Print

Nhà văn TRẦN ÁNG SƠN

Published Date
Written by Võ Quê
Hits: 5550

Giới thiệu Nhà văn Trần Áng Sơn. Hiệnđang sinh sống tại Sài Gòn.

 

2930477693_b340929d3a_m

 

Tác phẩm đã xuất bản:

Nhà xuất bản Long An: Nữ sinh nội trú; kẻ buôn hoa hậu; Cửa hàng nhan sắc; Người yêu dấu ơi; Lấp lánh tình đời; Hương nhớa nhung;; Một mình trong chiều vắng; Người trong mộng; Những đêm kinh dị; Bảy bước kinh hoàng; Pho tượng giết người; Báu vật cô đơn; Vực đam mê.

Nhà xuất bản Tiền Giang: Về giữa đêm khuya; Ảo ảnh một mùa trăng.

Nhà xuất bản Trẻ: Mùa xuân tình yêu; Cánh hoa chùm gởi; Những trang sách khép mở 1, 2, 3.

Nhà xuất bản Văn Nghệ: Thung lũng mưa ngàn; Nửa đời ảo vọng; Hải Phòng, dóng sông tuổi thơ, 2007.

Nhà xuất bản Đồng Nai: Ảo vọng thuở học trò; Hai lần kỷ niệm.

Nhà xuất bản Lao Động: Cuộc tình đỏ đen.

Nhà xuất bản Bến Tre: Đèn soi nước mắt; Vòng tay dĩ vãng.

Nhà xuất bản Thuận Hóa: Hình bóng cuộc đời; Đừng xa kỷ niệm.

Sẽ xuất bản:

Khúc đồng vọng chiều tà (4 tập):

    Tập 1: Ngôi trường đầu tiên.

    Tập 2: Gió mùa thu tới.

    Tập 3: Bên thềm nắng phai.

    Tập 4: Dòng sông tuổi thơ.

Vĩnh biệt chiến trường.

Thơ tình Áng Sơn

 

2936672079_e0a1b06b88

 

NỘI SOI

Rồi cũng đến lúc chia tay bản năng, như ngọn đuốc cùn

Tự thiêu trên ngọn lửa trần thế.

Những trận cuồng phong ma sát, những khát vọng đục

Ngầu, chẳng để lại gì dẫu mỗi ngày vẫn múa dưỡng sinh, khác gì lũ dã tràng khoe càng, khua chân thách thức

Sóng biển .

 

Tôi nôn mửa đến tận những mẩu tim phổi cuối cùng để

Có một lồng ngực trống rỗng chứa đầy cô đơn.

 

- Ai ngăn được sự hạ màn của dấu chấm… hết!

 

  ĐỊNH VỊ

Trong ngôi nhà với đồ vật chuyển động

Vượt khỏi sự nhàm chán,

Chúng quá tải thân phận tĩnh vật,

Sự tĩnh lặng của hạt bụi rơi xuống ngàn trùng.

 

Chiếc bàn lệch vai,

Bốn chân bàn trơn trượt,

Linh hồn chữ cào trên mặt bàn đòi trở về

Nơi những luồng gió hồi sinh

Trên trang viết đóng vỉa địa tầng.

 

Ngắm làm sao hết những dư ảnh

Sót lại trong vô thức.

Nghe làm sao hết âm thanh những hạt mưa

Rơi lỗ chỗ trên mặt sân xói mòn.

Tất cả không còn nguyên bản.

 

Tháo tung mái nhà để lợp bằng mây đêm,

Đêm đón những vì sao.

Mở tung những cánh cửa chưa bao giờ đóng,

Chúng từ chối định vị.



MÙA THU KHÔNG TRỞ LẠI

 

Trần Áng Sơn

 

Có một nhà văn rất thích chơi bóng bàn, ông là một cao thủ trong giới cầm bút (trước năm 1975 ở Sài Gòn, báo Đông Phương thường tổ chức giải bóng bàn cho giới ký giả nhưng có nhiều ký giả cầm bút ít hơn cầm vợt cho nên giải chỉ có giá trị tượng trưng). Một hôm nhà văn đem con trai đến câu lạc bộ Hội Văn nghệ chơi, thằng bé nhìn thấy một người, nó buột miệng gọi: Ba ơi, ông này sao gióng cái đầu lân quá. Có lẽ nhà văn hết sức bối rồi vì ông biết con trài mình nói đến ai. Riêng tôi vô cùng thích thú trước nhận xét của cậu bé, nếu cậu nối nghiệp cha tôi tin cậu sẽ là kẻ kế thừa xứng đáng. “Cái đầu lân” mà cậu bé nhận xét chính là nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu, ông có mái tóc bù xù kiểu Michael Jackson, hàm râu quai nón rậm rạp, xồm xoàm đen nhánh, mắt hơi lồi, mũi to quả có giống đầu lân thật. Thoạt nhìn Phạm Trọng Cầu có vẻ dữ tợn nhưng thật ra tính ông hiền khô, hóm hỉnh và có phần dịu dàng, đặc biệt là rất mơ mộng. Sau này giao tiếp nhiều với Phạm Trọng Cầu, được ông kể chuyện những năm tháng ở bên Pháp, nhất là chuyện về trường Mỹ thuật của Pháp, nơi các sinh viên đặt ra những nghi lễ kỳ lạ ép buộc sinh viên mới nhập môn phải tuân theo thật ly kỳ nhưng không tiện ghi ra đây. Qua những câu chuyện kể Phạm Trọng Cầu chứng tỏ mình là một người kể chuyện lôi cuốn, có duyên, hồn nhiên, điều này giúp tôi hiểu vì sao hai mươi năm qua Phạm Trọng Cầu gắn bó với các thế hệ thiếu nhi, đào tạo cho các em thành những dàn hợp ca. Một số trong các em đến tuổi trưởng thành đã bước lên hàng ca sĩ nòng cốt trong phong trào nhạc trẻ sôi động trong những năm qua.

 

Phạm Trọng Cầu sáng tác rất khỏe, rất đều, không hụt hơi. Số ca khúc do ông viết phải lên đến con số trăm. Nhưng từ PHẠM TRỌNG đến Phạm Trọng Cầu có đôi chút khác biệt, từ lãng mạn thuần túy sang lãng mạn cách mạng. Đó là một khoảng cách hay là một gạch nối – cũng thế, được đánh dấu bằng ca khúc “Mùa thu không trở lại”. Ca khúc này những năm 70, 60 tôi đã nghe nhiều lần và chỉ biết tác giả là Phạm Trọng. Mới đây trong cuốn băng “Những tình khúc vượt thời gian” tôi nghe Phạm Trọng Cầu kể lại trường hợp nào ông sáng tác “Mùa thu không trở lại”, vẫn là chuyện tình, những chuyện tình không bao giờ dứt, không bao giờ cũ, nó luôn làm người ta thổn thức dù ở bất cứ độ tuổi nào. Nhất là khi Phạm Trọng Cầu không còn nữa, vậy mà tôi vẫn thấy ông cười nói với ca sĩ Ánh Tuyết, kể lại chuyện tình của mình với giọng bùi ngùi, xao xuyến…

 

Về ca khúc “Mùa thu không trở lại”, hơn ba mươi năm qua, tôi nghe ba người hát. Đầu tiên là Thái Thanh, vào những năm 60. Với chất giọng thiên phú, người được phong là tiếng hát vượt thời gian đã đẩy “Mùa thu không trở lại” lên tận cùng trăng sao, nghe Thái Thanh hát ca khúc này tôi cảm thấy rung động đến tận cùng chân tơ kẻ tóc. Tình yêu là tặng phẩm trác tuyệt của Thượng đế trao tặng cho con người. Người thứ hai hát “Mùa thu không trở lại” là Mai Hương, đây là giọng ca riêng biệt, sang cả, tinh khôi. Mai Hương hát “Mùa thu không trở lại” như hát thánh ca, người ta mở rộng tâm hồn, mở rộng trái tim để yêu, để bất tử. Người thứ ba hát thành công “Mùa thu không trở lại” là Ánh Tuyết, chỉ thuần túy về giọng ca thì Ánh Tuyết ở giữa Thái Thanh và Mai Hương. Nhắm mắt lại nghe Ánh Tuyết hát tôi có cảm giác nghe trio ba giọng cả Thái Thanh – Mai Hương – Ánh Tuyết, nghe hát như thế cũng đủ lãng quên đời.

 

Trong mấy mươi năm sống và sáng tác, với ca khúc “Mùa thu không trở lại” đủ để Phạm Trọng Cầu đặt một chân vào thánh đường âm nhạc, trở thành một trong những vị thánh trong thánh đường. Với “Mùa thu không trở lại”, với ba ca sĩ Thái Thanh, Mai Hương, Ánh Tuyết rao giảng tình yêu dùm ông, Phạm Trọng Cầu có thể thảnh thơi “say good bye” cái thế giới phiền hà lắm chuyện này./.

 

T.A.S

 

 

IMG_4350