Print

HÒ RU CON SỐNG MÃI VỚI TUỔI THƠ

Published Date
Written by Võ Quê
Hits: 7172
Image Cất lên một tiếng la đà Cho chim nhớ tổ, cho ta nhớ mình

 

     Như mọi miền đất nước khác trên thế giới, dân tộc nào cũng có loại hình văn học dân gian bao gồm nhiều thể loại : huyền thoại, huyền tích, tục ngữ, câu đố, truyện tiếu lâm, tuồng, hài, ca dao, hò vè...mà trong đó hát, hay còn gọi là hò ru con (ru em) là hình thức diễn xướng mà bất cứ ở làng quê nào trên dãi đất Việt Nam cũng có. Hò ru con có nét giống nhau là thường dùng thể thơ lục bát, lục bát biến thể với làn điệu nhẹ nhàng, lời ca thường đệm thêm nhiều tiếng không có nghĩa xác định. Chỗ khác nhau là về trường độ, cao độ, về sắc thái âm điệu, tiếng đệm...Hò ru con có một giá trị nhất định trong kho tàng văn chương bình dân của đất nước Việt Nam mà lực lượng thể hiện là phụ nữ Việt Nam qua nhiều năm tháng.

                              Hai tay cầm bốn tao nôi                               Tao thẳng tao dùi tao nhớ tao thương

     Chỉ với hình ảnh bốn tao nôi nhưng đã chứa đựng biết bao điều để nói về cuộc sống, về sự hình thành nhân cách tuổi thơ của một đời người mà mẹ, mà chị đã gửi gắm trọn vẹn tấm lòng qua câu hò điệu hát.

                              Cất lên một tiếng la đà                               Cho chim nhớ tổ, cho ta nhớ mình

    Hò ru con là hình thức diễn xướng quen thuộc của quê hương mình được truyền từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác nhằm biểu hiện những trạng thái tình cảm của người phụ nữ mà tuổi thơ là đối tượng trực tiếp được hưởng thụ, thưởng thức những giai điệu ngọt ngào, đằm thắm, chan chứa niềm yêu.

    Nghe mẹ hát ru, bé đã có hiểu gì đâu những nội dung sâu sắc của cái hồn ca dao về nhân tình thế thái, vì có lúc mẹ hay chị mượn bốn tao nôi để nói về cuộc đời, nói với người thương về một nỗi đắng cay bất hạnh hoặc nói về nguồn hạnh phúc tràn trề trong cõi người ta:                    
Có phải trưa nay chị nhớ người thương                           
Nên mượn cớ ru em để lòng mình thương nhớ
Có phải ngàn năm thương thương nhớ nhớ
Khiến tiếng đàn bầu nghe xé ruột vò gan
                (Nhớ Huế-Tô Kiều Ngân)

    Cũng có khi hồn đất nước đượm màu trong lời ru mẹ nuôi dưỡng tình tự quê nhà, ý thức chống ngoại xâm trong mỗi lời ca dạy cho ta bài học về tinh thần yêu Tổ quốc.

                              Con ơi con ngủ cho lành                               Để mẹ gánh nước rửa bành ông voi                               Muốn coi lên núi mà coi                               Coi bà quản tượng cưỡi voi bành vàng
    Lời ru êm ả. Tiếng mẹ, tiếng chị dịu dàng nâng giấc ngủ tuổi thơ bay vào mộng cảnh. Có giấc ngủ tốt, sức khỏe tăng dần, có nhịp thở điều hòa, tâm hồn tuổi thơ thanh thản. Và bé vẫn chưa hiểu được gì nhiều trong nội dung mẹ hát. Chỉ có âm hưởng là lắng đọng, là chất liệu tuyệt vời giúp bé bình yên giữ lòng nôi. Và mẹ, và chị vẫn cất lên nỗi đau một thời về thân phận người phụ nữ :
                             - Chàng ơi phụ thiếp làm chi                              Thiếp là cơm nguội để khi đói lòng
 
                             - Tháng giêng tháng hai anh còn mê tam cúc, yêu lượng
                             Tháng ba tháng tư anh còn mê mã tượng pháo xe
                             Em can anh anh chẳng hề nghe
                             Đầu em đội bó củi nè thảm chưa?

    Nỗi đau thầm nén vào lời ru và tao nôi mẹ, chị vẫn đưa đều trong trưa, trong khuya lặng lẽ:

                            - Anh buồn có chốn thở than
                              Em buồn như ngọn nhang tàn thắp khuya
 
                           - Nhứt một, nhì hai, tam ba, tứ bốn
                             Ngũ năm, lục sáu, thất bảy, bát tám, cửu chín, thập mười
                             Em đây miệng nói, môi cười
                             Ưu sầu trong dạ, thương người người ơi!
          Đó là nói về nỗi đau của mẹ, của chị về một cuộc tình sầu. Nhưng không chỉ có thế. Tình mẹ còn dành cho con nữa chứ! Cái nghĩa thiêng liêng mẫu tử; niềm khát vọng về một ngày mai con trưởng thành luôn đầy ắp trong lời ru mẹ thiết tha:
                                  
- Mẹ thương con ruột thắt gan bầm
                                  
như bông sen díp lại, khốn cầm lỡ buông
 
 - Ai trồng cây cũng muốn cây xanh
 Ai sinh con cũng muốn lúc trưởng thành con nên
    Mẹ hát, chị ru và có một ngày lớn khôn con hiểu thế nào sự hiếu hạnh dành cho mẹ:
                               - Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
                                Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương
 
                              - Lên chùa thấy Phật muốn tu
                                Về nhà thấy mẹ công phu chưa đền   

     Hò ru con là giai điệu đẹp bền cùng thời gian, cuộc sống. Nội dung câu hò ru con hàm súc, phong phú, đề cập nhiều điều của quá khứ, hiện tại, tương lai... Là tình tự quê nhà giúp ta có niềm kiêu hãnh về dân tộc, tự hào về đất đai xứ sở:

                         -  Thương chi đồng nỗi thương con
                            Nhớ chi đồng nhớ nước non quê nhà
 
                         - Ru em cho théc cho muồi
                          Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu
                          Mua vôi chợ Quán chợ Cầu
                          Mua cau Nam Phổ mua trầu chợ Dinh
                          Chợ Dinh bán áo con trai
                          Triều Sơn bán nón, Mậu Tài bán kim

     Từ đất đai, mẹ dạy con những điều nhân nghĩa, biết lao động, biết sản xuất nhằm xây dựng nước non nhà:

                                 - Thức khuya dậy sớm cho quen
                                 Đổ than kéo bệ đập rèn cùng anh
                       - Ai ơi uống rượu thời say
                       Bỏ ruộng ai cày, bỏ giống ai gieo?

     Từ những giá trị tinh thần Chân Thiện Mỹ mẹ dạy con đạo lý làm người; dạy con biết rèn luỵện, trau dồi nhân cách, biết tu nhân tích đức trước cuộc đời nhiều hệ lụy:

                                       - Lênh đênh trước biển thần phù
                                         Khéo tu thời nổi vụng tu thời chìm                                    
                                                      
     Nội dung hò ru con tựu trung là một bản trường ca bất tận của kho tàng văn chương Việt. Có khi mẹ, chị hát về nhân nghĩa, có khi mẹ hát bài chống đế quốc, phong kiến một thời nhủng nhiễu. Có khi mẹ, chị hò về đạo lý làm con, về cái nghĩa vợ chồng. Điệu hò thấm sâu vào tâm thức tuổi thơ, nội dung phát lộ dần ra theo độ tuổi. Càng lớn, càng hiểu dần những điều mà mẹ, chị gửi gắm cho ta. Khôn ngoan theo thời gain, trưởng thành cùng câu hát. Biết ơn vô cùng điệu hò ru con cái thuở nằm nôi.

     Nhìn từ một góc độ nào đó, điệu hò ru con là chất liệu ban đầu của tuổi thơ. Vừa ươm mầm nhân ái; vừa chủng ngừa các bệnh tật lúc sơ sinh. Mẹ, chị đã gieo vào tâm hồn tuổi thơ những hạt giống lành về nhân ái, về đạo lý làm nguời, về tình yêu quê hương xứ sở. Hình ảnh vầng trăng, ngọn cỏ, cánh diều, âm ba tiếng chuông chùa, hồi chiêng trống đình làng mùa lễ tế, bóng dáng lũy tre xanh miền thôn dã, dòng sông thơ ấu... Tất cả những sự vật cụ thể mà chan chứa tình non nước quê nhà ấy đã trở thành ý niệm sống thiết thân từ khi tuổi còn thơ cho tới lúc trưởng thành. Trí tuệ, tâm hồn người cứ thẩm thấu, thấm nhuần một cách sâu lắng những giá trị tình cảm đậm đà, những món ăn tinh thần thuần khiết, thiêng liêng, cao cả đó.

    Mong sao dù bất cứ không gian nào, thời gian, hoàn cảnh, địa hình...nào, người phụ nữ Việt Nam cũng khôn khéo dạy dỗ tuổi thơ bằng những điệu hò ru con của quê hương dân giã. Và những người mẹ Việt Nam bằng vốn liếng văn hóa truyền thống dân tộc của mình sẽ cho tuổi thơ được tắm mình trong ngọn nguồn ca dao đằm thắm; cho mai ngày lớn khôn sẽ trở thành nguời công dân gương mẫu, có phẩm chất đạo đức, giàu lòng hiếu hạnh đóng góp cho xã hội nhiều công ích thiết thực có giá trị cao với nhân cách Việt Nam.