Print

Nhà thơ NGUYỄN TRUNG NGUYÊN

Published Date
Written by Võ Quê
Hits: 9024

 

bien-ganh-hao

Giới thiệu nhà thơ Nguyễn Trung Nguyên hội viên Hội VHNT Cần Thơ

Sinh năm 1962

Hội viên Hội Văn Học Nghệ Thuật Cần Thơ, Phân hội Văn Học.

Làm thơ, viết văn, viết báo, sáng tác ca khúc, bài ca vọng cổ.

Hiện đang sinh sống tại thành phố Cần Thơ.

http://yume.vn/trungnguyenct

http://my.opera.com/nguyentrungnguyenct/blog/

Tác phẩm:

LỜI KHẨN CẦU CỦA ĐẤT bút ký, NXB Văn Nghệ
Du xuân suốt cả lòng đêm
G

 

iật mình sực nhớ nhịp tim lạ kỳ.

NGHE CA HUẾ TRONG QUÁN NHỎ

·        Kính tặng nhà thơ Võ Quê
                                                   

Chẳng nghe ca Huế trên sóng nước
Quán nhỏ bạn chiêu đãi mấy bài
Không có giai nhân, không nhịp phách
Vừa dứt hết bài cũng cạn chai

Bằng hữu đã chọn nghề văn bút
Ta cũng tập tành viết lách chơi
Đau đời giọng hát như có nước
Không khóc mà nghe vẫn rối bời

Quán nhỏ đèn soi không đủ mặt
Hiểu thấu lòng nhau tự lúc nào
Bạn bỏ quên ly đồi Vọng cảnh
Ta về rớt lại rượu ven sông

“Huế chốn này thiên nhiên ban tặng
Người tứ phương thơ túi, rượu bầu...” (*)
Ta tức chẳng thể ca vọng cổ
Trả lễ thiệt mùi... cho biết nhau

Bạn tắm nước sông Hương ca Huế
Ta gội phù sa giọng đục ngầu
Thôi thì nhấp cạn đêm núi Ngự
Mai xa rồi chắc sẽ “Lý Tương tư”.

                             Huế, đêm 25/6/2010

 

(*) “Viết trên đồi Vọng Cảnh” thơ Võ Quê

 

Từ trái: Đặng Hoàng Thám, Võ Quê (đang ca bài "Tửu hứng ca" làn điệu tương tư khúc), Lê Chí.

Ảnh: Nguyễn Trung Nguyên.

 

BÀI CHÍNH TẢ ĐẦU TIÊN

* Viết tặng các học viên nữ Trung tâm Xã hội TP. Cần Thơ

Hai mươi tuổi – em lần đầu nghe chính tả
Chữ “sống” mấy lần viết chẳng xong
Tuổi thầy – tuổi em vừa suýt soát
Em viết chưa thẳng hàng – thầy chẳng dám cầm tay!

Đôi mắt em vẫn còn nét kẻ mày
Chợt mở lớn khi thầy giãng về quê hương xứ sở
Có cánh đồng xanh, có cánh hoa dâm bụt nở
Có đêm trăng thanh ngọt giọng mẹ ru hời

Có cô bé lên năm chiều đứng ngóng trời
Mơ một cánh buồm như trong chuyện kể
Tuổi thơ em đi qua nhanh quá đổi
Vội tan mau như bọt bia đổ đêm nào

Tuổi thơ em chưa một buổi đến trường
Cái em học đầu tiên là gắp mồi – khui rượu
Là những câu nói ngọt ngào, lã lơi – đơi đã
Nụ hôn đầu đời em chẳng nhớ trao ai!

Học lại đi em – từng tiếng đọc bài
Vần xuôi – vần ngược, đâu khó bằng giả chồng – giả vợ
Thầy giáo dạy em – chưa học qua trường sư phạm
Lòng vẫn vui vì em biết được hai chữ thiện lương

Hai mươi tuổi rồi – em mới học cửu chương
Một với một là hai – điều nầy ai cũng hiểu
Như con người có một quê hương
và một lần được sống
Em nhớ đừng quên để thật sự làm người

Bài chính tả hôm nay thầy đọc chẳng dài
Mà có quá nhiều chữ khó
Em nói với bạn:
“Chẳng biết điểm mình là mấy?”
Nổi lo dễ thương của cô bé học trò

 

ĐIỀU MUỐN NÓI VỚI CON

Quê mẹ – quê cha chẳng có núi cao
Cũng chẳng có bạc đầu sóng vỗ
Đất đồng bằng mỗi năm một mùa bão lũ
Ông bà thắt thỏm lo âu

Con bây giờ sống ở phố xa
Ba tuổi đã quen đèn đường xanh đỏ
Mỗi dịp về quê là một lần ghẻ lở!
Nước phù sa lạ trẻ thị thành

Con đâu tưởng tượng được rằng
Ông bà xưa lượm mù u thắp đuốc
Lụa mo cau – sâu kèn vấn thuốc
Nuôi cha khôn lớn thành người

Cha cũng đã ăn cả đời
Hạt gạo ẩm – thiếu no ngày thất bát
Mò con cá, con cua khi giáp hạt
Bông súng, cù nèo độn cháo thay cơm

Cha mẹ sinh ra trai ruộng – gái đồng
Con sinh ra lại xa đồng – xa ruộng
Quãng đường cách xa thật ra chẳng mấy
Vậy mà biết bao lâu chưa về

Khi con lớn lên mọi chuyện khác rồi
Mẹ cha khổ để đời con sung sướng
Nhưng con ơi! Quê mình lận đận
Mong con đừng bao giờ quên

 

MƯA SÀI GÒN

Mưa Sài Gòn giống mưa Cần Thơ
Cũng tạt hàng hiên, cũng đứng chờ
Chỉ khác Cần Thơ nhà ta đó
Sài Gòn phố rộng quá bơ vơ

Mưa Sài Gòn vô cùng lịch sự
Áo tơi xanh – đỏ – tím – lam – hồng
Ta vốn dĩ từ lâu lịch sịch
Khép nép tay vòng đứng lạnh run

Mưa Sài Gòn nhớ quá con thơ
Hỏi cha mưa dột đến bao giờ?
Sài Gòn bụi bậm mờ con mắt
Mưa chưa rơi mà nước mắt ra

Mưa Sài Gòn đường hay dư nước
Xé giấy làm thơ xếp thả thuyền
Vái trời gió đẩy về sông Hậu
Nói với em rằng ta nhớ thương

DU XUÂN

Mùa xuân theo gió rong chơi
Động hờ tình ái, cọ đời xuân xanh
Ồ! Ta lãng mạn quá rành
Mà tim vẫn khép nép thành trẻ con

Mùa xuân xuống phố lon ton
Đong đưa đôi lứa cho tròn nhịp yêu
Ồ! Thiên hạ quá mỹ miều
Không men ủ, vẫn hồn liêu xiêu hồn

Mùa xuân con mắt chập chờn
Lộc non mộng mị, môi son vía người
Ồ! Hà tiện chi nụ cười
Cho nhau kẻo lỡ rụng rơi khó tìm

 

MỘT CHÚT MÙA XUÂN

Em mặc vào chiếc áo hoa
Cùng ta nhé, đi cùng ta
Nghe gió xuân căng lồng ngực
Đồi non cỏ đã lên ngàn

Chim kêu ngoài ngõ gọi mời
Giọng mát tựa là hơi sương
Em đừng ngại e mệt mỏi
Nhẹ chân líu ríu bên đường

Mùa xuân quá chừng lãng mạn
Hào phóng cho em má hồng
Hoa kia kém gì lãng mạn
Mở hết cánh lòng dâng hương

Cùng ta nhé em, cùng ta
Một chút mùa xuân vậy mà
Mau chân lên kẻo xuân muộn
Nhớ mặc vào chiếc áo hoa.

NÓI VỚI CHÚ CHIM CÔ
NÓI VỚI CHÚ CHIM CÔ ĐƠN


Buổi trưa chim hót trên đầu nắng
Gió đuổi mây bay kéo hạ về
Chim kêu ý bảo chừng ta nghỉ
Vui gì sáng tối cứ còng lưng

Chim ạ! đành rằng tay cầm bút
Nay thử cầm leng vẫn thẳng hàng
Xong chuyện áo cơm ta sẽ nhớ
Trồng một luống hồng mi ghé sang

Ta sẽ trồng cả thời tuổi trẻ
Đã lở tay hoang phí dọc đường
Nếu được mi cứ về làm bạn
Cận kề ríu rít chuyện yêu đương

Buổi trưa chim hót nghe là lạ
Sao chẳng sóng đôi chỉ một mình
Chả lẽ mi cũng buồn mất bạn?!
Một mình một bóng nắng rung rinh

Mi làm ta nhớ thời trai tráng
Vụng trộm làm thơ bỏ hộc bàn
Thiên hạ có xem không chẳng biết
Đến giờ sực nhớ chợt bâng khuâng

Thôi nhé! có buồn mi cứ hót
Ta phải đào xong hết luống nầy
Mai cây ra quả, hồng xanh lá
Chắc hẳn tiếng cười sẽ vút bay.  TÌNH I

THẤT TÌNH 1


Bước nhỏ đường mưa ngại
Ta về lòng bối rối
Đứng dưới trời oan khiên
Thân phô bày tội lỗi

Bãi tình ta rộng quá
Người nãn bước rong chơi
Lời tình ta khẽ quá
Làm sao động lòng người
Gió về xin nhè nhẹ
Tội nghiệp giùm gió ơi!

Ngồi đây thong thả nhớ
Ve vuốt nỗi đau thầm
Ta luân hồi chuyển máu
Ta triền miên yêu em
Trời lành chim bướm lượn
Em vô tình chốn em

Em nhớ vừa phải đẹp
Vừa phải mặt kiêu kỳ
Ta một đời phiêu bạt
Sẽ một ngày cuồng si
Sẽ một ngày nổi giận
Chửi nát tan tình đời

THẤT TÌNH 2

Ba năm trời đã dặn lòng
quyết không thèm thương, thèm tưởng
Dù đêm đêm mộng vẫn thấy em hoài
Quái gở thật! Sáng nay đột nhiên cao hứng
Lòng đã mềm đành khăn gói ra đi

Ngày nắng đẹp ta diện đồ thật kẻng
Cũng giầy da bóng lộn - tóc chải mượt như ai
Ngồi chờ xe ngắm người qua kẻ lại
Con gái nhìn ta - ta bèn nở đẹp nụ cười

Ngày nắng đẹp nên chẳng cần coi lịch
Nhầm nhò gì chuyện: chẳn - lẻ - hên - xui
Nơi em ở không xa cho lắm
Một tiếng ngồi xe nào vất vả gì

Một tiếng ngồi xe giữ điều hòa nhịp thở
Và bờ môi nồng ấm thuốc cháy không ngừng
Nói bâng quơ với bác tài dăm ba câu chuyện nhạt
Rồi lặng thinh nghĩ ngợi lan man

Nghe nói em giờ khác xưa nhiều lắm
Đã qua rồi thời tuổi nhỏ mộng mơ
Mắt nai nhung bớt đi ít nhiều ngơ ngác
Dáng trang đài thôi khép nép trước cổng trường xưa

Còn riêng ta chắc em cũng rõ
Kẻ thất tình - thất chí - thất lung tung
Lỡ khoa bảng - lỡ thầy - lỡ thợ
Chắc có ngày ta sẽ nổi cơn khùng

Đến thăm em chẳng chuyện gì đáng kể
Cũng tâm tình cỡi mở, bữa cơm ngon
Cũng dạo phố cũng bên nhau ngồi quán nhạc
Phố thì bon chen - nhạc thà chẳng có còn hơn
Cũng lúc chia tay hẹn ngày tái ngộ
Không nụ hôn trao, không lời bịn rịn giả từ

Đến thăm em lúc ra về mới nãn
Ngồi chờ xe gió tạt lạnh khắp hồn
Hạ miền Nam nắng mưa thường lộn xộn
Mới sáng trời quang chiều đã mưa dầm
Hệt như lòng ta buồn vui lộn xộn
Mới vui đây giờ đã buồn dâng.

 

RĂNG, RỨA MÀ CHI !

Răng, rứa mà chi em nhỏ
Huế chừ đã tít mù xa
Ở lại đây chiều Nam bộ
Với ta một chút vậy mà

Răng, em không thèm nhìn lại?
Quay đầu mắt liếc có đôi
Chắc mạ sinh em ngày chẳn
Làm tim ta đập bồi hồi

Bên tê, bên ni xa ngái
Ta – em người mỗi phương trời
Gió Tràng Tiền xô sóng nhỏ
Động lòng hoa lục bình trôi

Răng, rứa mà chi em nhỏ
Ngọt giọng giùm ta chút mà
Em có thèm chiều cơm hến
Ta đền cho cả đời ta


Ta đền cho đôi tà áo
Phất phơ mưa rớt cung đình
Nàng con gái chiều viễn xứ
Bao giờ theo ngựa về Dinh

Phương Nam đãi người xa xứ
Chiều ru câu vọng cổ muồi
Có ta và em trong ấy
Chàng chàng – thiếp thiếp chung đôi

Răng, rứa mà chi em nhỏ
Vọng hồn ta mãi không nguôi

 

GÁI QUÊ

Em lớn lên ven bờ sông cái
Lớn ròng con nước đỏ phù sa
Cỏ vàng chân ruộng, cây xanh trái
Con gái miền Tây đẹp mặn mà

Sớm chiều khói bếp vướng chân quê
Một chợ, một sông lặng lẽ về
Em gởi ước mơ vào hương lúa
Bồ quân thắm nắng má xuân thì

Lòng trong như thể hoa cau trắng
Thơm thảo chiều ru giọng ngọt ngào
Ca dao ươm cả đời con gái
Ướp nồng tay mẹ tưới vườn rau

Buổi mai hôm ấy hoa cau rụng
Bổng nhạt màu trong khói pháo hồng
Em bước theo chồng về xứ lạ
Thẹn thùng màu má đỏ trầu cau

Chợ chiều nay vắng em buồn lắm
Văng vẵng sông trôi tiếng gọi đò
Cô gái năm xưa cười e thẹn
Môi hồng còn thắm đỏ cơn mơ

Em lớn lên ven bờ sông cái
Nay về với mẹ bế con so
Âìu ơ, tiếng vọng nghe buồn quá
Bướm đậu mù u lở chuyến đò

 

NỖI ĐAU TRÊN NHỊP CẦU THẾ KỶ

Mẹ chẳng dám nhìn lên chiếc bảng ghi tên
Danh sách những người chẳng may thiệt mạng
Sáng nay, khi khoác áo lên vai nó còn ngoái đầu lại bảo:
“Lãnh lương tháng nầy con lợp kín mái nhà…”

Xóm nghèo Bồ Đề vành tang trắng giăng ngang
Có cô gái trẻ lấy chồng chưa tròn tháng
Mùi mồ hôi công nhân lẫn mùi khét nắng
Vừa kịp quen hơi đã vội mất chồng!

Có đứa bé lên ba, tiếng bập bẹ chưa tròn
Chẳng biết vì sao mẹ mình khóc ngất
Hồi tối cha chơi trò cút bắt
Đã nghỉ từ lâu sao mãi chưa về?!

Người đồng bằng hạnh phúc cũng nhiêu khê
Bờ chưa kịp nối, nỗi đau ào đến
Cứ tưởng sẽ ghi dấu phèn lên nhịp cầu thế kỷ
Ngờ đâu cả nỗi kinh hoàng

Cả nước sẻ chia điều bất hạnh nầy
Bác lái đò tải thương, cô sinh viên hiến máu
Xin nhận hết những tấm lòng thơm thảo
Nhịp cầu vô hình nối những bàn tay

Cầu gãy hôm nay, mai lại dựng xây
Cô bé mồ côi lớn lên, vu quy về nhà chồng qua cầu dừng lại
Thả xuống dòng sông đóa hoa cùng lời nhắn gởi:
“Cha nằm xuống nơi nầy con mãi không quên!”

(Một ngày sau sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ 27-9-2007)

 

TRỜI MƯA Ở HUẾ!

* Gởi nhà thơ VÕ QUÊ

Trời mưa ở Huế ra sao nhỉ!
Có kéo dài luôn… đến mấy ngày?
Bằng hữu có đun bầu rượu nóng
Đốt hương cùng mưa gió thi gan

Trời mưa ở Huế buồn sao nhỉ!
Có như chàng bán chiếu mất tình?
Hay giọt rớt đêm tàn điện ngọc
Đất rồng nước mắt cũng lung linh

Trời mưa ở Huế thơ sao nhỉ!
Hai vạt sông Hương đã ướt mềm
Áo em trắng mờ trời mưa trắng
Da ngà trong trắng đến đau tim

Trời mưa ở Huế hay sao nhỉ!
Có giúp người đi bớt nhớ nhà
Cởi khăn choàng tắm làm dãi lụa
Gởi hồn ta đến với quê xa

Trời mưa ở Huế. Ừ! Mưa Huế
Răng… chừ… tình cứ trải mênh mang

Cần Thơ, tháng 8-2006

 

 

CỔ TÍCH GIỮA ĐỜI THƯỜNG

Bút ký

 

COTICH


Đó là một tâm nguyện thiêng liêng. Cứ đúng vào ngày 30 tháng chạp, ngày cuối cùng của năm cũ, chị lại đến cúng dường các ngôi chùa và giúp đỡ những người nghèo khó, bất hạnh có một chút niềm vui đón chào mùa xuân mới. Việc hành thiện luôn xuất phát từ tấm lòng nhưng với chị nó còn là một điều gì đó lớn lao hơn, bởi chị đang tiếp nối công việc của mẹ chị. Một người mẹ nuôi và cũng chính là người cô ruột, tuy không mang nặng để đau nhưng công ơn dưỡng dục khác chi trời biển. Chính sự tần tảo của người mẹ ấy là nghị lực giúp chị có được sự thành đạt của ngày hôm nay.


Trong cuộc đời của một con người, niềm bất hạnh lớn nhất là không có cha, có mẹ. Hai chữ “mồ côi” dường như đã gói ghém trong đó tất cả mọi thiệt thòi từ nỗi nhớ, niềm thương đến đói ăn, thiếu mặc. Chiến tranh đã khiến chị còn cha, còn mẹ mà lại như mồ côi. Và cũng chính từ sự nghiệt ngã của số phận đã tạo nên câu chuyện thần kỳ mà tôi gọi là: “Chuyện cổ tích giữa đời thường”. Hơn 40 năm trước, có một cô bé được sinh ra trong khu căn cứ cách mạng. Cha và mẹ cô đều là cán bộ, điều kiện công tác không cho phép họ mang cô theo bên mình, hơn nữa lúc bấy giờ chiến tranh đang ở vào giai đoạn hết sức quyết liệt, chuyện sống chết có thể đến bất cứ lúc nào. Cắn răng, nuốt nước mắt vào lòng, họ gởi đứa con gái thương yêu của mình vào một ngôi chùa nhuốm bụi đất đỏ miền Đông, nhờ vị sư trụ trì ở đây chăm sóc, nuôi dưỡng. Vậy đó! Chỉ mới cất tiếng khóc chào đời cô bé ấy đã phải xa dòng sữa ngọt ngào của mẹ, rời bàn tay cứng cỏi nâng đỡ của cha, một mình khởi đầu cuộc hành trình đi tìm hạnh phúc. Nếu nói cuộc đời của mỗi con người đều có một số phận riêng lẻ, thì số phận của cô có lẻ hình thành từ câu kinh, tiếng kệ, từ sự chân thiện mỹ của nhà Phật, nên sau nầy việc xoa dịu nỗi đau của người khác cũng chính là niềm vui của cô vậy.


Một thời gian sau đó bà nội cô từ miệt Vĩnh Viễn (Long Mỹ), được tin đã lặn lội lên đến nơi bồng cô về, gởi cho người cô ruột nuôi nấng cho đến ngày khôn lớn. Cô bé ấy lớn dần qua sự chăm bẫm của người mà cô xem như mẹ ruột của mình. Ở vào thập niên sáu mươi của thế kỷ trước, cả vùng Long Mỹ, Vị Thanh được xem như “vùng trắng” địch ra sức lấn chiếm, bình định. Không ít lần ngôi nhà của mẹ con cô bị cháy rụi, những lần gom góp đồ đạc xuống ghe tản cư lánh nạn ngày một nhiều hơn. Tuổi thơ của cô gái nhỏ có mẹ, có cha mà như mồ côi ấy lênh đênh trên sông nước nhiều hơn là một mái nhà trên mặt đất. Không biết có phải vì niềm mơ ước trẻ con – được tung tăng vui đùa, được đến trường như những đứa trẻ cùng lứa – mà cô tình cờ bắt gặp nhiều lần trên đường khi hai mẹ con cô chèo ghe ngang qua. Đã trở thành một nỗi mơ ước không ngừng trong vô thức, mà mỗi khi cầm đến cây viết cô hay vẽ hình một mái nhà. Những hình ảnh nghệch ngoạc không thẳng hàng ấy được cô vẽ ở bất cứ nơi nào có thể, trên mặt đất, ở vách nhà… mãi cho đến khi cô đi học, không ít lần đã bị cô giáo phạt khẻ tay vì cho rằng cô hay vẽ bậy vào tập học. Những giọt nước mắt rơi xuống và đó chính là những giọt nước mắt đầu tiên mà cô đã khóc cho ước mơ hạnh phúc của mình.


Tuổi thơ của cô bé bất hạnh ấy rồi cũng trôi dần theo năm tháng, tuy không được học hành suôn sẻ như những đứa bé cùng lứa khác nhưng cũng chính sự nghèo khó, nhọc nhằn nếm trải trong cay đắng ấy đã hun đúc trong cô một ý chí vượt khó, một nghị lực hơn người cũng như sự cảm thông, chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh khi mình đã thành đạt.


Nếu cuộc đời con người là một cuộn phim dài, thì chúng ta sẽ thấy xen kẻ giữa những hình ảnh chiến tranh loạn lạc là hình ảnh một cô bé có khuôn mặt sáng sủa, thông minh đang nổ lực tìm cho mình cái chữ dù là trong hoàn cảnh khó khăn như thế nào. Đó là hình ảnh cô bé mới 12, 13 tuổi phải ăn nhờ, ở đậu gia đình một người thân trên Sài Gòn để đi học; cô bé ấy đã phải thức thật sớm để lo chu toàn mọi việc trong nhà trước khi đến trường. Đó là hình ảnh một cô bé nhỏ nhắn đang khệ nệ bưng thau đồ quá khổ và tuy đã mệt rã rời nhưng cô vẫn quyết làm cho xong công việc trước khi cầm quyển tập lên học bài.


18 tuổi, học xong lớp 12 cô về Cần Thơ bắt đầu những tháng ngày làm việc mẫn cán của một công chức Nhà nước. Trong thời gian nầy, do năng nổ trong công việc lại thông minh, nhạy bén chị rất được cấp trên tin dùng, thương mến, dự định sẽ cơ cấu chị vào các vị trí lãnh đạo sau nầy. Chị đã cơ quan cử đi học và đạt kết quả tốt hầu hết các lớp: Kế toán trưởng, Trung cấp chính trị, Cao đẳng ngoại thương… Một vị trí xứng đáng đang chờ cô cán bộ trẻ nầy. Thế nhưng, dường như số phận đã định cho chị rẽ sang một hướng khác. Sau 7 năm trời “sáng vác ô đi, chiều vác ô về”, cô lập gia đình như tất cả những người phụ nữ nông thôn bình thường khác khi gặp được “một nửa của mình”. Xa cha mẹ ruột từ khi còn ẵm ngửa, lớn lên trong nghèo khó, thèm thuồng cả đến một nụ cười hạnh phúc, lẻ ra khi có được mái ấm riêng mình, cô sẽ an phận thủ thường bằng lòng với bếp núc, chăm sóc chồng con. Và như vậy, chắc rằng trong ngày 13 tháng 10 năm 2004, ngày “Doanh nhân Việt Nam” lần đầu tiên được tổ chức long trọng tại Hà Nội, sẽ không có một phụ nữ duyên dáng trong chiếc áo dài màu thiên thanh. Một “người đàn bà đẹp” đã hiến tặng 500 triệu đồng cho quỹ “Vì người nghèo Việt Nam”. Nghĩa cử cao đẹp ấy không phải chỉ mới có lần đầu vì trong năm 2003, chị cũng đã trao tặng 300 triệu đồng… và còn nhiều nữa, những phần học bổng, những lần đóng góp từ thiện ở khắp nơi mà người ta luôn thấy sự hiện diện của chị, dịu dàng trong tà áo dài, chị đã mang đến sự ấm nồng cho biết bao số phận bất hạnh trong cuộc sống nầy.


Nghỉ việc, theo chồng về Long Mỹ với những khó khăn của cặp vợ chồng son thời bao cấp. Trong chị luôn đau đáu một khát vọng làm giàu, luôn mong muốn một ngày nào đó xây dựng được ngôi nhà mơ ước – mái nhà đã luôn là ước mơ của chị suốt cả trong những giấc mơ thời tuổi nhỏ. Sau nhiều công việc khác nhau, cuối cùng vợ chồng chị cũng trụ lại được với một xưởng mộc nhỏ và kinh tế gia đình cũng dần đi lên. Từ 2 – 3 người thợ buổi đầu, xưởng mộc của chị cũng dần phát triển, các sản phẩm gia dụng làm ra ngày càng được ưa chuộng, với vài chục người thợ hàng ngày làm không ngớt việc. Thế nhưng, dường như trời còn muốn thử thách người đàn bà nầy, biết bao công sức đã đổ ra cho thành quả đầu tiên ấy. Vậy mà, chị đã phải nhỏ nước mắt nhìn tài sản vuột khỏi tay mình. Năm 1989 chị sinh bé Bình An, bận con mọn nên chị phải giao cơ sở cho người thân quản lý. Mọi chuyện cũng bắt đầu từ đấy. Vì sao? Bây giờ chị không muốn nhắc lại kỷ niệm buồn ấy nhưng có một điều chắc chắn rằng: Ngôi nhà mơ ước vẫn chưa có được mà tay trắng lại hoàn trắng tay, thêm nặng mối lo gia đình khi hai con còn quá nhỏ. Nuốt nước mắt vào lòng, năm 1990 chị rời Long Mỹ, đem theo hai con lên tận Đắc Lắc quyết chí một lần nữa làm lại từ đầu.


“Nhất phá sơn lâm…” câu nói ấy quả thật không sai với những gì mà rừng mang lại cho những ai quyết chí làm giàu bằng con đường nầy. Vào thời điểm lúc bấy giờ rừng vẫn còn mở cửa, việc khai thác những cánh rừng bạt ngàn đã đem đến sự phồn vinh cho không ít người nhưng sự khắc nghiệt của rừng thiêng nước độc cũng sẽ dễ dàng quật ngã đối với những người mềm yếu, dễ nản lòng. Mà với một người đàn bà như chị liệu trụ được bao lâu?! Số vốn duy nhất chị có được trong lần lập nghiệp nầy chỉ là một chiếc nhẫn. Phải! Chỉ với số tiền ít ỏi bán chiếc nhẫn ấy, chị tìm mua các loại gỗ thứ phẩm mang về Thủ Đức bán lại và xác định chỉ lấy công làm lời. Một chiếc chòi nhỏ dựng tạm nuôi chí làm giàu, gởi hai con cho một người quen, chị xuôi ngược ngược xuôi khắp các ngả đường Tây nguyên. Mỗi ngày trước khi đi chị đưa lại 1.000 đồng để ở nhà mua rau lang, sau đó mang luộc chấm với nước tương qua bữa. Thức ăn vỏn vẹn chỉ có vậy, ngày nầy qua ngày khác đã khiến những người chung quanh thắc mắc. Khi được hỏi, chị trả lời gia đình mình “ăn chay” mà nước mắt rơi lả chả vì thương hai con đã quá vất vả theo số phận lao đao của cha mẹ. Đã vậy, hai đứa nhỏ do không quen với thổ nhưỡng, khí hậu lại ngã bệnh, đứa bị sốt rét, đứa chanh nước tiêu chảy càng làm chị rối bời với trăm ngàn mối lo toan, chị gầy sọm đi, da sạm nắng như già đi trước tuổi. Nhưng, sự nhọc nhằn, tủi cực nào chỉ có vậy. Một lần suýt chết vì bão làm sập chòi, may mắn khi cây ngã đã đan xen nhau, đã tạo ra một khoảng trống giúp mấy mẹ con thoát chết. Lần khác, khi xe chở cây của chị đi qua đèo Phượng Hoàng thì bị đứt thắng, nhắm mắt phó thác cho số mệnh, chị luôn miệng niệm phật và đinh ninh rằng có lẻ mình sẽ không còn gặp được chồng con nữa. Vậy rồi, tai nạn chết người ấy đã không thắng được chị. Một lần nửa, chị lại là người thắng cuộc khi chạy đua với số phận.


Khi kể lại câu chuyện đời của mình cho tôi nghe, không ít lần chị đã rơi nước mắt. Nhưng đấy không phải là giọt nước mắt của cô học trò nhỏ bị cô phạt vì đã vẽ mái nhà mơ ước của mình; cũng không phải giọt nước mắt của người đàn bà trẻ luôn đặt lòng tin vào con người để rồi bị người phụ bạc; cũng không phải giọt nước mắt tủi cực của người vợ thương chồng, người mẹ thương con phải gác lại mọi nhớ thương vì miếng cơm manh áo. Mà đấy là những giọt nước mắt hạnh phúc vì những hy sinh của mình đã đến ngày đơm hoa kết trái; là những giọt hồi tưởng những gì mà mình đã trải qua cứ như một giấc mơ.
*
Trong một lần dừng chân nghỉ tạm tại một điểm rửa xe ven đường khi chở gỗ về Thủ Đức, chị đã thiếp đi vì quá mệt mỏi. Trong lúc mơ mơ màng mang ấy, chị bổng thấy hình bóng của Phật bà hiện lên và nói với chị rằng: “Chính nước sẽ giúp con vượt qua khó khăn và đến với chân trời hạnh phúc”. Giật mình tỉnh dậy, chị ngước nhìn lên thì nhận ra vầng hào quang của Phật bà trong giấc mơ mà chị thấy chính là ánh sáng tỏa ra từ chiếc bóng đèn tròn của điểm rửa xe. Có thể những hình ảnh trong vô thức ấy chính là kết tinh của tấm lòng lúc nào cũng hướng thiện của chị, cũng như khi quá khổ con người ta thường dựa vào một đức tin nào đó để mà sống. Với chị thì chính giấc mơ ấy đã giúp chị thay đổi cả quãng đời sau nầy.


Ngồi bần thần suy nghĩ về những gì mình vừa thấy trong mơ, bất chợt trong đầu chị lóe lên một ý tưởng. Chị kể lại: “Vào thời điểm lúc bấy giờ tại hầu hết các bãi gỗ ít ai để ý đến loại gỗ 35-75 tồn kho dầm mưa dãi nắng đã nổi mốc meo, nhưng thật ra bên trong còn nguyên vẹn lại được bán với giá thứ phẩm. Rửa xe được thì rửa gỗ cũng được. Tại sao mình không dùng nước để rửa các loại rong rêu bám vào gỗ, biết đâu sẽ bán được giá hơn?...” Chuyến ấy chị dốc hết tiền còn trong túi thuê người rửa xe dùng nước rửa thật sạch hết số gỗ mình có. Kết quả thật không ngờ, từ gỗ thứ phẩm qua xử lý đã được nâng lên gần bằng loại chánh phẩm. Lần đầu tiên chị lãi được 25.000.000 đồng, một số tiền khá lớn trong thời điểm những năm đầu của thập niên chín mươi thế kỷ trước. Như cổ máy đã được bôi trơn, chị lại tiếp tục lên đường và số lãi của chuyến đi sau nhiều gấp đôi chuyến trước. Số tiền tích lũy được chị dành dụm mua vàng sau đó gởi về quê mua đất. Không biết có phải vì những tháng ngày lênh đênh sông nước khi xưa đã khiến chị hết sức trân trọng từng mảnh đất mình có được. Tài sản của chị ngày một nhiều lên và đến năm 1992, ba năm sau ngày rời quê hương chị quay về với số vốn gấp hàng mấy chục lần so với ngày bị trắng tay. Thật ra, nếu nhìn nhận một cách tỉnh táo, thì việc nhìn thấy được điều mà những người khác không thấy đó chính là sự nhạy bén trong kinh doanh cộng với đầu óc thông minh vốn có của chị. Chính chị chớ không ai khác đã tự giúp mình trước khi được người khác giúp.


Năm 1992, khi Hậu Giang tách ra làm hai tỉnh Cần Thơ và Sóc Trăng, anh Chí – chồng chị được điều về phụ trách Trường nghiệp vụ Giao thông Vận tải tỉnh Sóc Trăng. Chị cũng theo chồng về vùng đất mới nầy và lập nên một xưởng mộc chuyên sản xuất các loại hàng gia dụng. Ở thời điểm lúc bấy giờ, Sóc Trăng là một tỉnh mới chia tách nên cơ sở vật chất rất thiếu thốn nhất là ngành giáo dục. Nhìn thấy các em học sinh quá vất vả, lại đang có trong tay một số gỗ khá lớn, chị chủ động liên hệ với Sở Giáo Dục nhận đóng mới toàn bộ bàn ghế cho các điểm trường trong tỉnh theo dự án phát triển cơ sở vật chất ngành giáo dục của Unisef. Chỉ mới ở giai đoạn đầu khởi nghiệp mà sự đóng góp của chị cho xã hội đã rất lớn với những ý nghĩa hết sức tốt đẹp. Ngoài việc đồng ý cho phía đối tác được trả chậm trong nhiều năm, các loại bàn ghế học sinh do cơ sở của chị sản xuất luôn đạt tiêu chuẩn Nhà nước, thậm chí trong hợp đồng là gỗ nhóm 4 nhưng khi thực hiện chị đã cho sử dụng gỗ nhóm 2,3. Chính tuổi thơ vất vả, thiếu thốn của mình mà nay khi có điều kiện chị muốn bù đắp cho các em học sinh mà không nghĩ đến phần thiệt thòi về mình.
Đến năm 1996, khi nền kinh tế của tỉnh Sóc Trăng đã dần ổn định, đời sống người dân được nâng cao và nhu cầu ăn ở, mua sắm cũng nhiều hơn. Thấy được điều đó, chị chuyển cơ sở mộc của mình sang sản xuất hàng gia dụng. Có thể nói trong giai đoạn nầy, sự thông minh, sáng tạo của chị càng có điều kiện phát huy, hầu hết kiểu dáng các sản phẩm đều do chị nghĩ ra. Uy tín của cơ sở ngày càng được nâng lên qua chất lượng sản phẩm cũng như các thiết kế mẫu mả độc đáo “không đụng hàng”. Cơ sở của chị ngày một phát triển mạnh hơn và uy tín của chị tăng lên theo tỷ lệ thuận. Điều đáng quý ở người nữ doanh nhân nầy là không phải chỉ chú tâm vào chuyện làm giàu, nhận thấy Sóc Trăng là một tỉnh nghèo, các khu vui chơi giải trí hầu như không có. Sau khi tham khảo nhiều nơi, từ năm 1996 đến năm 2001, chị cho xây dựng Khu Văn hóa Du lịch Bình An Sóc Trăng như một cách trả nghĩa vùng đất đã cưu mang mình. Điểm khác biệt giữa nơi nầy với các khu vui chơi giải trí khác trong cả nước là vé vào cửa được bán rất thấp, nhầm tạo điều kiện cho các người nghèo, các em học sinh, sinh viên có thể vào tham quan, vui chơi. Ngoài ra, hàng năm Khu Du lịch Bình An còn gởi tặng hàng ngàn thơ mời đến các cơ quan, đơn vị nhà trường vùng sâu, vùng xa để mọi người được đến đây vui chơi trong các dịp lễ hội.


Người đàn bà có số phận lao đao, vất vả ấy chính là chị Phạm Thị Diệu Hiền, giám đốc Cty TNHH - XD - TM DIỆU HIỀN tại thành phố Cần Thơ hiện nay. Có thể nói không quá lời, trong số hàng chục đơn vị kinh doanh địa ốc trên địa bàn Cần Thơ hiện nay thì Diệu Hiền là một trong những đơn vị làm ăn có hiệu quả. Khu dân cư BÌNH AN do công ty Diệu Hiền xây dựng tại Khu đô thị mới Nam sông Cần Thơ đã được khánh thành cuối năm 2004, được đánh giá là hoàn chỉnh và hiện đại.


Năm 2002, chị đến Cần Thơ cùng lúc với thời điểm tỉnh đang kêu gọi các nhà đầu tư phát triển Khu đô thị mới Nam Cần Thơ. Không ít các nhà đầu tư khác gặp khó khăn, thậm chí bỏ cuộc. Nhưng với công ty Diệu Hiền, sự thành công có được như tất cả chúng ta đều biết có lẻ nằm gọn trong câu nói: “Biết người biết ta”. Thật vậy, trong tất cả các dự án xây dựng thì vấn đề giải tỏa mặt bằng là khó khăn nhất, nó quyết định gần như toàn bộ quá trình thực hiện dự án. Làm sao để tất cả bà con, nhân dân đồng thuận? Ngoài mức đền bù theo quy định của Nhà nước, chị đã trích một số tiền lớn hỗ trợ thêm cho các hộ nằm trong dự án. Song song với việc giúp bà con tái định cư, ổn định cuộc sống, hàng năm vào các dịp lễ tết công ty đều đến từng nhà tặng quà, cũng như tổ chức các buổi ca nhạc, vui chơi giải trí cho bà con.


Đã từng nghèo khó, đã từng phải vất vả, lao đao nên với chị Diệu Hiền trong tất cả những gì chị làm hôm nay, ngoài yếu tố kinh tế, chị luôn chú ý đến khía cạnh xã hội của nó. Với Khu đô thị mới Nam Cần Thơ, sự thành công của chị ngoài chuyện góp phần xây dựng thành phố Cần Thơ giàu đẹp; công ty Diệu Hiền cũng đã tạo công ăn việc làm cho hơn 1.000 lao động địa phương với mức thu nhập khá cao; ngoài ra hàng năm chị luôn thực hiện nghĩa vụ thuế đầy đủ góp một phần trong việc nâng cao ngân sách địa phương. Với những người trực tiếp làm việc trong công ty, chị lại càng quan tâm hơn nữa. Ngoài mức lương hàng tháng, trong các dịp lễ tết đều có quà, tiền thưởng. Ngoài ra, đối với những ai có nhu cầu công ty còn bán đất với giá nội bộ giúp họ ổn định cuộc sống. Chính nhờ sự đối xử có tình, có lý ấy mà hiện nay công ty có một đội ngủ nhân viên lành nghề, luôn hết sức, hết lòng với công ty hay với chính chị cũng thế.


Khi ngồi viết những dòng chữ nầy về chị, tôi biết chắn chắn rằng ngôi nhà trong mơ ước của cô bé mồ côi, nghèo khó của vùng Vĩnh Viễn, Long Mỹ ngày xưa đã trở thành hiện thực. Tại ngôi biệt thự bề thế vào dạng “có hạng” ở Cần Thơ tọa lạc trên đường 30-4, một trong những con đường đẹp nhất ĐBSCL mà chị dùng làm nơi ở và cũng là trụ sở của công ty, do chính chị vẽ mẫu sau đó nhờ các kiến trúc sư thiết kế lại và cũng chính chị đứng ra tự xây dựng ngôi nhà nầy. Những người qua lại hàng ngày trên con đường nầy mấy ai biết rằng chủ nhân của nó đã đổ ra biết bao nước mắt để ước mơ của mình trở thành hiện thực. Một điều lạ là chính người đã từng mơ ước có được một mái nhà ấy, nay lại đang làm công việc xây dựng lên những ngôi nhà thật đẹp cho người khác. Con đường phía trước của chị đang rộng mở mà sự nhân nghĩa luôn thấp thoáng bên bóng dáng người phụ nữ nầy. Hiện nay, sau khi lao tâm khổ tứ vì “những ngôi nhà” chị lại tiếp tục lao vào công việc mới. Đó là khi thác một trung tâm nuôi trồng thủy sản với diện tích trên 20 ha mặt nước nằm ven bờ sông Hậu. Chị đã nhìn thấy rõ lợi thế mà thiên nhiên ưu đãi cho vùng ĐBSCL về nguồn nước, khí hậu cũng như thời tiết. Toàn bộ diện tích trên bờ được quy hoạch thành khu du lịch sinh thái. Du khách sẽ được hít thở bầu không khí trong lành, sẽ được câu cá, nghỉ ngơi thư giãn trong các ngôi nhà thủy tạ ven cù lao Cái Côn. Chắc rằng nơi đây sẽ là một địa chỉ mà du khách trong và ngoài nước quan tâm trong một ngày gần đây. Ngoài ra, chị cũng đang tiến hành dự án đầu tư, chuẩn bị cho ra đời Công ty Thủy sản Bình An sẽ thu hút từ 1.500 đến 2.000 công nhân lao động nữ.
Không dưới một lần tiếp xúc với chị, tôi nhận ra ở người đàn bà nầy một sự nỗ lực hiếm có và một tấm lòng rộng mở biết bao với cuộc sống, con người. Lận đận như thế, bận bịu biết bao như thế mà chị vẫn cố theo học và hiện nay đã có hai bằng tốt nghiệp đại học khoa QTKD – TCKT. Không ít những người khi thành đạt là quay lưng ngay với quê hương, với những người thân. Chị đã không như vậy, bất cứ ai đã một lần tiếp xúc với chị đều thấy sự đôn hậu, tấm lòng rộng mở thể hiện qua từng lời nói, giọng cười.
Chị đã từng đi nhiều nước trên thế giới, đã dự các hội nghị quốc tế quan trọng như: đại diện các Doanh nhân tiêu biểu dự Hội nghị quốc tế phụ nữ Apec năm 2003 chủ đề “Phụ nữ tự kiến tạo một thế giới của sự khác biệt” tại Thái Lan; Hội nghị quốc tế phụ nữ Apec năm 2004 tại Chi Lê chủ đề “Những rào cản thách thức đối với Doanh nghiệp nữ” và gần đây nhất từ ngày 23 đến 27 tháng 8 năm 2005, chị lại cùng đoàn đại biểu 15 người do bà Hà Thị Khiết, Ủy viên TW Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam dẫn đầu tham dự “Cuộc họp Mạng lưới Các Nhà lãnh đạo nữ APEC’ chủ đề “Sự thạnh vượng của các doanh nghiệp nữ qua sáng kiến; Tầm nhìn mới cho doanh nghiệp nữ” tại Deagu – Hàn Quốc.
Sự liệt kê nào cũng thường là khô cứng, nhưng với chị Phạm Thị Diệu Hiền thì những gì mà chị nhận được người ta lại không thấy điều đó bởi lẻ đó chính là kết quả tất yếu của một tấm lòng. Ngoài các Bằng khen do TW. MTTQ. VN trao tặng do những đóng góp của chị cho quỷ “Vì người nghèo”, chị còn được Hội LH.PN.VN trao tặng huy chương “Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ” – Tổng cục Du lịch VN trao tặng huy chương “Vì sự nghiệp du lịch Việt Nam” – Bộ GTVT trao tặng huy chương “Vì sự nghiệp GTVT”… đặc biệt ghi nhận sự đóng góp của chị vào các công tác xã hội, thể hiện qua các quỹ học bổng nhầm tạo điều kiện phát huy tài năng, trí tuệ cho tương lai của đất nước mà “Quỹ học bổng Vừ A Dính” là một điển hình. Ban Bí Thư TW Đoàn TNCS HCM đã trao tặng chị Huy chương “Vì Thế hệ Trẻ” vào ngày 26-8-2005 vùa qua. Từ những đóng góp của mình, chị đã được tín nhiệm bầu vào các vị trí: Ủy viên Ban chấp hành Phụ nữ TP. Cần Thơ, Đại biểu HĐND TP. Cần Thơ, Ủy viên BCH Mặt trận Tổ quốc TP. Cần Thơ, Ủy viên TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.


Rất nhiều vùng đất trên thế giới chị đã đi qua, không dưới một lần tiếp xúc với các vị nguyên thủ quốc gia cả trong nước và quốc tế; đang quản lý một đơn vị kinh tế ăn nên làm ra với nhiều ngàn công nhân nhưng trong chị luôn đau đáu một nỗi niềm. Đó là chưa trả nghĩa được cho những người đã sinh ra cũng như người mẹ nuôi đã vun đắp cho chị nên người. Cha chị, người chiến sĩ cách mạng vì nghiệp lớn phải xa con ấy, chỉ được gặp lại đứa con gái thương yêu của mình một lần duy nhất vào năm 1967, ba năm sau ông đã hy sinh tại chiến trường miền Đông. Người mẹ nuôi mà chị thương như ruột thịt cũng nhắm mắt nhẹ nhàng, không để chị phải tốn một đồng bạc thuốc men, khi mà chị có thừa khả năng để chăm lo cho bà với những điều kiện tốt nhất. Có lẽ bà đã yên lòng thanh thản ra đi khi nhìn thấy sự thành đạt của chị.


Người đàn bà mang tên Diệu Hiền, cái tên do chính vị sư trụ trì ngôi chùa mà chị nương nhờ khi mở mắt chào đời đặt cho ấy vẫn đang sống và đi lên bằng tấm lòng nhân nghĩa như chính cái tên của chị.

 

N.T.N


NGƯỜI ĐÀN BÀ VIẾT TIỂU THUYẾT

Bút ký

 

 chi-hue-1

 
Năm 1990 của thế kỷ trước, tại Cần Thơ có một cuộc thi sáng tác “Bút ký – Truyện ngắn” do báo Hậu Giang và Hội Văn nghệ địa phương phối hợp tổ chức. Một số tác giả đoạt giải trong cuộc thi nầy hiện nay đang là những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như: Mường Mán, Dạ Ngân… Tuy nhiên, có một điều đặc biệt hơn mà tôi muốn đề cập trong bài bút ký nầy. Đó là, người đoạt giải cao nhất về thể loại truyện ngắn (giải III – không có giải I và II) lại là một người hết sức “không bình thường”. Một người đàn bà lam lũ, ngồi bán từng chai xăng lẻ ven lề đường bụi bặm, kiếm mấy đồng lời nhỏ nhoi, nuôi đàn con năm đứa. Và đứa con tinh thần đầu tay ấy đã được chắt lọc từ một trái tim nhạy cảm với nỗi đau thế sự; một tấm lòng rộng mở, sẻ chia với những bất hạnh dẫy đầy quanh cuộc đời cũng không ít bất hạnh của người viết.


Sau cuộc thi ấy một thời gian, trên báo Đồng Nai số 33, phát hành tháng 6 năm 1992, tác giả Phạm Huy Kỳ trong bài: “CAROLINA một nhà văn nữ danh tiếng rất giàu và thất học” đã có một sự liên hệ khá thú vị: “năm 1991, tại Việt Nam, một bà bán xăng lẻ ở lề đường, lúc chưa có khách thì kê xấp giấy học trò lên cục đá, cục gạch để… sáng tác. Văn bà rất hay, rất hiện đại và bà đoạt giải thưởng văn học nghệ thuật của một tỉnh thuộc miền nam Việt Nam…”. Cũng trong bài nầy, tác giả đã dẫn trích đôi dòng tự sự của nhà văn CAROLINA: “… sinh nhật bé VéRa, con gái tôi. Tôi mơ ước có cho con gái tôi một đôi giầy. Nhưng làm gì tôi có tiền. Mà mọi thứ cũng quá đắt khiến tôi biết, tôi không có cách nào thực hiện được lòng mong ước. Con người là nô lệ của giá sinh hoạt. Tôi tìm thấy một đôi giầy cũ vứt trong một thùng rác. Tôi rửa nó và khâu lại cẩn thận để con tôi có thể mang được…”.


Cần Thơ, những năm 80 của thế kỷ trước. Trong nhà vĩnh biệt của bệnh viện tỉnh, xác một người đàn ông vô thừa nhận đang được chuẩn bị khâm liệm để mang đi hỏa thiêu. Chị hộ lý có trách nhiệm làm công việc cuối cùng nầy hết ra rồi lại vào, cứ tần ngần, do dự. Không phải chị sợ, bởi công việc nầy chị đã làm nhiều lần. Hơn nữa, chị nghĩ rằng cái đáng sợ nhất thuộc về những người còn đang sống chứ không phải ở những thân thể bất động, vô tri giác kia.


Cái làm chị bần thần nghĩ ngợi chính là bộ quần áo còn khá tươm tất của người chết. Bộ đồ ấy nếu giặt sạch sẽ, mang ra chợ trời có thể đổi được vài ký gạo, làm đầy những cái bụng rỗng của đám con ở nhà dăm ba bữa (Chị sợ lắm cái cảm giác trơn tuột, mất hút khi đưa tay khua khoắng thùng đựng gạo trống không! Tai hại thay, cảm giác ấy luôn xuất hiện thường trực trong chị, mật độ dày dặc hơn cả nụ cười, chị lại bắt gặp mới đây thôi, trước khi đi làm). Trong những tháng ngày vất vả chèo chống nuôi đàn con nhỏ dại sau khi người chồng qua đời, đã có không ít lần chị cắn chặt răng, nuốt nước mắt vào lòng, lựa mấy bộ đồ tương đối lành lặn, trong số quần áo vốn đã ít ỏi của mình mang ra chợ trời. May mắn là lúc bấy giờ đồ đạc, vải vóc còn thiếu thốn, cũng như không hề có bộn bề “đồ SiDa” như hiện nay, nên chị mới kiếm được dăm ba đồng bạc lẻ! Chứ bây giờ…!!! Đã dứt tiếng súng từ lâu, nhưng chính chị lại đang phải chiến đấu vì sự đói no của con mình, vẫn đè nặng lên đôi vai gầy guộc của chị hàng ngày, hàng giờ.
Nước mắt lưng tròng, chị run rẫy đốt mấy nén nhang sì sụp khấn vái vong linh người chết: “Ông sống khôn thác thiêng xin tha thứ cho tôi, tha thứ cho một người mẹ vì sự đói no của con mình mà phạm tội”. Chị vội vội vàng vàng lấy bộ đồ của bệnh viện thay cho người chết, rồi cuống quýt nhét bộ đồ lạnh ngắt ấy vào túi đệm. Không phải chị sợ một người nào đó nhìn thấy vì cửa nhà xác luôn đóng kín, mà chị sợ chính chị, sợ rằng mình không đủ can đảm làm tới cùng một công việc mà lương tâm chị không cho phép, nhưng tấm lòng người mẹ lại xúi bẩy, khuyến khích. Sau nầy, và sẽ đến cuối cuộc đời, mỗi khi thắp nhang chị lại lấy thêm một nén, chẳng biết có làm ấm thêm chút nào linh hồn người bất hạnh ấy hay không?! Nhưng mỗi nén nhang ấy ít ra cũng làm dịu đi nỗi cồn cào, bứt rứt trong sâu thẩm tâm can chị.


Sẽ là khập khiễng nếu ai đó một lần ngồi tỉ mẩn so sánh nỗi đau của người nầy với người khác, cho dù hai giọt nước mắt đều rơi ra từ khóe mắt của phận đàn bà. Và người hộ lý khốn khổ ấy với - “Người đàn bà viết tiểu thuyết” - Nguyễn Thị Thanh Huệ hôm nay là một, thời gian tôi biết chị không nhiều nhưng dường như ở một người bộc trực, “thẳng ruột ngựa” như chị, việc bày tỏ hết mọi ngóc ngách của cuộc đời mình với “thằng em” – là tôi. Như một việc hết sức đương nhiên, có gì mà nghĩ ngợi! Việc “mổ bụng tự xử” của chị làm tôi nhớ tới hình ảnh Harakiri của các võ sĩ đạo Nhật Bản. Phải chăng chị cũng muốn nhắn nhủ với tôi, với cuộc đời rằng: “Đấy! Cuộc đời tôi đấy. Hãy nhìn vào mà phán xét, mà bình phẩm đừng bỏ quên một thứ gì…”.


Chôn nhau, cắt rún vùng cù lao Ông Chưởng miệt Chợ Mới, An Giang. Cha chị vốn là một nông dân cày sâu cuốc bẫm, cả gia đình chẳng ai dính dáng gì tới văn nghệ, văn gừng. Có chăng một “nhiểm sắc thể” nào đó của người ông thích hò, ví vẫn thường ngân nga bên cối chày giả gạo thình thịch mà chị quen nghe từ độ còn tóc bom-bê, đã vận vào chị?! Để rồi mãi về sau nầy tuy “anh hoa phát tiết” chưa hẳn là rực rỡ nhưng chị cũng đã để lại cho đời một chút gì đó buồn vui của kiếp phong trần. Không đến độ phải kêu lên: “Lũ chúng ta đầu thai nhầm thế kỷ…” như nhà thơ say họ Vũ, nhưng rõ ràng ở vào thập niên 30 của thế kỷ trước, khi chị chào đời (1938) bối cảnh đất nước hết sức rối ren. Hoàn cảnh xã hội đã vậy, nhà lại chẳng khá giả gì nên chuyện học hành của chị cũng không ít trắc trở, hết ghé trường nầy lại dạt sang trường khác. Vì vậy, mãi đến năm 1963, khi chị đã ngoài 20 tuổi, mới cầm được mảnh bằng tốt nghiệp Trung học Đệ nhất cấp lúc bấy giờ.
Với những người an phận, mảnh bằng có được ấy đủ sức kiếm một chân gõ đầu trẻ ở quê nhà, rồi có chồng, sinh con… nhưng chị đã không muốn như thế. Rời An Giang lên Sài Gòn, chị xin vào làm thư ký cho Nha Y tế công cộng. Để rồi họ: nàng thư ký và anh nhà báo, phải lòng nhau! Chị đã gặp anh, cả hai dắt tay nhau bước đi trên cuộc hành trình ít ngọt ngào, mà lại quá nhiều đắng cay và nước mắt.


Chồng chị – ký giả Nguyễn Duy Việt – bút danh Anh Việt viết cho các báo Dân Chủ, Hành Động ở Sài Gòn trong những năm cuối của thập niên 60, thế kỷ trước. Đâu ngờ rằng, khi mình đã nhắm mắt xuôi tay thì người vợ thân yêu của ông sau bao thăng trầm của cuộc sống, lại tiếp tục con đường “bán chữ” đầy nghiệt ngã, nuôi 5 đứa con thơ dại thành người.


Sau bao nhiễu nhương của thời tao loạn. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, hai vợ chồng cùng mấy đứa con dắt díu nhau về Cần Thơ, bắt đầu một giai đoạn mới. Giai đoạn mà chị thật sự hiểu một cách “hết sức” tường tận, mọi bề mặt – trái của chữ “nghèo”! Đã từng “chạy nhật trình” rồi thông dịch viên với số vốn văn hóa không thua kém ai, nhưng anh Hai Việt – chồng chị – đã phải lê la vỉa hè kiếm tiền nuôi con bằng nghề sửa xe, rồi chạy xe lôi, chẳng dính dáng gì tới chữ nghĩa. Phần chị! Một chân hộ lý quét dọn tại bệnh viện tỉnh, tối về tha thêm tủ thuốc lá đầu ngỏ. Bao mồ hôi, nước mắt đổ xuống, buồn thay cái nghèo chỉ thay đổi cách biểu hiện trước mắt người đời chứ không rời khỏi mái lá lụp xụp của vợ chồng chị. Cái chái nhà sau của thiên hạ mà anh chị phải chắt mót bao năm mới có được, dù nó thật sự vẫn chưa làm tròn nhiệm vụ.


Hơn 10 năm trời làm hộ lý, chị đã bao lần chuẩn bị tươm tất cho người chết, dù có thân nhân bên cạnh hay chỉ là cái xác vô thừa nhận. Và dù đó chỉ là bộ đồng phục bệnh viện khâm liệm trắng toát, thì với chị, họ cũng đã được chăm lo đầy đủ trước khi ra đi vào cõi vĩnh hằng. Vậy mà! Khi khóc anh, chị đã đau đớn biết bao nhiêu khi phải tiễn anh đi bằng bộ đồ “chật chội” của đứa con trai! Khi mà nơi áo quan anh nằm vẫn chưa kín nắng mưa. Năm 1987, anh mất thì một năm sau chị cũng rời bẹnh viện, bởi với số lương hộ lý ít ỏi thời kỳ ấy không thể nào làm no lòng đến sáu miệng ăn.
Sau nầy, khi mà tuổi đời đã ngấp nghé “cổ lai hy” nhớ lại quãng thời gian làm hộ lý, chị nghiệm ra rằng chính giai đoạn nầy đã “tạo ra” - người đàn bà viết tiểu thuyết - theo cách gọi của tôi. Có phải là may mắn hay không? Tôi không biết! Nhưng chính những ngày thay ga, trải nệm cho bệnh nhân, đã tạo cho chị cơ hội quen biết một vài người đang theo đuổi nghề văn chương lúc bấy giờ. Một nhà văn nữ, hiện đang rất nổi tiếng, lúc bấy giờ chỉ là cô kỷ sư nông nghiệp mới ra trường, có dăm ba truyện ngắn đăng báo. Đã là người chia sẻ với chị chút kinh nghiệm non nớt, khi chị viết truyện ngắn đầu tay “Gấu nhỏ” trong nhiều đêm ngơi việc, giữa cái thanh vắng đầy bất trắc của bệnh viện.
Tuy nhiên, cái mộng văn chương của chị lúc bấy giờ giống như một chút lãng mạn của đứa con gái mới lớn. Rời bệnh viện, xa mùi thuốc men, chết chóc chị lại tấp vào cái mùi bụi bậm, oi nồng của những chai xăng lẻ ven đường. Không chừng chị sẽ quên đi chuyện viết lách, mà lam lũ với cơm, áo, gạo, tiền… nếu không có thằng bé “con lai” hàng xóm: Mỹ Được. Phải! Thằng Mỹ Được, nhân vật chính trong truyện ngắn “Phù sa trên tóc bạch kim” tác phẩm đã dẫn đường cho chị mon men đến với văn đàn. Nơi chốn mà sau nầy đã lấy của chị không ít nước mắt so với những tháng ngày bụi bặm giữa đời. Không biết cái nhân vật chứng nhân cho một giai đoạn lịch sử ấy bây giờ ở đâu? Có đọc được những dòng chị viết: “Tôi vẫn chúc mừng cho “Thế giới tự do” tìm lại được nhiều cuống nhau mà người ta đã vứt bừa trong cuộc viễn chinh. Nhưng Được ơi! Con ơi! Có bao giờ dòng Missisipi sẽ gội rửa sạch phù sa sông Hậu trên mái tóc bạch kim mười mấy năm trường không?!”.


Thông thường, với người không phải trời sinh làm nhà văn, mà cầm bút ngang xương như chị. Thì chất xúc tác mạnh mẻ nhất của sáng tạo lại là một cái gì đó thật cụ thể, đó là “thằng con lai” trong xóm, đó là “chị Dậu” (mẹ nó) của thế kỷ 20; đó là sự nhỏ nhoi, mỏng manh và đầy bất trắc của phận người đã trót “bị” sinh ra đời. Thì (theo cách nhìn thiển cận của tôi) đó cũng có thể là giải thưởng, là đồng tiền nhận được bởi những câu chữ mà chị đã chắt ra từ đôi dòng nước mắt. Nói theo ngôn ngữ vỉa hè, đây là một kiểu kiếm chác mới, không phải ở cuộc đời, mà là ở chính tâm hồn mình.
Quay lại thời điểm những năm đầu của thập niên 90 thế kỷ trước, tình hình xuất bản các văn hóa phẩm không trăm hoa đua nở như hiện nay. Trên kệ các nhà sách hầu hết là những tác phẩm văn học dịch từ các nước xã hội chủ nghĩa. Văn học trong nước lèo tèo dăm quyển tiểu thuyết chiến tranh, đôi ba bộ kiếm hiệp in lại của thời chưa giải phóng. Nhu cầu cần phải có “một cái gì mềm mại, lãng mạn” là thật. Nó giúp người ta tạm quên đi nỗi buồn chiến tranh, tạm quên đi bao khó khăn của đời sống. Một số người nhạy cảm trong chuyện kiếm tiền xuất hiện mà người ta gọi là “đầu nậu” sách. Và chị – Người đàn bà viết tiểu thuyết – nhà văn lề đường xuất hiện trên nhiều tờ báo lớn lúc bấy giờ, là đích đến của những người “nhạy cảm” nầy.


Không biết “… dòng Missisipi có gội rửa sạch phù sa sông Hậu…” hay không? Nhưng chắc chắn tác phẩm đầu tay ấy đã gột rửa sạch một quãng đời bụi bặm, lấm lem của chị. Sau khi nhận giải truyện ngắn do báo Hậu Giang trao, chị rời bộ cánh của bà bán xăng lẻ ven đường mà khoác vào mình chiếc áo “danh giá” của người cầm viết (lúc nầy chị đã được kết nạp là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hậu Giang). Có thể lúc bấy giờ trong suy nghĩ của mình, với chị cái danh vị nhà văn không quan trọng bằng việc có tiền nuôi con mà không phải vất vả nắng mưa như cả quãng đời đã qua. Hai năm trời viết thuê theo yêu cầu của người làm sách tại TP. Hồ Chí Minh. Rồi sau đó là 30 bộ tiểu thuyết ra đời trong khoảng thời gian gần 10 năm (02 bộ “Tiếng khóc chim Đỗ Quyên và Con Tử Quy lạc loài” do Nhà xuất bản Văn Nghệ TP. HCM ấn hành; số còn lại hầu hết đều của Nhà xuất bản Đà Nẵng), mỗi bộ 2 quyển, trên dưới 400 trang sách. Số tiền “nhuận bút” 3 triệu đồng mỗi bộ ấy mang lại cho chị một mái nhà khang trang; là năm đứa con, mỗi đứa một nghề tự kiếm sống; là dựng vợ, gả chồng; là cháu nội, cháu ngoại tíu tít quanh bà. Gần đây nhất, năm 2003 chị đã tái bản 4 trong số 30 bộ tiểu thuyết của mình. Riêng năm 2006, ở cái tuổi 68, “gần đất xa trời” chị lại tiếp tục sáng tác (cũng là những câu chuyện tình) và đã cho ra mắt truyện dài có tên “Mình thôi mãi xa” do nhà xuất bản Đà Nẵng phát hành.


Có người khắt khe nhận định văn của chị thuộc dạng “Áo bà ba xương sa xương sáo”. Cũng phải thôi! “nhà văn lề đường” tất phải viết cho người bán bưng đọc! Nhưng, xin thưa! Khoan hãy bàn đến chuyện học thuật! Khoan hãy định danh, định tánh là nhà văn hay chỉ là một kẽ viết lách kiếm tiền (có ai viết văn mà không muốn có tiền từ những trang viết của mình?!). Trong hoàn cảnh của chị lúc bấy giờ, tôi biết chị không thể nào ngồi đó trau chuốt từng câu chữ để có một tác phẩm hoàn toàn ưng ý, trước sự thúc bách của cái cảm giác đói no, không phải của chị (bởi chị đã quen chịu đựng) mà là của những đứa con tội nghiệp. Chị chấp nhận điều đó cho một mục đích khác thiêng liêng (ít ra là đối với một người mẹ – tôi nghĩ vậy), hơn là đôi lời khen chê sáo rỗng. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là tất cả những sáng tác của chị chỉ “tầm tầm hàng chợ” theo một nghĩa nào đó. Còn những tác phẩm của chị đã in, đã xuất bản từ những địa chỉ hết sức uy tín như Nhà xuất bản Hội Nhà văn thì sao? Nếu ai đó mổ xẻ tác phẩm nghệ thuật bằng con mắt đố kỵ tất phải tìm ra điều muốn nói. Riêng tôi, một kẻ hậu sinh! Xin nghiêng mình kính phục sức sáng tạo của chị, cũng như hết sức trân trọng tấm lòng một người mẹ, đã vì đàn con của mình mà làm tất cả. Sau nầy, khi đã là “bạn viết” của nhau, tôi biết đã có không ít lần chị rơi nước mắt vì sự nghiệt ngã của nghề văn, của miệng đời thiên hạ. Những lúc ấy tôi rất muốn nhắn nhủ với chị rằng: xin chị hãy rơi nước mắt vì sự cảm thông sâu sắt trong kiếp người nhọc nhằn, hơn là phí hoài cảm xúc cho mọi thói xấu của nhân gian.


Nếu nói người viết văn như người nông dân cày xới trên cánh đồng chữ nghĩa thì những gì thu hoạch được dù là gạo đặc sản, gạo thường hay chỉ là những hạt bột nhỏ nhoi của bông lúa ma, cũng đã nuôi lớn tâm hồn những ai ăn nó. Nhìn vấn đề ở góc độ cầu toàn, người cầm bút chưa đặt chân vào ngưỡng cửa Hội Nhà văn Việt Nam, thì vẫn chưa phải là nhà văn “đúng nghĩa”. Tôi biết chị không nghĩ đến điều đó! Bởi với chị, cái thiết thực nhất là cơm no áo ấm, là con cái phương trưởng, là niềm vui chia sẻ với bạn bè văn nghệ một bài thơ, đoạn văn vừa viết xong… đã là quá hạnh phúc rồi. Đâu cần phải là “nhà văn lớn” mới hởi lòng, hởi da!


Cách đây không lâu (khoảng cuối năm 2005), Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP. Cần Thơ đã giới thiệu chị trong mục: “Nhân vật buổi sáng” với những lời lẻ hết sức trân trọng như một cách ghi nhận những đóng góp của chị cho cuộc đời.
Khi tôi chuẩn bị đặt dấu chấm hết cho bài bút ký nầy cũng là lúc chị cầm trên tay ấn phẩm mang tên Nguyễn Thị Thanh Huệ chưa ráo mực. Một tuyển tập văn – thơ do Nhà Xuất bản Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh ấn hành, có cái tên thật lạ “Chim Đỗ Quyên khóc hát”.
Phải chăng, chị cũng là một loài chim hoài niệm dĩ vãng đang cất tiếng hót hân hoan trong nước mắt?!

 

N.T.N

 

 

 

 

photo