Print

Bánh bèo Ngự Bình xưa - TIỂU KIỀU

Published Date
Written by Võ Quê
Hits: 5940
"...Ăn bánh bèo Ngự Bình đúng điệu là lúc ăn phải dùng chiếc dao tre..."

 

Bánh bèo Ngự Bình xưa

TIỂU KIỀU

"Núi Ngự Bình trước tròn sau méo…" làm bình phong cho Huế yên lành, là phong cảnh hùng vĩ - mỹ miều của đất Thần Kinh. Thi sĩ Bùi Giáng đã rất dí dỏm với hai câu thơ bất hủ:

"Dạ thưa xứ Huế bây giờ,

Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương."

Huế - núi Ngự sông Hương muôn thuở!

Người dân ở đây có một thói quen hữu tình và đáng yêu là thường rủ nhau đi chơi núi Ngự Bình vào những đêm trăng, tựa như lời thầm hẹn hò tự trong ký ức từ ngàn xưa, cứ đến ngày lại đi, đặc biệt vào đêm Nguyên tiêu rằm tháng giêng, ánh trăng đẹp tuyệt vời, sáng trong huyền ảo, người thưởng ngoạn sẽ có cảm giác lâng lâng diệu kỳ, một chút vui một ít buồn bâng quơ - song đó là niềm hưng phấn không tên lạ kỳ mà trong một đời người sẽ được bao nhiêu lần tận hưởng trọn vẹn?!

Từ ấy, Ngự Bình đã trở thành địa điểm để nam thanh nữ tú vui chơi với đầy đủ ý nghĩa tinh thần lẫn vật chất: chiêm ngưỡng vẻ đẹp của trăng và thưởng thức bánh bèo Ngự Bình.

Cùng thời, Huế có đến ba nơi bán bánh bèo ngon nổi tiếng là Tây Thượng,  chùa Thiên Mụ và núi Ngự Bình, song bánh bèo Ngự  Bình  là đắt khách nhất, có lẽ do không gian thoáng mát phong cảnh đẹp đã tạo ấn tượng, gây cảm hứng cho người ẩm thực, cho dù quán xá đơn sơ, bàn ghế chén đũa mộc mạc dân dã.

Bánh bèo là một món ăn bữa lỡ, bình dân, hình tròn mỏng, làm bằng bột gạo, cách làm đơn giản: hoà tan bột gạo với nước lã, múc từng muỗng lớn đổ vào các chén nhỏ (loại chén này có bán sẵn ở chợ) rồi xếp từng chén một vào nồi (xưởng) để hấp theo dạng chưng cách thuỷ, chỉ ít phút thôi- bánh sẽ chín có màu trắng đục. Sự khéo tay thể hiện ở khâu đổ bánh, những chiếc bánh đẹp là chiếc bánh sau khi hấp chín sẽ có hình xoáy tròn ở giữa, trông tựa như nhụy của đoá hoa vậy. uy chất lượng của chiếc bánh đẹp hoặc chưa đẹp đều như nhau, song sự đời- cái đẹp luôn cho người ta thêm niềm thích thú lúc thưởng thức - miếng ăn để tiếng chốn nhân gian mà!

Nhuỵ (nhân) là tôm chấy, những con tôm tươi của đầm phá Huế, bóc sạch vỏ, giã thật nhuyễn, rang trên chảo mỡ thật nóng, nhỏ lửa cho chín vàng, thêm một ít thịt mỡ xắt hạt lựu, lá hành xanh xắt nhỏ, nêm tiêu muối bột ngọt- nhàn nhạt thôi, bởi khi ăn bánh bèo đã có nước mắm (nếu lỡ tay nêm mặn sẽ mất vị ngọt của tôm tươi).

Màu hồng gạch của tôm, vàng óng của tóp mỡ, sắc xanh của lá hành, được rải đều trên mặt bánh bèo trắng, sự bày biện hữu ý này là một hình ảnh đẹp mắt, ngon miệng nên dù chỉ mới nhìn thấy, chưa được mời ăn ta đã thấy háo hức muốn ăn lấy ăn để.

Ăn bánh bèo Ngự Bình đúng điệu là lúc ăn phải dùng chiếc dao tre -    (lấy tre già để vót thành hình chiếc dao nhỏ, mỏng, láng lẩy); không ăn bằng đũa hay muỗng như khi ăn với bánh nậm, bánh lọc. Một tay cầm chén bánh bèo nhỏ xíu, tay kia cầm dao tre để tách bánh ra khỏi chén và cho vào miệng, không qua trung gian chén dĩa nào khác.

Nước mắm để ăn với bánh bèo là nước mắm ngọt, xé ớt thật cay, loại ớt hiểm hoặc ớt cao sản là tuyệt nhất.

Điều độc đáo của việc ăn bánh bèo là chan nước mắm, không phải chấm nước mắm. Khi cho bánh vào miệng ở chén sẽ còn đọng lại một ít nước mắm, người ăn húp luôn không để dư một giọt nào. Động tác chan - húp nước mắm khi ăn bánh bèo sẽ tăng thêm phần khoái khẩu và ra dáng ăn sành điệu, đúng gu!

Vào các ngày chủ nhật, lễ tết, thanh niên học sinh tổ chức thi cắm trại, picnic, địa điểm  lý tưởng vẫn là núi Ngự Bình. Leo núi - một hình thức thể dục thể thao, sau một ngày dã ngoại vui vẻ, chiều về ghé chân núi Ngự Bình ăn bánh bèo ngon trong khung cảnh thơ mộng, gió trời hiu hiu thổi thanh sạch, lòng phơi phới  và niềm vui nhân đôi nhân ba khi cả nhóm người thì  hồn nhiên nhẩn nha ăn từng chén một, người thì tinh nghịch nhanh nhẩu ăn  để rồi tranh nhau xếp chén thi đua xem ai ăn nhiều hơn, chồng chén của ai cao nhất là người ấy  được khao, miễn trả tiền!

Nhớ ngày ấy, trong nhóm có một bạn hiền thục nết na, đi đứng khoan thai, nói năng nhỏ nhẹ nhưng bao giờ cũng chiếm giải nhất trong những lần thi đua xếp chén, nàng ta luôn tỏ vẻ hân hoan, và như để thách thức nói thêm lời hẹn gặp lại lần sau, người được tiếng nhanh nhẹn nhất nhóm lại là người ăn uống chậm chạp, nhưng chẳng hề chi, miễn là được một buổi bạn bè vui chơi thân thiết.

Thi vị hơn là chiều chiều tan học tình nhân hẹn hò lãng mạn, đạp xe rong ruỗi lên núi Ngự Bình đón gió thơm, ngắm cảnh đẹp, ăn bánh bèo ngon…thêm kỷ niệm đẹp cho ngàn sau.

Người Huế thanh mảnh, họ ăn uống nhỏ nhẻ -  cách ăn như là để tận hưởng niềm lạc thú ở đời. Do vậy, dù với chiếc bánh nhỏ nhoi mỏng manh đôi khi cũng mang ý nghĩa bất tử, nếu được ăn  trong khung cảnh trữ tình, địa danh thơ mộng thú vị, rồi nữa do chủ quan với một số người vẫn cho rằng bánh bèo Ngự Bình có hương vị riêng mà tự bản thân họ mới cảm nhận được và ý thức gìn giữ  làm vốn liếng riêng mình.

Ngày nay Ngự Bình vẫn còn có quán bánh bèo song không còn lẹp xẹp như xưa mà đã khang trang về mặt hình thức, tiệm ăn bàn ghế chén đũa đàng hoàng sang trọng hơn nhưng đáng tiếc là có sự thay hình đổi dạng, người ta không còn ăn bánh bèo với dao tre mà thay vào đó là ăn bằng muỗng nên không ít nhiều đã làm mất đi phong cách ăn bánh bèo Ngự Bình  Vì thế mà thời gian gần đây, Ngự Bình thưa thớt người qua lại, đã vắng bóng một số khách thích hoài cổ, thích ăn theo cách dân dã, thích một ít dân quê in dấu thị thành.

Hay khách quan hơn, do ngày nay cuộc sống hiện đại, nhịp sống vội vã, con người thích tiện nghi nhanh gọn, thêm nữa Huế đang nở rộ nhiều quán  bánh bèo, cũng ngon, cũng đẹp thì đâu phải cần đến Ngự Bình -đường sá xa xôi.

Phải chăng, đời sống văn minh nên tâm tính sở thích, nhu cầu hưởng lạc của con người cũng thay đổi, họ sống thực dụng hơn, tâm hồn ít mộng mơ hơn, chuông thật hơn là mộng.

 Ngự Bình ngày nay dù đêm Nguyên Tiêu vẫn rộn ràng niềm vui song bánh bèo Ngự Bình chỉ còn phục vụ cho một số người  muốn tìm lại dấu xưa lối cũ hay dân ngụ cư chung quanh vùng An Cựu  tiện đường ghé ăn cho vui miệng.

Thôi, cũng đành - nhớ nhung tiếc nuối chút dư âm của ngày xưa thân ái.