Print

THÁI NGỌC SAN - NHÂN HẬU VÀ KHÍ PHÁCH

Published Date
Written by Võ Quê
Hits: 5993

"Thơ Thái Ngọc San luôn là Nguồn Mạch Mới giữa lòng dân tộc và

ước mơ cháy bỏng về hòa bình, về một ngày mai đất..."

 

Cao pho

 

THÁI NGỌC SAN
NHÂN HẬU VÀ KHÍ PHÁCH

 

Co gi tan tac tua phu van

Tháng bảy, mưa ngoi nam rơi trên thành phố Huế. Nhà thơ Thái Ngọc San, người anh em phong trào đã ra đi vào lúc 0 giờ 45 phút ngày 25.7.2005 trong ngậm ngùi tiếc thương của biết bao người. Ngậm ngùi và tiếc thương bởi nhân cách sống của Thái  Ngọc San đã để lại cho đời vô vàn điều quý báu, đáng trân trọng và ngợi ca như nhà văn Nguyễn Hoàng Thu đã thương tiếc khái quát: Tôi đã mất người bạn thân một thời cùng viết văn làm thơ yêu nước chống xâm lược Mỹ trước năm 1975. Tôi mất người bạn đã sống cùng nhau tại Sài Gòn, Qui Nhơn, Nha Trang... vào những năm tháng lận đận lao lung trốn tránh từng cuộc truy lùng của cảnh sát và quân cảnh chế độ cũ. Từ năm 1967 đến năm 1969, Thái Ngọc San đã 3 lần bị bắt lính và 3 lần đào ngũ, nhất quyết không cầm súng của chế độ Sài Gòn, tiếp tục làm thơ đấu tranh cho đến năm 1972 từ thành phố Huế anh thoát li lên căn cứ cách mạng và được đưa ra miền Bắc. Tôi nhớ mãi bài thơ “Máu chúng ta một rừng biểu ngữ” của Thái Ngọc San đăng trên tạp chí Trình Bầy số 1 xuất bản tại Sài Gòn năm 1970, đã bị nhà cầm quyền lúc bấy giờ ra lệnh tịch thu và truy tố ra toà. Đó là bài thơ âm vang hào hùng đầy khí khái đấu tranh chống xâm lược Mỹ và chế độ quân phiệt độc tài. Tại thành phố Huế thời sinh viên học sinh đấu tranh, Thái Ngọc San đã cùng Võ Quê xuất bản chung tập thơ “Nguồn Mạch Mới” do Tổng hội sinh viên Huế ấn hành năm 1971. Sau năm 1975, tập thơ “Khát Vọng” của Thái Ngọc San chất chứa tình người tình đất nước được Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành. Anh đã nhiều năm làm Thư ký toà soạn tạp chí Sông Hương, nhiệt tình và gắn bó hết lòng với công việc để góp phần lớn nâng tờ tạp chí văn học nghệ thuật của địa phương lên tầm cao của cả nước... Từ năm 1991 đến năm 2005, đại diện cho Báo Thanh Niên tại Thừa Thiên-Huế, anh đã viết hàng trăm bài báo đấu tranh chống tiêu cực và kêu gọi sự giúp đỡ đến với những hoàn cảnh khó khăn cay cực với bút danh Ngọc Thảo Nguyên. Cuộc đời Thái Ngọc San, dù với tư cách nhà thơ hay nhà báo, anh luôn sống trung thực, đầy đặn trách nhiệm với xã hội, nặng tình bạn và tình người. Anh không bon chen danh lợi cho mình.”

Trong phong trào đấu tranh yêu nước đô  thị miền Nam vào những năm 70, nhà thơ Thái Ngọc San đã là chiến sĩ dũng cảm trên mặt trận đường phố. Cùng với bom xăng, thơ Thái Ngọc San ngời ngời ánh lửa  chống bạo quyền, xâm lược. Thơ Thái ngọc San thành vũ khí sắc bén bảo vệ những tình tự quê nhà yêu dấu trước làn sóng ngoại lai. Thơ Thái Ngọc San luôn là Nguồn Mạch Mới giữa lòng dân tộc và ước mơ cháy bỏng về hòa bình, về một ngày mai đất nước mình thống nhất:

Đã đến giờ chúng ta hạnh động
Nầy anh em
Nơi nào có bạo quyền
Chúng ta tới.
Anh vác loa đi đầu
Tôi cầm biểu ngữ theo sau
Nơi nào có tù ngục
Chúng ta tới
(Đã đến giờ chúng ta hành động)

Trong báo giới, từ sau 1975 đến nay, ngọn bút nhà báo Thái Ngọc San - Ngọc Thảo Nguyên cũng sáng lấp lánh ánh thép. Trái tim nhân hậu của nhà thơ thường cháy lên nỗi Khát Vọng vô bờ về sự bình yên trong cuộc sống ngày thường của người dân. Những bài báo của Thái Ngọc San rất nhân văn khi trang trọng  ngợi ca cái thiện và cũng rất quyết liệt, không khoan nhượng khi đấu tranh đẩy lùi cái ác. Nhà  báo Thái Ngọc San thường quan tâm chú ý viết về những gương sáng trong lao động, học tập  nhưng lại bất hạnh, khó khăn, trở ngại trong xã hội nhằm khẩn thiết mời gọi cộng đồng tìm cách giúp đỡ họ ổn định cuộc sống, vượt lên số phận. Khi vừa nghe nhà báo Thái Ngọc San mới ra đi, một chị bán báo bên đường Lê Lợi đã thương cảm thốt lên: Rứa là dân Huế mất đi một nhà báo biết đấu tranh. Tiếc lắm!

Từ nước Mỹ xa xôi, ngay sau tin nhà thơ Thái ngọc San đột ngột từ trần, nhà văn Trần Kiêm Đoàn đã xúc động viết bài Nhớ Về Thái Ngọc San : Đường đã rõ chân trần ta đi tới và anh cũng nhấn mạnh một điều chí cốt về nhân cách của Thái Ngọc San: "Người ta đón San vì thơ đã đành, nhưng trong vòng bè bạn thân tình mọi người đón San, thương quý San vì nhân cách. Từ thuở học trò, Thái Ngọc San đã sống một cách chân tình và thẳng thắn như cây sậy cô liêu. San nghệ sĩ nhưng không buông thả, nhạy cảm nhưng không thuần cảm tính, hừng hực lửa đấu tranh nhưng cũng đầy ắp yêu thương. Sư đam mê mang đậm tính nghệ sĩ của Thái Ngọc San là dám bất chấp quên mình vì nghĩa lớn. San sống cho niềm tin trong sáng của mình. Và tôi tin trong vòng bè bạn - những cô cậu học trò e ấp ngày xưa bây giờ là những ông cụ, bà cụ lục tuần - nhớ đến Thái Ngọc San như một người bạn chí tình: Chí tình với quê hương yêu dấu, chí tình với Huế, chí tình với bằng hữu và chí tình với niềm tin son sắt của chính mình. Sự chí tình đó một thời là chất keo buộc chặt tâm hồn chúng tôi với nhau trong những phong trào học sinh sinh, viên tranh đấu. Cái hào khí tuổi trẻ lan tỏa trên quê hương chẳng đội một chiếc nón nào vừa vặn…”

Thế là nhà thơ Thái ngọc San đã về với Ngô Kha, Trịnh Công Sơn, Bửu Chỉ... Những nghệ sĩ tài  hoa  xứ Huế chắc chắn sẽ gặp lại nhau trog cõi  vĩnh hằng. Sẽ không còn hình bóng một Thái Ngọc San bằng xương bằng thịt dưới những tàng cây Huế, bên những quán ven đường mỗi ngày ta gặp. Chỉ còn lại cái tên nhà thơ Thái Ngọc San, cái tên nhà báo Ngọc Thảo Nguyên trong tâm thức người người. Cái tên  của lòng nhân hậu, của khí phách đang bền bỉ sống muôn thuở, muôn nơi...

Võ Quê

 

 

Thái Ngọc San (phải) và Đỗ Trung Quân gặp nhau tại Huế, hôm 23-6-2005


THƠ THÁI NGỌC SAN

LÒNG NGƯỠNG MỘ

Gửi hy vọng cho người về đêm tối
qua một dòng sông
Hút mù như đóm sao băng
Gửi lửa cho anh đốt cháy phi trường
Gửi đạn cho anh phá trại tù binh
Lòng ngưỡng mộ về rừng gửi lá cờ xanh
trên cửa phố
Gửi vinh hiển cho người lăn vào chiến xa
Gửi lúa ngô mẹ già cho người kháng chiến
Bằng máu thịt xương thánh thiện ở rừng xa
Bằng lịch sử chín vàng đồng lúa
Bằng ngọn lửa cháy bùng trái tim
Gửi thù hận băng qua Thái Bình Dương
Khắc nhiệt tâm bằng cẩm thạch
Bắn rụng cánh chuồn chuồn bay *
Đêm tối gửi tương lai cho người trở về
Đốt ngọn đèn lịch sử
Nổi trống dậy khắp hoàng thành
Gửi màu xanh cho lòng chờ đợi
Gửi tàu bay thiết giáp vào lò nung sắt thép
xây thành phố mới
Gửi cho tham vọng đế quốc một đống tro tàn
Gửi cho người người trong đau thương
một nhành lúa mới
Tôi ngưỡng mộ muôn người đã chết
cho đất nước này được sống
Và muôn người sống cho quê hương này xanh tươi
Xin gửi tấm thân hèn mọn của thơ
làm ngọn lửa ven đời
Soi dấu chân người chiến sĩ.


 

Nhớ Về Thái Ngọc San :

Đường đã rõ chân trần ta đi tới


TRẦN KIÊM ĐOÀN

Học trò Huế vào những năm 1960 có 3 nhóm: Nhóm "con nhà" gồm những cậu ấm "con trai của mạ" như Thái Kim Lan ở Đức nhắc trong một bài viết. Đó là những cậu bé và cô bé thuộc những gia đình công chức, thương gia có một đời sống vật chất tương đối thoải mái. Nhóm "đỡ khổ" gồm những cô cậu thuộc dòng dõi dân Huế cột cờ, có cha mẹ làm lao động hay buôn thúng bán bưng, cuộc sống tuy có phần vất vả nhưng đi học cơm đủ no áo đủ ấm. Và, cái nhóm "phiêu bồng" nhất là nhóm học trò từ nhà quê lên thành phố học. Phiêu bồng -- vì tuy đưọc lên "dinh" học nhưng chỉ cần một trận thiên tai bão lụt, một vụ mất mùa lúa dưới làng là phải từ giã sách đèn về quê làm ruộng, giữ trâu.

Tôi là một học trò từ làng lên Huế học. Tuy cũng thuộc nhóm "phiêu bồng" nhưng vẫn còn hiên ngang có được một chiếc xe đạp "đầm" được người đời đương thời đánh giá là xe "bò ệt" có lẽ vì tuổi đời của nó đã vào đông. Thế mà khi gặp Thái Ngọc San tôi mới nhận ra niềm hạnh phúc "tư bản làng" của mình mà từ lâu tôi chưa rõ mặt. Thái Ngọc San không có xe đạp phải đi bộ quanh năm. Tôi không còn nhớ ngày đầu gặp gỡ Thái Ngọc San như thế nào, nhưng không quên được nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt ốm o và khắc khổ của San trong đám học trò nhà quê của chúng tôi như: Đoàn Tuyền Châu, Trần Kiên Nhẫn, Đoàn Phạm Túy Linh, Trần Văn Hoà, Hà Thúc Quyết...

Tôi quen Thái Ngọc San vào những năm đầu 1960. Chiến tranh chưa lan vào thành phố Huế, nhưng bóng đen của chiến tranh đã bắt đầu lung lay những lũy tre làng quanh Huế. Không biết xuất phát từ nỗi lo, nỗi buồn, nỗi sợ chiến tranh đang vây bủạ; vì muốn "làm le" với cô em hàng xóm hay thật sự có hồn thơ dấy lên từ đồng chua nước mặn mà lũ học trò làng của chúng tôi thuở đó đứa nào cũng bày đặt làm thơ. Làm thơ để khỏi làm thinh chứ không phải để thành thi sĩ. Bút nhóm đầu tiên Thái Ngọc San và tôi cùng tham gia là bút nhóm Mây Ngàn do Nguyễn Văn Châu ở Bãi Dâu làm khổ chủ. Khổ chủ vì Châu làm báo quên cả làm bài tập học trò, nên tuy xuất thân là một học trò ưu tú mà suýt chút nữa thi hỏng "đít lôm". Tập san viết tay ra nhanh hay chậm tùy tình hình. Nhưng vùng đất đó là sân chơi đầu tiên của tuổi học trò dễ thương và mơ mộng.

"Thằng Thi Hào" đầu tiên trong đám học trò làng chúng tôi bỗng thành danh, thành thi sĩ -- vì có một bài thơ của nó đăng ở báo Văn Học xuất bản tại Sài Gòn -- là Thái Ngọc San. Không biết về sau nầy, Thái Ngọc San có được giây phút nào hưng phấn và cảm thấy huy hoàng hơn là ngày anh ta được đứng vào hàng ngũ những đứa có thơ in trên sách báo văn học nghệ thuật chính quy như thời đó hay không. Bài thơ đó mang hơi hướng nồng nàn của tuổi trẻ. Hơn 40 năm qua rồi, tôi chỉ còn nhớ được một câu: "Đường đã rõ chân trần ta bước tới". Tôi đã nghịch ngợm sửa thành: "Đường chưa chộ co giò ta bỏ chạy" để chọc tân thi sĩ nên mới nhớ hoài.

Thái Ngọc San tuổi Đinh Hợi (1947), thua tôi một tuổi, nên thường bị đùa là "Tuổi Hợi nằm đợi mà ăn". Có lẽ vì cái số nó "ứng" như thế nên tuy San rất nghèo, nhưng luôn luôn được bạn bè chìa tay rất rộng để đón. Người ta đón San vì thơ đã đành, nhưng trong vòng bè bạn thân tình mọi người dón San, thương quý San vì nhân cách. Từ thuở học trò, Thái Ngọc San đã sống một cách chân tình và thẳng thắn như cây sậy cô liêu. San nghệ sĩ nhưng không buông thả, nhạy cảm nhưng không thuần cảm tính, hừng hực lửa đấu tranh nhưng cũng đầy ắp yêu thương. Sư đam mê mang đậm tính nghệ sĩ của Thái Ngọc San là dám bất chấp quên mình vì nghĩa lớn. San sống cho niềm tin trong sáng của mình. Và tôi tin trong vòng bè bạn -- những cô cậu học trò e ấp ngày xưa bây giờ là những ông cụ, bà cụ lục tuần -- nhớ đến Thái Ngọc San như một người bạn chí tình: Chí tình với quê hương yêu dấu, chí tình với Huế, chí tình với bằng hữu và chí tình với niềm tin son sắt của chính mình. Sự chí tình đó một thời là chất keo buộc chặt tâm hồn chúng tôi với nhau trong những phong trào học sinh sinh, viên tranh đấu. Cái hào khí tuổi trẻ lan tỏa trên quê hương chẳng đội một chiếc nón nào vừa vặn.

Năm 1997, sau 15 năm xa quê dài bằng đời luân lạc của Kiều, tôi về lại Huế ngồi nhậu lai rai với Thái Ngọc San, Đoàn Phạm Túy Linh ở một quán cóc sau lưng trường Bán Công cũ, San cho biết là đang làm đại diện cho báo Thanh Niên. Vẫn với nụ cười ấm tình mà kiêu bạc, San nói bâng quơ: "Viết cho ra hồn mới nên viết!" Tôi chợt hiểu: Cái hồn thiên cổ của những người cầm bút. Mai kia ngày đó, nhưng hôm nay bây giờ, San đi rồi nhưng cái hồn trong những câu thơ, những dòng chữ của anh vẫn còn ở lại. Thái Ngọc San viết tương đối ít so với nguồn cảm xúc thường hiện rõ một cách đầy nhiệt thành trong lời nói và nơi dáng vẻ đầy xác tín của Anh. Thơ Thái Ngọc San đượm chất lửa của tính chiến đấu, nhưng cũng óng ả nét dịu mềm đầy tình tự. Cũng có khi:

"Đốt ngọn đèn lịch sử

Nổi trống dậy khắp Hoàng thành..."

(Lòng ngưỡng mộ - Thái Ngọc San)Co gi tan tac tua phu van

Nhưng cũng có lúc:

"Có gì tan tác tựa phù vân"

Một đời phù vân hay những ý nghĩ phù vân.

Một buổi tối, i-meo của Đặng Thanh Nhã từ Huế cho biết: "Anh Thái Ngọc San bị tai nạn xe đang nằm hôn mê ở bệnh viện cấp cứu, không biết có qua khỏi được không!" Và Nguyễn Văn Dũng báo tin cuối cùng: "Báo tin buồn: Thái Ngọc San mới chết lúc 1 giờ sáng. Bây giờ là 7 giờ ngày 25-7-2005."

Từ thành phố Sacramento, bang California trên đất Mỹ tôi hướng về quê hương để hình dung nỗi xót xa của gia đình, thân nhân và bè bạn quanh Thái Ngọc San trong lúc nầy. Nhớ Thái Ngọc San, chỉ còn biết đem thơ bạn ra đọc. Trong hai cõi riêng tư, vẫn còn chung tiếng hát một thời. Thời tuổi trẻ lên đường hát tràn đất nước và thời tuổi già nằm giữa quê hương hát tràn lên cây cỏ:

 

Tôi muốn hát cho cây cỏ nghe

Lời giun dế khóc trong đêm lửa cháy

Anh đi ngược chiều tôi không ngước mắt lên

Nhìn nắng đỏ phai hy vọng

Sao trời không mưa cho những cây khô

Rửa mặt mày lem luốc.

(Về những con đường khô cây- Thái Ngọc San)

San ơi! Bạn ra đi... trời Huế mình đang mưa rồi đó.

Về thôi!

Có những hạt ngọc long lanh đâu đó trong đám bụi vĩnh hằng.

Sacramento, Mỹ. Tháng 7-2005)


IMG_0898