Print

Nhà văn HỒ ĐĂNG THANH NGỌC

Published Date
Written by Võ Quê
Hits: 6595

 Giới thiệu nhà báo, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Phó TBT Phụ trách tạp chí Sông Hương.

 

080916Trung%20thu%20nghiep%20doan%20XLXT%20(38)
 

 

  CHUYỆN HUẾ NXB Thuận Hóa 2008.

 

 

 

GÁNH CƠM HẾN ĐI TRONG SƯƠNG

 

Phá vỡ sự đông đặc trắng

lửa hồng gánh cơm hến của em

mở lối trong sương

thành phố bắt đầu tỉnh giấc

 

Gánh cơm hến của em đi trong sương

Tôi nhìn thấy lễ hội của rau cỏ

mười ba hay mười bốn

                              những đoàn xiếc xanh và đỏ treo ngược

những cay-đắng-ngọt-bùi

trộn lẫn những chiêm nghiệm của dòng Hương

                              qua nghìn triệu mắt hến

ôi xanh Huế nói gì trên vai em?

 

Nói gì mà chén cơm nguội vẫn bốc khói?

Nói gì mà miếng da rán rộn ràng?

Nói gì mà miếng cơm hến thanh ngọt đọng mùi bùn

                              những ngày sông đục

Nói gì mà cay?

 

Mỗi sáng người sông Hương điểm tâm

                              bằng triết lý cuộc đời

nên mỗi người là một triết nhân, là nghệ sỹ

làm nên sự sang trọng của nghèo khó

và sự tinh tế của dân dã…

từ một chút cơm nguội, chút ruốc, chút muối, chút hến và vô số rau cỏ…

và những trái ớt cay-sự lừa dối tự nuôi sống.

 

Rồi em vẫy những chiếc nón chào những người xa lạ

đổi sự im lặng sống động này lấy sự sống động khác

 

Từ lễ hội của rau cỏ

Em làm nên "thành phố của nghệ thuật sống"

 

Vục mặt vào gánh cơm hến bốc khói của em

lắng nghe sự thủy chung sôi động

rồi hít hà thấy mồ hôi mặn của mình nhỏ xuống

Ôi thành phố này! Đừng có bốc hơi đi!

 

2.12.2002

 

VÀ NHỮNG NGÀY

 

Và những ngày không còn ai

Mưa xuống hút đầy gai nhọn

Con chim vành khuyên đã chết

Chiếc lồng xé buốt trên đầu

 

Tự do buông vành móng ngựa

Rừng thăm thẳm ngày xa xưa

Em khóc ngày nào đã chết

Mộng mơ rủ xuống gian trần

 

Thôi em tròn giấc mơ xa

Chuyến xe hai đường đi hết

Còn ai ngóng mưa về vội

Bão giông ở cuối chân trời

 

Và có ngày không còn ai

Hỏi trái đất này có mẹ

Sinh ai suốt bến không ngờ

Để mong mỏi mùa đông rụng

 

Và còn những ngày không ai

Những con diều hâu ngái ngủ

Ai đem khép nép nguyện cầu

Thánh giá buồn trên mộ cổ

 

Và còn những ngày không ai

Em ra đứng ngóng đầu đường

Anh vẽ ngàn ly rượu đắng

Tiễn nhau ở cuối chân trời.

 

HÃY CHO TÔI NHÌN EM

 

Hãy cho tôi nhìn em

Ở đó có những cánh chuồn tuổi thơ tôi

Rung rinh trên những cọng cỏ

Và những cánh chim non yếu ớt

Hát ca mừng ngày mới bắt đầu

Những cánh diều trong bóng chiều lộng gió

Bay như tóc em bay một chiều nào…

***

Hãy cho tôi nhìn em

Để nhớ những ngày xưa rất xanh

Tôi hôn lên đôi mắt người con gái

Như hôn lên giấc mơ của mình

Những giấc mơ về bầu trời cao rộng

                                                  chầm chậm trôi đi những cánh thiên di

          Và xao động những dải thiên hà

                              ***

Hãy cho tôi nhìn em

Để nhớ về những niềm vui của tôi

                    những niềm vui hiếm hoi như sao trời đêm đông

                    những niềm vui nhỏ như cánh én

Hãy cho tôi nhìn và em hãy cười đi!

Ôi nụ cười rất xinh của em

                              ***

Hãy cho tôi nhìn em

Để nhớ về những nỗi buồn đầy lên trong tim

                                                  trong những chiều cả gió

Đầy như mưa trời đêm qua rơi xuống nụ quỳnh

Một ngày xưa đưa giấc mơ xuống thuyền

Tôi sang sông lòng không ngoảnh lại

                              ***

Hãy cho tôi nhìn em

Để thêm một lần nhìn thấy khát vọng

Chúng đã rất xanh và đã cháy lên nồng nàn trong khuôn ngực

Như thanh xuân của em

Như ước mơ của em

                              ***

Hãy cho tôi nhìn em

Nỗi nhớ của tôi

Niềm vui của tôi

Nỗi buồn của tôi

Khát vọng của tôi

Một chiều nào sông Hương đầy mưa

Tôi nhìn rất sâu vào đôi mắt nâu

Hiển hiện gương mặt thánh thiện

          Và mái tóc ai dài như sông xanh

Tôi cầm tay em như cầm được giấc mơ của mình

Những giấc mơ bay lên trong gió…

2/7/2000

 

 

BIỆT CUNG

 

Đã khép lại rồi cánh cửa nối về phía Tây (*)

Ngoài ấy là dòng Hương thao thiết chảy

Ôi bức tường này, bức tường bên kia, bức tường trước mặt

Làm sao mà cao vời vợi thế?

*

Dưới lòng đất bên kia có một người đang yên nghỉ

Người đó từng là đấng quyền năng bậc nhất

Đã từng cùng một chữ "Khiêm" dạo chơi

Từng làm cho gió ở biệt cung này cũng reo lên vì vui sướng

Đã từng làm cho muôn loài ngã rạp dưới chân người

Và từng đêm, nơi đây rung lên những vũ khúc trình tấu

Cho người được quên đi những mềm yếu trong đời

Sao người không dạo chơi thêm vài mùa xuân nữa

Cho em được nở hoa một lần

Nở riết róng như loài sen người cho trồng khắp các lạch hồ…

*

Y, Trì, Tùng, Dụng

Khi người đi xa, chỉ còn chúng em với biệt cung vĩnh cửu

Khoảng trời của em là những đám mây lang thang qua ô cửa tò vò

Kéo theo mùa xuân vô nghĩa của em đi

Ôi những bức tường này, bức tường kia, bức tường trước mặt

Sao mà ngày một cao lên thế!

*

Những nhức nhối xuân thì dần tắt lịm

Và có một loài trinh nữ hoàng cung

Từ đó ra đời…

23.11.2005

(*) Trong lăng vua Tự Đức có một biệt cung. Nguyên đó là khu Y, Trì, Tùng, Dụng dành cho các cung nữ đi theo hầu vua ở mỗi khi vua lên lăng chơi. Khi vua băng hà, các cung nữ này được đưa lên ở biệt lập tại đây. Người ta xây bít cửa phía Tây lại và xây tường cao lên, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Và những cung nữ đã sống biệt lập tại đây cho đến khi qua đời…

 

LỜI Ạ, NGÀN SAU…

 

Rằng đó từ xưa ta tàn cuộc hội

Rêu đá trăm năm còn đợi nhau về

Cánh diều kêu mỏi mòn dây gió bụi

Lời của ngàn xưa ai hát từng hồi

 

Đêm khuya dặn lòng buồn say ngủ lại

Thảo nguyên còn xanh xa cuối chân trời

Lũ sói hãy còn hiền trông xác thỏ

Ngọn roi hư không dạy dỗ bao điều

 

Thì thôi về lại vườn hoa xấu hổ

Cổ tích còn đây ngủ vùi mơ đầy

Cây khế ngày xưa phượng hoàng về đậu

Có ai bán đi tìm được đồng vàng

 

Ta buồn suốt ngày ai không cổ tích

An-đéc-xen xưa cũng rũ áo về

Lũ trẻ lớn lên chơi trò điện tử

Chú bé ở truồng gọi mãi ân nhân.

 

H.Đ.T.N

 

090531IMG_0471