Joomla 1.7 NivoSlider developed by NewJoomlaTemplates in collaboration with best web hosting reviews and ratings.
Print

VẦN THƠ NỐI NHỊP THỜI GIAN - TRẦN XUÂN

Việt Nam.

Read more: VẦN THƠ NỐI NHỊP THỜI GIAN - TRẦN XUÂN

Print

ĐÓA SEN THIÊNG TỎA HƯƠNG ĐẠO HẠNH THƠM ĐỜI - Võ Quê


     Những ngày đầu xuân Nhâm Dần (2022), từ Huế xa xôi chúng tôi hoan hỷ trang trọng tiếp nhận, đọc thi phẩm Đóa sen thiêng của Ni Trưởng Thích Nữ Huỳnh Liên (Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, bản in lần thứ 2).

     Khi được chiêm quan di ảnh Ni trưởng Thích Nữ Huỳnh Liên trong Đóa sen thiêng, tôi bùi ngùi, xúc động biết bao khi dòng hồi ức hiện về sinh động, chan chứa mạch nguồn kính yêu. Như những thước phim quay chậm, hình ảnh Thích nữ Huỳnh Liên cùng các Ni sư Tịnh xá Ngọc Phương từ Sài Gòn về Huế khoảng tháng 4 năm 1971 được bác sĩ Phạm Xuân Quế, Chủ tịch phong trào Phụ Nữ Đòi Quyền Sống Huế, Tổng Hội Sinh Viên Huế nồng hậu tiếp đón bằng tinh thần, ý chí cùng chung sức đòi chấm dứt chiến tranh, thống nhất đất nước, non sông Việt hòa bình.

     Trong những ngày này, miền Trung nói chung, Huế, Quảng Trị nói riêng đang bất ổn trước bầu khí chiến tranh với “Chiến dịch Lam Sơn 719”. Tịnh xá Ngọc Lộ thuộc Hệ phái Ni Khất Sĩ nằm sát đường 9 thuộc địa phận Cam Lộ, Quảng Trị lúc bấy giờ đã diễn ra một cảnh rất thương tâm, bi tráng. Chuyện là Thích nữ Tịnh Nhuần, một ni sư trẻ đang tu học tại đây, mỗi ngày chứng kiến cảnh nhiều quan tài của binh lính từ cuộc hành quân Hạ Lào chạy ngang Tịnh xá Ngọc Lộ đã tạo nên một cảm giác mất mát, đau thương trên lòng ni sư trẻ. Ni sư Tịnh Nhuần đã phát nguyện tự thiêu trong tâm thế cầu nguyện hòa bình, cầu nguyện đất nước không còn chiến tranh, các thế hệ thanh niên thôi phải chết tức tưởi, oan nghiệt vì bom đạn. Để thực hiện ý tưởng trên, mỗi sớm mai ni sư lặng lẽ gom lá bồ đề nơi tịnh xá Ngọc Lộ rồi tự thiêu trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng môn Tịnh xá Ngọc Lộ và lòng dân Việt. Thích nữ Tịnh Nhuần tấm lòng cao cả và bi dũng quá!

     Nhân chuyến về thăm Huế này, tiếp theo cuộc gặp gỡ với các tầng lớp nhân dân trong phong trào yêu nước đô thị Huế tại Tịnh xá Ngọc Kinh, Ni trưởng Thích nữ Huỳnh Liên và các môn đệ đã cùng các thành viên trong Phong trào Phụ nữ Đòi Quyền sống Huế, Tổng Hội Sinh viên Huế ra Tịnh xá Ngọc Lộ viếng vọng hương linh Thích nữ Tịnh Nhuần. Nơi Tịnh xá Ngọc Lộ tràn đầy nguồn thương cảm, xót đau; nơi con đường 9 đầy cảnh tóc tang, bi phẫn vì chiến tranh, Thích nữ Huỳnh Liên đã xúc động ứng khẩu những dòng lục bát mà tôi đã kịp thời học thuộc lòng cho đến ngày nay: “Khi đi đầy ắp tuổi hoa/ Khi về tang tóc xác ma quan tài…”

     Hình ảnh nghịch cảnh “đầy ắp tuổi hoa/ xác ma quan tài” trong thơ Thích Nữ Huỳnh Liên luôn ám ảnh tôi về hạnh phúc, khổ đau trên trần thế mỗi khi nghĩ về những năm tháng ấy. Nay được đọc Đóa sen thiêng sau mấy chục năm không được may mắn có dịp tái kiến Ni trưởng Thích nữ Huỳnh Liên, lòng tôi thật bồi hồi nhớ lại chuyện xưa như đã viết trên đây. Và lúc này Đóa sen thiêng đã giúp tôi hình dung được dòng suối thi ca đang lung linh màu hổ phách rất tinh anh đạo hạnh trong tâm hồn Ni trưởng Thích nữ Huỳnh Liên.

   Bằng tài hoa xuất chúng, trí tuệ uyên bác cũng như tâm hồn từ hạnh, Đóa sen thiêng được Ni trưởng Thích nữ Huỳnh Liên thể hiện qua nhiều hình thức, ấy là thể lục bát (46 bài); thể song thất lục bát (50 bài); thể song thất biến thể (38 bài); thể thất ngôn tứ cú, tứ tuyệt (81 bài); thể phú (5 bài); thể văn tế (16 bài); thi điếu (18 bài); thể tứ tự (8 bài); thể ngủ ngôn (28 bài); thể thất ngôn bát cú (105 bài), trong phần thể thơ thất ngôn bát cú này, Thích nữ Huỳnh Liên có nhiều bài thơ xướng, họa được nhiều thi hữu tâm thành hưởng ứng góp phần làm phong phú, đa dạng, khởi sắc hương thơ đạo hạnh trong Đóa sen thiêng.

     Qua 10 thể loại trên với gần 400 bài thơ được tuyển chọn in trong Đóa sen thiêng cho thấy bút lực của Thích nữ Huỳnh Liên vô cùng sung mãn, giàu năng lượng pháp huệ. Nhuần nhuyễn, tài hoa trong cấu trúc, bố cục; điêu luyện trong niêm luật, vần điệu để từ đó chuyển tải rất truyền cảm, ý nhị phần nội dung thơ súc tích, phong phú, sâu sắc, chân thật về Đời, về Đạo qua nhiều đề tài mà Ni trưởng Thích nữ Huỳnh Liên từng trải nghiệm, kinh qua trong quá trình sống thật giữa đời thường, chuyên tâm tu tập trên con đường hành đạo.

     Về Đời là “Cầu nguyện hòa bình” cho nhân loại: “Đờì gặp thuở can qua chinh chiến/ Sống những ngày nguy biến kính tâm/ Kéo dài thê thảm nhiều năm/ Đầy trời sát khí cõi âm hiện hình…”.

     Về Đạo là “Đời không đạo nên đời loạn khổ/ Đạo ở đời thật chỗ yên vui/ Dài dòng chẳng nói xa xôi/ Tiến lên đạo chánh, dẹp lui đường tà/ Cầu học đạo ấy là cầu nguyện/ Cầu sao cho phổ biến chúng sanh/ Thế gian tất cả hiền lành/ Tức thì thế giới hòa bình tự nhiên…”

     Để cảm nhận thật sâu sắc, thấu đáo ý, tứ của từng bài thơ trong gần bốn trăm bài thơ từ thi phẩm Đóa sen thiêng của Thích nữ Huỳnh Liên đòi hỏi một thời gian dài đọc và suy ngẫm. Chúng tôi tâm đắc với nội dung Lời giới thiệu thi phẩm Đóa Sen Thiêng:

     “Đức hạnh của Ni trưởng là thế, quyết tâm lo cho Đạo, dồn sức lo cho Đời, ít nghĩ đến việc riêng tư của cá nhân mình. Ni trưởng làm thơ không phải để mưu cầu danh lợi; Người làm thơ là để giáo hóa môn sinh, mong cho Đời hiểu Đạo, người muốn cụ thể hóa giáo lý uyên thâm của đức Phật cho người đời khi nghe, khi đọc dễ dàng tiếp nhận. Hơn nữa, Ni trưởng làm thơ vì tâm hồn của người rất yêu thơ. Ai đã có dịp tiếp xúc với Ni trưởng đều cảm nhận được điều đó. Ni trưởng tức cảnh làm thơ, phần nhiều do ngẫu hứng, thơ trong cuộc đấu tranh, thơ trên đường hành đạo, thơ giáo hóa môn sinh. Khi người viết xong phổ biến ngay cho môn đệ chuyền tay nhau đọc, không lưu giữ. Vì thế thơ văn phần nhiều bị thất lạc, lại không có mốc thời gian xuất xứ…”.

     Từ Huế xa xôi, xin được bày tỏ lòng cung kính biết ơn và xin được đảnh lễ Ni trưởng Thích Nữ Huỳnh Liên, Người đã hoa khai Đóa sen thiêng tỏa hương Đạo hạnh thơm Đời!

Võ Quê

 

Huế 20.3.2022

 

Print

NGHĨ VỀ TỔ ẤM - Võ Quê

Nguồn: Báo Tuổi Trẻ số ra ngày Chủ Nhật 18.6.2017

Read more: NGHĨ VỀ TỔ ẤM - Võ Quê

Subcategories

 Copyright © 2008 - 2013 Võ Quê All rights reserved.