TRANG THƠ NGUYỄN QUỐC TUẤN
- Details
- Category: Văn học
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 658
NGUYỄN QUÔC TUẤN
Quê quán: Bao La, Quảng Phú Quảng Điền, Thừa Thiên Huế
Sinh năm 1972. Đã có thơ đăng trên Tinh Văn, Văn Chương Việt…
THỀM ĐÔNG
Phất phơ đông đến bên thềm
Mưa bay túy lúy say mềm môi thơm
Gió phương nào lạnh lùng hơn
Nửa cơn tê tái nửa cơn ngậm ngùi
Ta đi ta đứng ta ngồi
Ta nằm ta chạy quanh đồi u mê
Ta cười ta khóc phủ phê
Ta ca ta hát ngô nghê vụng về
Ta mơ ta tỉnh ta thề
Ta điên giữa mộng bộn bề người ma
MỘNG GIẤC THONG DONG
Nắng vàng thơm giọt hương cau
Tím màu quê mẹ đã đau ít nhiều
Muối cha mặn chát mấy chiều
Trăm thu ngọt nhạt vạn điều cong môi
Ta đây vẫn cứ là tôi
Đứng trong trời đất không thôi mỉm cười
Ừ xin câu chữ ngôn lời
Tạ từ đắng đót bên trời thi ca
Mai về nẻo cũ làm ma
Âm dương đố kỵ ta bà nhỏ nhen
Rằng thưa cũng thấy quen quen
Thói là ganh ghét hờn ghen đó mà
Quì đây lạy lục thật thà
Ngậm hương lúa sữa đang đà trổ bông
Chòng chành thuyền khéo trách sông
Sóng xô lớp sóng mênh mông ngậm ngùi
Cay chua mặn đắng ngọt bùi
Vừa từng nếm đủ bao mùi nhân gian
Từ đây vạn nẻo quan sang
Nhé thôi thôi nhé qui hàng thong dong
Tạm biệt hỡi phố người đông
Xoa tay còn lại có không được gì
Tiếng vó câu chốn kinh kỳ
Hồi âm vọng tưởng ly bì chê khen
Nồng nàn bao cuộc hương đêm
Tỉnh say ca tụng nhớ men rượu tàn
Ngã nghiêng chân bước quên đàng
Phố khuya chao liệng rộn ràng lang than
ĐIỆP KHÚC MƯA
Mưa reo ngoài khung cửa
Một nhánh sầu chợt khơi
Thơ đêm như đốm lửa
Thắp sáng linh hồn trôi
Mưa chiều cơn hấp hối
Khúc nhạc tan nát thôi
Cho tình vào bối rối
Vỡ trăm mảnh tinh khôi
Mưa than van nức nở
Mõ kinh buồn lê thê
Tìm trong trang sách vở
Chỉ còn một cơn mê
Mưa ơi sao tím thế
Nhuộm khung trời tái tê
Khắp sân mùi nguyệt quế
Ta về với ngô nghê
Mưa thần kinh hoang phế
Rót vào sử khôn nguôi
Xin đôi lần tử tế
Sự thật sẽ lên ngôi
Mưa dầm dề trăn trối
Tử sinh ánh mặt trời
Tràn lan ngàn vạn lối
Bạc tình trắng như vôi
Mưa tha thiết chơi vơi
Hỏi tim đời gian dối
Đưa tình về biển khơi
Hóa vàng Xác thân hỡi
Mưa vạn dặm xa xôi
Chết vào chiều thu ấy
Con đò lặng lẽ trôi
Chở tháng ngày tăm tối
Ta về rũ mộng phơi sương
Tắm trăng uống rượu bên phường cỏ cây
Chờ đông ngắm ngọn heo may
Chờ xuân hoa lá hồn say đất trời
Ta về rũ mộng một thời
Gom mây chiều tím hát lời mê man
Nghe chuông Mõ ngỡ cung đàn
Thấy chùa tưởng phật mơ màng từ bi
Ta về hờn dỗi sân si
Chào xuân thôi hỉ lâm ly bất ngờ
Ngồi khâu năm tháng xác xơ
Quên ngày hoang tưởng Bơ phờ hồn nhiên
Ta về vui với đảo điên
Khùng Ôi tha thiết một miền hoang sơ
Thưa rằng xin Chút ngẩn ngơ
Ngắt Cành hoa dại bơ vơ ngậm ngùi
Buồn chơi con mắt giả đui
Điếc thừa một Chút cho vui tuôn trào
Quanh co mấy nẻo đồng bào
Một vườn vô tận cồn cào đôi khi
SẮC TÍM MÀU ĐIÊN
Tình cờ thôi
với nỗi đau
Chớm đông
se sắt
theo nhau về tìm
Chiều rơi
hồn tím nổi chìm
Vàng bay
Thu chết
im lìm mơ hoang
Những con chữ vừa sang ngang
Khờ ôi bỏ bến mênh mang dại cuồng
Đúng
sai
nào có
Tương phùng
Giọt đêm nhỏ lệ trùng trùng lạnh đông
Không là sắc
sắc là không
Bịp lừa
dâu bể
lông bông nụ cười
Dưới chân đất
trên đầu trời
Hoang mang
thầm hỏi
lòng người nông sâu
Rượu khuya tình tự đêm thâu
Ái ân
khói thuốc
quyện rầu không gian
Xin chút tỉnh
giữa mê man
Đèo bồng
gian dối
điểm trang ngôn lời
Ngây ngô
như thủa lên mười
Vụng về
như cõi
của người Khùng điên
Cũng là
da
thịt
linh thiêng
Máu hồng
vẫn nóng
khắp miền châu thân
Thời khắc
đến
chuông sẽ ngân
Điểm hồi
báo tử
phân vân ngậm ngùi
Trăm năm khéo cuộc vuông tròn
Tử sinh hẹn lại rã mòn đam mê
Chiều sương tím rụng lê thê
Hờn vai gầy guộc gió quê lạnh tìm
GÁNH MƯA
Chiều đi vấp phải hạt mưa
Quên câu thơ cũ hôm xưa đã từng
Gánh mưa đi giữa muôn trùng
Ôm mơ tụng đọc tuyên xưng tội đồ
Hôm xưa ngắm ánh trăng mờ
Để nay ngồi hát bơ phờ bao phen
Thơm thơm chén rượu nghe quen
Nồng bay trong gió hơi men thủa nào
Mưa thu
tím cả hiên nhà
Giọt ngơ ngác
giọt thật thà
hồn nhiên
Mưa
Hay là rượu
thần tiên
Dìu nhau đi hết
một phiên
chợ đời
Lần hồi
đếm lá
nghe kinh
Mõ
chuông
hoảng hốt
giật mình thu qua
Xuân còn
mãi
tận xôi xa
Mộng
vừa
vỡ
mộng
thiết tha mấy lần
Quê hương ơi
Tổ quốc ơi
Nước mưa Nước mắt
rơi rơi nghẹn ngào
Bắc
Nam
thiên lý đồng bào
Thu tàn
một độ
tuôn trào sầu dâng
NAM PHƯƠNG HOÀNG HẬU “ĐỨC TIN VÀ LÒNG YÊU NƯỚC” -Võ Quê
- Details
- Category: Điểm sách
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 600
NAM PHƯƠNG HOÀNG HẬU “ĐỨC TIN VÀ LÒNG YÊU NƯỚC”
Từ gần 50 tài liệu và trích dẫn của các học giả, nhà nghiên cứu và báo chí trong, ngoài nước, tác giả Lê Lan Khanh, một phụ nữ Sài Gòn, hiện nay là Giám đốc phát triển kinh doanh tại Laguna, Lăng Cô, Huế sau hơn một năm tập trung nghiên cứu, biên soạn đã cho ra mắt độc giả vào mùa xuân 2020 cuốn sách Nam Phương Hoàng Hậu do Nhà xuất bản Thế giới cấp giấy phép.
Đây là một tác phẩm thuộc thể loại nghiên cứu lịch sử dày 326 trang gồm 7 chương, được trình bày đẹp, trang nhã, giới thiệu nhiều hình ảnh minh họa quý hóa, có giá trị lịch sử về lâu dài.
Mở đầu sách Nam Phương Hoàng hậu, Lê Lan Khanh cho biết: “Bao năm tháng đã qua, hình ảnh khả kính của Hoàng hậu Nam Phương vẫn ngự trị trong tâm trí của người Việt Nam.
Hoàng hậu duy nhất của Triều Nguyễn theo đạo Thiên Chúa, Tây học đã chinh phục hàng triệu con tim của Triều thần và dân chúng vốn theo Nho giáo. Xuất thân danh gia vọng tộc, nhan sắc, trí tuệ, nhân cách cao quý, định mệnh của Hoàng hậu Nam Phương được vinh quang tột đỉnh nhưng lại cô đơn đến tận cùng.
… Vì lẽ đó, tôi biên soạn cuốn sách này để ghi lại số phận đầy thăng trầm của bà Hoàng hậu cuối cùng của lịch sử Việt Nam. Nhưng trên hết để tôn vinh tình yêu sâu sắc của Hoàng hậu dành cho đất nước. Cuộc đời Hoàng hậu là một câu chuyện dẫn dắt từ giấc mơ đẹp trở thành hiện thực, đầy ánh hào quang đến những dằn vặt trong tâm tư tình cảm, nghị lực và đức tin vượt qua thử thách.”
Qua từng trang sách, từ phần 1 đến phần 3, độc giả thích thú theo dõi cuộc đời của Hoàng hậu Nam Phương từ chuyến tàu định mệnh cho đến những tháng năm vương giả trong cung vua Bảo Đại với những buồn vui, thăng trầm của một bậc mẫu nghi thiên hạ rồi với chuỗi ngày sống trong nỗi niềm cô đơn, giá lạnh, thân phận phiêu dạt sau khi triều đại nhà Nguyễn kết thúc, và thời gian sống ở hải ngoại cho đến cuối đời với ước vọng không thành: được trở về Tổ quốc Việt Nam yêu dấu!
Với tác phẩm Nam Phương Hoàng Hậu, tác giả Lê Lan Khanh đánh giá cao vai trò cá nhân của Hoàng hậu Nam Phương: “… cả cuộc đời của Bà đã trở thành hương thơm mà bà để lại, như Hoàng đế Bảo Đại đã đặt tên cho Hoàng hậu của mình “Nam Phương có nghĩa là hương thơm của phương Nam (Parfume du Sud)” .
Các phần tiếp theo của tác phẩm Nam Phương Hoàng Hậu, Lê Lan Khanh giới thiệu cặn kẽ, chi tiết nhân thân của các hoàng tử, công chúa giúp độc giả hiểu thêm quá trình nuôi dưỡng, giáo dục và trưởng thành các người con thân yêu của Hoàng hậu Nam Phương.
Riêng dòng họ bên ngoại của Hoàng hậu Nam Phương, tác giả Lê Lan Khanh đưa vào phần 5, 6 với tiêu đề Dòng họ đại phú hào của Việt Nam cuối thế kỷ 19 với Các công trình đóng góp cho xã hội (phần 7), trong đó có nhà thờ Huyện Sỹ (tên hiệu: nhà thờ Thánh Philippe Tông đồ) do ông ngoại Nam Phương Hoàng hậu là Lê Tất Đạt, tức Huyện Sĩ, hiến đất và xuất 1/7 gia tài để xây dựng theo thiết kế của linh mục Charles Boutier; cũng đã nói lên được phần nào những ảnh hưởng tích cực của dòng tộc đối với quá trình hình thành nhân cách tốt đời, đẹp đạo và tinh thần yêu quê hương dân tộc của Hoàng hậu Nam Phương.
Sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến phần Phụ lục của cuốn sách giới thiệu nhà văn Pháp ngữ Nguyễn Tiến Lãng, người bí thư đặc biệt của Hoàng hậu Nam Phương, ông đã cất giữ những thư từ của Bà trong hộp kim loại như giữ vàng bạc châu báu của gia đình. Chính từ những tư liệu quý báu này đã góp phần không nhỏ để những nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, trong đó có Lê Lan Khanh viết chân thật, tương đối hoàn thiện về cuộc đời Hoàng hậu Nam Phương.
NGHỆ NHÂN ƯU TÚ NGUYỄN VÂN NGƯỜI KẾ THỪA VÀ PHÁT HUY NHỊP TRỐNG ĐIỆU ĐÀN ĐÃ RA ĐI – Võ Quê
- Details
- Category: Ca Huế
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 612
NGHỆ NHÂN ƯU TÚ NGUYỄN VÂN NGƯỜI KẾ THỪA VÀ PHÁT HUY NHỊP TRỐNG ĐIỆU ĐÀN ĐÃ RA ĐI – Võ Quê
Nghệ nhân Nguyễn Đình Vân sinh ngày 23.12.1958 tại Phường Phú Hòa, thành phố Huế. Thân sinh của Nguyễn Đình Vân là nghệ nhân Nguyễn Kế, quê quán ở Kim Đôi, Quảng Điền, là một nhạc sĩ tài danh với ngón đàn tỳ bà điêu luyện; đã có nhiều cồng hiến lớn trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy nhã nhạc, nghệ thuật đàn và ca Huế.
Được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống âm nhạc dân tộc, từ những năm 12, 13 tuổi Nguyễn Đình Vân đã được người cha thân yêu dạy theo lối chân truyền các loại đàn nguyệt tỳ bà, nhị với những bài bản lớn thuộc bộ môn ca Huế. Trong thời gian này, ở nhà cũng thường tổ chức nhiều chương trình Ca Huế thính phòng nên từ nhỏ Nguyễn Đình Vân đã thuộc lòng được nhiều giọng ca của các nghệ sĩ Vân Phi, Minh Mẫn, Thanh Hương, Quế Trân… và đã chú ý lắng nghe, học tập ngón đàn các bậc thầy bạn của thân sinh như Tôn Thất Toàn, Trần Kích, Nguyễn Văn Tân…
Đến năm 14 tuổi, Nguyễn Đình Vân vào học đàn ở Ban nhạc chánh, đoàn Ba Vũ. Đây là thời điểm mà Nguyễn Đình Vân phải nỗ lực học tập với tinh thần khổ luyện. Thầy Nguyễn Ngọc Phụng đã rất tâm huyết, tận tụy để truyền dạy nghệ thuật đánh trống cho Nguyễn Đình Vân. Hình ảnh đôn hậu mà nghiêm nghị và rất có lòng đối với học trò của thầy Nguyễn Ngọc Phụng còn sống động trong tâm hồn tình cảm Nguyễn Vân mỗi khi nhớ, nhắc đến tên thầy. Từ năm 17 tuổi, khi đã tiếp thu được tương đối tốt các ngón đàn dân tộc Nguyễn Vân được cha cho đi tham dự các lễ hội trai đàn, chẩn tế ở các chùa, đình, nhà thờ họ các đêm Ca Huế thính phòng tại các tư dinh, tư thất, trên thuyền sông Hương và trên nhiều miền đất nước. Những người bạn diễn đồng thời của Nguyễn Đình Vân như Trần Thảo, Quý Cát, Lệ Hoa… đã đánh giá cao nghệ thuật biểu diễn đàn nguyệt và trống của Nguyễn Đình Vân.
Với bản tính thầm lặng, ít nói nên hình như bao nhiêu điều rung cảm muốn bày tỏ cùng cuộc đời của Nguyễn Đình Vân được thể hiện trọn vẹn trong cung đàn, nhịp trống. Giai đoạn cùng cha đi “hành nghề” nhiều nơi đã giúp Nguyễn Đình Vân đã có nhiều cơ hội thực tế, nắm bắt học hỏi các bí quyết thành công của các nghệ nhân bậc thầy, của đồng môn, đồng nghiệp. Từ năm 1996, khi chính phủ Nhật Bản có chương trình tài trợ nhằm phục hồi, phát huy những giá trị kiệt tác Nhã nhạc cung đình triều Nguyễn, Trường Đại học Nghệ thuật Huế đã mời nhiều nghệ nhân vào giảng dạy tại trường Nguyễn Đình Vân và thân sinh là hai trong số người dự khóa giảng dạy Nhã nhạc đầu tiên.
Việc truyền dạy âm nhạc truyền thống cho thế hệ trẻ trong giai đoạn này cũng có nhiều khó khăn nhất định. Nhưng Nguyễn Đình Vân cùng các nghệ nhân khác đã cố gắng để thuyết phục các em say mê học tập, rèn luyện loại hình nghệ thuật cao cấp, khó, nhưng có một giá trị văn hóa lâu đời của cha ông. Cũng như nghệ nhân Trần Thảo, Nguyễn Đình Vân đã dành nhiều thời gian để sưu tầm, chỉnh lý, biên soạn các tài liệu, giáo trình phục vụ công tác giảng dạy của nhà trường. Thế hệ của Nguyễn Vân, Trần Thảo, Quý Cát, Lệ Hoa… có một điều kiện thuận lợi là bộ môn Ca Huế, nhã nhạc cung đình đã được Đảng, Nhà nước quan tâm phát triển từ sau 1975. Cho nên dù tuổi đời chưa cao nhưng tay nghề của họ tương đối vững vàng vì có nhiều dịp sử dụng các nhạc cụ trong môi trường Ca Huế, Nhã nhạc cung đình Huế ngày càng có nhiều đất diễn. Nguyễn Đình Vân đã biểu diễn thuần thục, điêu luyện các loại nhạc Tuồng, nhạc Ca Huế, Nhã nhạc, nhạc Phật giáo (Kinh, tán, tụng…)
Cuối năm 1977, Nguyễn Đình Vân đã cùng một số nhạc hữu, nhà sư Huế tham dự Liên hoan Âm nhạc Tôn giáo Quốc tế do đài quốc tế RFI (Pháp) tổ chức trực tiếp truyền thanh trên toàn Châu Âu, Châu Á, Châu Đại Dương. Riêng âm nhạc tôn giáo của Châu Á chỉ có Tây Tạng (Lạc Ma) và Việt Nam có nhạc Phật Huế, đại diện âm nhạc nghi lễ Phật giáo cho cả nước.
Tiếp theo chuyến đi đầy ấn tượng ở Pháp trên, Nguyễn Đình Vân đã được lưu diễn tại Pháp, Thụy Sĩ (9.1945); tại Hàn Quốc (1997); tham dự Festival de L’imagiaire (Liên hoa trí tưởng tượng) do Nhà Văn hóa Thế giới (Maison des Cultures du Monde) tổ chức (1988). Tháng 9.1995 Nguyễn Đình Vân cùng đồng nghiệp dự chương trình thu thanh trực tiếp chương trình Nhã nhạc cung đình, Ca Huế và đã được giới chuyên môn, nghiên cứu âm nhạc dân tộc đánh giá cao. Nguyễn Đình Vân còn tiếp tục biểu diễn ở nước ngoài như Pháp (1999); Hà Lan, Vương Quốc Bỉ (2000); Tuần lễ âm nhạc Việt Nam tại Paris, Pháp (2001); Tuần lễ văn hóa Việt Nam tại Luxembourg (2002); Phi Luật Tân (2002)…
Qua các chuyến lưu diễn quốc tế, Nguyễn Đình Vân có nhiều niềm vui lớn vì đã góp phần giới thiệu, truyền bá các giá trị phi vật thể của Huế mình; đồng thời có điều kiện để giao lưu, học tập các phương pháp biểu diễn, công tác bảo tồn và gìn giữ vốn quí nghệ thuật dân tộc. Từ thực tiễn cuộc sống, từ những cống hiến nghệ thuật của mình Nguyễn Vân đang lặng thầm mong muốn làm sao để Nhã nhạc cung đình, Ca Huế mãi mãi được trân trọng trong lòng đất nước.
Năm 2003 khi được tin Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu phi vật thể và phi vật thể nhân loại, nghệ nhân Nguyễn Đình Vân tâm sự: “Vân không có niềm vui nào lớn hơn là việc thế giới công nhận Nhã nhạc cung đình triều Nguyễn là kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Cha ông mình đã để lại vốn quí dân tộc, chắc chắn thế hệ đời sau phải cố công gìn giữ và phát triển”.
Năm 2014 nghệ nhân Nguyễn Đình Vân là một trong 37 nghệ nhân được Ủy Ban nhân Dân Thừa Thiên Huế vinh danh trong khuôn khổ Fesstival Huế 2014.
Những năm gần đây, dù sức khỏe không được tốt, nghệ nhân Nguyễn Đình Vân vẫn tích cực tham gia biểu diễn nhiều nơi cùng các nhạc hữu. Năm 2019, nghệ nhân Nguyễn Đình Vân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Đây là một vinh dự lớn lao, quý báu đối với một người con được sinh ra và lớn lên trong một gia đình Huế có truyền thống âm nhạc dân tộc.
Lúc 4 giờ 15 phút ngày 28.10.2024, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đình Vân đã từ bỏ cuộc chơi trần thế sau một thời gian dài lâm trọng bệnh trong niềm tiếc thương vô hạn của gia đình, nhạc hữu, tri âm và những người yêu quý Nhã nhạc, Ca Huế.