Joomla 1.7 NivoSlider developed by NewJoomlaTemplates in collaboration with best web hosting reviews and ratings.
Print

VẦN THƠ NỐI NHỊP THỜI GIAN - TRẦN XUÂN

Việt Nam.

 

    Có lẽ thơ được sinh ra trên cõi đời này mang một sứ mệnh đặc biệt, thơ kết nối những tâm hồn đồng điệu, thơ nối liền khoảng cách xa xôi và thơ cũng nối liền cả những nhịp thời gian, kết nối sinh viên một thời bom lửa chiến tranh với thế hệ sinh viên ngày nay. Vì thế, một món quà ý nghĩa của Đoàn trường Đại học Ngoại ngữ Huế dành tặng cho tất cả sinh viên trong dịp trại 26/3 này chính là buổi trò chuyện với nhân chứng lịch sử - nhà thơ Võ Quê.

 

            Trước giờ đốt lửa trại, sinh viên chúng tôi được quây quần nghe những câu chuyện của bác Võ Quê - một nhà thơ nổi tiếng trong phong trào sinh viên thời kháng chiến và cho đến bây giờ thơ của bác vẫn luôn được mọi người yêu thích. Tất cả sinh viên ngồi quanh một sân khấu nhỏ, bác Võ Quê đứng ngay chính giữa, hình ảnh này cứ như một “Đêm không ngủ” hay một buổi văn nghệ “Hát cho đồng bào tôi nghe” của sinh viên ngày xưa; của một thời khói lửa mà chúng tôi chỉ mới được xem qua những bộ phim hay những câu chuyện của các bác cựu chiến binh. Bác Võ Quê bắt đầu kể về những phong trào sinh viên thời kỳ kháng chiến. Ánh mắt hiền từ, giọng nói trầm ấm và da diết của một nhà thơ xứ Huế khiến sinh viên chúng tôi cũng ngất ngây theo những vần thơ bác đọc:

 

Bé vào tù ngày chưa được nằm nôi

 

Như chú chuột còn đỏ lòm trong tay mẹ

 

Ngục tù bắt em sống đời nô lệ

 

Mẹ dạy em sức mạnh quê hương

 

Bằng bài ca xé nát những bức tường

 

Cuốn rào kẽm

 

Chỉ còn hoa tim tím..

 

                                    ( Người bạn tù sơ sinh)

 

Chúng tôi - những sinh viên chưa từng trải qua chiến tranh, chưa từng vừa học vừa sẵn sàng chiến đấu, cũng chưa từng đưa tiễn người thân lên đường ra trận, lại càng chưa từng chịu những đau thương, mất mát bởi chiến tranh, nhưng những câu thơ ngân lên giữa trời đêm lạnh giá đã làm bao trái tim chúng tôi xao động, những ánh mắt rưng rưng, có cả những tiếng nấc thầm trong ngực. Đêm lạnh, hơi sương ướt đẫm nền cỏ mong manh nhưng những vần thơ ấy vẫn từng nhịp, từng nhịp vang lên giữa đất trời, gợi trong chúng tôi bao hình ảnh về những ngày chiến tranh mà chúng tôi đã được học. Bác kể nhiều về những phong trào học sinh, sinh viên. Những ngày đó, sinh viên tham gia biểu tình, chống lại những việc làm độc ác của kẻ thù. Những cuộc biểu tình bị đàn áp dã man và đẫm máu, nhiều sinh viên đã bị bắt và bị đày đến Côn Đảo - địa ngục trần gian. Nhà thơ Võ Quê của chúng ta cũng đã bị bắt, cũng đã chịu nhiều đau đớn chốn lao tù nhưng với tâm hồn của một nhà thơ, niềm say mê sáng tác vẫn đêm ngày không nguôi.

 

Đường vào địa ngọc trần gian

 

Dẫu trong nỗi chết giữ tròn hiếu trung.

 

Nhớ quê hương, đặc biệt là nhớ về mảnh đất cố đô yêu mến, nhà thơ thả hồn theo những vần thơ giản dị, mộc mạc:

 

Có sinh ra và lớn lên ở Huế

 

Mới thấy lòng thương Huế biết bao nhiêu

 

Huế mưa dông, Huế nắng hạ sương chiều

 

Huế khóc, Huế cười, Huế vui, Huế khổ

 

Huế hiền ngoan, Huế căn hờn phẫn nộ

 

Huế ngàn năm xưa, Huế triệu năm sau

 

Trước hay sau Huế chỉ một tình đầu

 

Huế chung thủy trong mối tình đất nước.

 

                                                            (Huế)

 

Câu chuyện của bác cứ dài, kéo dài không dứt, có những lúc bác không phải đọc mà giọng ngâm thơ đã vang lên trong dạt dào xúc cảm:

 

“Khi mùa đông rớt xuống vai người

 

Chiếc lá vàng khô chết hồn vui

 

Lòng em có đau ơi người tù thiếu nữ(...)

 

Ngày em đến đây ngờ nghệch vô cùng

 

Tội tình gì một sáng ven sông

 

Lũ chúng bạo hành em

 

Lưỡi lê ghìm đầu súng

 

Mẹ rên xiết gào lên uất hận

 

Con tôi! Tội nghiệp con tôi

 

Hai ơi con đã đi rồi

 

Vườn không cỏ cháy mẹ ngồi khóc con(...)

 

Em đang mơ ngày bạo quyền ngã gục

 

Xác chúng phơi trên ngưỡng cửa đề lao

 

Kiêu hùng tóc biếc bay cao

 

Em tung nón rách

 

Em gào tự do! 

 

Những ánh mắt không kìm nén được niềm xúc động, cứ dõi theo những bài thơ, những câu chuyện của một chứng nhân lịch sử. Những dòng lệ cứ lăn dài trên má, những hình ảnh của một thời bom đạn như được ký họa qua những vần thơ. Và chính nó đã in sâu trong thăm thẳm trái tim mỗi sinh viên chúng tôi ngày hôm nay. Những sinh viên hạnh phúc dưới mái trường tự do, được sống những ngày thanh bình mà ông cha ta đã đánh đổi bằng cả sinh mạng.

 

Kết thúc buổi trò chuyện, nhà thơ tặng chúng tôi những vần thơ tình nồng thắm của một thời sinh viên:

 

Em trẻ hoài trong đôi mắt anh

 

Có phải tình yêu níu thời gian đứng lại?

 

Em: đóa hoa quỳnh trong đêm tình ái

 

Nở trắng đời anh ngan ngát hương 

 

                                             (Hoa Quỳnh)

 

Trong dịp Đại học Huế kỷ niệm 55 năm thành lập ý nghĩa này, những nhịp cầu thời gian mà nhà thơ Võ Quê mang lại cho sinh viên chúng ta thật ý nghĩa. Cám ơn bác đã cùng sinh viên giao lưu, cùng kể về phong trào sinh viên một thời oanh liệt để sinh viên chúng ta có thể hiểu hơn về những giá trị truyền thống, biết trân trọng những gì chúng ta đang có, sống tốt hơn và có ích hơn. Hy vọng rằng chúng ta sẽ được gặp lại nhà thơ Võ Quê trong một ngày gần nhất để lại được nghe bác kể chuyện và ngâm thơ, để nhịp cầu thời gian đó lại tiếp tục nối liền truyền thống bao thế hệ sinh viên Việt Nam.

TRẦN XUÂN

Trang 2

Trang 3

 

 

 

 

 

 Copyright © 2008 - 2013 Võ Quê All rights reserved.