Print

LAI VUNG RỒI CHỢ LÁCH TÔI VỀ

Published Date
Written by Võ Quê
Hits: 5446

Nắng chiều Chợ Lách mật ong hay hỗ phách...

 

DSC00383

Trong lần về miền Tây lần này tôi có một tâm nguyện: Trở lại Cái Dứa, huyện Lai Vung thuộc tỉnh Đồng Tháp thăm quê vợ của người em trai (Võ Vui) đã mất tại Mỹ cách nay đã 5 năm. Qua phà Cần Thơ là tôi bắt xe ôm về Cái Dứa. Nhớ lại những năm về trước khi qua thăm gia đình Vui ở Cái Dứa thì phải về Ô Môn đi đò máy ngắm mênh mông Cửu Long dạt dào sóng nước phù sa. Bây giờ đường về Cái Dứa đã phẳng phiu rộng rãi. Cầu Cái Dứa không còn là nhịp cầu gỗ chênh vênh trên dòng kênh. Lòng mừng thầm Cái Dứa đã hết thành vùng sâu, vùng xa đìu hiu như một thuở tôi về tìm tông tích người em phiêu dạt. Lần nay, nhận ra nhau những bà con thân quen Cái Dứa tay bắt mặt mừng. Người già, người trẻ hân hoan chung niềm vui hội ngộ. Vượt hàng ngàn cây số về nơi chốn đã từng đùm bọc nuôi dưỡng em trai là một hạnh phúc lớn trong tôi. Xin được ngàn vạn lần biết ơn người đồng bằng đã góp phần chắt chiu bóng Huế. Giá như em trai Vui khi biết tôi về thăm Cái Dứa có lẽ em cũng mĩm cười thương yêu. Dẫu em đã vĩnh viễn không còn trên thế gian này nhưng anh vẫn tìm về vùng đất phóng khoáng, nhân hậu một thời em gắn bó buồn vui. (Rất tiếc những tấm hình chụp với các má, các chú và bà con cô bác Cái Dứa đã gặp sự cố dọc đường nên không có trên trang viết hôm nay. Xin thầm hẹn thêm một lần về lại!)

     Tiếp tục bám eo người xe ôm tên Hóa, từ Lai Vung tôi trực chỉ Vĩnh Long, thành phố tôi đã từng có những đêm thức trắng cùng nhiều văn nghệ sĩ Cửu Long như anh Ba Kiệt, nhạc sĩ Trúc Phương, như các nhà thơ, nhà văn Lê Trung Hiệp (Nguyễn Bạch Dương), Trúc Phương, Song Hảo, Văn Quốc Thanh, Phan Phúc Bình, Thái Hồng... để hôm nay đang trở thành những kỷ niệm đẹp, hào hoa. Nhìn Song Hảo ban trưa nắng nôi từ An Bình qua Hội Văn Nghệ Vĩnh Long đón tôi, tôi thật ái ngại và thấy thương Song Hảo chi lạ rứa! Cái tình văn nghệ vốn là “cái tình chi...” da diết thanh minh, thuần khiết trong xanh. Thế là một cuộc lên chương trình chớp nhoáng được hình thành. Nơi đầu tiên đến là Chợ Lách, Bến Tre, chốn tiếp theo là cầu Rạch Miễu, Tiền Giang. Tháng 8. 2009 tôi đã từng cùng văn nghệ sĩ Huế từ phà Rạch Miễu xuôi về phà Đình Khao, nay tôi lại ngược từ Đình Khao lên cầu Rạch Miễu. Thì ra tôi đang được mùa đi giữa vườn xanh.

     Tới Chợ Lách, gặp lại Nga sau 7 năm xa tôi đã không giấu được bồi hồi, xúc động. Nga cười thật tươi: Sao mà anh Quê ôm Nga chặt vậy ta! Tôi bẻn lẻn: Lâu quá trời mà! Năm 2002 Song Hảo, Thái Hồng đã đưa tôi qua Chợ Lách thăm Nga. Chợ Lách đang mở hội thi trái cây lần thứ nhất. Xem hội thi xong thì chúng tôi được Nga mời thăm vườn Nga. Vườn Nga bát ngát xanh cây lá. Đang mùa sầu riêng. Vườn Nga mơn mởn nắng. Nga khoe ngoài những cây trái Việt Nam, vườn Nga cón có nhiều giống cây Thái Lan. Tôi buộc miệng: Nga Thái Lan! Từ ấy tên Nga Thái Lan thân quen trong một nhóm bạn bè Vĩnh Long. Không ai bảo ai mà trong điện thoại di động của tôi và Văn Quốc Thanh đều ghi danh Nga Thái Lan. Bữa cơm tái ngộ tại Đào Viên Quán còn có thêm họa sĩ Đặng Can, người bạn thời học trò của Nga Thái Lan trên đất Vĩnh Long. Tôi nhắc chuyện tôi đã viết bài thơ sau chuyến về Chợ Lách năm 2002: Giữa Vườn Xanh rồi nói với Nga: Hình ảnh giỏi giang, đảm đang, chịu thương chịu khó của Nga đậm nét trong hai câu cuối của bài thơ Giữa Vườn Xanh

Em đưa anh qua những vườn xanh

Nắng óng ánh nắng xuyên cành lá

Chôm chôm đỏ lung linh sắc lửa

Những ngọn đèn thiên nhiên

.

Em mời anh hương vị sầu riêng

Trang thơ yêu ươm vàng múi nhớ

Có phải từng cuộc tình một thuở

Gặp nhau trong trái sầu riêng

.

Gió bao dung em tóc rối sợi mềm

Tiếng chim hót gọi chiều xuống chậm

Sợ tan biến phút giây đằm thắm

Ngại mặt trời sớm khuất – hoàng hôn

.

Lời em ca hòa quyện hương vườn

Điều nhơn ngãi đơm mầm lộc biếc

Giọng nam bộ trữ tình da diết

Nghe mặn mà thanh sắc giáng châu

.

Anh tặng em khúc tương tư sầu

Em đừng trách cái buồn trong câu hát

Buồn là nhớ là trông người ươm hạt

Niềm vui thường qua mau.

.

Vườn em xanh cây trái ngọt ngào

Anh thầm hẹn một ngày về Chợ Lách

Em cần mẫn con ong hiền luyện mật

            Đất và người hèn chi cứ duyên nhau.

Chợ Lách, Bến Tre

8. 6. 2002

     Năm sau (2003), Nga Thái Lan điện thoại nhắc tôi: Sầu Riêng chín rồi sao không thấy anh về? Tôi khồng về Chợ Lách được trong thời điểm ấy. Tôi xin Nga Thái Lan cho tôi về Chợ Lách trong mùa sầu riêng chín bằng bài thơ Sầu Riêng

Sầu riêng đang mùa chín tới

Sao anh không về bên em

Vườn xưa?

Giọng nói sầu tình

Anh nghe ngẩn ngơ

Hương sầu riêng thơm lên câu hỏi

Biết khi mô về cùng em

Đường xa ngái

Hèn chi mình không gặp nhau!

.

Em bảo niềm vui thường qua mau

Cái buồn thì ở lại

Em tảo tần

Cánh vạc trắng bên trời

Áo bay gió nội

Mưa nắng miệt vườn

Ướp lên cây trái

Thơm tình yêu lứa đôi

.

Sầu riêng đang mùa chín tới

Một mình em

Một con trăng non

Âm thầm tiếng lá rớt

Âm thầm mầm lộc đơm

Sầu riêng đang mùa chín tới

Câu hỏi thơm

Vương hương sầu riêng

Huế. 4. 2003

     Năm nay tôi về, lời hẹn xưa đã viên thành. Chợ Lách lại đang mùa sầu riêng. Chuyện gặp gỡ đầu tiên tinh khôi 7 năm về trước tái hiện trong màu vàng tươm và hương sầu riêng Thái Hồng mang tới cho mọi người cùng thưởng thức. Chuyện nay chuyện cũ lại râm ran theo từng trang hồi ức. Tình văn nghệ, tình thơ đã mở ra từng trang mới. Luôn luôn mới. Luôn luôn đẹp. Luôn luôn chân thành, trang trọng. Nắng chiều Chợ Lách mật ong hay hỗ phách cứ lung linh xuyên trong từng kẻ lá. Dường như nắng cũng gợi tình. Nắng u hoài!

     Không thể lưu Chợ Lách lâu hơn dù lòng đang muốn ở, các văn hữu Song Hảo, Văn Quốc Thanh, Thái Hồng và tôi quyến luyến, bịn rịn  từ giã Nga để về hướng cầu Rạch Miễu. Tôi nói vui với Nga: Chiều mai trên đường trở lại Vĩnh Long anh em mình còn gặp nhau. Nga Thái Lan!

     Chợ Lách đang mùa sầu riêng...

.

IMG_0034

Tác giả và bạn Nga Thái Lan, Chợ Lách.

*Ảnh trên: Từ trái sang Đặng Can, Văn Quốc Thanh, Nga, Võ Quê, Song Hảo.