NGHỆ NHÂN ƯU TÚ NGUYỄN VÂN NGƯỜI KẾ THỪA VÀ PHÁT HUY NHỊP TRỐNG ĐIỆU ĐÀN ĐÃ RA ĐI – Võ Quê
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 612
NGHỆ NHÂN ƯU TÚ NGUYỄN VÂN NGƯỜI KẾ THỪA VÀ PHÁT HUY NHỊP TRỐNG ĐIỆU ĐÀN ĐÃ RA ĐI – Võ Quê
Nghệ nhân Nguyễn Đình Vân sinh ngày 23.12.1958 tại Phường Phú Hòa, thành phố Huế. Thân sinh của Nguyễn Đình Vân là nghệ nhân Nguyễn Kế, quê quán ở Kim Đôi, Quảng Điền, là một nhạc sĩ tài danh với ngón đàn tỳ bà điêu luyện; đã có nhiều cồng hiến lớn trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy nhã nhạc, nghệ thuật đàn và ca Huế.
Được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống âm nhạc dân tộc, từ những năm 12, 13 tuổi Nguyễn Đình Vân đã được người cha thân yêu dạy theo lối chân truyền các loại đàn nguyệt tỳ bà, nhị với những bài bản lớn thuộc bộ môn ca Huế. Trong thời gian này, ở nhà cũng thường tổ chức nhiều chương trình Ca Huế thính phòng nên từ nhỏ Nguyễn Đình Vân đã thuộc lòng được nhiều giọng ca của các nghệ sĩ Vân Phi, Minh Mẫn, Thanh Hương, Quế Trân… và đã chú ý lắng nghe, học tập ngón đàn các bậc thầy bạn của thân sinh như Tôn Thất Toàn, Trần Kích, Nguyễn Văn Tân…
Đến năm 14 tuổi, Nguyễn Đình Vân vào học đàn ở Ban nhạc chánh, đoàn Ba Vũ. Đây là thời điểm mà Nguyễn Đình Vân phải nỗ lực học tập với tinh thần khổ luyện. Thầy Nguyễn Ngọc Phụng đã rất tâm huyết, tận tụy để truyền dạy nghệ thuật đánh trống cho Nguyễn Đình Vân. Hình ảnh đôn hậu mà nghiêm nghị và rất có lòng đối với học trò của thầy Nguyễn Ngọc Phụng còn sống động trong tâm hồn tình cảm Nguyễn Vân mỗi khi nhớ, nhắc đến tên thầy. Từ năm 17 tuổi, khi đã tiếp thu được tương đối tốt các ngón đàn dân tộc Nguyễn Vân được cha cho đi tham dự các lễ hội trai đàn, chẩn tế ở các chùa, đình, nhà thờ họ các đêm Ca Huế thính phòng tại các tư dinh, tư thất, trên thuyền sông Hương và trên nhiều miền đất nước. Những người bạn diễn đồng thời của Nguyễn Đình Vân như Trần Thảo, Quý Cát, Lệ Hoa… đã đánh giá cao nghệ thuật biểu diễn đàn nguyệt và trống của Nguyễn Đình Vân.
Với bản tính thầm lặng, ít nói nên hình như bao nhiêu điều rung cảm muốn bày tỏ cùng cuộc đời của Nguyễn Đình Vân được thể hiện trọn vẹn trong cung đàn, nhịp trống. Giai đoạn cùng cha đi “hành nghề” nhiều nơi đã giúp Nguyễn Đình Vân đã có nhiều cơ hội thực tế, nắm bắt học hỏi các bí quyết thành công của các nghệ nhân bậc thầy, của đồng môn, đồng nghiệp. Từ năm 1996, khi chính phủ Nhật Bản có chương trình tài trợ nhằm phục hồi, phát huy những giá trị kiệt tác Nhã nhạc cung đình triều Nguyễn, Trường Đại học Nghệ thuật Huế đã mời nhiều nghệ nhân vào giảng dạy tại trường Nguyễn Đình Vân và thân sinh là hai trong số người dự khóa giảng dạy Nhã nhạc đầu tiên.
Việc truyền dạy âm nhạc truyền thống cho thế hệ trẻ trong giai đoạn này cũng có nhiều khó khăn nhất định. Nhưng Nguyễn Đình Vân cùng các nghệ nhân khác đã cố gắng để thuyết phục các em say mê học tập, rèn luyện loại hình nghệ thuật cao cấp, khó, nhưng có một giá trị văn hóa lâu đời của cha ông. Cũng như nghệ nhân Trần Thảo, Nguyễn Đình Vân đã dành nhiều thời gian để sưu tầm, chỉnh lý, biên soạn các tài liệu, giáo trình phục vụ công tác giảng dạy của nhà trường. Thế hệ của Nguyễn Vân, Trần Thảo, Quý Cát, Lệ Hoa… có một điều kiện thuận lợi là bộ môn Ca Huế, nhã nhạc cung đình đã được Đảng, Nhà nước quan tâm phát triển từ sau 1975. Cho nên dù tuổi đời chưa cao nhưng tay nghề của họ tương đối vững vàng vì có nhiều dịp sử dụng các nhạc cụ trong môi trường Ca Huế, Nhã nhạc cung đình Huế ngày càng có nhiều đất diễn. Nguyễn Đình Vân đã biểu diễn thuần thục, điêu luyện các loại nhạc Tuồng, nhạc Ca Huế, Nhã nhạc, nhạc Phật giáo (Kinh, tán, tụng…)
Cuối năm 1977, Nguyễn Đình Vân đã cùng một số nhạc hữu, nhà sư Huế tham dự Liên hoan Âm nhạc Tôn giáo Quốc tế do đài quốc tế RFI (Pháp) tổ chức trực tiếp truyền thanh trên toàn Châu Âu, Châu Á, Châu Đại Dương. Riêng âm nhạc tôn giáo của Châu Á chỉ có Tây Tạng (Lạc Ma) và Việt Nam có nhạc Phật Huế, đại diện âm nhạc nghi lễ Phật giáo cho cả nước.
Tiếp theo chuyến đi đầy ấn tượng ở Pháp trên, Nguyễn Đình Vân đã được lưu diễn tại Pháp, Thụy Sĩ (9.1945); tại Hàn Quốc (1997); tham dự Festival de L’imagiaire (Liên hoa trí tưởng tượng) do Nhà Văn hóa Thế giới (Maison des Cultures du Monde) tổ chức (1988). Tháng 9.1995 Nguyễn Đình Vân cùng đồng nghiệp dự chương trình thu thanh trực tiếp chương trình Nhã nhạc cung đình, Ca Huế và đã được giới chuyên môn, nghiên cứu âm nhạc dân tộc đánh giá cao. Nguyễn Đình Vân còn tiếp tục biểu diễn ở nước ngoài như Pháp (1999); Hà Lan, Vương Quốc Bỉ (2000); Tuần lễ âm nhạc Việt Nam tại Paris, Pháp (2001); Tuần lễ văn hóa Việt Nam tại Luxembourg (2002); Phi Luật Tân (2002)…
Qua các chuyến lưu diễn quốc tế, Nguyễn Đình Vân có nhiều niềm vui lớn vì đã góp phần giới thiệu, truyền bá các giá trị phi vật thể của Huế mình; đồng thời có điều kiện để giao lưu, học tập các phương pháp biểu diễn, công tác bảo tồn và gìn giữ vốn quí nghệ thuật dân tộc. Từ thực tiễn cuộc sống, từ những cống hiến nghệ thuật của mình Nguyễn Vân đang lặng thầm mong muốn làm sao để Nhã nhạc cung đình, Ca Huế mãi mãi được trân trọng trong lòng đất nước.
Năm 2003 khi được tin Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu phi vật thể và phi vật thể nhân loại, nghệ nhân Nguyễn Đình Vân tâm sự: “Vân không có niềm vui nào lớn hơn là việc thế giới công nhận Nhã nhạc cung đình triều Nguyễn là kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Cha ông mình đã để lại vốn quí dân tộc, chắc chắn thế hệ đời sau phải cố công gìn giữ và phát triển”.
Năm 2014 nghệ nhân Nguyễn Đình Vân là một trong 37 nghệ nhân được Ủy Ban nhân Dân Thừa Thiên Huế vinh danh trong khuôn khổ Fesstival Huế 2014.
Những năm gần đây, dù sức khỏe không được tốt, nghệ nhân Nguyễn Đình Vân vẫn tích cực tham gia biểu diễn nhiều nơi cùng các nhạc hữu. Năm 2019, nghệ nhân Nguyễn Đình Vân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Đây là một vinh dự lớn lao, quý báu đối với một người con được sinh ra và lớn lên trong một gia đình Huế có truyền thống âm nhạc dân tộc.
Lúc 4 giờ 15 phút ngày 28.10.2024, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đình Vân đã từ bỏ cuộc chơi trần thế sau một thời gian dài lâm trọng bệnh trong niềm tiếc thương vô hạn của gia đình, nhạc hữu, tri âm và những người yêu quý Nhã nhạc, Ca Huế.
LỜI GIỚI THIỆU “HÒA ĐIỆU TRI ÂM” Nguyễn Duy Hiền
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 654
LỜI GIỚI THIỆU “HÒA ĐIỆU TRI ÂM”
Nguyễn Duy Hiền
Ngày 20/8/1983, Câu lạc bộ (CLB) Ca Huế TP Huế chính thức ra đời. Hơn 40 năm hoạt động, “giữ lửa” và phát tiết tinh hoa cho loại hình nghệ thuật Ca Huế, CLB đã phát triển trong sự yêu quý cùng sự hưởng ứng nồng nhiệt của các nghệ nhân, nghệ sĩ Ca Huế, giới mộ điệu. Ca Huế thính phòng trở thành một hoạt động ý nghĩa nhằm gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc. CLB tiên phong khai sinh một sản phẩm độc đáo của du lịch Huế - Ca Huế trên sông Hương. Những chiếc thuyền lung linh trên dòng sông, giai điệu ngọt ngào réo rắt, khi vui, khi buồn sầu da diết với các làn điệu vang lên mênh mang trên sông nước cảm hoài. CLB còn tổ chức truyền dạy cho những người trẻ đam mê với âm nhạc dân tộc, đưa Ca Huế vòng quanh các trường học, từng bước hình thành các CLB Ca Huế tại các trường học, đưa Ca Huế đến với các trung tâm xã hội, bệnh viện phục vụ y, bác sĩ, bệnh nhân; tham gia các hoạt động lễ hội của Phật giáo, Thiên chúa giáo…; thực hiện các chương trình chuyên đề Biển đảo, 27/7, Ngày Nhà giáo, Phụ nữ, Gia đình, Ngày kỷ niệm di sản UNESCO.
Đào tạo thế hệ trẻ, giữ gìn, duy trì, phát huy bài bản lớn là một trong những đóng góp đáng kể của CLB Ca Huế cho nghệ thuật truyền thống Huế. Nhiều nghệ sĩ thành danh từ Câu lạc bộ. Các nghệ sĩ, nghệ nhân bên cạnh đàn, ca đã soạn lời Ca Huế kế tục thế hệ soạn giả trước, nội dung: ca ngợi thiên nhiên, cảnh sắc, con người, tình yêu quê hương, tình yêu Huế, tình yêu lứa đôi... phản ảnh cuộc sống. Đây là nét mới của Câu lạc bộ, hình thành một đội ngũ soạn lời mới cho Ca Huế. Nhiều bài bản đã được giới thiệu trên hệ thống phát thanh truyền hình, được giải lớn từ các cuộc thi soạn mới lời Ca Huế. Việc các diễn viên tự ca lời do mình soạn là nét mới. Việc làm này làm cho tình yêu nghệ thuật Ca Huế trong họ càng sâu sắc thêm. Nhờ sự lan tỏa từ hoạt động Ca Huế, các luận văn TS, ThS, cử nhân về Ca Huế được bảo vệ thành công.
Với tâm niệm “tri ân tiền nhân để phát tiết tinh hoa”, cùng với sự phát triển của CLB, đã xuất hiện nhiều nhân tố mới, một thế hệ nghệ sĩ mới, đàn, ca và soạn lời…đang phát tiết. “Hòa điệu tri âm”, tập lời ca mới của nhiều tác giả, được xuất bản, giới thiệu như một ghi nhận những thành tựu, những tín hiệu vui từ những nghệ nhân, nghệ sĩ trẻ của CLB. Họ đã và đang ngày đêm thắp sáng ngọn lửa đam mê, phát sáng tinh hoa của một nghệ thuật bất biến với thời gian.
N.D.H
CÂULẠC BỘ DUYÊN TRANH NƠI KHƠI NGUỒN TÌNH YÊU NGHỆ THUẬT
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 690
CÂU LẠC BỘ DUYÊN TRANH
NƠI KHƠI NGUỒN TÌNH YÊU NGHỆ THUẬT
Võ Quê
Đầu năm 2017 cô giáo Đặng Thị Quỳnh Nga,giảng viên trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, đồng thời là thành viên của Câu lạc bộ Ca Huế đã chủ động trình bày ý tưởng với Ban Giám đốc Bảo tàng Văn hóa Huế (25 Lê Lợi, Huế), nay là Trung tâm Văn hóa Thông tin Thể Thao thành phố Huế về việc mở lớp dạy đàn tranh bên cạnh Thính phòng Ca Huế đã hoạt động biểu diễn miễn phí tối thứ Ba hàng tuần từ năm 2013.
Trước nhiệt tâm của một người yêu những giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc muốn truyền bá lan tỏa nghệ thuật đàn tranh trong cộng đồng thành phố Huế, Ban Giám đốc Bảo tàng Văn hóa Huế đã đồng thuận và Câu lạc bộ Duyên Tranh chuyên giảng dạy đàn tranh do nhà giáo, nghệ sĩ Quỳnh Nga được ra đời vào ngày 22.08.2017.
Từ khi khai trương Câu lạc bộ Duyên Tranh ở Bảo tàng Văn hóa Huế, nhiều người đã tìm đến học. Tuy nhiên do được học miễn phí nên có người tùy tiện thích thì đến học, còn không thích hay vì một lý do nào đó thì nghỉ không báo với cô giáo Quỳnh Nga. Trước thực tế ấy, sau một thời gian dài dạy học đàn tranh miễn phí, cô giáo Quỳnh Nga đã quyết định thu học phí với ý tưởng để các học viên hiểu giá trị và thấy có trách nhiệm với điều mình đang theo học; có ý thức ràng buộc, gắn bó với lớp thể hiện niềm đam mê đàn tranh hết lòng.
Theo thời gian Câu lạc bộ Duyên Tranh đã dần ổn định và có sự phát triển rõ rệt. Do tín nhiệm, trân quý các hoạt động đầy năng động, phong phú, cởi mở, có chiều sâu của Câu lạc bộ nên các phụ huynh có con em đang sinh hoạt tại đây đã góp công giới thiệu, quảng bá cho nhiều phụ huynh khác đưa con em đến ghi danh theo học đàn tranh với Câu lạc bộ Duyên Tranh. Không chỉ giảng dạy trong thính phòng 25 Lê Lợi, Huế Câu lạc bộ Duyên Tranh còn tổ chức các buổi sinh hoạt dã ngoại, giúp các em hòa nhập và cảnh sắc thiên nhiên vốn đẹp và thơ của Huế giúp tâm hồn, trí tuệ của em các em thấm đượm tình yêu quê hương, cảm nhận sâu sắc những giai điệu đàn tranh mà các em đang miệt mài học tập, trau luyện.
Bên cạnh các lớp giảng dạy đàn tranh cho tuổi thơ, học sinh các cấp, Câu lạc bộ Duyên Tranh còn thu hút các học viên lớn tuổi, trong đó có một cô gái quê Tuy Hòa, trong những lần thăm Huế đã yêu Huế,yêu nghệ thuật đàn tranh và đã ghi danh theo học đàn tranh tại Câu lạc bộ Duyên Tranh. Từ tình yêu Huế sâu sắc, lòng thương quý đàn tranh nồng nàn, cô gái ấy đã quyết định mua nhà định cư tại Huế với ước mong sẽ còn tiếp tục học đàn tranh tại Huế. Gần đây, một cô gái khác ở Nam Phước, Duy Xuyên, Quảng Nam cũng xin theo học đàn tranh tại Câu lạc bộ Duyên Tranh và đã được cô giáo Quỳnh Nga hoan hỉ tiếp nhận.
Cô giáo Quỳnh Nga đã chịu khó vận dụng phương pháp tiếp cận giảng dạy cho từng học viên một. Hạn chế cách dạy cùng một lúc cho các em. Chính hình thức một cô giáo, một học viên đã giúp các em hiểu và thực hành đúng từ thế ngồi đến cách bấm phím. Bên cạnh sự hướng dẫn học viên kỹ thuật, phương pháp biểu diễn từng bài bản, làn điệu, việc giúp các học viên có thêm kiến thức về âm nhạc truyền thống Huế, dân ca Việt Nam cũng là một trong những điều tâm huyết của cô giáo Quỳnh Nga.
Ngôi biệt thự Pháp 25 Lê Lợi Huế với không gian tĩnh lặng đã ngân lên âm vang thanh thoát, tươi sáng, nhẹ nhàng những cung bậc mùa xuân, những điệu lý ba miền Bắc Trung Nam đồng cảm. Thỉnh thoảng vuông chiếu thính phòng Ca Huế được Câu lạc bộ Duyên Tranh thực hành biểu diễn; khán giả, tri âm Huế lại có dịp vui mừng chứng kiến phong cách thể hiện, sự khổ luyện, năng khiếu của các mầm mới đàn tranh từ Câu lạc bộ Duyên Tranh.