Print

NHÀ THƠ LÊ HUỲNH LÂM

Published Date
Written by Võ Quê
Hits: 8167

Giới thiệu Nhà thơ Lê Huỳnh Lâm.

Bút danh: Lê Hoàng Hải, Hoàng Diệp Lạc,

Sinh năm: 1967

Nghề nghiệp: Đại học Toán.

341 Bờ Sông Hương - Huế

Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Có bài viết in trên các báo: Tia Sáng, Tuổi Trẻ, Kiến Thức Ngày Nay, Văn Nghệ, Tạp chí Sông Hương, Văn Hóa Huế, Thừa Thiên Huế, Phụ trương Thơ báo Văn Nghệ, Quê Hương, Tuần báo Giác Ngộ, Nhớ Huế…

Tác phẩm đã in:

SÔNG HOA tuỳ bút – Nhà xuất bản Thuận Hoá 5/2006.

THI CA MÙA NGÁI NGỦ tập thơ – Nhà xuất bản Thuận Hoá 2010

photo

Giao cảm tập thơ “Thi ca mùa ngái ngủ”

Phạm Tấn Hầu

Có tập thơ chỉ là tập hợp những bài thơ. Nhưng “Thi ca mùa ngái ngủ” của Lê Huỳnh Lâm, dù là tập thơ đầu tay nhưng đã thể hiện một cái nhìn nhất quán về thế giới thi ca mình khám phá. Đó là thế giới được mở to trước những “cơn đau”, trước “nỗi kinh hoàng vây quanh trái đất”, “trong đền thờ quỷ ma” và trong cả “ngôi nhà không thần thánh”…

Ở đây Lê Huỳnh Lâm không quan tâm tra hỏi hay tìm cách định nghĩa thơ ca. Anh cũng không màng gọt giũa ngôn từ, nhịp điệu cho vừa với cảm xúc. Vì rằng cảm xúc anh đem đến cho người đọc thật mãnh liệt và tinh khôi.

Có lẽ, nỗ lực của anh chính là muốn vượt qua những lối mòn đang đẩy nghệ thuật quẩn quanh trong khu rừng của sự mỹ miều nhưng trống rỗng. Tìm một cách biểu hiện khác, một tiếng nói khác quả là điều khó khăn, và đôi khi được xem là không hiểu nổi(!). Nhưng nếu không đi một mình, nói tiếng nói của mình ắt suốt đời sẽ bị cầm tù trong khu rừng nghệ thuật kia. Hãy nghe niềm trăn trở của anh:

Tiếng mõ khuya hay tiếng người gõ cửa

Lời cầu kinh hay bài ca trốn chạy

Ký ức của bao đời trỗi dậy

Từng mảnh thần tượng vỡ rơi đầy.

Buồn thay! Nếu như mỗi bước ra đi đều như giẫm phải mảnh vỡ kia. Thần tượng đổ vỡ ắt hẳn niềm tin cũng tan tành. Vì đó không chỉ là cặp phạm trù ắt có của cuộc sống, mà còn là đôi cánh của tâm hồn. Vậy là nỗi đau của chúng ta đã bị nhân lên gấp bội. Còn đối với nhà thơ, người suốt đời “cô đơn quấn chiếc khăn bạc màu” niềm đau ấy quả là khôn kể xiết!

Đọc những dòng thơ này trong ta bỗng dấy lên niềm bâng khuâng liên tưởng - phải chăng vì không vượt qua được sự đổ vỡ kia mà Hemingway, Maiakosky, Khuất Nguyên, Nhất Linh đã phải tự kết thúc nỗi dằn vặt của mình(?).

Và, để chiêm nghiệm sự đổ vỡ đó tác giả đã hướng cảm xúc đến nỗi thống khổ của cộng đồng, của phần thế giới bị che khuất bởi chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, và lòng đố kị, hận thù…

hôm nay

những gã thi sĩ say

hồn bay khỏi cảnh giới A-tu-la

những đứa trẻ chưa biết chữ

đã biết cầm súng, cầm gươm, nhấn nút điều khiển computer

thế giới này

đổ vỡ…

Vậy đó, như một hệ quả tất yếu, càng xây dựng nhiều thần tượng thì sự đổ vỡ càng nhiều hơn… Và bây giờ thì:

Chiếc cầu đã gãy

Bàn tay rệu rã

Thả viên sỏi vào dòng sông

 

Ai không giữ lời thề

Sự đổ vỡ đè trên trần thế.

Thật chẳng bất ngờ chút nào, khi Lê Huỳnh Lâm đã dành nhiều mối quan tâm, nhiều tiếng nói khác nhau cho sự đổ vỡ đau đớn kia.

Tuy vậy, nỗi đau đó không phải để buột lên tiếng thét của tuyệt vọng, mà để cất lên tiếng nói của trách nhiệm và của lương tri trước những số phận nhỏ nhoi; những người phu xe thèm giấc ngủ, gã thi sĩ thèm được ăn thịt, người tử tù trong xà lim tối tăm…

Với tiếng nói đó, thơ Lê Huỳnh Lâm như đã thoát khỏi cái Tôi nặng nề, kể lể. Nói như A. Einstein: “Giá trị đích thực của một con người trước hết được xác định bởi anh ta đã đạt đến chỗ giải phóng cái Tôi đến mức độ nào và theo nghĩa nào”.(Thế giới như tôi thấy)

Trong cách nhìn ấy, Lê Huỳnh Lâm làm thơ như thể để lặng lẽ trò chuyện về bao mối ưu tư nặng trĩu trong tâm hồn mình.

Vì thế, thơ Lê Huỳnh Lâm đầy ắp những sự kiện, dẫn chứng gần với thể loại thơ văn xuôi. Nhiều bài thơ thể hiện sự phóng túng, không bóng bẩy nhưng lại toát lên vẻ đẹp có tính khắc họa giản dị mà bí ẩn…

đêm tháng bảy mình ta với phố

một vòm cây

một bóng trắng

một trời mơ

con đò nhỏ dần xa bến nước

lặng lẽ ngày đêm

lặng lẽ chờ.

Những hình ảnh được dựng lên ở đây không phải để mơ mộng, mà để dẫn dắt về nơi ngọn nguồn của nỗi cô đơn:

Đêm mất ngủ

Nhìn đoàn người du mục trên chính quê hương mình.

Nhà thơ không thể chạy trốn nỗi cô đơn bằng cách úp mặt vào bóng tối. Bởi vì, chính tận ngọn nguồn đó là sự khác biệt về đau khổ, lòng kiêu hãnh, và cả sự tự hào về trách nhiệm… Tất cả mọi thứ đó, đòi hỏi phải có tiếng nói, phải có ngôn ngữ để chuyển dịch thành cuộc sống của thi ca.

Tôi nhớ tới một câu nói của A. Camus đại ý: nghệ thuật là sự chuyển dịch điều mình cảm thụ vào trong điều mình mong muốn kẻ khác cảm thụ cho.

Trong ý nghĩa đó, tập thơ “Thi ca mùa ngái ngủ” đã cho người đọc cảm thụ được thông điệp tác giả mang tới. Đó là thông điệp của sự bất trắc vì quá văn minh, nên đã rô bốt hóa các quan hệ con người … có lẽ, tinh thần của thông điệp này không phải là điều mới mẻ, nhưng cách thức lên tiếng, quyết định một cách viết của tác giả cho thấy sự dũng cảm của một người đứng riêng rẽ - không phải vì lỗi hệ thống mà vì mối ưu tư anh cảm nhận thật lớn và ngày nào còn trĩu nặng mối ưu tư, còn bao điều cảm thụ, chúng ta sẽ còn đọc được những thông điệp thực sự từ cuộc sống, thông qua tài năng chuyển dịch của những nhà thơ, của Lê Huỳnh Lâm…

Huế

11-2007

Phạm Tấn Hầu

 

THƠ LÊ HUỲNH LÂM

Chiếc áo hoa

Tặng: B.

 

“thương nhau cởi áo cho nhau”

(trích ca dao)

trái đất tăng nhiệt

thành phố 37 độ

buổi chiều

những khuông mặt diễu hành qua đại lộ

mơ hồ ánh mắt em xoa dịu nỗi nhớ

bơ vơ đám mây trắng đầu hạ buồn

người thiếu phụ bước ra từ câu chuyện cổ tích

đánh thức gã đàn ông ngủ say giữa khu rừng bí sử

gieo vào đất hạt giống loài hoa bất tử

vũ trụ sinh thành từ phút giây người trao chiếc áo hoa

tình yêu tạo nhịp quay địa cầu

ba ngàn thế giới nhuộm màu tâm thức

đêm

nhìn mặt đất thấy dáng em thiên thần

anh cầu xin thượng đế

bay cùng em chỉ một lần

để trở về triệu triệu lần xưng tội

nhớ đoá hoa môi và đôi mắt sầu quyến rũ

dặt dìu hương

dỗ dành

giấc ngủ

khuya.

Huế, 4/2007

 

Chiều Tam Giang

Tặng: B.

 

chiều Tam Giang

nghe hơi thở ngàn năm của biển

giọt mồ hôi mằn mặn dáng phong trần

con trìa, con ốc, … cũng sinh thành hoại diệt

bóng thuyền xanh màu mắt mẹ hao gầy

 

chiều Tam Giang

gió bạt ngàn rưng hanh giọt nắng

chuyến đò tròng trành giữa hai bờ tử sinh

anh gom mây vẽ hình hài đất nước

đặt cược cuộc đời vào giấc mơ

 

chiều Tam Giang

bơ vơ một cõi người

những con đười ươi biết cười khóc

gió biển đông thơm mùi hải sản

bờ cát cong mềm dòng tóc em

 

chiều Tam Giang

dát vàng khảm vàng da vàng mắt

vết nhăn hằn giục dặt đời áo cơm

em thèm nghe lời yêu thương đầm phá

cánh rừng già rụng ánh tà dương

 

chiều Tam Giang

em thì thầm bài ca gọi gió

anh ước mơ con đò mọc cánh bay

tan giữa hoàng hôn tràn đầy cám dỗ

Tam Giang ngàn năm lạnh bóng người.

Huế, 7/2007

 

Tự tình của rừng

 

giữa khu rừng già mùa hạ

người con gái bước ra từ màu xanh cây lá

hát bài ngợi ca mưa

cánh rừng buổi chiều chỉ còn gió và tiếng chim cu buồn

người con trai dang cánh tay dài

hái ánh mắt mùa thu thả vào giấc ngủ

tháng ngày cứ rủ nhau về phía vô cùng

những vùng tối bừng lên ánh lửa

soi sáng cửa u mê

người con gái gieo nụ buồn lên đôi môi cánh rừng rực nắng

đường về lạnh vắng những bàn chân chai mòn

ngọn đồi mùa đông mang hình hài thiếu phụ

vọng lời ru núi rừng

mặt đất trăm triệu năm rưng rưng mầm sự sống

đọng trên khoé mắt gầy

người con trai bay vào giấc mơ mùa xuân

nơi yên nghĩ cuối cùng.

Huế-8/2007

.

Âm thanh đầu ngày

 

sự lặng im

hơi thở

tiếng cọ sát

nền văn minh cơ giới

lốp đốp

những hạt rơi

sóng thời gian tràn vào căn nhà thiếu thất

tiếng chuông rơi

tiếng gà gọi mời

tiếng bước chân dần vơi

mặt trời rạn nứt

giọt huyết hoa.

Huế, 2008

.

Mặt trời rét

 

mặt trời rét

mùa xuân run cánh mỏng

một nụ ngày rớt lệ khóc thương

đường ướt lạnh tiễn hồn người vạn nẽo

lối xưa về vỡ hạt mưa cay

 

mặt trời rét

mằn mặn trên khoé mắt

chảy nhoè chiếc bóng giữa ngày xuân

ngón em gầy khuấy trời trong đáy cốc

giọt rượu nồng lạnh tái hồn thơ

 

mặt trời rét

giấu ngày trong khuya vắng

ngẩn ngơ tay vẽ nắng nguội mềm

ánh mắt đêm trắng màu tóc mẹ

giọt kinh buồn thôi thúc tái sinh

 

mặt trời rét

đóng băng đồng ruộng

mịt mù mắt gió nhuộm màu đông

mỏng manh dáng người nhuốm màu đất

gieo vào đêm chút hơi ấm xanh tình.

Huế, 2/2008

 

 

Hoa của thời gian, hoa của con người

 ·        Hoàng Diệp Lạc

      

Thời gian và hoa. Như cặp phạm trù mỹ học sung triệt lẫn nhau. Nếu không có hoa thì thời gian trở nên vô nghĩa. Nhưng thời gian là kẻ tòng phạm khiến đời hoa qua nhanh. Vì thế tôi gọi thời gian và hoa là cặp phạm trù mỹ học sinh triệt lẫn nhau. Thật ra, mọi vật đều chịu chung một quy luật như vậy cả, chỉ có điều, hoa là biểu tượng của cái đẹp, sự thăng hoa lộng lẫy của hành trình sống, như một bài học của thiên nhiên dạy cho đối tượng chiêm ngắm mà khản giả chính là con người phải biết chịu ơn của tạo hóa. Ngày nay để đáp lại hàm ơn đó người ta kêu gọi mọi người hãy bảo vệ môi trường. Đó là trực nhận và suy diễn của tôi khi nhìn nhan đề của tập tản văn Nhưng giỏ hoa thời gian của Lê Tấn Quỳnh, do nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành 2013, bìa và trình bày Thái Ngọc Thảo Nguyên, không chỉ là sự gợi tưởng đó, mời bạn đọc bước vào thế giới “Những giỏ hoa của thời gian” để nghe sự chia sẻ từ tấm lòng của tác giả. Lê Tấn Quỳnh được biết đến như một nhà thơ, anh đã có những thành công trong quá khứ: Giải Nhất thơ Bút mới do báo Tuổi Trẻ tổ chức năm 1996, giải Khuyến khích thơ Tạp chí Sông Hương năm 1998, cùng với những tập thơ: Linh Ngọc - 1998, Vông Vang - 2009 và tập thơ Năm mặt đặt tên, in chung 2011.

     Có thể nói tản văn của Quỳnh là tập hợp của những tính từ và hình ảnh của cuộc chuyển động giữa bầu trời xúc cảm bất định. Nơi vùng trời đó, như một khung vải trắng được căng lên theo từng trạng thái cảm xúc, Quỳnh tha hồ vung vãi những sắc màu của thiên nhiên để tạo nên từng tiết nhịp cho riêng mình.

     Đối tượng đi vào trong tản văn của Lê Tấn Quỳnh là những sự vật xung quanh nhản quan của tác giả hoặc một mảnh ký ức vừa thành hình, như: Cọng cỏ  bên sông, áng mây trắng tháng giêng, những cánh hoa suốt bốn mùa,... cho đến màu xanh của ngôi làng cổ, rồi mùa hoa lau bên bến sông, những sắc vàng của hoa chuỗi ngọc, sắc tím của bằng lăng, những đường cong của mái đò, đường chéo của cơn mưa trắng đục đất trời, những nét chấm phá của mùa lễ hội làm điểm nhấn cho xứ sở Thần kinh, những nò sáo dích dắc của sóng nước Tam giang ,... đôi khi sợi dây liên tưởng khơi dậy những hình ảnh trong tầng sâu của ký ức rồi gán vào hình ảnh của hiện thực qua tâm trạng và tài diễn đạt của tác giả đã cho người đọc những câu thơ trong tản văn: “Chiếc lá cũng như những cái vẫy tay của thời gian”, hay những lúc cảm xúc dâng trào, mà chủ nhân của nó không kìm lại được, không hướng sự dâng trào theo dẫn dắt của lý tính để rồi nó bùng lên thành đám cháy, thành cơn bão: “Đám sương cuối cùng cũng qua đi và thay vào đó là những tia nắng long lanh đến bất ngờ. Nắng dường như cũng không đủ cái nồng ấm sau khi men qua lớp sương dày đặc ấy, tiếp tục đi qua những tán cây rậm để đến với chúng tôi là những đám pháo - bông - nắng lung linh đủ màu”

     Bên cạnh thành quách rêu phong, những phiên chợ trần gian là những cơn mưa ngút ngàn đã dẫn dắt tác giả vào mê cung của nổi buồn: “Cái dầm dề của cơn mưa cứ níu trải lòng ta xuống. Nỗi buồn nào có bất chợt hiện ra rồi cũng sẽ thoắt biến đi... chỉ còn lại tiếng mưa thanh thản trong hoài thai nỗi nhớ...”

     Tản văn đầy chất thơ của Quỳnh như lời tự sự của anh với từng vùng đất mà bước chân anh đã ngang qua. Kể cả trong những giấc mơ hư ảo của cuộc đời, Quỳnh bất giác thấy mình: “Chẳng còn là ta nữa trong cơn lất phất ngổn ngang gam trời lồ lộ. Có thứ men rượu nào đủ say như men mưa Huế.”  Chỉ tiếc một điều, trong cơn say ấy, người say thường lặp đi lặp lại những ngữ ngôn khiến độc giả nghĩ tác giả như lạc vào cánh rừng của từ láy mà chưa tìm được lối ra. Hay có thể đó là phong cách của tác giả để nhấn nhá làm đậm thêm nỗi buồn vốn dĩ đã chực chờ quanh ánh mắt người thơ.     

Cũng như trong “Cung oán ngâm khúc” của Nguyễn Gia Thiều từ láy được sử dụng rất tài tình và có tỉ lệ xuất hiện khá nhiều trong tác phẩm, đặc biệt là những từ láy biểu cảm về âm thanh. Thực ra, với tranh phong cảnh những danh họa rất kiệm màu trên mỗi tác phẩm. Người ta thường chia trên khung vải thành những điểm vàng, và nhắc nhở chúng ta nên thả vào những điểm vàng một cách tiết kiệm từng vệt son cảm xúc. Đọc tản văn của Lê Tấn Quỳnh, mới thấy rằng, “Những giỏ hoa thời gian“ chính là hoa của dòng sông, hình ảnh dòng sông đã xuất hiện rất nhiều trong tản văn của Lê Tấn Quỳnh. Đó là dòng Hương giang mà Quỳnh đã soi bóng, nơi đã hình thành ký ức và tính cách của tác giả. Hoa của thời gian chính là cái đẹp mà tạo hóa đã ban cho con người. Quỳnh như muốn nhắn nhủ với độc giả hãy quý mến thiên nhiên, quý mến từng giỏ hoa trong ký ức bất tận, những giỏ hoa trong cuộc sống này.

H.D.L

Những ngày sau cơn bão Nari, 10/2013

 Hình ảnh: XÔI CHUÔNG - TÌNH QUÊ TÌNH NGƯỜI* Lê Huỳnh LâmVề thể loại, thì tản văn dành cho rất nhiều người cầm bút. Nhưng để viết tản văn có chất, có tầm,... thì không mấy ai. Một thời gian khá lâu, tôi mới có cơ hội cầm trên tay tập tản văn nặng về trọng lượng và chất lượng. Ngay cái đầu đề “Xôi chuông” cũng đã khiến người đọc tò mò. Xứ Huế này, đủ các loại xôi: xôi vò, xôi đậu, xôi bắp, xôi gà, xôi thịt hon, xôi cá, xôi nếp một,... và bây giờ lại có “Xôi chuông” của nhà thơ Võ Quê. Đó là nổi niềm riêng của tác giả, nhưng với đất Thần kinh này, thì tiếng chuông quen thuộc với mọi người đến chừng nào. Chuông Thiên mụ, chuông Phủ Cam, chuông Cồn Hến, chuông Tây Linh,... tiếng chuông là âm vang tĩnh thức, là nhạc của ngôi lời cảnh giới tâm linh, là niềm hy vọng của người dân khốn khó,... nhưng với Võ Quê, ngoài những ý niệm trên, còn là trợ lực cho người yêu quý đang lâm trọng bệnh. Phải ở trong hoàn cảnh đó mới cảm được tấm lòng tác giả, phải rơi vào thời gian và không gian tĩnh mịch đó mới chiêm nghiệm được âm ba diệu vợi của tiếng chuông. Tập sách dày hơn 230 trang, với 57 bài tản văn, trình bày ấn tượng với tranh bìa của họa sỹ Bửu Chỉ, trang trí mỹ thuật do họa sỹ Nguyễn Tuấn, Nhà xuất bản Văn học ấn hành, có lời bạt của nhà văn Trần Thị Ngọc Lan, in tại công ty Thuận Phát. Tất cả câu chữ trong tập sách là lời tâm sự của tác giả với một vùng đất nặng tình, là tiếng đập của trái tim nhân ái đầy trăn trở với xã hội. Nhưng qua những câu chữ của Võ Quê, người đọc còn cảm nhận được về một xứ miền phiêu hốt, về những dấu ấn văn hóa đậm chất Cố đô,... qua tour du lịch cùng thi ca Huế lưu truyền qua các thời kỳ, đặc biệt có:Vò vọ mà chấm muối rangAi thích ăn vò vọ tìm Thuận An mà về.Hay với thời tiết Huế, tác giả như một chuyên gia về khí tượng học khi chỉ đem văn hóa tiền nhân để miêu tả thời tiết của bốn mùa trên đất Thuận Hóa. Và những hạnh phúc và trăn trở của tác giả khi Huế có con đường Trịnh Công Sơn. Trong bài về chợ Chuồn thuộc làng An Truyền mà mọi người thường gọi làng Chuồn, tác giả như trở thành người maketing miễn phí cho các đặc sản của làng mình như: cháo lòng o Rê, mắm rò mệ Nhỏ, đặc biệt bên cạnh thương hiệu rượu làng Chuồn nổi danh còn có bánh khoái cá kình là đặc sản chỉ có ở chợ Chuồn. Cũng là điều lạ đời nhưng lại có ở làng Chuồn: “Muốn ăn bánh, phải trực tiếp tới mua cá kình đem về hàng bánh khoái. Người ăn chỉ việc trả tiền bột, tiền công cho người đổ bánh”. Theo kinh nghiệm, nếu mua cá kình vào buổi chiều thì ruột cá có cát và chất bẩn. Những ngư dân cho biết, sau một đêm cá kình thải ra những dư thừa của ngày, nên buổi sáng, ruột cá rất sạch. Muốn có cá kình ngon, phải mua vào buổi sáng, vừa được cá tươi và sạch ruột.Trong bài Nấm tràm, qua câu chuyện gia đình với hình ảnh người mẹ, người vợ gọt nấm gửi con trai. Nhà thơ Võ Quê lại hướng dẫn cho người đọc cách bảo quản nấm tràm. Ngoài những hình ảnh văn hóa và con người của vùng đất văn vật, tác giả còn giới thiệu đến bạn đọc những cuộc lữ hành trên mọi miền tổ quốc, hoặc qua những thành phố xa xôi như Gyeongju tận xứ Kim Chi, hay thành phố Lowell, bang Masachusetts, thành phố New Haven kết nghĩa cùng Huế, rồi Washington, New York ở Mỹ; nơi đã diễn ra cuộc trình diễn đặc sản âm nhạc Cố đô là Ca Huế cho công chúng Mỹ. Không chỉ giới thiệu và gửi gắm tâm tình của một vùng đất, tác giả còn nhắn gửi đến thế hệ trẻ những ưu tư của người đi trước, qua bài Thư gửi con trai “... Từng trang giấy mở ra, từng phím chữ ngân lên cùng viết lời hiệu triệu khẳng định chủ quyền: Hoàng Sa - Trường Sa của Tổ quốc Việt Nam” và trong bài Lửa đương chức, Võ Quê như đại diện cho hàng triệu trái tim mọi người để gửi thông điệp đến người đương chức: “... trong giai đoạn này, mọi tầng lớp nhân dân đang cần nơi những người đương chức, đương quyền ngọn lửa của đức độ, trí tuệ, tâm huyết, tài năng, chí công vô tư nhằm vận hành đất nước ngày một tiến bộ, văn minh; làm cho nhân dân thoát khỏi đói nghèo để cuộc sống được phồn vinh, thịnh vượng.” Và anh luôn “Hy vọng và ước mơ sao ánh lửa vì nước vì dân của những người đương chức đương quyền cùng đồng hành ngọn lửa tuổi hai mươi.”Xuyên suốt trong tập Xôi chuông, hình ảnh Tiểu Kiều, người vợ quá cố của tác giả như đồng hành cùng anh trong những chuyến hành trình. Như hình ảnh lên đường của một thi nhân, hành trang mang vác theo chỉ là nỗi nhớ; mà nhớ người yêu dấu là nỗi nhớ lớn nhất của đời người. Có thể nói rằng nhớ là thuộc tính nhân bản nhất của con người mà tiền nhân đã dặn dò: Uống nước nhớ nguồn. Ăn quả nhớ người trồng cây... Tập sách không chỉ bó hẹp trong phạm vi quê nhà, tác giả còn gửi đến người đọc những cảm nhận về các xứ miền trên mặt đất quý yêu này. Tôi cảm nhận mỗi bài tản văn của Võ Quê như một vết loang cảm xúc của tác giả với ngôn ngữ nhẹ như thơ, mộc mạc như bước chân người quê và ăm ắp tình quê tình người của một văn nhân ở tuổi cận thất thập, nhưng chữ và hồn của tác giả vẫn truyền một ánh lửa nhân văn cho các thế hệ tiếp nối.L.H.LTàn cuộc rượu đêm cùng Xôi chuông 10/2013- Ảnh: Nhà văn Lê Huỳnh Lâm.

Tác giả Hoàng Diệp Lạc

.

XÔI CHUÔNG - TÌNH QUÊ TÌNH NGƯỜI - Lê Huỳnh Lâm.

Hình ảnh: THƯ GỬI CON TRAI - Võ Quê.(Trích từ XÔI CHUÔNG, NXB Văn Học 2013)Con của ba thương yêu,Đúng như con viết trên blog, ngày nào ba cũng thường đọc những dòng chữ tâm huyết của con về công việc, về bạn bè, về những buồn vui của con từ cuộc sống, từ thành phố Sài Gòn năng động nhưng cũng nhiều phức tạp, nhiêu khê bộn bề ngổn ngang sự kiện... Rồi những ngày gần đây, là đọc được nỗi trăn trở của con, bằng hữu con đang cùng cả nước hướng về Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam mình đang bị xâm chiếm, bạo hành, gây hấn. Ba tuyệt đối đồng ý với con Trường Sa, Hoàng Sa vĩnh viễn là của Tổ quốc Việt Nam thiêng liêng không một ai được quyền chiếm lĩnh. Và sự thật mãi mãi là sự thật. Sự thật vượt lên không gian, vượt lên thời gian. Sự thật vẫn luôn đứng về kẻ yếu do dù kẻ mạnh đang tước đoạt quyền nguyên vẹn lãnh thổ.Con biết không, mấy hôm nay bạn bè ba từ hải ngoại cũng đã mail cho ba và đông đảo dân phong trào đô thị Huế trước đây những dòng nhiệt huyết. Đau đớn. Phẫn nộ. Uất nghẹn. Căm hận... Những từ ngữ ấy không lột tả được hết tinh thần, tình cảm bi tráng của ba cũng như của nhiều người trước thực trạng Trường Sa, Hoàng sa. Ba cũng đồng ý với con về phương pháp đấu tranh hiện nay con đang kiên trì thực hiện: "là đóng góp một lời nói nhỏ bé, đầy kềm chế, đầy mềm mỏng, nhưng có lẽ sẽ không vì thế mà kém phần thuyết phục. Vì lời con nói hôm nay chuyên chở một sự thật, một chân lý: Hoàng Sa -Trường Sa là của Việt Nam!. Sẽ có hằng triệu tiếng nói như con làm nên một tiếng sấm rền..." Kinh nghiệm đấu tranh của ông cha ta xưa cũng đã để lại cho các thế hệ tiếp truyền nhiều kinh nghiệm quý báu với hình ảnh bất khuất "châu chấu đá xe". Ba tin giá trị những bài học ấy vẫn còn là hình mẫu đẹp, hào hùng nếu ngày nay đất nước mình còn giữ tròn nguyên khí.Con trai của ba ơi! Như vậy, qua sự kiện Hoàng Sa - Trường Sa ba và bạn bè ba đang là chiến hữu của con rồi. Con trai của ba đã trưởng thành như điều ba mẹ hằng mong ước. Thuyền con đã vào biển lớn. Hải trình chắc có bão giông... Được sát cánh bên con, bên bạn bè con; được san sẻ và đồng cảm, đồng tình với con trai là một hạnh phúc lớn của gia đình con ạ!Trước mắt, đường chúng ta đi vẫn còn nhiều thử thách, nhiều chướng ngại lớn mà cha con mình cần phải vượt. Ba tâm đắc với con khi trên đầu trang blog con ghi lời ca khúc "Mang máu anh hùng ta đừng làm nhơ máu anh hùng..." Đan tay nhau, chung lời gọi. Từng trang giấy mở ra, từng phím chữ ngân lên cùng viết lời hiệu triệu khẳng định chủ quyền: Hoàng Sa - Trường Sa của Tổ quốc Việt Nam! Con trai thương yêu! Ba chúc mừng con đã lớn khôn khi nghĩ về đất nước. Đất nước đang nuôi dưỡng tình yêu lớn trui rèn khí phách. Đất nước đang nâng ta lên từng ngày để ta biết buồn, vui, thương, hận... biết bảo vệ lãnh thổ Việt Nam mình toàn vẹn diệu kỳ "Tiệt nhiên định phận tại thiên thư..."Võ Quê.- Ảnh: Tien Vo.Huế, 5.6.2011.

Ảnh: Tien Vo.

XÔI CHUÔNG - TÌNH QUÊ TÌNH NGƯỜI
* Lê Huỳnh Lâm

lehuynhlam



     Về thể loại, thì tản văn dành cho rất nhiều người cầm bút. Nhưng để viết tản văn có chất, có tầm,... thì không mấy ai. Một thời gian khá lâu, tôi mới có cơ hội cầm trên tay tập tản văn nặng về trọng lượng và chất lượng. Ngay cái đầu đề “Xôi chuông” cũng đã khiến người đọc tò mò. Xứ Huế này, đủ các loại xôi: xôi vò, xôi đậu, xôi bắp, xôi gà, xôi thịt hon, xôi cá, xôi nếp một,... và bây giờ lại có “Xôi chuông” của nhà thơ Võ Quê. Đó là nổi niềm riêng của tác giả, nhưng với đất Thần kinh này, thì tiếng chuông quen thuộc với mọi người đến chừng nào. Chuông Thiên mụ, chuông Phủ Cam, chuông Cồn Hến, chuông Tây Linh,... tiếng chuông là âm vang tĩnh thức, là nhạc của ngôi lời cảnh giới tâm linh, là niềm hy vọng của người dân khốn khó,... nhưng với Võ Quê, ngoài những ý niệm trên, còn là trợ lực cho người yêu quý đang lâm trọng bệnh. Phải ở trong hoàn cảnh đó mới cảm được tấm lòng tác giả, phải rơi vào thời gian và không gian tĩnh mịch đó mới chiêm nghiệm được âm ba diệu vợi của tiếng chuông. Tập sách dày hơn 230 trang, với 57 bài tản văn, trình bày ấn tượng với tranh bìa của họa sỹ Bửu Chỉ, trang trí mỹ thuật do họa sỹ Nguyễn Tuấn, Nhà xuất bản Văn học ấn hành, có lời bạt của nhà văn Trần Thị Ngọc Lan, in tại công ty Thuận Phát. Tất cả câu chữ trong tập sách là lời tâm sự của tác giả với một vùng đất nặng tình, là tiếng đập của trái tim nhân ái đầy trăn trở với xã hội. Nhưng qua những câu chữ của Võ Quê, người đọc còn cảm nhận được về một xứ miền phiêu hốt, về những dấu ấn văn hóa đậm chất Cố đô,... qua tour du lịch cùng thi ca Huế lưu truyền qua các thời kỳ, đặc biệt có:

Vò vọ mà chấm muối rang
Ai thích ăn vò vọ tìm Thuận An mà về.

     Hay với thời tiết Huế, tác giả như một chuyên gia về khí tượng học khi chỉ đem văn hóa tiền nhân để miêu tả thời tiết của bốn mùa trên đất Thuận Hóa. Và những hạnh phúc và trăn trở của tác giả khi Huế có con đường Trịnh Công Sơn. Trong bài về chợ Chuồn thuộc làng An Truyền mà mọi người thường gọi làng Chuồn, tác giả như trở thành người maketing miễn phí cho các đặc sản của làng mình như: cháo lòng o Rê, mắm rò mệ Nhỏ, đặc biệt bên cạnh thương hiệu rượu làng Chuồn nổi danh còn có bánh khoái cá kình là đặc sản chỉ có ở chợ Chuồn. Cũng là điều lạ đời nhưng lại có ở làng Chuồn: “Muốn ăn bánh, phải trực tiếp tới mua cá kình đem về hàng bánh khoái. Người ăn chỉ việc trả tiền bột, tiền công cho người đổ bánh”. Theo kinh nghiệm, nếu mua cá kình vào buổi chiều thì ruột cá có cát và chất bẩn. Những ngư dân cho biết, sau một đêm cá kình thải ra những dư thừa của ngày, nên buổi sáng, ruột cá rất sạch. Muốn có cá kình ngon, phải mua vào buổi sáng, vừa được cá tươi và sạch ruột.

     Trong bài Nấm tràm, qua câu chuyện gia đình với hình ảnh người mẹ, người vợ gọt nấm gửi con trai. Nhà thơ Võ Quê lại hướng dẫn cho người đọc cách bảo quản nấm tràm. Ngoài những hình ảnh văn hóa và con người của vùng đất văn vật, tác giả còn giới thiệu đến bạn đọc những cuộc lữ hành trên mọi miền tổ quốc, hoặc qua những thành phố xa xôi như Gyeongju tận xứ Kim Chi, hay thành phố Lowell, bang Masachusetts, thành phố New Haven kết nghĩa cùng Huế, rồi Washington, New York ở Mỹ; nơi đã diễn ra cuộc trình diễn đặc sản âm nhạc Cố đô là Ca Huế cho công chúng Mỹ.

     Không chỉ giới thiệu và gửi gắm tâm tình của một vùng đất, tác giả còn nhắn gửi đến thế hệ trẻ những ưu tư của người đi trước, qua bài Thư gửi con trai “... Từng trang giấy mở ra, từng phím chữ ngân lên cùng viết lời hiệu triệu khẳng định chủ quyền: Hoàng Sa - Trường Sa của Tổ quốc Việt Nam” và trong bài Lửa đương chức, Võ Quê như đại diện cho hàng triệu trái tim mọi người để gửi thông điệp đến người đương chức: “... trong giai đoạn này, mọi tầng lớp nhân dân đang cần nơi những người đương chức, đương quyền ngọn lửa của đức độ, trí tuệ, tâm huyết, tài năng, chí công vô tư nhằm vận hành đất nước ngày một tiến bộ, văn minh; làm cho nhân dân thoát khỏi đói nghèo để cuộc sống được phồn vinh, thịnh vượng.” Và anh luôn “Hy vọng và ước mơ sao ánh lửa vì nước vì dân của những người đương chức đương quyền cùng đồng hành ngọn lửa tuổi hai mươi.”
Xuyên suốt trong tập Xôi chuông, hình ảnh Tiểu Kiều, người vợ quá cố của tác giả như đồng hành cùng anh trong những chuyến hành trình. Như hình ảnh lên đường của một thi nhân, hành trang mang vác theo chỉ là nỗi nhớ; mà nhớ người yêu dấu là nỗi nhớ lớn nhất của đời người. Có thể nói rằng nhớ là thuộc tính nhân bản nhất của con người mà tiền nhân đã dặn dò: Uống nước nhớ nguồn. Ăn quả nhớ người trồng cây...
     Tập sách không chỉ bó hẹp trong phạm vi quê nhà, tác giả còn gửi đến người đọc những cảm nhận về các xứ miền trên mặt đất quý yêu này. Tôi cảm nhận mỗi bài tản văn của Võ Quê như một vết loang cảm xúc của tác giả với ngôn ngữ nhẹ như thơ, mộc mạc như bước chân người quê và ăm ắp tình quê tình người của một văn nhân ở tuổi cận thất thập, nhưng chữ và hồn của tác giả vẫn truyền một ánh lửa nhân văn cho các thế hệ tiếp nối.
L.H.L
Tàn cuộc rượu đêm cùng Xôi chuông

10/2013

 

* Ảnh: Lãng Hiển Xuân