Print

Tết đầu tiên nhà có cô dâu mới - Tiểu Kiều

Published Date
Written by Võ Quê
Hits: 6546

 

... cô con dâu mà cả nhà âu yếm gọi là cô công chúa...


 

 

Tết đầu tiên nhà có cô dâu mới


Kể từ ngày có mái ấm gia đình riêng, mùa Xuân này là lần đầu tiên trong nhà thêm thành viên mới: đón cô dâu vừa làm lễ cưới chưa tròn một tháng, nhà mẹ - nhà chồng còn bao điều trăn trở, thêm mối âu lo nữa là mẹ chồng lại đang bệnh nên nói đã ít mà lại không làm được gì nhiều, trăm sự trông cậy vào tài đảm đang nội trợ của nàng dâu, chắc là con đang vô cùng bối rối, tính toán lo toan xoay xở làm sao để tạo được không khí đầm ấm, một cái tết vui vẻ với đầy đủ ý nghĩa, lễ nghi… Con gái Quảng về làm dâu xứ Huế, khi phong tục, tập quán, nếp nhà mỗi nơi mỗi khác, mới thoạt nghe con dâu Quảng thật thà chân chất – mẹ chồng Huế mảnh đất của phong kiến khắc khe là đã phát khiếp rồi, phải không ?

Rạng sáng 25 tết cô con dâu mà cả nhà âu yếm gọi là cô công chúa bởi nhà vốn không có con gái mà, chỉ mình mẹ là phụ nữ duy nhất, con cứ xoắn xuýt bên mẹ trên tay luôn có giấy bút như đang chuẩn bị tư thế soạn giáo án vậy, con hỏi - mẹ nói, ghi ghi chép chép, tự dưng trong lòng mẹ dâng lên một cảm giác lâng lâng hạnh phúc – mà là hạnh phúc không tên – không giải thích được, cứ thấy hay hay là lạ, không phải là do từ nay có người phụ gánh vác việc nhà mà cứ nhìn cảnh một cô con gái bất ngờ xuất hiện trong nhà, đi vào đi ra đến thỏ thẻ hỏi này hỏi nọ - chưa dám tự quyết định việc gì vì sợ không vừa ý mẹ, bị mẹ rầy la cho thì xấu hổ lắm! Con cứ yên chí đi, nếu có sai sót mẹ sẽ sửa sai, góp ý kiến để con rút kinh nghiệm mà giỏi hơn, công chúa nhé!

May mắn là tuy việc mua sắm đón tết tuy nhiêu khê nhưng ngày nay tất cả thực phẩm đều có bán ở các siêu thị, các chợ, chỉ cần khéo chọn cho hợp với thực đơn của mỗi nhà, quan trọng là đầy đủ các món để cúng ông bà tổ tiên và còn để tiếp chiêu đãi khách ba ngày tết chu đáo, phong phú nhưng không được phung phí phải luôn tiết kiệm – đó là phong cách sống của gia đình mình đó nghe con dâu!

Mẹ nói - con ghi, hình như có những món mà con chưa hình dung được kể cả hình dáng mẫu mã, mua bán ở đâu, cụ thể là hàng vàng mã để cúng tất niên, tân niên, đất trời… Đây không phải là vì mê tín mà do thói quen từ bao đời từ thế hệ này sang thế hệ khác, cứ đến lễ tiễn đưa cuối năm và đón chào năm mới là phải có những lễ vật ấy dâng cúng ông bà mới hợp với đạo lý.

Nhìn thấy con loay hoay xếp từng tờ giấy vàng bạc, xếp ngang rồi lại xếp dọc mà không dám hỏi mẹ, thấy thương ghê, mẹ chủ động hỏi và con thành thật nói rằng quê con không có tập tục này và có lẻ từ nhỏ đến lúc lấy chồng - tết lễ là dịp để con và các chị em bạn bè vui chơi và nếu có tham gia việc nhà thì cũng chỉ đóng vai phụ thôi, như mẹ ngày xưa vậy.

Bây giờ đóng vai đào chánh, khó khăn thì không mấy mà bỡ ngỡ thì quá nhiều, cái chi cũng hỏi thì sợ quê độ, không hỏi làm hỏng thì tai hại hơn, thôi thì phương án tối ưu là hãy nũng nịu mẹ ơi mẹ hỡi, vừa được thương mà còn khỏi bị la – giáo viên tâm lý học nhiều bài lắm chiêu chỉ sợ mẹ chồng yếu bóng vía đỡ không nổi! Than ôi!

Tay làm mà mắt cứ láo liên nhìn trước ngó sau, mẹ chồng đang thử sức, thử tài nàng dâu đây. Có lúc lúng túng quá muốn nhờ vả hỏi ý kiến chồng thì trời ơi trời hỡi con trai Huế từ nhỏ đến lớn kể cả khi đã có vợ con có bao giờ tham gia việc nhà đâu, giờ biết chi để giúp đỡ vợ, thương thì thương lắm nhưng đành chịu thôi, họa may giỏi giang lấy dùm cái dao, cái nồi rồi thôi, cứ cười cười là xong chuyện.

Để tránh sơ suất đáng tiếc cỏ thể xảy ra, hình như con đang lên kế hoạch chương trình mua sắm nấu nướng, ngày nào món nào như tiết nào dạy bài nào vậy. Đơn giản nhất là dưa món ở cô Ry, nem chả tré Mợ Tôn, bánh chưng Nhật Lệ, bánh tét làng Chuồn cung cấp. Riêng món thịt bò thịt heo dầm, bò khô, chua ngọt là phải tự tay làm cho hợp vệ sinh, bảo đảm an toàn thực phẩm, lại mẹ ơi mẹ hỡi nào bao nhiêu mắm bao nhiêu đường, lửa to hay riu riu.

Thực phẩm khô phải ưu tiên mua sớm kẻo đến cận ngày mà thiếu hạt tiêu, hạt muối… thì mất mặt. Chọn mua trái cây để cúng cũng không phải đơn giản, nhà nhiều bàn thờ, quả gì bày ở đâu cho hợp lý hợp tình, quả phải tươi đủ màu sắc cho đẹp mắt và thú vị hơn là có ý nghĩa như mảng cầu, xoài, đu đủ… chắc chắn là phải có những nải chuối thật đẹp, nhiều quả sum sê tròn trĩnh.

Hoa là việc quan trọng nhất, chọn hoa gì cho hợp với tục lệ truyền thống thờ cúng và hoa trang hoàng trong nhà sao cho hợp với sở thích của mẹ, khi thị trường hoa rất đa dạng từ chủng loại đến sắc màu, chọn không khéo sẽ bị chê là không có năng khiếu thẩm mỹ đấy.

Ngày 30 tết bận rộn từ sáng đến khuya, lo cho trọn vẹn mâm cơm cúng đón ông bà mà ở Huế thức ăn đồ uống để kỵ giỗ lúc nào cũng thật nhiều món, mỗi thức mỗi tí chỉ in ít thôi là đã đủ mệt nhoài, dẫu thời tiết Huế đang lành lạnh nhưng cũng vả mồi hôi, cô dâu mới hí !

Cúng kiến , ăn uống xong xuôi , rửa dọn cái đống chén bát cao ngất trời… chao ơi là vất vả. Trời hỡi lấy chồng làm dâu cực quá hè ! Chưa hết, sau khi sắp xếp gọn gàng chén bát ly tách lại quay sang nấu xôi chè cúng giao thừa, mà phải là chè đậu xanh đánh – vừa đẹp, vừa để giữ được vị ngon ngọt dài ngày dẫu rằng đây là món chè đòi hỏi công phu và khéo léo nhất, phải để tâm vào từng hạt đậu, thìa đường, ngọn lửa… mới hy vọng có được nồi chè ngon, vừa ý mẹ chồng. Cái tết đầu tiên mẹ về nhà chồng thế nào nhỉ có như ta hôm nay sướng hơn, cực hơn? Đơn giản, nhiêu khê?

Xong nồi xôi chè, mệt thở không ra hơi, vào phòng nằm lăn quay. Dẫu thế khi gần đến giao thừa – giây phút thiêng liêng trong không khí gia đình và của đất trời, nàng dâu lại phải dậy cười vui vẻ cùng gia đình chồng tiễn năm cũ đón năm mới – cả nhà đầm ấm hạnh phúc, riêng trong lòng mẹ đang vô cùng hân hoan chào cô công chúa nhỏ nhắn xinh xắn, hứa hẹn và hy vọng tết năm sau và mãi mãi sau này cô dâu sẽ giỏi giang hơn, tích lũy nhiều kinh nghiệm làm hành trang mà bày vẻ cho cháu dâu tương lai của mẹ, phát huy truyền thống “ khéo tay hay làm “

Chừng ấy công việc là đã thành công mỹ mãn rồi, nghe con !

T.K