Print

ĐÒI HỎI SỰ AM TƯỜNG, CÔNG TÂM VỚI DI SẢN - Kim Oanh thực hiện (Báo Thừa Thiên Huế 2.7.2015)

Published Date
Written by Võ Quê
Hits: 5981

(TTH) - Là người gắn bó máu thịt với ca Huế, nhà thơ Võ Quê - Chủ nhiệm CLB ca Huế thính phòng không giấu được xúc động khi bàn về sự kiện ca Huế vừa được công nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Ông bộc bạch: Năm 2014, khi trả lời phỏng vấn báo chí, tôi từng chia sẻ, nếu thật sự được quan tâm đúng mức, nghệ thuật ca Huế rất xứng đáng được vinh danh như các loại hình Ca trù, Nhã nhạc cung đình, cồng chiêng Tây Nguyên, đờn ca tài tử Nam bộ, hay dân ca Quan họ… Nay, mong ước đó đã thành sự thật dù chỉ mới ở cấp Quốc gia.

Để chào đón sự kiện này, tôi đã gọi điện đến nghệ sĩ Vân Khanh, Chủ nhiệm CLB Ca Huế Phú Xuân (Trung tâm Văn hóa TP. Hồ Chí Minh) đề nghị anh tổ chức một chương trình ca Huế của CLB tại TP Hồ Chí Minh và tôi cũng đã kịp thời tổ chức một chương trình ca Huế chào mừng tại thính phòng ca Huế ở Bảo tàng Văn hóa Huế (vào tối thứ Ba 13/6/2015) với sự tham dự của đông đảo nghệ nhân đàn, ca Huế và người mộ điệu, tri âm.

Nhà thơ Võ Quê.
Sự kiện ca Huế được công nhận di sản văn hóa Quốc gia phần nào đã đáp ứng tâm tư nguyện vọng của những người trong cuộc cũng như tạo sự đồng thuận lớn lao đối với những ai quan tâm đến giá trị của loại hình nghệ thật âm nhạc bác học này. Tuy nhiên, theo tôi, cơ hội lớn cho ca Huế chỉ thực sự được mở ra khi Nhà nước, mà trước hết là các cơ quan ban ngành hữu quan của T.T.Huế phải tiếp tục sâu sát quan tâm về sự định hình và phát triển của nghệ thuật ca Huế.
Một trăn trở là trong khi các loại hình nghệ thuật truyền thống khác như Ca trù, Đờn ca tài từ hay Quan họ vốn có tính phổ biến cao, lan tỏa rộng trong đời sống địa phương thì ngược lại, hầu như người Huế rất ít hát được ca Huế?
Nghệ thuật ca Huế từ trước vốn được thực hiện trong các thính phòng, người nghe thường phải am hiểu các làn điệu âm nhạc mang tính bác học nên số người thưởng thức không đông; trong giới nghệ nhân nghệ sĩ đàn, ca Huế còn gọi hình thức diễn xướng này là “ca tri âm”, mà đã tri âm thì không thể nhiều được. Cũng do tính đặc thù ấy, nghệ thuật ca Huế thiếu sức lan tỏa sâu rộng trong đại chúng, chỉ phổ biến trong các gia đình nghệ nhân, nghệ sĩ hay những người có am hiểu. Người Huế rất ít người hát được ca Huế là vì thế. Sau năm 1975, ca Huế đã trở thành một sản phẩm du lịch có giá trị; ca Huế đã được nhiều người trong và ngoài nước biết đến, đáng chú ý là giới trẻ cũng quan tâm đến loại hình này. Hằng trăm diễn viên trẻ biểu diễn ca Huế trên sông Hương là tín hiệu đáng mừng!
Khó hát, khó lan tỏa, nên việc bảo tồn và phát triển ca Huế sẽ khó khăn như thế nào trong tương lai?Theo ông, cần làm gì để ca Huế có sức lan tỏa lâu bền?
Vào thời điểm này, các nghệ nhân đàn, ca Huế lớn tuổi có am hiểu sâu sắc chuẩn mực các bài bản lớn của ca Huế đang vắng dần trong khi lớp kế thừa không nhiều. Việc Nhạc viện Huế mời các nghệ nhân giảng dạy ca Huế vừa qua là rất cần thiết. Để có sức lan tỏa lâu bền trong đời sống văn hóa Huế, các cơ quan hữu quan cần có chương trình thu băng hình các bài bản ca Huế do các nghệ nhân, nghệ sĩ lão thành thực hiện để các bài bản lớn không bị thất truyền; đưa nghệ thuật ca Huế vào hệ thống trường học của tỉnh nhà thông qua hình thức giới thiệu, nói chuyện có biểu diễn minh họa; mở thêm các thính phòng ca Huế cũng như thực hiện các buổi biểu diễn tại các tụ điểm công cộng với sự bảo trợ của Nhà nước (Trước đây, CLB Ca Huế thuộc Trung tâm Văn hóa Huế đã tổ chức thành công các chương trình ca Huế vào buổi chiều tại Nhà Kèn nhưng sau đó phải dừng vì thiếu nguồn tài trợ). Hiện nay, Bảo tàng Văn hóa Huế đã hình thành một phòng bảo tàng nghệ thuật ca Huế, đây là việc làm đáng trân trọng. Chúng tôi mong thời gian tới, Bảo tàng tiếp tục sưu tầm thêm tư liệu, hiện vật từ gia đình các nghệ sĩ, nghệ nhân ca Huế, góp phần làm lan tỏa các giá trị loại hình ca Huế trong công chúng.
Là người đề xuất đưa ca Huế xuống sông Hương, ông có lo lắng khi ca Huế đang bị biến tướng do khi phục vụ vào du lịch theo kiểu hàng chợ?
Khi đã trở thành sản phẩm du lịch và cái gọi là “xã hội hóa” thì không riêng gì ca Huế, các loại hình truyền thống khác cũng bị biến tướng, không còn giữ nguyên mẫu nữa. Đó là một thực trạng. Tôi hiểu nỗi xót xa, lo lắng không chỉ riêng tôi mà còn trong sâu thẳm của những người yêu dòng sông Hương, yêu Huế. Tuy nhiên, tôi vẫn hy vọng, tin tưởng vào trách nhiệm, vai trò của ngành quản lý, của những nghệ sĩ, nghệ nhân đàn, ca Huế chân chính để con thuyền ca Huế bồng bềnh trên sông Hương không biến dạng, thay hình!
Một thực tế là hiện tượng hát sai, hát nhầm, hát chưa đúng ca Huế đang diễn ra, khiến những người ca Huế gốc cảm thấy bất an?
Việc ngày càng có thêm người đến với ca Huế là điều đáng mừng, tuy nhiên, một số người học vội vàng qua băng đĩa, hát theo… mà không được truyền nghề một cách chỉnh chu, có hệ thống, có bài bản nên dẫn đến tình trạng hát sai, hát nhầm, hát chưa đúng ca Huế là điều có thật. Các nghệ sĩ, nghệ nhân ca Huế chân chính rất không hài lòng trước hiện tượng ấy. Mong rằng theo thời gian, từ thực tiễn cuộc sống, những người hát sai, hát nhầm… sẽ tự điều chỉnh để bắt nhịp đúng với nghệ thuật chính thống!
Những bản ca Huế cổ không nhiều, khó hát và nội dung có khi không còn phù hợp lắm với thời nay. Theo ông, có nên tổ chức những cuộc thi sáng tác lời mới cho ca Huế?
Hiện nay các nghệ sĩ, nghệ nhân vẫn thường hay ca các bài ca Huế của Mai Am công chúa, Ưng Bình Thúc Giạ, Á Nam Trần Tuấn Khải, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Bửu Lộc, Vu Hương (Ưng Thuyên), Kiều Khê, Thanh Tùng cùng nhiều tác giả khuyết danh khác. Để thích nghi với môi trường, hoàn cảnh chính trị, xã hội mới nhiều bài ca có nội dung mới của các tác giả soạn lời ca Huế như Kỳ Châu, Duy Sĩ, Đăng Ninh, Kim Vàng, Minh Khiêm, Thái Hùng, Lệ Hoa, Khánh Di, Đỗ Trung Hùng… được xuất hiện trên thuyền sông Hương, trên màn ảnh nhỏ… Việc tổ chức những cuộc thi sáng tác lời ca mới cho ca Huế cũng là cần thiết, làm phong phú thêm bài bản mới cho nghệ thuật ca Huế.
Đối với di sản văn hóa nói chung, luôn luôn có mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển bởi bảo tồn đòi hỏi cái nguyên gốc nhưng yêu cầu phát triển cần sự thích nghi. Với ca Huế, ông có lưu ý gì trước hai mục tiêu này?
 Với nghệ thuật ca Huế, hai mục tiêu trên đều cần được lưu ý như nhau. Vì vậy, để làm được điều này không phải dễ bởi nó đòi hỏi sự am hiểu tường tận, có chiều sâu cùng tinh thần yêu thích, công tâm với di sản văn hóa từ phía những người có trách nhiệm.
Theo ông, mục tiêu tiếp theo là lập hồ sơ đề nghị công nhận ca Huế là di sản văn hóa phi vật thể thế giới có khả thi?
Ca Huế được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới là mong ước, là tâm nguyện của người dân Huế. Vì vậy, mục tiêu tiếp theo là lập hồ sơ đề nghị công nhận ca Huế là di sản văn hóa phi vật thể thế giới theo tôi chỉ có tính khả thi khi Nhà nước tiếp tục công tâm với di sản này bằng chiến lược bảo tồn và phát triển ca Huế một cách cụ thể, năng động. Bên cạnh đó, là sự nỗ lực không ngừng trong việc rèn luyện đàn, ca tới mức tuyệt kỹ và tinh thần đoàn kết, thương yêu của giới nghệ nhân, nghệ sĩ đàn ca Huế.
Xin cảm ơn ông về những gì đã trao đổi.
Kim Oanh (thực hiện)

Nguồn: http://baothuathienhue.vn/?gd=1&cn=375&newsid=3-0-58078