XÔI CHUÔNG - TÌNH QUÊ TÌNH NGƯỜI - Lê Huỳnh Lâm.
- Details
- Category: Báo chí
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 4383
Ảnh: Tien Vo.
XÔI CHUÔNG - TÌNH QUÊ TÌNH NGƯỜI
* Lê Huỳnh Lâm
Về thể loại, thì tản văn dành cho rất nhiều người cầm bút. Nhưng để viết tản văn có chất, có tầm,... thì không mấy ai. Một thời gian khá lâu, tôi mới có cơ hội cầm trên tay tập tản văn nặng về trọng lượng và chất lượng. Ngay cái đầu đề “Xôi chuông” cũng đã khiến người đọc tò mò. Xứ Huế này, đủ các loại xôi: xôi vò, xôi đậu, xôi bắp, xôi gà, xôi thịt hon, xôi cá, xôi nếp một,... và bây giờ lại có “Xôi chuông” của nhà thơ Võ Quê. Đó là nổi niềm riêng của tác giả, nhưng với đất Thần kinh này, thì tiếng chuông quen thuộc với mọi người đến chừng nào. Chuông Thiên mụ, chuông Phủ Cam, chuông Cồn Hến, chuông Tây Linh,... tiếng chuông là âm vang tĩnh thức, là nhạc của ngôi lời cảnh giới tâm linh, là niềm hy vọng của người dân khốn khó,... nhưng với Võ Quê, ngoài những ý niệm trên, còn là trợ lực cho người yêu quý đang lâm trọng bệnh. Phải ở trong hoàn cảnh đó mới cảm được tấm lòng tác giả, phải rơi vào thời gian và không gian tĩnh mịch đó mới chiêm nghiệm được âm ba diệu vợi của tiếng chuông. Tập sách dày hơn 230 trang, với 57 bài tản văn, trình bày ấn tượng với tranh bìa của họa sỹ Bửu Chỉ, trang trí mỹ thuật do họa sỹ Nguyễn Tuấn, Nhà xuất bản Văn học ấn hành, có lời bạt của nhà văn Trần Thị Ngọc Lan, in tại công ty Thuận Phát. Tất cả câu chữ trong tập sách là lời tâm sự của tác giả với một vùng đất nặng tình, là tiếng đập của trái tim nhân ái đầy trăn trở với xã hội. Nhưng qua những câu chữ của Võ Quê, người đọc còn cảm nhận được về một xứ miền phiêu hốt, về những dấu ấn văn hóa đậm chất Cố đô,... qua tour du lịch cùng thi ca Huế lưu truyền qua các thời kỳ, đặc biệt có:
Vò vọ mà chấm muối rang
Ai thích ăn vò vọ tìm Thuận An mà về.
Hay với thời tiết Huế, tác giả như một chuyên gia về khí tượng học khi chỉ đem văn hóa tiền nhân để miêu tả thời tiết của bốn mùa trên đất Thuận Hóa. Và những hạnh phúc và trăn trở của tác giả khi Huế có con đường Trịnh Công Sơn. Trong bài về chợ Chuồn thuộc làng An Truyền mà mọi người thường gọi làng Chuồn, tác giả như trở thành người maketing miễn phí cho các đặc sản của làng mình như: cháo lòng o Rê, mắm rò mệ Nhỏ, đặc biệt bên cạnh thương hiệu rượu làng Chuồn nổi danh còn có bánh khoái cá kình là đặc sản chỉ có ở chợ Chuồn. Cũng là điều lạ đời nhưng lại có ở làng Chuồn: “Muốn ăn bánh, phải trực tiếp tới mua cá kình đem về hàng bánh khoái. Người ăn chỉ việc trả tiền bột, tiền công cho người đổ bánh”. Theo kinh nghiệm, nếu mua cá kình vào buổi chiều thì ruột cá có cát và chất bẩn. Những ngư dân cho biết, sau một đêm cá kình thải ra những dư thừa của ngày, nên buổi sáng, ruột cá rất sạch. Muốn có cá kình ngon, phải mua vào buổi sáng, vừa được cá tươi và sạch ruột.
Trong bài Nấm tràm, qua câu chuyện gia đình với hình ảnh người mẹ, người vợ gọt nấm gửi con trai. Nhà thơ Võ Quê lại hướng dẫn cho người đọc cách bảo quản nấm tràm. Ngoài những hình ảnh văn hóa và con người của vùng đất văn vật, tác giả còn giới thiệu đến bạn đọc những cuộc lữ hành trên mọi miền tổ quốc, hoặc qua những thành phố xa xôi như Gyeongju tận xứ Kim Chi, hay thành phố Lowell, bang Masachusetts, thành phố New Haven kết nghĩa cùng Huế, rồi Washington, New York ở Mỹ; nơi đã diễn ra cuộc trình diễn đặc sản âm nhạc Cố đô là Ca Huế cho công chúng Mỹ.
Không chỉ giới thiệu và gửi gắm tâm tình của một vùng đất, tác giả còn nhắn gửi đến thế hệ trẻ những ưu tư của người đi trước, qua bài Thư gửi con trai “... Từng trang giấy mở ra, từng phím chữ ngân lên cùng viết lời hiệu triệu khẳng định chủ quyền: Hoàng Sa - Trường Sa của Tổ quốc Việt Nam” và trong bài Lửa đương chức, Võ Quê như đại diện cho hàng triệu trái tim mọi người để gửi thông điệp đến người đương chức: “... trong giai đoạn này, mọi tầng lớp nhân dân đang cần nơi những người đương chức, đương quyền ngọn lửa của đức độ, trí tuệ, tâm huyết, tài năng, chí công vô tư nhằm vận hành đất nước ngày một tiến bộ, văn minh; làm cho nhân dân thoát khỏi đói nghèo để cuộc sống được phồn vinh, thịnh vượng.” Và anh luôn “Hy vọng và ước mơ sao ánh lửa vì nước vì dân của những người đương chức đương quyền cùng đồng hành ngọn lửa tuổi hai mươi.”
Xuyên suốt trong tập Xôi chuông, hình ảnh Tiểu Kiều, người vợ quá cố của tác giả như đồng hành cùng anh trong những chuyến hành trình. Như hình ảnh lên đường của một thi nhân, hành trang mang vác theo chỉ là nỗi nhớ; mà nhớ người yêu dấu là nỗi nhớ lớn nhất của đời người. Có thể nói rằng nhớ là thuộc tính nhân bản nhất của con người mà tiền nhân đã dặn dò: Uống nước nhớ nguồn. Ăn quả nhớ người trồng cây...
Tập sách không chỉ bó hẹp trong phạm vi quê nhà, tác giả còn gửi đến người đọc những cảm nhận về các xứ miền trên mặt đất quý yêu này. Tôi cảm nhận mỗi bài tản văn của Võ Quê như một vết loang cảm xúc của tác giả với ngôn ngữ nhẹ như thơ, mộc mạc như bước chân người quê và ăm ắp tình quê tình người của một văn nhân ở tuổi cận thất thập, nhưng chữ và hồn của tác giả vẫn truyền một ánh lửa nhân văn cho các thế hệ tiếp nối.
L.H.L
Tàn cuộc rượu đêm cùng Xôi chuông
10/2013