùi thơm nước hoa, da thịt... Mái tóc dài và dày xổ tung trùm kín mặt, như một cái lưới được dệt bằng hàng triệu sợi tơ tóc của nàng. Tôi đưa hai tay đẩy nàng để dễ thở hơn, thế là chạm vào hai bầu vú tròn, căng mát rượi đến kỳ lạ, và thanh tân với tôi.

Nàng nằm xuống nệm ôm lấy tôi, rồi cúi sát mặt nói thật nhẹ nhàng như suối chảy: Méc-xi ca-ma-rát đã đến...

Tôi sững sờ ôm đầu nàng áp sát hơn nữa, muốn nghe nàng nói tiếng Pháp lẫn lộn tiếng Kinh tiếng Thái. Như có phép lạ, cái váy lụa dài, rộng của nàng bay biến đâu mất.

Nàng đứng dậy chẳng khác nào pho tượng sống động, rồi lại ngồi xuống, nắm chặt bàn tay tôi đặt lên bầu vú, rồi nàng vít đầu tôi và đưa bầu vú áp vào miệng, vừa nghệ thuật như cho con bú, cũng điệu đàng như mơn trớn tình nhân.

Nàng rót vào tai tôi những ngôn từ dịu dàng quá:

- Nằm với noọng nghe anh.

Từ bầu vú này sang bầu vú khác như khích lệ tôi mãnh liệt hơn nữa. Tôi đặt tay xuống bụng, hai đùi, nơi đám rong đen màu mực Tàu mát rượi, mềm mượt như nhung. Nàng kéo tôi lên bệ phóng, tôi ngây ngất tan chảy vào thân thể nàng.

Nằm trong chăn ấm, nệm êm, tận hưởng mùi hương lạ từ da thịt người đàn bà trong
sạch như suối, tôi ôm nàng như mơ được gặp tiên rồi dấn thân thỏa sức mê đắm.

Nàng nằm ngắm tôi, khi biết tôi vừa thức, nàng vuốt ve: Trời chưa sáng, còn lạnh lắm, mà sáng cũng đừng đi đâu cả. Nàng đưa tôi vào mê trận mới.

Ép chặt tôi vào da thịt nàng, hôn lên má, lên môi, hôn nơi đâu tôi muốn, nàng thích.

- Noọng à, chẳng đi đâu hết, Pôn của em đây, được ở đây để ngắm em tắm và đêm xuống có nhau cho đến một ngày nước Pó Thẳm không còn nóng nữa noọng ơi..!


Sơn La - Huế, 2011

N.L
(268/06-11)

*

NHẤT   LÂM   " GOM   TUỔI   LANG   THANG"

Mai Văn Hoan

Hoàng Phủ Ngọc Tường trách " Thời gian sao mà xuẩn ngốc / Mới thôi đã hết một đời" còn Nhất Lâm thì tiếc " Một đời / phù phiếm chiêm bao / vừa hai mươi đó / ngọt ngào thanh xuân / Mà nay / bảy chục phong trần / trôi theo ngày tháng / tàn dần mộng xanh ...(Tuổi !).Vào dịp lên lão bảy mươi, Nhất Lâm ngồi "gom tuổi lang thang". Có thể xem Tiếng mưa ( NXB Thuận Hoá, 2007) ghi dấu một chặng đường đời, một chặng đường thơ của anh.

Năm 54 tuổi, đang làm cán bộ thanh tra của ngành GTVT tỉnh Thừa Thiên - Huế, Nhất Lâm đột ngột làm đơn xin về hưu. Đơn của anh được cấp trên chấp nhận ( do nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm - nguyên phó Bí thư tỉnh uỷ ký). Kể từ đó anh như chim thoát khỏi lồng, thả sức nghiêng bầu gió trăng. Đã gần hai mươi năm nay người ta thường thấy một người đàn ông có mái tóc bạch kim xoã kín ngang vai, khuôn mặt phong trần, cặp mắt vừa cương nghị vừa đa tình đạp xe lang thang trên đường phố Huế. Đó chính là thi sĩ Nhất Lâm. Anh hay ngồi lai rai với những bạn làm thơ trẻ ở các quán cóc dọc vỉa hè đàm đạo văn chương, thế sự. Nhưng Nhất Lâm không chỉ lang thang mà anh còn miệt mài sáng tác. Anh làm thơ, viết tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký...Và bây giờ là thời điểm anh ngồi "gom tuổi lang thang", gom lại những cảm xúc, những chiêm nghiệm cuối đời . Tiếng mưa là tập thơ thứ tư và theo tôi là tập thơ chứa nhiều tâm trạng nhất của anh.  
Phải cảm ơn ông trời đã cho Nhất Lâm "chân cứng đá mềm" để thi sĩ có thể rong chơi trên khắp mọi miền đất nước. Đến đâu anh cũng được bạn bè cưu mang. Ớn cuộc sống ở chốn thị thành thì anh Về núi "ăn măng trúc, mang le". Chán cảnh núi thì anh vào Eo Gió để ngắm : Biển dâng ngực trẻ mời nhau đến / trời thả mênh mang bủa lưới chờ". Từ giã Eo Gió anh lại : Tôi theo sông Đuống về Kinh Bắc / Bãi dâu xưa mẹ hái nuôi tằm / Gió sông Cầu giao duyên quan họ / Đêm hát chèo thành chuyện trăm năm... (Về Kinh Bắc). Mỗi dấu chân lưu dấu một chặng đường đời của anh : Dấu chân đi qua / rừng già / Mắt ta trong veo / màu lá / Dấu chân đi qua biển cả / Tóc ta muối trắng / phong ba... (Dấu chân). Mắt trong veo màu lá gợi sự trẻ trung, hồn nhiên của những tháng năm tuổi trẻ. Còn tóc muối trắng, phong ba vừa nói tuổi già vừa nói cuộc đời đầy biến động của anh. Từ những dấu chân cụ thể  anh chuyển thành những dấu chân mang tính khái quát, trừu tượng. Câu kết bài thơ  trĩu nặng suy tư : Dấu chân đi qua đời ta / Để lại khoảng trắng / mẹ già...Cái "khoảng trắng" ấy  gợi cho người đọc bao nhiêu tầng nghĩa. Phải hiểu và thương mẹ lắm Nhất Lâm mới viết được câu thơ trĩu nặng suy tư như thế. Và như muốn thu hẹp lại một phần cái "khoảng trắng" ấy nên hồi mẹ anh còn sống anh vẫn thường xuyên đạp xe từ Huế ra Quảng Trị để đỡ đần, chăm sóc mẹ. Với tôi, Dấu chân là một trong những bài thơ hay của anh.

Mai Văn Hoan

*

NHẤT LÂM, THUA ĐƯỢC TA THỜ Ơ…

Ngô Minh

Ở Cố Đô Huế, nhà văn Nhất Lâm đi đâu ai cũng nhận ra bởi anh thường đi xe đạp, đầu trần với  mái tóc bạc trắng chấm vai rất a-ma-tơ.

Mái tóc bạch kim óng ánh để trần trong nắng mưa của anh cứ bồng bềnh trong gió...

Nghèo tài sản, không nghèo tiền in sách

Một ngày sau lũ Huế, anh hồ hởi đến tặng tôi tập tiểu thuyết “Đồi không tên” anh viết về cuộc chiến đấu anh hùng của các chiến sĩ bộ đội, du kích vùng cao A Lưới với bọn Mỹ trên đồi thịt băm - theo cách gọi của lính Mỹ. Anh cho biết, để có tiền in sách anh phải vay mượn bạn bè hơn chục triệu đồng.

Không biết có thu lại đủ vốn không. Nhưng nhìn cuốn sách dậy mùi mực thơm tôi nghĩ đến mùi sự sống nồng nàn đang phục sinh trên mảnh đất A Lưới khốc liệt một thời.

Chỉ riêng chuyện anh đã cất công đi lấy tư liệu mấy tháng trời rồi ngồi thức đêm dựng lại cuộc chiến đấu đó sau 30 năm trời, chứng tỏ tình yêu và trách nhiệm của một người cầm bút thật mãnh liệt.

Anh Nhất Lâm viết báo, làm thơ, viết truyện ngắn, truyện ký... sôi sục, tâm huyết! Anh viết ngày viết đêm như chạy thi với tuổi. Năm nay bảy mươi hai rồi còn gì! Có lần chuyện với tôi anh trầm ngâm: “Còn sống là còn viết, Ngô Minh ạ! Mình đã bỏ phí nhiều thời gian trai trẻ, tiếc lắm“.

Chao ôi, đã hưu trí, đã “thất thập cổ lai hy“ rồi vẫn lao vào cầm bút quyết liệt như anh Nhất Lâm, đáng kính nể biết bao nhiêu! Anh nghèo, không có tiền mua xe máy, không máy vi tính, không điện thoại di động, chỉ viết bằng tay, đi khắp chốn không ai biết thông tin như một tay giang hồ bí ẩn.

Đi thực tế vài ba chục cây số cũng đạp xe đạp, đi nuôi mẹ già 90 ốm nặng ở làng An Tiêm, Quảng Trị hơn 50 cây số cũng đạp xe. Có lần giữa đường xe đạp bị hỏng xích, không có tiền trả, anh gãi đầu, vuốt vuốt mái tóc bạc, rồi nghĩ ra cách  ký tặng người thợ sửa xe tập thơ mới xuất bản. Nhờ có thơ mà người thợ sửa xe vui vẻ cảm ơn và không lấy tiền.

Nghèo như thế, nhưng in sách thì anh không hề  tiếc tiền, dù có phải vay mượn. Anh vay bà Phương Chi, vợ nhà thơ Vĩnh Mai ở Hà Nội để trả tiền in tập truyện ngắn Kinh thành bỏ ngỏ, vay bạn bè in tiểu thuyết  Đồi không tên v.v... In sách rồi tự đi phát hành.

Thu  được đủ vốn rồi thì lấy vốn đó in tập sách khác, còn lại  bao nhiêu sách  tặng bạn bè cho bằng hết. Gặp ai anh cũng tặng sách. Vô bệnh viện Trung ương Huế thăm người bạn ốm, gặp cô ý tá nhiệt tình thế là anh  rút thơ ra ký tặng.

Đi chơi với tôi ở Hồ Than Thở, Đà Lạt, thấy hai cô gái bán  cà phê ríu rít, anh rút thơ trong túi ra ký tặng như là thân quen từ lâu lắm. Cứ thế từ năm 1995 đến nay, Nhất Lâm đã in 4 tập tiểu thuyết, truyện ngắn, ký, 5 tập thơ Thức với mùa trăng, Tiếng khóc lời ru, Vú đá, Tiếng mưa, Nhật thực...

Một cán bộ hưu trí xe đạp lương còm mà 13 năm tự bỏ vốn in 9 tập sách để tặng bạn bè, không sống hết lòng không làm được thế. Quả thực, chỉ chừng ấy tác phẩm thôi, Nhất Lâm đã làm những người viết trẻ tuổi phải ghen tỵ về tâm huyết và sức làm việc không mệt mỏi của  anh.

Cuối năm ngoái, anh  rút hết số tiền  trong sổ tiết kiệm 9 triệu đồng dành dụm cho “việc hậu sự“ của mình để in tập Nguyễn Văn Phương- Xích lô hành. Một tập sách làm vì tình nghĩa bạn bè, kỷ niệm năm năm ngày mất của nhà thơ trẻ tài hoa mệnh yểu có bút danh là Phương Xích Lô này.

Anh bảo: “Sách in  600 bản, bán thu đủ vốn rồi, số tiền còn lại sẽ đưa cho gia đình Phương để lo giỗ chạp hàng năm cho nó. Quan trọng là có cuốn sách giới thiệu về Phương Xích lô, một tên tuổi đáng được mọi người nhớ“... Anh mang Xích lô hành đi phát hành và tặng bạn bè  tận Sài Gòn. Một nghĩa cử cao đẹp mà không phải người có tiền nào cũng làm được!

Năm 1995, với tập thơ đầu tay “Thức với mùa trăng”, Nhất Lâm gia nhập làng văn Huế. Tập thơ đã để lại trong tôi ấn tượng đẹp và nhiều bài học quý về cách sống cho thơ, cho đời! Thơ anh mộc mạc, viết vội, nhưng cái chất lãng tử, cái chất thi sĩ ngang tàng thì thực đáng yêu, đáng nhớ:

Dừa kia đứng ngẩn thương nhớ bạn / Trái ngọt chờ ai môi ửng hồng / Ly dày ly cạn đêm nhòa nhạt / Áo mới em choàng nhuốm bâng khuâng...(Suối đêm) Giang hồ tôi uống bao quán vắng / Nước mắt nhòe mưa về bến sông  (Mưa).

Thơ Nhất Lâm là thứ thơ chiêm cảm, thơ chắt từ chính cuộc đời mình, nên  nặng lòng trắc ẩn. Không ngất ngưỡng, ngang tàng, không yêu thương cuộc đời hết mực, thì không thể viết được  những câu thơ xa xót như thế này:  Vòng tay khóa chặt ngang eo rượu/ Ôm trọn tình nhau tròn số không.

Sống hết mình, viết dấn thân

Nhất Lâm sống như viết, đầy trực cảm và say mê. Mở cửa sổ tầng ba căn hộ chung cư sau đêm viết khuya, gặp ánh trăng man mác, thế là anh không dừng được đam mê, xách xe đạp xuống ba tầng cầu thang khu cư xá Đống Đa, một mình đạp xe đi chơi trăng đến sáng!

Anh đạp xe lang thang như một kẻ mộng du. Đến khi chạm cầu, chạm biển Thuận An mới tỉnh ra, biết mình đang ở xa nhà hơn chục cây số! Bạn chơi của anh là những nhà thơ trẻ ở Huế như Hải Trung, Phạm Nguyên Tường, Lê Tấn Quỳnh, Đông Hà, v.v...

Thấy vài tuần anh ở Thành cổ Quảng Trị không vào là họ rủ nhau phóng xe ra thăm. Có được vài trăm ngàn đồng mua vé xe là anh lang thang vô Đà Lạt, Bình Định, Bình Thuận, Sài Gòn... để “chơi với bạn bè“.

Ít tiền nên đi xa anh thường đi xe khách. Có lần anh có ít tiền, thế là liều nhảy vào Nha Trang, vào đến nơi chỉ còn  ngàn bạc mua ổ mì không, nhai rồi nằm ở vườn hoa ngủ, sáng ra mới đi tìm bè bạn.

Sống như thế nên anh nhập được nhịp thơ trẻ về âm điệu và ngôn ngữ. Anh yêu thương đồng cảm sâu đậm với những số phận cay đắng giữa đời. Một đêm mưa trong quán nhỏ anh đã làm bài thơ Duyên mưa, khóc “người nữ khách giang hồ” trong từng câu thơ lạnh buốt:

Đêm sâu lữ quán tình dày mỏng

Thấm lạnh bờ môi tê tái lòng

Giang hồ tôi uống bao quán vắng

Nước mắt nhòa mưa về bến sông

Hay truyện ngắn “Người đàn bà một tay” đầy nhân hậu kể về một người phụ nữ đau khổ do hoàn cảnh mà phải một mình vượt lên để nuôi con. Nhưng anh cũng rất căm ghét cái ác, cái giả trá, ăn cắp, thói rởm đời.

Một loạt truyện ngắn in trong tập “Kinh thành bỏ ngỏ” như Mua dù, Chó ngoại… đả kích mạnh mẽ vào những thói xấu ô dù, hay vong ân bội nghĩa của bao kẻ ta đã gặp, đã chứng kiến đâu đó trong xã hội hiện tại.

Với cái trực cảm khảng khái của mình, những truyện ngắn cũng như nhiều bài báo chống tiêu cực của Nhất Lâm luôn luôn trực diện, thẳng thừng, làm không ít người chột dạ.

Những thơ châm, tiểu phẩm, bài báo của Nhất Lâm bao giờ cũng rất quyết liệt. Có ông quan cấp cả trăm mét vuông đất cho người chấm luận án cho mình để được cái bằng thạc sĩ, Nhất Lâm có ngay tiểu phẩm Thạc sĩ đất in báo.

Có lần anh viết bài báo về tàu Thuận An 06 của tỉnh Thừa Thiên - Huế đi buôn lậu ở Trung Quốc về bị bão, đắm ở biển Hải Nam. Bọn buôn lậu đã thuê côn đồ tìm đến nhà đánh anh bị thương. Anh phải lánh ra tận Đồng Hới ở nhờ nhà thơ Hải Kỳ để được an toàn. Nguy hiểm như thế nhưng anh vẫn sống, vẫn viết quyết liệt và đầy bản lĩnh.

Trong những bài báo Nhất Lâm còn có những sáng kiến rất hay như nên tổ chức du lịch ngắm Huế từ trên không bằng máy bay trực thăng, hay Nên bắc cầu Ca Cút ở Quảng Điền qua Phá Tam Giang... Dự án cầu Ca Cút mà Nhất Lâm đề nghị từ  5 năm trước đã được khởi công đầu năm nay, là niềm vui lớn cho người dân bên kia phá.

Bởi thế mà truyện ngắn, truyện dài của Nhất Lâm bao giờ cũng là những chuyện có thật trong cuộc sống, nên rất gần gũi với người đọc. Truyện ngắn Chó ngoại của Nhất Lâm được chọn vào  tuyển Những truyện ngắn hay (1998) của NXB Hội Nhà văn bên cạnh những tên tuổi  truyện ngắn.

“Nhất Lâm tóc trắng” vẫn cặm cụi với những bài thơ, cuốn tiểu thuyết mới đau đáu những vấn đề của cuộc sống quê hương. Nhưng anh luôn tâm niệm: Trăm năm một ván cờ / Thua được ta thờ ơ... (Trăm năm), như lời một bài hát của Trịnh Công Sơn “sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi...”.

Tôi yêu anh vì cái chất nghệ sĩ, kẻ sĩ đó! trắng tay / trắng tóc/ thì về / gối đầu lên sóng/ mà nghe mõ nồm / trắng khuya / cạn chén biển buồn / thấy mình cùng lũ dã tràng / xe trăng... (Ngô Minh-  Với Nhất Lâm trong đêm trắng làng Thượng Luật).

Nhưng nói về Nhất Lâm không thể không nói về tấm lòng thương yêu bạn, sống chết vì bạn hết mực của anh. Nhà thơ Hải Bằng mất, thi thể chưa kịp liệm phải để qua đêm. Nhất Lâm đến nhà ngủ cạnh  nhà thơ để cho “anh ấy ấm lòng“.

Anh bỏ ra hàng tháng trời ra Hà Nội đọc và chỉnh sửa giúp bà Phương Chi hồi ký về nhà thơ Vĩnh Mai, một nhà thơ cộng sản cương trực người Quảng Trị mà anh rất kính trọng và nể phục.

Nhà thơ Trần Hữu Tâm Phương ở Huế mất, Nhất Lâm đi vận động bạn bè quyên góp để làm đám tang vì Tâm Phương nhà nghèo. Nhất là đối với nhà thơ trẻ Phương Xích Lô, Nhất Lâm sống cởi hết tấm lòng.

Thấy Phương làm thơ hay nhưng nghèo, đạp xích lô quanh quẩn ở Huế, rồi đứng làm mẫu cho sinh viên hội họa kiếm từng đồng tiền còm, vợ lại ly dị đi theo người khác, nên anh rất thương yêu, coi như người em ruột thịt. Để Phương có thực tế cuộc sống, Nhất Lâm dắt Phương ra thăm Thành cổ Quảng Trị, rồi ở lại cả tháng trời tại nhà mình.

Anh đưa Phương ra Hà Nội đi thăm các nhà thơ Phùng Quán, Võ Thanh An... Anh đưa Phương đi thăm Thái Nguyên, thăm Hồ Núi Cốc, thăm vùng chè Tân Cương... nơi anh công tác thời tập kết ra Bắc.

Những chuyến đi như thế giúp Phương có tầm nhìn về cuộc sống và đất nước sâu sắc hơn. Khi Phương mất đột ngột, Nhất Lâm đã bàn bạc cũng bạn bè văn nghệ Quảng Trị, Huế lo cho đám tang cho Phương đàng hoàng chu đáo như bao người khác, lo cho Phương có mồ yên mả đẹp.

Ở Nghĩa trang thành phố Huế, chỉ duy nhất mộ Phương Xích Lô có thơ khắc trên phiến đá cao, nổi bật. Rồi anh giới thiệu thơ, bỏ tiền ra in sách cho Phương... Thương thằng bạn thi sĩ / Biệt đời cũng vì thơ (Vắng). Tấm lòng ấy có trời đất và bạn bè  ghi nhận.

Tôi hỏi đang viết gì mới, anh vui vẻ: “Mình đang viết một cuốn tiểu thuyết về những ngày khốc liệt ở Thành cổ  Quảng Trị những năm bảy hai! Viết lách lụt lội, dầu đèn nhập nhoạng thật khổ, nhưng không thể dừng được!”.

Đã hoàn thành cuốn tiểu thuyết Đêm phù thủy, đang kiếm đầu ra để in...  Vâng, Nhất Lâm vẫn vậy, sống là viết và viết là sống, luôn dấn thân đấu tranh vì lẽ công bằng, bởi anh yêu quá cuộc đời này!

Ngô Minh

*

bodao
.
Từ trái: Nhà thơ Võ Văn Hoa, phu nhân Võ Văn Hoa, Võ Quê, Nhất Lâm.
*
Preview
.
Từ trái: Võ Văn Hoa, Nhất Lâm, Võ Quê, Hoàng Tuấn Linh
*

Nhà văn Nhất Lâm & Võ Quê

 

 

 Copyright © 2008 - 2013 Võ Quê All rights reserved.