Print

Nhà thơ NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO

Published Date
Written by Võ Quê
Hits: 8692
 
Giới thiệu nhà thơ Nguyễn Thị Anh Đào, hội viên Hội Nhà Văn Thành phố Đà Nẵng

Sinh ngày 19.5.1979. Quê quán: Thị trấn Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Tốt nghiệp Khoa Ngữ Văn khóa 21, Trường Đại học Khoa Học, Đại học Huế năm 2001. Hội viên Hội Nhà văn Thành phố Đà Nẵng. Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn học trẻ thành phố Đà Nẵng. Hiện công tác tại thành phố Đà Nẵng.

 “Linh cảm với tôi là một định mệnh. Thơ cũng thế. Khi bạn đọc thơ tôi, nghĩa là bạn đã trải qua những con sóng nhẹ của tâm hồn tôi – Những định mệnh ràng buộc mà không thể lý giải đơn thuần bằng lời nói –Tôi lặng lẽ sáng tác và lặng lẽ chiêm nghiệm. Trở lại với trạng thái bình yên, đôi khi tâm hồn tôi lại tự ngân lên nhiều đợt sóng. Tôi luôn công bằng với chính mình và tác phẩm. Cách thẩm thấu cuối cùng là khi một  tác phẩm ra đời, hãy thả nổi để tác phẩm tự tồn tại. Nhà thơ không nên gò mình vào một khuôn mẫu có sẵn  nào cả…”  (N.T.A.Đ). 

 

 

Đã xuất bản tập thơ: Ngày không trở lại - NXB Đà Nẵng năm 2007.

NTAĐào

 

Trong ngần sớm mai

Đôi khi em chơi vơi tìm anh
Mới hiểu
Vị đắng của tách trà
Trên lưỡi mình ngọt lịm những đa mang

Đôi khi trái tim rã mềm thương nhớ
Chợt hiểu
Tình yêu không cợt đùa
Như nắng gió ngoài hiên.

Đôi khi
Muốn gọi tên buổi sớm mai nồng nàn góc phố
Long lanh bầu trời
Long lanh mây bay
Và lá rụng thêm chuỗi ngày được – mất
Còn bàn tay run rủi bàn tay…

Thời gian đưa em về trên con đường quen
Sóng vừa xõa lấp những điều nói thật
Cứ nghẹn lòng nỗi nhớ
Khúc đồng dao gãy tứa những câu chờ…

Không thoát khỏi vòng tay anh
Đời ám ảnh em bao ngày ngăn ngắt
chợt muốn mình là hạt nắng
soi một đời thủy chung.
Sinh nhật, tháng 5. 2010

 

Như lời tình tự

 

Em giấu vào hương tóc
Mối tình đầu
Rong rêu.

Nếu một mai kỷ niệm tràn về
Tình yêu sẽ hồi sinh
Em sẽ là cánh chim di thê của mùa đông trước
Hẹn anh bên góc nhớ muộn màng.

Những cánh én mùa xuân sang ngang
Ùa vào giấc mơ em chuỗi hình nước mắt
Cánh chim di thê vẫn miệt mài
Trên đại dương và tình yêu xanh thẳm.

Em của vọng kính ngàn năm không có hạt bụi nào đeo bám
Cho anh hồi sinh trong giấc mơ dài...

Hôm qua
Em thấm những giọt tâm hồn trên đôi mắt
Nỗi nhớ chực ùa về từ chiếc lá cuối cùng
Rơi về phía trái tim anh.
                                     Huế, 29/5/04

Hoa Ngõ Hạnh

Trăng mùa thu chao xuống mặt hồ tôi
Hoa Ngõ Hạnh nở tràn trên lối nhỏ
Đôi bàn chân em
Đôi ngõ hạnh gầy như chiếc lá
Đôi mùa mưa nắng chênh chao...

Xứ này trải buồn lên tóc
Đan lên ngón tay những vết nhọc nhằn
Thời gian và tuổi trẻ
Tôi và hoa Ngõ Hạnh chiều hoang vắng
Rơi vào bóng đêm.

Hoa Ngõ Hạnh như em thời son trẻ
Má ửng hồng và đôi mắt rất nâu
Đựng cả ánh chiều thăm thẳm
Về như hoang vu những dấu chân bầm.

Hoa Ngõ Hạnh mang kiếp tuổi buồn
Hoá đá
Tình yêu không bất tử
Hoa Ngõ Hạnh mồ côi.

Tôi mộng tưởng em. Một đời Ngõ Hạnh
Mòn bàn chân tôi những sớm, những chiều...
                                    Huế, gác trọ 31/5/04

Huyễn hoặc

 

Giấu bóng mình trong ngực áo
Em lục tung cảm hứng
mặt trời gào khóc
đêm đóng khung bóng tối
mùa yêu gọi mời

loài hoa dạ hương dửng dưng thắp nến
hương tình yêu bay vào cõi tịnh
xa vời một bóng trăng quê

có một tiếng thở dài dành riêng cho miền lặng
đôi chim thiên đi
bay vào khoảng không vô tận
một bến đợi không ồn ã
một con thuyền chênh chênh mắt nhớ
ngược bão vào neo đậu...

ngược ngày về tìm hơi ấm
bên ánh mắt mẹ hiền
đời chạy ngược dòng sông
tuổi thơ trôi qua ngùn ngụt thở
ừ thôi em ngủ
bên những cánh đồng mục ruỗng, ẩm thấp
ừ thôi em tạ từ
mùa yêu không còn mong đợi
con đường trơn và dốc
con đường không bàn chân bước qua
con đường không ngã rẽ...

Đêm huyền tịch
nước sóng sánh bờ mi
ngực òa vỡ
những giọt đắng cuối cùng
bỏng rát...


 

 ad

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

NHỮNG NGƯỜI GIỮ HỒN CA HUẾ

Nguyễn Thị Anh Đào

 

IMG_0903

 

            Huế không chỉ được biết đến với những đền đài, lăng tẩm, với sông Hương, Núi Ngự. Mà còn một Huế lắng sâu trong từng lời ca, tiếng đàn, nhịp phách. Chính vì thế,  mỗi lần trở về Huế, tôi đều có cảm giác như được trở về với những giá trị văn hóa sâu thẳm nhất của vùng đất và con người nơi đây. Những nét Huế đôn hậu đôi khi chỉ đơn thuần là một câu chào hỏi, một tiếng dạ - thưa, vài món ăn Huế bình dị… nhưng đã để lại trong tôi  dấu ấn khó quên. Trên mảnh đất có bề dày lịch sử-văn hóa đó, ca Huế là nét văn hóa độc đáo để những ai từng đến Huế, sẽ có điều để nhớ, có điều để luyến lưu…

Tôi bắt đầu phóng sự này từ một lời nhận xét của Giáo sư - Tiến sỹ khoa học Tô Ngọc Thanh về ca Huế: Mặc dù ca Huế không phải là loại âm nhạc cung đình, song nó là thứ âm nhạc trình diễn, là một sinh hoạt nghệ thuật thực sự. Nó không còn gắn với các hoạt động thực dụng trong đời sống hàng ngày. Để chiếm ảnh và biểu diễn nó, cần phải có tài năng của các nghệ nhân”. Đến Huế, thực sự đi sâu tìm hiểu về ca Huế mới biết được nhiều điều thú vị chung quanh thể loại âm nhạc này. Theo các nghệ nhân, ca Huế được hình thành từ cơ sở âm điệu tiếng nói địa phương, ca Huế ngày nay rất gần, được phổ biển rộng rãi trong đời sống của người dân và trở thành một nét văn hóa độc đáo của riêng xứ Huế. Theo thời gian, sự giao thoa giữa tầng lớp quí tộc và dân dã đã tạo môi trường cho ca Huế có điều kiện đến được với nhiều tầng lớp công chúng. Đầu thế kỉ XX, ca Huế trở thành hình thức sinh hoạt âm nhạc mang nét đặc sắc của Huế. Lời ca Huế được sáng tạo tuân theo nét nhạc của các nhạc khúc quen thuộc, gieo vần ở cuối câu, ít dùng tiếng đệm mà dùng tiếng láy. Các nghệ nhân ca Huế thường bắt đầu một bài ca Huế bằng một điệu hò, một điệu lý, rồi mới nhẹ nhàng chuyển qua lời ca Huế trong nhiều cung bậc khác nhau. Về Huế trong những đêm sông Hương đầy trăng, hay những buổi chiều mùa đông lất phất mưa, được thả mình trên thuyền rồng trôi dọc sông Hương, đắm mình trong khúc Nam Ai, Nam Bình, một câu hò mái nhì thanh thoát… tâm hồn người nghe sẽ được lắng lại trên những dấu tích một thời của kinh đô xưa.

Đối với những người gắn bó với ca Huế lâu năm hay những người mới bắt đầu học nghề, thì điều không thể thiếu là niềm đam mê và tình yêu với Huế. Những người nghệ sỹ, nhạc sỹ, nhạc công… đã bằng chính tâm huyết của mình để gìn giữ và lưu truyền được cái hồn cốt ca Huế, làm đẹp thêm cho ca Huế. Hiện nay ở Huế có 400 ca sỹ, nhạc công phần lớn thuộc các đơn vị nghệ thuật được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực ca Huế. Họ làm việc ở Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế, Câu lạc bộ Ca Huế Nhà Văn hóa Huế, Câu lạc bộ ca Huế Trung tâm Thông tin Thừa Thiên Huế. Hàng năm Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế đều tổ chức rà soát, thẩm định, phân loại chất lượng diễn viên, nhạc công nhằm quản lý và chấn chỉnh hoạt động ca Huế. Trong thời gian qua những người làm công tác quản lý ca Huế và đội ngũ nghệ sỹ biểu diễn ca Huế đã có nhiều cố gắng để mang lại cho ca Huế một diện mạo mới, phù hợp nhu cầu phát triển của xã hội và nhu cầu thưởng thức của người nghe. Có thể nói, để ca Huế được phổ biến và phát triển như hiện nay, người có công trong việc gầy dựng phong trào ca Huế trên sông Hương những ngày đầu là nhà thơ Võ Quê - nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế. Năm 1983, ông bắt đầu công việc vận động và thuyết phục các nghệ sỹ xuống thuyền biểu diễn ca Huế. Buổi đầu đó mọi việc rất khó khăn vì ở Huế bấy giờ nhiều người không ủng hộ việc biểu diễn ca Huế trên sông. Nhưng sau một thời gian, ca Huế trên sông đã đi vào nếp sống của người dân địa phương và trở thành sản phẩm phục vụ khách du lịch. Sau nhiều năm gắn bó với ca Huế, từng tìm mọi phương cách để vừa lưu giữ vừa phát huy những giá trị của ca Huế, ông tâm sự: “Đến Huế, phải nghe ca Huế mới hiểu được phần nào con người và mảnh đất này. Qua việc thưởng thức từng lời ca, tiếng đàn, nhịp phách… chúng ta sẽ được lắng lại cùng một Huế đằm sâu. Việc bảo vệ và giữ gìn vẻ đẹp hồn cốt của ca Huế không chỉ là công việc của những người quản lý, các nghệ sỹ mà cần có sự đồng lòng của nhiều người. Để làm sao ca Huế có được một vị trí tương xứng trong nền âm nhạc dân tộc”.

Ở Huế, bên cạnh các Nhà hát nghệ thuật truyền thống, còn có nhiều câu lạc bộ ca Huế đã được hình thành, trong đó có câu lạc bộ sinh hoạt ca Huế dành cho thanh thiếu niên, sinh viên. Một đội ngũ đông đảo các sinh viên đang theo học tại Viện âm nhạc Huế, Trường Văn hóa nghệ thuật Huế, hay được đào tạo tại Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế là thế hệ kế cận bổ sung cho lực lượng nghệ sỹ ở Huế. Hiện nay, ca Huế không chỉ dừng lại ở việc biểu diễn, mà phải là chất lượng mang lại cho người xem, người nghe. Đội ngũ những lớp nghệ nhân lớn tuổi bậc thầy trong ca Huế như Minh Mẫn, Mộng Điệp, Thanh Hương, Thanh Tâm Châu Dinh,… bây giờ tuổi đã cao nhưng niềm đam mê ca Huế vẫn sâu nặng như ngày nào. Họ là những nghệ nhân vàng của ca Huế hiện nay. Bằng những việc làm cụ thể, họ đã truyền đạt lại các bí quyết, kỹ thuật thể hiện ca Huế cho lớp Nghệ sỹ ưu tú kế cận như: Khánh Vân, Lan Phương, Ngọc Bình, Kiều Oanh, Thu Hằng, Bạch Hạc,… và hiện nay, ở Huế có một đội ngũ đông đảo nghệ sỹ trẻ đang theo học nghề ca Huế để làm đẹp thêm cho bộ môn nghệ thuật này. Về Huế, tìm gặp nghệ nhân Mộng Điệp, Thanh Hương, họ là những nghệ nhân vàng của ca Huế, mới hiểu được chất Huế, niềm say mê ca Huế của người nghệ sỹ có một sức sống diệu kỳ. Bây giờ họ là những nghệ sỹ tuổi đã cao, nhưng vẫn một lòng nâng niu giữ gìn, phát triển ca Huế. Lớp nghệ sỹ trẻ hiện nay đã học hỏi được từ họ nhiều kinh nghiệm và bài học quý trong việc thể hiện ca Huế. Tình yêu ca Huế vì thế đã được nuôi dưỡng và trao truyền qua nhiều thế hệ. Năm nay đã ngoài 90 tuổi, Nghệ sỹ ưu tú Mộng Điệp là một trong rất ít nghệ nhân ca Huế xưa nay hiếm, bà là hạt ngọc của âm nhạc truyền thống Huế. Nói về ca Huế, NSƯT Mộng Điệp cho rằng, ca Huế vốn là đặc sản một thời, hiện tại đã được phục hồi tốt nhưng còn ở chừng mực, không thể cách tân, phải đặt ca Huế vào môi trường hoài cổ của Huế thì mới thể hiện hết được những giá trị đích thực của nó. Đối với du khách, đây là món lạ hấp dẫn người lạ, nhưng chúng ta không nên dễ dãi với ca Huế, vì nếu vậy sẽ làm mất đi phần nào cái sang trọng, nền nã vốn có...

                

 (Từ trái: Nghệ nhân Thanh Hương, Minh Mẫn,Thanh Tâm)

Ở Huế có rất nhiều gia đình truyền thống về ca Huế, như gia đình NSƯT Ngọc Bình, NSƯT Khánh Vân, nghệ sỹ Lệ Hoa… Tôi xuôi về Gia Hội tìm gặp nghệ sỹ đàn tranh Tôn Nữ Lệ Hoa trong không khí những ngày Huế đang náo nức chuẩn bị cho lễ hội Featival 2010. Tiếp tôi trong ngôi nhà giản dị ở số 71 đường Mạc Đỉnh Chi, Thành phố Huế, nghệ sỹ Lệ Hoa đã có dịp bộc bạch những tâm tư của mình về nghề mình đã theo trọn 40 năm qua. Sinh ra trong một gia đình truyền thống về ca Huế, nghệ sỹ Lệ Hoa đã chọn và gắn bó với đàn tranh. Cô nữ sinh Văn khoa Huế ngày nào bây giờ là một nghệ nhân đàn tranh có tiếng ở Huế. Đối với chị, say mê nghề cũng như say chính cuộc sống của mình. Có một điều ngạc nhiên là các con của nghệ sỹ Lệ Hoa, mặc dù đều tốt nghiệp đại học và đang làm nhiều công việc khác nhau nhưng cả ba người đều sử dụng thuần thục các nhạc cụ ca Huế, đều biểu diễn được ca Huế. Chị nói vì trong dòng máu gia đình đã có niềm đam mê thì dẫu có trốn tránh hoặc không theo nghề thì vẫn phải “say”. Bây giờ ngoài giờ giảng dạy ở Học viện âm nhạc Huế, nghệ sỹ Lệ Hoa lại cùng anh em nghệ sỹ khác mang tiếng đàn, tiếng hát của mình biểu diễn cho du khách trong các lễ hội và các thuyền du lịch trên sông Hương. Nói về nghề, chị tâm niệm: “Mình muốn trao truyền lại những cái tinh chất nhất của đàn tranh cho thế hệ trẻ hôm nay, để làm sao giữ trọn được cái chất của Huế. Ngày xưa chúng tôi học nghề ca Huế để mà chơi chứ không lấy để làm nghề, nhưng bây giờ thì học vì thị hiếu. Tôi mong các nghệ sỹ trẻ phải say nghề rồi mới nghĩ tới chuyện mưu sinh vì nghề. Đôi khi vì mưu sinh mà các nghệ sỹ phải chạy sô diễn ca Huế mỗi đêm, nhưng tôi mong đừng vì thế mà các bạn đánh mất đi nét duyên của ca Huế…”. Ca Huế là nghề làm dâu trăm họ, rất khó hát, kén người nghe. Vì thế có người khen và cũng không ít người chê. NSƯT Khánh Vân, người có nhiều năm gắn bó với ca Huế lại trăn trở: “Muốn biểu diễn thành công ca Huế, người nghệ sỹ phải rút ruột mình ra để hát, để kéo người nghe về phía mình. Cái gì cũng phải có cái gốc, có cái đinh. Người nghệ sỹ ngoài việc học kiến thức, học nghề, thì cần có cái tâm, phải biết trau chuốt và thổi màu vào ca Huế. Tôi rất lo đến một lúc nào đó ca Huế không còn sức hấp dẫn du khách, vì người phát triển, nghề phát triển mà lời ca không thay đổi, không được chú tâm thì rất khó”.

Việc giữ gìn bản sắc văn hóa Huế trong đó có ca Huế để làm đẹp thêm cho mảnh đất này là cần thiết. Nhưng làm sao để ca Huế giữ được nguyên giá trị và không bị lai tạp bởi những cái tầm thường hay vì mục đich thương mại hóa. "Đừng để thế hệ sau này phải đi tìm lại những giá trị ca Huế, trong khi hiện nay chúng ta có đủ điều kiện tốt nhất để gìn giữ và phát triển ca Huế." - Lời tâm huyết đó của NSƯT Bạch Hạc cũng là điều mà những người có trách nhiệm đối với ca Huế đang làm. Với hy vọng ca Huế không ngừng phát triển và có một vị trí xứng đáng trong nền âm nhạc Việt Nam.

N.T.A.Đ

Báo Nhân Dân số ra ngày Chủ Nhật 6. 6. 2010

 

Đọc tập thơ "Như những cơn mưa" của Lê Bá Duy, NXB Hội Nhà văn 2008

 

Nguyễn Thị Anh Đào

 

 

Lê Bá Duy là một nhà giáo ở vùng quê Tuy Phước (Bình Định). Tôi đọc thơ anh và nhớ những câu như Tôi ngồi hong nỗi nhớ xưa/ Mùa xuân thành phố mới vừa nhóm lên để rồi từ đó, thơ anh neo lại trong tôi cái cảm giác của những tình cảm quê nhà đa mang. Có một điều mà tôi muốn nói về Lê Bá Duy đó là anh thuộc típ người nhạy cảm, kể cả trong khi lang thang trên những vùng quê ngoại ô Đà Lạt cũng nhắn tin thăm tôi với những dòng như "Anh đang lãng đãng với sương khuya phố núi tìm cảm giác hồi sinh".

Tôi cứ mường tượng ra khuôn mặt của anh với những tìm tòi thú vị. Thơ là người. Với Lê Bá Duy, anh người làm thơ mẫn cảm. Đôi khi, chỉ một hạt mưa, một chiếc lá vàng, một chùm phượng đỏ... cũng làm anh rưng rưng xúc cảm. Thơ anh nhẹ nhàng, có nhiều bài thơ đã được nhiều thế hệ học trò trung học rất thích và sưu tầm, chép đầy trang vở. Đó cũng là niềm vui đối với một người cầm bút.

Người đọc dễ tìm thấy trong thơ Lê Bá Duy  hình ảnh quen thuộc của mảnh đất và con người Bình Định với những tình cảm thân thương nhất. Như những cơn mưa là tập thơ thứ 3 của Lê Bá Duy sau những tập như Hạt tình, Nhóm lửa (không kể tập Thời gian Nỗi nhớ - in chung với Chúc Mai) và anh còn là người tuyển chọn và giới thiệu 4 tập thơ nhiều tác giả như Tứ tuyệt tình thi (tập 1 và 2), Thơ tình lục bát, Sóng thời gian...

Với 56 bài thơ, Lê Bá Duy đã tự trải lòng mình với người đọc bằng cách chọn những điều giản dị nhất trong cách tìm tòi của mình để sáng tạo. Anh có những câu thơ gợi mở được trong tôi nhiều trường liên tưởng mạnh mẽ về ngôn từ và cấu tứ: Nở trong trái tim nhân loại/ Tỏa hương trí tuệ nhân gian (Hoa tình); gàu ta/ vục xuống thông dòng/ múc sao sa/ thắp sáng đồng ruộng quê (Tát sao). Và trong chuỗi kỷ niệm về tuổi thơ anh, có một tình yêu thuở học trò trong trẻo: Bắt gặp em ngày ấy/ ánh mắt tròn thơ ngây/ giờ ra chơi trốn học/ ẩn mình sau hàng cây (Trở lại trường cũ);  Hạ này/ ta chẳng có em... nhớ nhau môi mắt hao gầy/ trăng lúc khuyết/ lúc lại đầy cô đơn (Mùa hạ không em).

Lần theo mạch thơ thiên về kí ức của anh, tôi nhận ra một điều tưởng như đơn giản mà không dễ đạt tới đó là cách hùng biện với chính mình của tác giả. Sợi dây xúc cảm mong manh trong anh với vạn vật xung quanh, với những khoảnh khắc giữa thực tại và kí ức, giữa những điều chung mà lại rất riêng. Lê Bá Duy có cách sắp đặt những ý niệm của mình và anh xới tung tất cả để tìm lại điều vẹn nguyên nhất. Đó là tình cảm con người. Khi những cơn mưa đi qua, bầu trời sẽ sáng lên và mặt đất cũng nhận được sự tinh tươm, thoáng nhẹ. Cũng như thơ, thơ đến với con người như một cơn mưa, rồi người cũng chỉ mong thơ neo lại được một chút, rất nhỏ trong lòng người. Tôi nhận ra sự tinh ý của Lê Bá Duy khi anh chọn tên đề tập thơ thứ 3 của mình chỉ giản dị  Như những cơn mưa. Đôi khi, mình tưởng mình đã lớn khôn, đã trưởng thành, đầu đã hai thứ tóc mà vẫn còn trẻ dại. Cái nỗi dại khờ đó giúp người ta sống thật hơn với cuộc đời, và lương thiện hơn với chính mình.

Tôi thích cái cách Lê Bá Duy thú nhận:  Chẳng biết tự bao giờ anh nhớ em đến lạ/ Hay trái tim thuộc đằng ấy mất rồi/ Em có biết ngọn gió vừa hôn má/ có hương tình gửi từ trái tim tôi (Hương tình). Anh đang đối diện với trái tim nhạy cảm của mình, trái tim đó, có khi lại khát khao: giờ vui buồn với cơn mưa/ tôi người ở trọ có thừa với quê/ đêm đêm thao thức tìm về/ chiêm bao tôi đắm sông thề hẹn em (Nhớ quê). Lê Bá Duy đã dành nhiều tình cảm của mình cho quê hương. Ai cũng có một miền quê để thổn thức nhớ về mỗi khi lòng chạm phải những vòng quay của thời kinh tế thị trường. Và chính nhờ những tình cảm đó, con người mới neo lại được chính mình trên mỗi bước chân: Bốn bề sóng lúa xôn xao/ Mắt nghe ràn rạt bờ ao sóng cồn/ Con đường xa tít hoàng hôn/ Vắt qua nỗi nhớ bồn chồn hạ xưa (Sóng kỷ niệm).

Anh tâm niệm "Thơ giúp tôi cân bằng trong cuộc sống và hướng tâm hồn mình sống tốt đẹp hơn!". Thật quý biết bao tấm lòng của nhà thơ đối với cuộc đời, khi bấp bênh trong những thời khắc giữa hiện tại và tương lai, những lúc cô độc kéo anh về với thực tại. Và anh thức với: Biển vẫn mặn nồng cả lúc em sang sông/ Đi về phía mặt trời ngủ sớm/ Chân trời anh vẫn thương thầm nhớ trộm/ Một ngày đã qua.../ Anh khát em/ Như người giữa biển khơi khát cơn mưa cuối hạ/ Mặt trời mọc sau một đêm yên ả/ Phía biển anh thao thức đón em về... (Biển thức)

Tôi gọi Lê Bá Duy là người hoài niệm với chính mình. Thơ anh đã bộc lộ mạch nguồn điều đó. Có khi nào bạn ngã lòng vào những điều bình dị, khi đó, cũng như thơ Lê Bá Duy, lăn tăn những đợt sóng lòng hồ...

 

Đà Nẵng, Vulan 2008

N.T.A.Đ

 

Image

 

ĐẾN VỚI BÀI THƠ

" NƠI CON SÔNG " CỦA VÕ QUÊ

 Nguyễn Thị Anh Đào

 

     Thơ tình có tự bao giờ? Câu hỏi này dường như không một ai lý giải được cặn kẽ. Kỷ niệm đầu luôn làm trái tim mỗi người thổn thức, đôi lúc chợt thảng thốt giật mình khi chạm vào ký ức, dẫu kỷ niệm đã rong rêu tháng ngày.

     Nhà thơ Võ Quê không chỉ biết đến với những vần thơ hừng hực khí thế xuống đường của thanh niên đô thị miền Nam trước 1975, mà ở anh còn chứa đựng một suối nguồn thơ tình đằm thắm sâu nặng. "Nơi con sông" là bài thơ hay viết về tình yêu của Võ Quê.

     Nhà thơ Võ Quê sinh ngày 7 tháng 3 năm 1948 tại làng An Truyền, Phú An, Phú Vang, Thừa Thiên Huế. Từ năm 1957, Võ Quê cùng gia đình ra Quảng Trị sinh sống. Anh có một tuổi thơ đầy gian lao vất vả, chính hoàn cảnh đã tạo ra cho nhà thơ có một phong cách rất riêng. Võ Quê làm thơ từ những năm còn là sinh viên xuống đường tranh đấu, năm 1972 anh đã bị đich bắt giam tại nhà tù Côn Đảo, sau khi được trả tự do cuối năm 1973 anh thoát ly ra vùng giải phóng, đến bây giờ anh vẫn chan chứa một tình yêu về cuộc sống. Thơ Võ Quê từng in trên các báo, tạp chí trong và ngoài nước, anh đã xuất bẩn được các tập thơ như "Ngợi Ca", "Nhờ Ơn Cây Lúa Lúa Ơi!", "Mười Thương Em Bé", "Thơ Một Thuở Xuống Đường"...và dành một số giải thưởng ở trung ương cũng như địa phương. Anh từng tâm sự hồi ấy đâu nghĩ rằng mình làm thơ để được đăng báo hay in thành tuyển tập, làm thơ chỉ vì yêu thơ. Khi thơ anh được nhiều người đọc yêu mến thì cũng chính lúc đó thơ với anh đã thành nghiệp. Nơi nào anh đặt chân đến, nơi đó trở thành nỗi nhớ quê hương. Thành Cổ Quảng Trị và dòng sông Thạch Hãn ngày đêm thao thiết chảy đã đi vào thơ anh trong những tâm sự yêu thương nhẹ nhàng, sâu lắng...

     Một ngày Võ Quê trở lại Thành Cổ, khi bom đạn đã yên lặng trên quê hương, dòng sông vẫn thế nhưng nước đã đổi màu, người cũ cũng đã đi xa. Anh đứng lặng nhìn cảnh cũ mà tâm hồn xót xa, thương nhớ. Chiến tranh đã cướp mất của anh những gì từng thân thuộc. Thành Cổ giờ tiêu điều, xác xơ, dòng sông Thạch Hãn thơ mộng ngày nào giờ lau lách mọc đầy. Kỷ niệm khép lại giữa hiện tại với bao sự đổi thay. Lời thơ chùng xuống buồn thương da diết. Kỷ niệm sống dậy không còn mơ ảo mà rõ nét:

Vẫn sống giữa hồn anh cái ngày ấy trong lành

Em nón trắng trong chiều phố nhỏ

Em áo tím hong tóc dài đợi gió

Chuông nhà thờ một nhịp rộn ràng ngân

     Nhà thơ đang sống với hồi ức trong kỷ niệm ngọt ngào của quá khứ. Tình yêu là thế, những vần thơ anh viết đã chải mượt bằng những hình ảnh thân quen gần gũi: nón trắng, áo tím, tóc dài. Đó là những hình ảnh gắn bó thân thiết với người thiếu nữ hiền dịu là em - mối tình đầu sâu nặng của anh.

     Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ trở về Quảng Trị. Hình như trong tiềm thức anh khao khát được nhìn lại cảnh cũ người xưa. Quá khứ và hiện tại đang lồng vào nhau. Và như thế, nhà thơ thảng thốt kêu lên "Như có máu trong màu hoa phượng đỏ. Rơi xuống đời từng mảnh đau thương". Cả dân tộc Việt Nam đã biến nỗi đau chia cắt  thành sức mạnh quât khởi, anh lại biến tình yêu của chính mình thành sức mạnh để nuôi trái tim mình đều nhịp: "máu đổ xuống cho tình yêu xanh mãi". "Nơi Con Sông" đối với Võ Quê là nơi bắt đầu những rung cảm đầu đời trong sáng, chân thật. Anh xoáy sâu vào quá khứ để giữ lại từng kỷ niệm như gặp chính ánh mắt, nụ cười, hơi thở dịu dàng của em. Nỗi nhớ mong khắc khoải không chỉ ngự trị trong ý thức mà con thấm sâu trong tiềm thức.

Giấc mơ đêm thành phố vẫn y nguyên
Mỗi nét lượn mỗi dáng cao phố cổ

     Thành Cổ đẹp trong từng đường cong uốn lượn. Nét đẹp ấy là mồ hôi, công sức của người thợ suốt bao ngày đêm không mệt mỏi...trong cảnh bình yên ấy, em lại hiện lên trong sáng dịu hiền. Cái hay, cái độc đáo, sự quyến rũ của khổ thơ là cách tác giả lựa chọn ngôn từ. Trong thơ anh có sự so sánh, đối chiếu giữa quá khứ và hiện tại để làm nổi bật ý cần diễn đạt: "Mắt sao trời soi thấu trái tim anh". Chỉ có đôi mắt anh mới thấu hiểu tâm hồn em và chỉ có anh mới dám dám nhìn sâu vào đôi mắt ấy. Qua bao tháng năm, bao sự đổi thay nhưng anh vẫn tìm lại được trong ánh mắt em một tình yêu tha thiết. Sự lôi cuốn lòng người của bài thơ chính là chỗ đó. Trong thơ anh có nhạc, mỗi câu chữ là mỗi cung bậc của tâm hồn. Nhạc sĩ Phố Thu đã phổ nhạc thành công như một sự khẳng định về chất nghệ sỹ say lòng của nhà thơ cũng như một lần nữa làm cho bài thơ có thêm sức sống. Đó là những giai điệu viết về tình yêu ngọt ngào, tha thiết.

     Bài thơ "Nơi Con Sông" được khép lại bởi hình ảnh mái tóc bạc trắng và dòng sông với ngàn lau trắng ngút ngàn. Như tất cả vẫn nguyên sơ, như chưa hề có những mất mát, như chưa hề có cuộc chiến tranh.

Năm tháng đi tình yêu vẫn ở
Mai cho dù tóc trắng với ngàn lau

     Tình yêu đã là bất tử. Dòng sông kỷ niệm trong anh là dòng sữ ngọt ngào, là chất phù sa bồi đắp cho hồn thơ dạt dào xúc cảm. Dòng sông ấy đã in vào tiềm thức anh hương vị mối tình đầu không bao giờ phai nhạt. Võ Quê tiếc nhớ dể biết mình còn điều để tiếc, thương tiêc dể biết mình còn cảm giác giận hờn. Bởi tình yêu là một dòng sông nhưng tận cùng của dòng sông là nơi đâu thì không ai biết được. Võ Quê đã trở về quá khứ bằng một dòng sông kỷ niệm trắng ngát hoa lau. Phải chăng niềm vui dễ làm người ta lảng quên và ngọt ngào làm nỗi đau ứa mật. Thơ Võ Quê là thế, tận cùng của thơ anh là một tâm hồn đa mang, đa cảm và một tình yêu dày thêm, đậm thêm cùng năm tháng không thể nào quên.

                   ( Nguồn: Đại Học Huế số 34 - 35 Xuân Nhâm Ngọ 2002)