Print

CA TRÙ CA HUẾ GẶP NHAU TRÊN CHIẾU SÔNG HƯƠNG - Đoản văn Võ Quê

Published Date
Written by Võ Quê
Hits: 5102
Một cuộc tình cờ không hẹn trước thành đêm của đồng cảm, đêm của mặc khách, tao nhân...

CA TRÙ CA HUẾ GẶP NHAU TRÊN CHIẾU SÔNG HƯƠNG

VÕ QUÊ

     Nhân dịp bộ phận làm chương trình "Việt nam vẻ đẹp tiềm ẩn" của Đài Truyền Hình Việt Nam gồm các biên kịch, đạo diễn Phạm Xuân Quỳnh, Trịnh Quang Tùng, Trần Ngọc Linh, Thu Hoài vào làm phim giới thiệu Nghệ nhận Dân gian Việt nam Trần Kich và nhã nhạc cung đình triều Nguyễn, Nghê nhân Dân gian Việt Nam Minh Mẫn, nghệ nhân Thanh Hương, nghệ sĩ Thanh Tâm với nghệ thuật Ca Huế, lần đầu tiên trong cuộc đời gắn bó, bềnh bồng với thuyền ca tôi đã may mắn dự một đêm giao lưu kỳ thú giữa loại hình âm nhạc cổ truyền Ca Trù và Ca Huế trên chiếu sông Hương.

     Dưới ánh sáng của vầng trăng muộn trữ tình, thơ mộng, trong nền hoa đăng lung linh sóng sánh mạn thuyền,trên chiếu sông Hương đã diễn ra một cuộc giao lưu kỳ thú giữa Ca Huế với Ca Trù Hà Nội. Một cuộc tình cờ không hẹn trước thành đêm của đồng cảm, đêm của mặc khách, tao nhân. Giữa không gian tĩnh lặng với gió mát trăng thanh, các giai điệu âm nhạc cổ tuyền của hai thành phố kết nghĩa Hà Nội Huế được đan quyện, hòa thanh trong mạch tình non nước.

     Mở đầu cho "đêm ca tri âm", nghệ sĩ Thanh Tâm đã ca bài cổ bản Dan díu chi trần lụy của nhà thơ Á Nam Trần Tuấn Khải sáng tác vào năm 1921. Bài ca làm gợi nhớ một thời các nghệ sĩ nghệ nhân Huế đem điệu đàn. lời ca Huế đến các xóm Bình Khang trên đất Bắc, đến với phố Khâm Thiên vào những năm đầu thập kỷ 20. Và hai nhà thơ Á Nam Trần Tuấn Khải, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu từ đó cũng soạn nhiều lời ca Huế qua các làn điệu  Cổ bản, Nam ai, Nam bình, Tứ đại cảnh, Hành vân...như nhà thơ Xuân Diệu đã viết trong tập sách Thơ Văn Á Nam Trần Tuấn Khải do Nhà xuất bản Văn Học ấn hành năm 1984: "Á Nam cũng như Tản Đà đã gặp một miếng đất phóng túng để cho mình lãng mạn khi viết những lời ca Huế."

     Từ Ca Huế với làn điệu Cổ bản Dan díu chi trần lụy của Á Nam Trần Tuấn Khải chuyển sang Gởi gió, bài hát nói của Tản Đà qua giọng ca truyền cảm của nghệ sĩ Bạch Dương,- một truyền nhân của bà nghệ nhân Ca Trù tài danh Phó Thị Kim Đức - người đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1993 - là một chuyển mạch rất vi tế, nhuần nhuyễn, thú vị. Hai bài ca trên đã tạo cho tôi có một cảm giác là hai bậc tiền bối Á Nam, Tản Đà như đang cùng ngồi trên vuông chiếu sông Hương đêm nay thưởng thức các giọng ca vàng hậu bối thể hiện những lời ca do chính mình sáng tác thời xa xưa.

     Nếu giọng của Nghệ sĩ Thanh Tâm được nhà báo Lưu Trọng Văn ví là "người dát âm thanh vào hơi sương trong" khi ca Nam ai, thì giọng Bạch Dương đêm nay trên thuyền sông Hương với tôi là "người thả âm thanh trên dòng trăng" khi ca Bắc phạt, Thiết nhạc, Hát Nói...Qua cuộc chuyện trò vội vàng trên thuyền tôi được biết năm 2000, Bạch Dương và Nguyễn Văn Hải người thường đàn đáy cho Bạch Dương hát đã được Nghệ sĩ Ưu tú Kim Đức nhận lời truyền dạy nghệ thuật ca trù. Bạch Dương đã nhận được Huy chương vàng về ca trù tại một liên hoan nghệ thuật. Trên vuông chiếu sông Hương, dưới đôi tay điêu luyện của Bạch Dương những thanh tre mỏng mảnh của lá phách như được Bạch Dương phả hồn mình vào đó để tạo nên từng tràng hạt âm thanh châu ngọc, sinh động mượt mà...và chất giọng hào hoa, nền nã, sang trọng của Bach Dương cộng âm với cung đàn đáy Nguyễn Văn Hải, Trần Ngọc Linh cầm chầu…đã tạo cho người thưởng ngoạn vào những trạng thái bềnh bồng, lảng đảng rồi sâu lắng, rất nội tâm. Qua giọng ca, lời ca thanh thoát, truyền cảm của tài nữ Bạch Dương, bạn tri âm càng hình dung được về bốn mùa thiên nhiên phong hoa tuyết nguyệt, về những số phận người buồn vui, hệ lụy trước cuộc đời, hiểu sâu sắc thêm về những nhân tình thế thái...

" Cát đâu ai bóc tung trời?

Sóng sông ai vỗ? Cây đồi ai rung?

Phải rằng: Dì gió hay không?

Phong tình đem thói lạ lùng trêu ai?

         (Hỏi gió, Hát Nói - Tản Đà)

     Phải nói, sông Hương càng về khuya là một không gian lý tưởng cho loại hình Ca Trù, Ca Huế. Ca Trù, Ca Huế có chung một đặc điểm là người ca, người đàn, người nghe cùng ngồi chung trên một vuông chiếu truyền thống. Tiếng hát cung đàn như chạm xuống mặt sông rồi trả lại cho hồn người try kỷ, tri âm trong khoang thuyền Huế. Khinh khoái. Nòi tình.

     Đồng thanh tương khí, nghệ nhân Minh Mẫn, nghệ Nhân Thanh Hương dù tuổi hạc đa cao nhưng cũng cao hứng giao lưu cùng Ca Trù, Hát Nói  các làn điệu Nam xuân, Hành vân, Lý cửa quyền, Lý huê tình, Chầu văn Huế...Và từ cuộc hạnh ngộ nghệ thuật tuyệt vời này, bất chợt tôi nảy sinh ý tưởng: Từ lâu, các ferstival Huế chương trình Âm sắc Việt với ba loại hình nghệ thuật cổ truyền Ca Trù, Ca Huế, Đàn ca Tài tử Nam bộ chỉ đóng khung trong Đại nội, cũng chỉ phục vụ cho rất ít người nghe. Tại sao hằng năm trên những vuông chiếu sông Hương trữ tình, khoáng đạt Ca Huế, Ca Trù, Đàn Ca Tài tử Nam bộ không thực hiện được những cuộc gặp gỡ giao lưu thấm đượm nghĩa tình? Việt Nam, vẻ đẹp tiềm ẩn cần được phát lộ thông qua nhiều hình thức giới thiệu quảng bá trước đông dảo công chúng yêu nghệ thuật truyền thống. Sắc Thanh Hương… từ đất nước mình còn phong phú, còn muôn hồng nghìn tía lắm!

     Xin cám ơn các anh chị của VTVI, cám ơn các nghệ nhân, nghệ sĩ đàn ca Huế. Cám ơn nghệ sĩ Bạch Dương, Nguyễn Văn Hải...đã cho tôi được đượm hương, thưởng âm tài hoa của Ca Huế, Ca Trù trên vuông chiếu sông Hương. Ước chi chúng ta lại gặp nhau trong một mùa trăng Huế. Chúng ta lại cùng hỏi dan díu chi trần lụy, cùng gặp gió đây hỏi một đôi lời. Lời của nước non, lời của những tâm hồn đồng điệu, thanh khí, tương cầu…

Sông Hương, 22.7.2008

theothaovanhoa.gif số 206 (2357) Thứ Năm 24.7.2008