Print

NHÀ THƠ PHƯƠNG XÍCH LÔ

Published Date
Written by Võ Quê
Hits: 14865

 

Giới thiệu cố Nhà thơ Phương Xích Lô, hội viên Hội Nhà Văn Thừa Thiên Huế.



 

 

 

Phương Xích Lô tên thật là Nguyễn Văn Phương,

Quê quán Thừa Thiên Huế.

Anh mất vào năm 2002 tại Quảng Trị, hưởng dương 51 tuổi

 

XÍCH LÔ HÀNH

 

Ta xích lô hề! Người xích lô
Từ đây thôi phải đạp xe thồ
Trước chơi hai bánh chừ ba bánh
Trước chở một cô chừ bốn cô
Gác cẳng chờ hàng bên bãi vắng
Dựa lưng đợi khách dưới cây to
Dù sao cũng phải còng lưng đạp
Còn ở trong ngành vận tải thô.

Ngươi xích lô hề! Ta xích lô
Về đây sau những chuyến giang hồ
Thợ không ra thợ vì cô thế
Thầy không nên thầy bởi lỡ cơ
Trí dở dở khi say khi tỉnh
Hồn ương ương lúc thực lúc mơ
Rơi xuống cuộc đời không chao đảo
Vững vàng ba bánh đỡ: xích lô.

Ngươi xích lô hề! Ta xích lô
Cũng là thi sĩ cũng làm thơ
Thơ không giúp được ngươi cơm áo

Thơ chẳng giúp gì ta cháo hồ
Làm một trăm bài đều mộng mị
Đăng vào tờ báo cũng hư vô
May mà nhờ đạp xích lô ấy
Giàu không giàu nhưng chẳng xác xơ.

Ta xích lô hề! Ngươi xích lô
Ráng cho xong hết một đời phu
Chở bao đau thương về nghĩa địa
Chở những hạnh phúc đến tuổi thơ
Ngó xuống thua chia loài giun dế
Trông lên hơn hẳn lũ công cò
Dù sao mình cũng còn lương thiện
Ngươi xích lô! Ta xích lô.

 

THƯ GỬI NGƯỜI KHÁCH NAM BỘ

 

Từ miền Nam anh ra thăm Huế
Gọi xích lô viếng lăng tẩm chùa chiền
Tính người Nam vốn thật thà cởi mở
“Đã từ lâu nghe danh đất thơ mộng
Trên báo đài, trong nghệ thuật văn chương
Sau bao năm chắt chiu dành dụm
Nay tôi thấy rồi núi Ngự sông Hương”

Đời đã từng trải qua nhiều nỗi khổ
Anh hiểu sâu về những giọt mồ hôi
Khi gặp dốc cao anh liền nhảy xuống
Chia sẻ cùng tôi chút nặng nhọc một thời
Đi nửa đường biết chân tôi đã mỏi
Anh thay tôi đạp một đoạn dài
Trong giây phút không còn ai khách chủ
Anh và tôi hòa nhập một con người.

Khi chia tay anh mời tôi đi nhậu
Nổi hứng lên tôi đọc tặng bài thơ
Đời có lúc không cần đeo mặt nạ
Anh bảo tôi:
“Ở Sài Gòn mình cũng đạp xích lô”.

 

TÌM

 

Tôi đi tìm lửa trong đêm
Tìm ngọc trong đá
Tìm sen trong bùn
Tìm cao giữa đám thấp lùn
Tìm rồng giữa lũ giun trùng ngơ ngơ
Tôi đi tìm thực trong mơ
Tìm thanh trong tục
Tìm thơ trong đời
Tìm người giữa lũ đười ươi
Tìm tri âm
Giữa tiếng cười lời chê
Tôi đi tìm tỉnh trong mê
Tìm yên lặng
Giữa bốn bề phong ba
Tôi đi tìm Phật trong Ma
Tìm Thánh trong Quỷ
Tìm Ta trong mình.

 

GỞI BÁC XÍCH LÔ HÀ NỘI

 

Đêm trăng ấy bác xích lô Hà Nội
Chở tôi thăm ba mươi sáu phố phường
Bác đâu ngờ khách cùng nghề như bác
Cũng đời xích lô dãi nắng dầm sương

Tuy bác ở cách tôi ngàn dặm
Nhưng gần nhau trong những nỗi trầm thăng
Bốn mùa chuyển nhịp cùng mưa nắng
Đời quay tròn theo ba bánh xe lăn

Có những lúc gác xe vào quán rượu
Mượn Lưu Linh đuổi hết nỗi nhọc nhằn
Rồi đón khách nơi đầu ga cuối phố
Ngày có, ngày không lặng lẽ qua dần

Bác tuy già nhưng sức còn dẻo dai
Còn chở khách vào ra năm cửa ô
Một mai đây khi tôi già như bác
Sẽ còn lại gì ngoài mấy trang thơ?

 

Những lúc về khuya còn ai thấy bác?
Người phu già lăn bóng dọc đường trăng
Bác chở tôi một lần rồi quên lãng
Nhưng riêng tôi chở bác suốt thời gian

 

BÀI THƠ TẶNG ANH VÕ QUÊ

 

bỗng dưng trong tiếng đàn tranh

có lời anh dặn chân thành thiết tha:

“cái gì xấu sẽ phôi pha

cái gì đẹp sẽ đi qua muôn đời

việc làm đẹp hóa trò chơi

trò chơi tốt việc làm người tài hoa”.

*

nhiều lần chiêm nghiệm thấy

ra những lới anh dặn đúng là… lời hay

một đời đắng, chát, chua, cay

những lới anh dặn ngọt đầy tình thương.

*

rượu khuya quán nhỏ bên đường

bài thơ trên lá bút xương anh đề

tự lòng chất phác thôn quê

thơ thành hơi ấm đi về bên nhau

*

khi mô cũng nghĩ về nhau

lâu thành “cách cảm thần giao” không ngờ

từ trong một mốc duyên thơ

những điều tâm đắc bây giờ nói ra

*

sống kề nhau vẫn là xa

cách nhau muôn dặm người – ta lại gần.

quý thay gặp được tri âm

một ly nước lã cũng thâm nghĩa tình.

 

Huế 30-12-87

 


Bút tích của Nguyễn Văn Phương

u1_t1208156820_3CIv

 

 

Xích lô hành chở gió vào cõi thi ca

Lê Huỳnh Lâm

 

Mỗi người bước vào cõi thơ và để lại hoặc không để lại dấu ấn bằng một phương cách khác nhau, có người đi vào thơ ca qua những cuộc chiến, có người dùng chính đôi bàn chân mình, hay đôi tay mình, cũng có người bước vào thơ bằng chiếc xe đạp hay xe gắn máy,… nhưng tất cả đều đến với thi ca bằng trái tim. Có thể nói Nguyễn Văn Phương là thi sĩ đầu tiên đã bước vào cõi thơ trên ba bánh xe Xích lô, thơ như chắp cánh cho Xích lô của thi sĩ Phương bay cao hơn. Vậy là sau tập thơ “Có những dòng sông” in chung bốn tác giả năm 1992 do nhà xuất bản Thuận Hoá cấp phép, rồi đến “Chở gió” xuất bản năm 2002, giấy phép của Hội nhà văn và bây giờ là “Xích lô hành” năm 2007. Tất cả những tập sách ra mắt với bạn đọc đều do tấm lòng của anh em và bạn bè thân thiết xa gần của anh Phương góp sức.

 

Nhớ những đêm khuya thả bước thang lang về, gặp nhau chỉ một đoạn đường ngắn từ cầu Trường Tiền đến cái hẻm nhỏ ở đường Chi Lăng, tôi rẽ vào xóm nhỏ, anh Phương tiếp tục đi về, ngôi nhà anh cách nhà tôi chưa đến một cây số, nhưng đã có rất nhiều bài thơ và những chuyện vui buồn được bày tỏ. Những tháng ngày đó, anh Phương thường gặp Nguyễn Nghĩa, Phan Đạo, Ngô Thiên Thu và Phạm Nguyên Tường cùng một số anh em khác. Mấy anh em ngồi ở quán rượu ven đường của anh Song, dưới cột đèn vàng vọt ở đầu phủ Thọ Xuân, thỉnh thoảng anh Vĩnh Điền, một giáo sư toán thất nghiệp, bước ra từ cảnh giới xa lạ, ngồi với anh em huyên thuyên về chuyện đời, chuyện đạo. Tập thơ “Có những dòng sông” dự định ban đầu gồm bốn tác giả là: Nguyễn Văn Phương, Xuân Dân, Nguyễn Tánh và Vĩnh Điền. Sau sự cố anh Vĩnh Điền rơi vào trạng thái bất thường “không chịu” đưa thơ, thì Ngô Thiên Thu được điền vào thay. Cái thời thiếu ăn, thiếu mặc mà anh em lại mê thơ đến như vậy, cùng nhau dành dụm, quyên góp từng đồng để tập thơ in chung ra mắt mọi người, và kỳ lạ nữa là tập “Có những dòng sông” là tập thơ không cần mục lục. Thơ là như vậy đó. Như lời tâm sự của thi sĩ  Phương:

Thơ không giúp được ngươi cơm áo

Thơ chẳng giúp gì ta cháo hồ

Làm một trăm bài đều mộng mị

Đăng vài tờ báo cũng hư vô

Ta xích lô hề! Ngươi xích lô

Ráng cho xong hết một đời phu

Chở bao đau thương về nghĩa địa

Chở bao hạnh phúc đến tuổi thơ

Ngó xuống thua chi loài giun dế

Trông lên hơn hẳn lũ công cò

Dù sao mình cũng còn lương thiện

Ngươi xích lô hề! Ta xích lô

(Xích lô hành)

 

Đọc những câu thơ trên không khỏi ngạc nhiên về cái nhìn nhân bản của tác giả, để rồi qua những vui buồn và ngộ nhận của người đời dù có khi còng lưng, toát mồ hôi nhưng cũng có những lúc:

Vắng khách đôi khi về chở gió

Không tiền, không bạc vẫn cười vang

Và những giây phút tác giả đã lắng lòng sau những cuộc áo cơm:

Dừng lại bên cầu nghe nước chảy

Chợt thấy mình: một giọt nước Hương giang.

(Giọt nước Hương giang)

 

Thật khó để thấy mình là một giọt nước, ai cũng muốn mình là ông này, bà nọ,… hầu hết  đều rơi vào vòng lợi danh. Vậy mà Phương lại chợt thấy mình một giọt nước nhỏ nhoi. Một giọt nước buồn vô danh trước cuộc dâu bể. Trong cuộc hành trình trên những chuyến xích lô Phương đã đồng cảm với những đời phu gian khó:

Đêm trăng ấy bác xích lô Hà Nội

Chở tôi thăm ba mươi sáu phố phường

Bác đâu ngờ khách cùng nghề như bác

Cũng đời xích lô dãi nắng dầm sương

Tuy bác ở cách tôi ngàn dặm

Nhưng gần nhau trong những nỗi trầm thăng

Bốn mùa chuyển nhịp cùng mưa nắng

Đời quay tròn theo ba bánh xe lăn

(Gửi bác xích lô Hà Nội)

 

Và trong một lần chở người khách nam bộ đi trên những con đường thơ mộng của Cố đô Huế, thi sĩ đã hứng cảm tặng thơ cho vị khách, cũng hành nghề xích lô ở Sài Gòn:

Đi nữa đường biết chân tôi đã mỏi

Anh thay tôi đạp một đoạn dài

Trong giây phút không còn ai khách chủ

Anh và tôi hoà nhập một con người

(Thơ gửi người khách Nam bộ)

 

Trong những cuộc cơm áo trên chiếc xích lô, chàng thi sĩ đã tìm ra lẽ sống cho mình và đã “Hát vang bài xích lô”:

Người lên non ẩn dật

Chuyên đốn củi đốt than

Ta ẩn trong lòng phố

Đạp xích lô lang thang

Khi gặp khách ta chở

Lúc vắng khách ta nằm

Có tiền ta uống rượu

Không tiền ta hát ngâm

Mặc ai lùi xuống chó

Mặc ai tiến lên voi

Ta giữ lòng thanh bạch

Dưới hai vầng sáng soi

Đã lâu rồi quên hết

Những thị phi giang hồ

Từng đêm ngồi gõ nhịp

Hát vang bài xích lô.

 

Trong cuộc sống lang thang vỉa hè không ổn định, ngày có ngày không, thi sĩ đã cảm thông cho những con người cùng cảnh ngộ:

Mẹ cha nghèo

Xui em nghỉ học

Từng đêm bán trứng phụ giúp nhà

Dấu chân em in khắp thành phố

Lời rao non nớt vọng gần xa.

Dưới màn mưa khuya lạnh giá

Đèn em vẫn sáng lối về nhà

Em ơi! Hãy giữ lòng như thế

Đêm dù dài mấy cũng trôi qua!

(Thơ tặng bé bán trứng vịt lộn)

 

Và mối thương cảm khi thấy một bé gái dân tộc lạc lỏng giữa phố hội, tác giả đã cảm tác bài “Lối em về”:

Bé Thượng

Gùi thông ra chợ bán

Một nét rừng

Giữa chốn phồn hoa

Thông nhen lửa

Cho đời ai ấm?

Lối em về

Lạnh mấy đồi xa…

 

Nhiều bài thơ trong tập “Xích lô hành” có những hình ảnh rất đẹp, lãng mạn và như một nỗi niềm cô đơn của tác giả biểu hiện trong bài “Qua đò tháng Chạp”:

Ta đưa em qua đò tháng Chạp

Chiều nay hoa trắng rụng bên sông

Hoa có rụng mới biết đời dâu bể

Tình có xa rượu chuốc mới nồng

Đi đi thôi! Hỡi người yêu dấu

Mà chiều kia xám cõi trời tây

Hình như có cánh chim lẻ bóng

Bay giữa chiều lộng tiếng heo may

Và trong “Thiên thu ca”:

Ôi lá xanh trổ đầy trong ánh mắt

Người nhìn ta âu yếm phút xuất thần

Khoảnh khắc đó thông tình cao chất ngất

Chim thiên thu về đậu chỉ đôi lần

Mai sau này người gặp ta lần nữa

Một thây ma tái sắc cạn linh hồn

Đã qua rồi một thời bừng ánh lửa

Còn thương ta xin người hãy giùm chôn.

 

Thơ của Nguyễn Văn Phương làm rất nhiều thể loại, với âm điệu gần gũi với cuộc đời bình dị và trong số đó những bài lục bát của anh rất chân chất, mang nặng âm hưởng của những cuộc hẹn hò vô định và đượm màu đạo lý, đôi khi như một dự cảm cho số phận chính mình:

Tôi về lặng lẽ đêm khuya

Sông chia mấy nhánh, phố chia mấy đường

Chim kia giờ ngủ trong vườn

Tôi còn mấy bước đoạn trường sắp ngưng

( Lục bát đêm khuya)

 

Và rồi anh Phương đã bước vào cảnh giới “Chạng vạng” mãi mãi mà không biết khi mô trở về:

Chạng vạng đất

Chạng vạng trời

Tình tôi chạng vạng trong thời xa em

Mắt nhìn

Chạng vạng hơi men

Miệg đời chạng vạng

Chê khen tiếng lời

Tuổi tên chạng vạng

Quên rồi

Đường đi chạng vạng

Biết nơi mô về

Tháng ngày chạng vạng

Cơn mê

Oán ân chạng vạng

Bạn bè thờ ơ

Đôi khi chạng vạng vần thơ

Làm sao sáng đến bến bờ tương lai

Xin trăng sáng trọn đêm dài

Vén màn chạng vạng phủ dày hồn tôi.

 

Dù Nguyễn Văn Phương đã rời chốn trần gian đầy ải và lắm thị phi này, nhưng hình ảnh của một Phương Xích lô vẫn mãi còn đọng trong lòng anh em và trong những vầng thơ mà theo anh Phương là “một trăm bài đều mộng mị”. Một trong những bài thơ thể hiện cái khí chất ngang tàng, cô độc của thi sĩ khi uống rượu say là “Độc tuý hành”:

Ta say hề, đêm nay ta xỉn

Ngất ngưỡng đi về giữa khói sương

Gõ nhịp ta ngâm bài tống biệt

Vỗ chai ta hát khúc hồ trường

Ba ngàn thế giới trong cốc rượu

Bao dung ta ôm trọn vui buồn.

Ta say hề, đêm nay ta xỉn

Chân thấp, chân cao lạc phố phường

Ai có tài đàn như Tư Mã

Còn ai thổi sáo tựa Trương Lương?

Hãy đàn ta hát lời man dại

Hãy thổi ta ngâm giọng dị thường

Một kiếp làm người đầy khổ luỵ

Mượn đôi cánh rượu đến thiên đường.

Ta say hề, đêm nay ta xỉn

Đành mượn cỏ cây thế chiếu giường

Ngạo nghễ gối đầu lên đỉnh Ngự

Ngang tàng xuôi cẳng dọc sông Hương

Êm như cái nhíp không còn nhớ

Nhẹ tựa làn mây chẳng biết buồn

Ta say hề bây giờ ta ngủ

Chiêm bao ta mua điệu Nghê Thường!

 

Ngoài phần thơ của Phương xích lô, trong tập Xích lô hành còn có những bài viết về thơ và đời của Nguyễn Văn Phương, của các tác giả: Nhất Lâm, Xuân Dân, Nhuỵ Nguyên, Lương Ngọc An, Ngô Minh. Một đời xích lô như anh Nguyễn Văn Phương cũng để cho lắm kẻ nhìn lại mình.

Huế, 01/2008

L.H.L

 

 

Năm năm rồi không gặp… Phương Xích Lô

Phạm Nguyên Tường

Một cảm giác rất lạ trong tôi. Thật tình, tôi cảm thấy bình thản khi nhận tin, như thể đó là một điều bình thường. Trước giờ tôi chưa dám thú nhận điều này với ai, kể cả trước vong linh Phương, nhưng tôi biết trong bạn bè không ít người cũng có cùng cảm nhận ấy như tôi. Phương đang chết mỗi ngày, và đây là một ngày. Chúng tôi, trong đó có cả Phương, dường như đã chuẩn bị cho “ngày này” từ lâu. Có lần ngồi uống rượu với nhau, Phương vò đến nát nhàu một cái túi ni lông to, rồi bảo: “Em làm bác sĩ, khám coi cái lá gan của anh nó ra thế ni chưa Tường?”, nhưng rồi lại xòe tay ra nói: “Mấy thầy tử vi nói mạng anh thọ lắm, chưa chết được mô!” Bạn bè kể rằng, Phương ra thị xã Quảng Trị thăm nhà thơ Nhất Lâm đang chăm mẹ già ở đấy, nơi ngôi làng An Tiêm xinh đẹp, nhân buổi trưa trời nắng nóng liền nhảy xuống dòng kênh Vĩnh Định xanh trong tắm một trận đã đời, rồi đi luôn. Thật buồn tôi không thể có mặt trong đám tang anh Phương, nhưng thật ấm lòng vì bạn bè văn nghệ ở Huế và Quảng Trị đã mỗi người một tay lo chu toàn cho anh Phương, từ đám-tang-thơ cho đến miếng đất mặt tiền trên núi Tam Thai. Anh Võ Thìn, một trang hảo hán đất Thành cổ Quảng Trị đã dành luôn cho người bạn thân cật ruột bộ áo quần nâu sồng mà anh vừa mới may chưa kịp mặc, để cho Phương tử tế về với đất. Tôi chỉ kịp tạ lỗi với Phương bằng tập thơ Chở gió và một đêm thơ tưởng nhớ nhân ngày giỗ đầu của anh. Vậy mà đã năm năm rồi! Tưởng Phương chỉ đang giang hồ đâu đó. Đang làm trò đâu đó. Mỗi lần về ngôi nhà nhỏ, ẩm thấp trong con hẻm chật chội ở đầu phường Phú Hiệp (Tôi tên là Nguyễn Văn Phương, 8B kiệt 1 trên đường Chi Lăng…) thắp cho Phương nén nhang, tôi thì thầm trước di ảnh Phương đang vui đời cười rộng miệng: “Phương ơi, lâu ngày không gặp!” Trò này, Phương làm hơi lâu.

Với riêng tôi, Phương là người anh thân tình, người mà tôi chịu ơn. Phương là người đã nắm lấy tay tôi, dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp, đường làng văn nghệ. Những kỷ niệm trong veo của những ngày đầu tôi đến với thơ, chính là ở bên cạnh Phương. Một buổi sáng nọ, Phương dẫn tôi ghé thăm một người bạn âu sầu, họa sĩ Tôn Thất Ấn, đang trông coi những giấc mơ của mình trong một ngôi nhà cỏ tĩnh lặng trong Thành Nội. Hai câu thơ của Ấn viết theo lối thư pháp treo trên vách gây ấn tượng mạnh mẽ trong tôi:

Một sớm mùa xuân vang tiếng khánh

Khách dừng chân ngỡ tháng ngày xanh


Tôi còn nhớ niềm xúc động sâu xa từ những câu thơ đẹp mê hồn như một làn gió lan tỏa khắp da thịt tôi, sau này tôi đã ghi lại khoảnh khắc thần diệu ấy bằng câu thơ “ớn rung nguồn khởi động”. Tôi nhìn Phương, nhìn Ấn, váng vất quanh những bức tranh sơn dầu với những đốm máu vỡ trên nền vải căng mộng da trời, nhìn ra khu vườn nhỏ, mái hiên cũ kỹ,… cảnh vật và người ẩm ướt, bàng bạc xa xăm như ở vào một cảnh giới khác. Đó chỉ có thể là cảnh giới của Thơ! Và nguyên cớ nào đã cho tôi dự phần? Đó là vào những năm 90 của thế kỷ trước, khi tôi chỉ mới có vài bài thơ cỏn con đăng báo, và Phương thì đã nổi đình nổi đám với bút danh Phương Xích Lô trong những Đêm thơ tự chọn lẫy lừng của Tạp chí Sông Hương. Tôi đeo Phương suốt ngày đêm, từ những buổi cà phê Cây Si, Thành Nội cho đến những đêm trà ga Huế. Tôi tập nhiễm ở Phương cái máu thi sĩ. Phương đọc thơ không biết mệt, nhất là khi có rượu vào. Cái kiểu Phương say thơ khiến cho người nghe ngây ngất, sướng đã đời, đau đã đời, để rồi lại ngẩn ngơ vì sao thế! Vì sao, Thơ? Không có người đối ẩm thì Phương đọc một mình, hát ngâm một mình, dưới tán cây bên đường, dưới gầm cầu tối, dưới mái cổ tự, trong lòng phố chợ đông người. Rất lâu sau này tôi mới hiểu, chính là Phương đang cố lấp đầy đời mình bằng thơ. Nếu thơ vơi một phút giây nào, Phương sẽ chết rỗng mất!


Đời Phương nhàu nát và xộc xệch. Từ khi ly dị vợ - người mà suốt một thời gian dài dĩ nhiên là nàng thơ của anh, Phương trở thành tha nhân của chính mình. Gia đình tan đàn xẻ nghé. Hai cô con gái sinh đôi xinh đẹp và thông minh vào chùa tu (đôi khi Phương kể về điều này với một niềm hạnh phước lớn lao). Phương cũng bỏ đạp xích lô. Bắt đầu từ đây, Phương sống trong những lời đàm tiếu thị phi. Nhiều người trách Phương chỉ mới có vài bài thơ trên báo đã tưởng mình là nhà thơ lớn rồi, không màng đến đời xích lô áo cơm vụn vặt nữa! Thật oan cho Phương. Mấy ai biết được là Phương đã nhường chiếc xích lô ấy cho người em trai út đi bộ đội về, túng quẫn không nghề nghiệp, lại còn vợ con! Mặc ai nghĩ gì, nói gì, Phương chỉ lấy niềm vui đùm đuề của gia đình vợ chồng người em trai làm chút vui trong cô độc đời mình. Điều này tưởng bé mọn, nhưng thật sự cái tình người trong Phương rất lớn. Tôi không tưởng tượng được là các nhà văn, nhà thơ lớn của chúng ta yêu thương đồng loại đến đâu và họ thể hiện tình yêu đó trên ngàn vạn trang viết hay ho đẹp đẽ đến mức nào, tôi chỉ thấy điều đó giản dị nơi Phương. Hãy đọc những bài thơ dù hay dù dở của Phương về những người bán vé số, trứng vịt lộn, em bé miền cao gùi thông ra chợ bán, những người phu quét đường trong đêm lạnh, những người cùng cảnh ngộ xích lô… sẽ thấy chúng thật như thế nào! Đối với Phương, chỉ có tình người là thật, còn lại chỉ là trò đùa thôi! Và vì thế, ngoài lòng trắc ẩn riêng mang, Phương có thể đùa rỡn tất cả, mọi chốn mọi nơi. Tôi không có ý so sánh, nhưng ở điểm này, Phương giống Cố lão Trung Niên Thi Sĩ Bùi Giáng! Phương đùa rỡn với quan nhân “Mấy lời nhắn gửi anh Phi/ Lăng xăng chính trị còn chi chính mình!”, đùa rỡn với muôn người đẹp (điều này chị em tiểu thương chợ Đông Ba không ai không biết), và rất thường xuyên… Phương đùa rỡn với chính đời mình (nằm thẳng cẳng giữa đường chờ xe cán chết). Có một dạo, dọc đường Chi Lăng nhiều người thấy Phương quay lưng và thủng thẳng… đi ngược về nhà! Hỏi thì Phương nói tỉnh bơ: “Đời ai cũng đi tới nhiều rồi, mệt mỏi lắm, chừ chỉ thích đi lui!” Hàng xóm láng giềng của tôi nhiều đêm hôm khuya khoắt bỗng bị đánh thức vì tiếng hô khẩu hiệu rất to và rất… “phản động” của Phương: “Phạm Nguyên Tường muôn năm!” mỗi lúc say khướt về ngang cổng nhà tôi. Tôi lựa lời nặng nhẹ với Phương, thậm chí… dọa nghỉ chơi (!), nhưng đâu vẫn hoàn đấy, bó tay chấm com! (Giờ đây Phương sống khôn thác thiêng, phù hộ độ trì cho bà con hàng xóm của tôi đêm nào cũng được yên ấm giấc nồng, đêm nào cũng thế cả, Phương nhé!)


Giống như nhiều người gặp hoạn nạn trong đời sống, Phương ngày càng lún sâu vào rượu chè. Phương uống suốt ngày, bất kỳ ở đâu, với ai. Không có nhuận bút thơ thì Phương ngửa tay xin tiền của bạn bè, người quen… chỉ để uống rượu! Đến một lúc rồi không ai có thể can ngăn Phương được nữa. Thậm chí, Phương với Rượu đã là một, Phương và Rượu, không biết ai dìm ai trong vòng hệ lụy, như những câu thơ xuất thần ngơ ngác lung linh trong rượu của Phương!

Khi say tôi cứ ngỡ

Hạt rượu là hạt mưa

Hạt mưa là hạt rượu

Mưa rượu là rượu mưa…

Cùng với rượu, chân nam đá chân chiêu Phương đi vào buổi “Chạng vạng” của đời mình, như chính tên bài thơ cuối cùng của anh mà bạn bè tìm thấy trong xắc cốt bỏ lại bên bờ kênh.

…Mắt nhìn

Chạng vạng hơi men

Miệng đời chạng vạng

Chê khen tiếng lờ\i
Tuổi tên chạng vạng
Quên rồi
Đường đi chạng vạng
Biết nơi mô về…

Không hiểu sao tôi luôn nhớ về Phương rõ nhất chỉ vào hai thời khắc ấy, từ buổi sớm mai tinh khôi trong ngôi nhà cỏ sầu mộng của họa sĩ Ấn cho đến buổi chạng vạng của đất trời, của người… trong một tửu quán chật hẹp, ngập ngụa tha nhân, và Phương xiêu vẹo bước ra, bấy giờ cô độc. Cô độc hoàn toàn. Rất, rất cô độc. Ôi, đã bao lâu từ cảnh giới đầu tiên cho đến cảnh giới cuối cùng, trong trò đi lui xúi quẩy của Phương, đẹp và buồn đến nao lòng. Đó chỉ có thể là những cảnh giới của Thơ hay sao? Đó chỉ có thể là những cảnh giới đích thực của lũ chúng tôi hay sao?

…Vừa rồi, nhà thơ đầu bạc Nhất Lâm, người bạn vong niên trong chặng đời cuối của Phương, đã tự bỏ tiền túi ra in một tập sách “Nguyễn Văn Phương - Thơ và Đời” nhân năm năm ngày mất của Phương. Mới xem qua đầu đề cuốn sách, có vẻ như sách danh nhân, có người dèm pha: “Phương không phải cái gì ghê gớm lắm để được tôn vinh như vậy!” Lại có người xấu miệng bảo: “Nhất Lâm ăn theo Phương!” Thật là! Những lời thị phi đến giờ vẫn không buông tha! Lần này với cả Nhất Lâm, một người đáng kính! Bởi lẽ nhiều người không hiểu, Nhất Lâm và Phương Xích Lô, hai người hai tính nết khác nhau, hai chỗ đứng khác nhau sao lại có thể gần gũi thân thiết được đến vậy. Nhất Lâm là người “ra đường gặp chuyện bất bình chẳng tha”, là người phản kháng mạnh mẽ với cái xấu, cái ác; và luôn biết cách thể hiện điều đó trên các diễn đàn. Ở Nhất Lâm, là sự phản kháng của lý trí. Còn ở Phương Xích Lô, là sự bạo loạn tâm can bộc phát. Khởi đầu từ sự khốn nạn và quẫn bách của đời sống. Họ đến để làm một, để làm nên một loài, gọi là Thi Sĩ.

P.N.T

&

Ngày Thứ 6, 11/11/11, Văn Tấn Phước

Đây là một email liên hệ thông qua http://voque.org/:
Văn Tấn Phước <This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. >

Kính thăm anh,

Tôi gửi anh nghe bài nhạc do tôi phổ thơ Chạng vạng của Nguyễn Văn Phương ; do tôi hát.
Mời anh nghe chơi !
Kính,
vtp

http://hathaykhongbanghayhat.org/audio_rand/nid/9405
http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=dZy4NX8hnT