Print

CHUYỆN BÓI TOÁN ĐẦU NĂM Ở HUẾ

Published Date
Written by Võ Quê
Hits: 10483

 

 

Khi tết đến xuân về, cùng với mọi miền trên quê hương đất nước, người dân Huế cũng có nhiều cách thưởng ngoạn độc đáo trong nhiều lĩnh vực. Bên cạnh những thú vui mang bản sắc văn hóa dân tộc cổ truyền, người dân Huế còn  thưởng xuân bằng nhiều cách khác nhau: Người say mê âm nhạc cổ truyền thì thả hồn theo điệu đàn tuyệt kỹ, giọng ca Huế trữ tình với hình ảnh phong hoa tuyết nguyệt, với sông nước Hương giang bằng tâm trạng rạo rực chào xuân, hay man mác cảm hoài khi ngắm cảnh sinh tình. Người ham mê võ thuật thì đến với những xới vật mùa xuân làng Sình, Thủ Lễ… tìm cảm giác mạnh hứng khởi xuân tươi. Người chí thú với những giá trị tâm linh mang dấu ấn thiêng liêng một thời khai canh, mở đất thì tìm về  lễ hội tín ngưỡng dân gian... Người tin vào số mệnh đất trời, muốn biết dự báo mình sẽ bi, hài, khổ đau, hạnh phúc ra sao thì đi vào lĩnh vực bói toán.

 

Ở Huế có nhiều hình thức bói toán đầu năm: Tìm tới các nhà nam nữ chiêm tinh xem tuổi, tử vi, xem chỉ tay… Trước đây còn có thầy xem lá trầu để bói nên được gọi là Thầy Trầu; Lên chùa Ba Đồn, chùa Phước Điền, Điện Hòn Chén… xin xăm. Được biết, một số tư gia ở Huế thờ Quan Công cũng có thỉnh xăm về nhà cho người thập phương tới xin xăm.

 

Bên cạnh loại xăm ở đền chùa nói trên còn có một loại xăm từ trò chơi giải trí chốn cung đình, nơi quan quyền là xăm hường. Từ trò chơi này đã sản sinh ra trò bói xăm hường. Hường là một mặt tứ màu đỏ trong bộ tào cáo - có nơi gọi là nhất lục, miền nam gọi là xí ngầu, miền bắc gọi là xúc xắc. Mỗi ván xăm hường được mở đầu bằng cách mỗi người lần lượt vốc bộ nắm xăm hường trong tay rồi thả ra lòng một cái tô bịt đồng thòa. Âm thanh bộ tào cáo va chạm vào tô sứ nghe rất vang, tạo một không khí xuân rộn ràng, háo hức. Khi bộ tào cáo đã ổn định thì các mặt tào cáo - tất cả có 6 con mỗi con có 6 mặt từ nhất (một ) đến lục (sáu)) - sẽ làm thành một tổ hợp. Các tổ hợp sẽ hợp thành một cấu trúc có ý nghĩa, đem lại cho người đổ xăm hường một số thẻ. Xăm hường là trò chơi đổ bát gợi lại ý niệm về thi cử ngày xưa, phù hợp với nguyện vọng và tính ăn, thua nhẹ nhàng của phụ nữ giới quý tộc ở Huế, cầu mong cho con cái thành đạt. Trong trò chơi bói toán này người đổ xăm hường thích chí nhất là đổ ra suốt ( 6 con 6 mặt từ nhất đến lục) vì nó bao hàm việc hanh thông; hoặc thích lục phú đen (6 con đều ra mặt lục màu xanh hoặc màu đen) hơn là lục phú hường (6 con đều ra mặt tứ màu đỏ) vì tin rằng đỏ quá hóa đen.

 

Ngày Tết, ngoài các trò chơi cung đình đã đi vào trong dân gian, nhà nào ở Huế cũng có trò chơi bài bạc để thử vận hên, xui mà không cốt để ăn thua, sát phạt nhau bằng tiền theo xu hướng tứ đổ tường, chơi bài bạc chỉ là cái cớ để giải trí thư giãn nhẹ nhàng trong những ngày đón xuân mới, thưởng tết. Người ta thường đoán vận mệnh hên xui trong năm bằng cách nhìn qua sự thắng thua trên từng ván bài gọi là bói bài. Trong dân gian, nhất là ở miền quê, thường sử dụng bộ bài tới để bói, trong bài tới có nhiều con bài chỉ có nét đen tuyền và một số con bài có đóng dấu đỏ (con Ầm, con Tử, con Đỏ mỏ). Vì vậy, trò chơi cờ bạc thường được gọi chung là trò đỏ đen.

 

Ở Huế, trên dòng sông Hương ngày trước có rất nhiều bến đò ngang. Từ thượng nguồn xuôi về Thuận An có các bến bến đò Tuần, bến đò qua điện Hòn Chén, bến đò Nguyệt Biều qua Văn Thánh, bến đò Thừa Phủ, bến đò Tòa Khâm, bến đò Đập Đá, bến đò Cồn, bến đò chợ Dinh, bến đò Thuận An… Riêng bến đò Chợ Dinh nằm giữa chợ Gia Lạc (vùng Vĩ Dạ) và chợ Dinh (vùng Gia Hội) thời ấy người ta cho là rất thiêng. Đây là bến đò ngang để người dân vùng Gia Hội, Vĩ Dạ có thể xuất hành trong ngày Tết. Với người Huế việc xuất hành trong ba ngày Tết là tục lệ rất quan trọng, vì vậy chuyến đò ngang này càng đóng vai trò cốt yếu trong vận mệnh đầu năm của họ. Đến bến đò chợ Dinh, nếu con đò vẫn đang nằm chờ hoặc vừa mới ghé vào bờ thì đó là vận may, buôn bán hanh thông suốt năm. Từ bói đò xuất phát từ đây.

 

Bói Kiều đầu năm cũng là một thú vui tao nhã của một bộ phận công chúng Huế. Người Hà Nội thường chơi đào, không biết có bói đào không, riêng người Huế thích chơi mai nên cũng có thú bói mai. Theo nhà văn Phạm Xuân Phụng thì: ”Người Huế xưa có thói quen bói hoa mai (xin đừng nhầm với bói Mai Hoa Dịch của Thiên Khang Tiết đời nhà Tống bên Trung Hoa) bằng cách đếm số cánh hoa trên một bông hoa mai đã nở rộ: 5 cánh: bình thường, 6 cánh: báo hiệu đắc tài đắc lộc, 7 cánh: đại hỷ, 8 cánh: muôn sự trôi chảy, cầu được, ước thấy. 9 cánh: hạnh phúc vững bền, 10 cánh: thập toàn…”.

 

Có một hình thức xem bói đầu năm nữa nhưng nay đã không tồn tại trên đất Huế, đó là bói tuồng. Theo quan niệm của những người mê hát bội (tuồng) mỗi vở diễn đều có đủ thất tình với hỷ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục cũng như tam bành: tham, sân si, lục tặc: nhãn, nhỉ, tỷ, thiệt, thân, ý. Các tuồng tích được biểu diễn hằng ngày, đêm là những tấn đời là khổ đau, hạnh phúc, có mất mát, chia ly, có thành đạt, đoàn viên, hội ngộ… Mỗi vở tuồng xưa như Sơn Hậu, Ngũ Hổ bình Tây, Phụng Nghi Đình (hay gọi là Lữ Bố hí Điêu Thuyền); Tôn Phu Nhân Quy Thục; Mạnh Lệ Quân thoát hài, Phong Thần, Lộ Địch của Ưng Bình Thúc Giạ (Lộ Địch là vở tuồng do cụ Thúc Giạ phóng tác phỏng theo vở bi kịch Le Cid của Corneille - nhà biên kịch, nhà thơ lớn của Pháp - nhưng có thay đổi một số tình tiết cho để phù hợp với sân khấu hát bội và đạo lý Á Đông)... thường diễn trong nhiều buổi mới hết nên những người muốn xem bói tuồng đầu năm khi mua vé xong không vào ngay đầu buổi diễn mà chỉ vào sau khi tuồng đã diễn được một thời gian dài hoặc ngắn tùy theo sự chọn lựa của khán giả muốn bói tuồng.

 

Khán giả xem bói tuồng đầu năm thông thường là những người đã ít nhiều thành thạo, am hiểu nghệ thuật diễn xướng tuồng cũng như nội dung các tuồng tích, biết rõ tiểu sử, lý lịch các nhân vật trong các vỡ tuồng hát bội. Tùy theo cảnh tuồng khán giả bắt gặp đầu tiên khi vào rạp như thắng trận hay thất trận, thăng quan tiến chức, đậu trạng nguyên, vinh quy bái tổ, tử trận chốn sa trường… mà suy luận ra chuyện thời vận buồn vui, sướng, khổ, được, mất, nghèo khó, sang giàu, tiền hung hậu cát, tiền cát hậu hung, an khang thịnh vượng… trong năm.

 

Rạp hát Đồng Xuân Lâu (còn gọi là rạp Bà Tuần ở đường Phan Bội Châu, nay là đường Phan Đăng Lưu) trước đây là nơi rất quen thuộc của công chúng mê hát bội ở Huế cũng như vùng nông thôn Thừa Thiên Huế. Người viết bài này thời niên thiếu đã nhiều lần được cầm tay mẹ vào rạp Bà Tuần xem hát bội trong những ngày đầu năm. Những lúc ấy thường ấm ức với mẹ vì không hiểu sao mẹ không chịu vào xem ngay từ đầu mà phải chờ người ta diễn một lúc mới cầm tay con dẫn vào rạp hát. Bây giờ rạp hát Đồng Xuân Lâu đã thành từ đường của dòng họ Đặng Ngọc. Thanh Bình Thự tọa lạc tại đường Chi Lăng Huế là nơi thờ phụng ông tổ ngành tuồng đã được công nhận di tích lịch sử quốc gia từ nhiều năm nay nhưng vẫn lù mù những ngọn đèn vàng hiu hắt. Nhà hát Nghệ thuật Cung Đình Huế cũng có bộ môn nghệ thuật tuồng nhưng chỉ phục vụ du khách, biểu diễn đối ngoại là chính nên hiện nay những ngày đầu năm Huế vẫn là một khoảng trống với người mê tuồng xứ Huế. Đã không có rạp hát tuồng, không có chuyện diễn tuồng thì nói chi chuyện bói tuồng đâu năm ở Huế!

 

V.Q


Bộ xăm hường.


*

Ảnh: Internet.