NHỮNG BÀI LÝ HUẾ - Võ Quê
- Details
- Category: Thơ
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 461
Tranh: Họa sĩ Đặng Mậu Triết
LÝ ĐOẢN XUÂN
Lý Đoản xuân em hát dập dìu
Sắc đào lê mạch tình dào dạt
Khi Lữ Bố hí Điêu Thuyền dưới nguyệt
Phụng Nghi Đình hương đượm nồng hương
.
Em hân hoan trong ca khúc yêu thương
Thanh thoát cung tỳ bà châu ngọc
Xuân như ý vườn lòng đơm lộc
Mắt trao lời ước nguyện trước vầng trăng
.
LÝ MƯỜI THƯƠNG
Lý mười thương cung bậc tang tình
Dáng thanh thanh tà áo dài tha thướt
Giọng Huế nhẹ làn mây vờn tóc biếc
Con thuyền tình êm ái mái chèo lan
Mỗi nét thương đằm thắm dịu dàng
Em chờ ai trăng đằng đông vừa rạng
Mười ngón nhớ hương trời lãng mạn
Làn sóng lành sắc nước… mười thương
LÝ TIỂU KHÚC
Chuồn chuồn vương tơ nhện nên duyên
Trót dan díu đàn ca hòa điệu
Lý tiểu khúc níu tình nhau kỳ diệu
Thương nhau cùng trong suốt cõi người ta
.
Vườn xuân hồng lá biếc thơm hoa
Chao cánh mỏng tơ lòng đan kết
Nhịp phách ngân nguyệt cầm rung da diết
“Chuồn chuồn mắc phải nhện vương…”
.
LÝ NĂM CANH
Canh một chờ đến hết canh năm
Từ trăng mọc đến trăng tàn, trời rạng
Chiếc then cài cánh cửa lòng trĩu nặng
Anh không về, ôi em trông ai?
.
Tháng ngày qua biền biệt u hoài
Lòng sương phụ mỏi mòn theo nguyệt
Đêm tương tư hết tròn rồi khuyết
Năm canh sầu em đợi suốt năm canh
.
LÝ CHIỀU CHIỀU
Lý chiều chiều âu yếm chìều nhau
Tiếng vượn hú chim kêu tha thiết
Tay dìu nhau qua đèo hẹn ước
Yêu nhau rồi sông núi khó cách ngăn
.
Bên nớ bên ni chung nghĩa sắt cầm
Tình hoài nam nhạn hồng liền cánh
Sóng biển vỗ sườn non gió lạnh
“Dắt bạn qua đèo…” người đã chung đôi
LỜI GIỚI THIỆU “HÒA ĐIỆU TRI ÂM” Nguyễn Duy Hiền
- Details
- Category: Ca Huế
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 486
LỜI GIỚI THIỆU “HÒA ĐIỆU TRI ÂM”
Nguyễn Duy Hiền
Ngày 20/8/1983, Câu lạc bộ (CLB) Ca Huế TP Huế chính thức ra đời. Hơn 40 năm hoạt động, “giữ lửa” và phát tiết tinh hoa cho loại hình nghệ thuật Ca Huế, CLB đã phát triển trong sự yêu quý cùng sự hưởng ứng nồng nhiệt của các nghệ nhân, nghệ sĩ Ca Huế, giới mộ điệu. Ca Huế thính phòng trở thành một hoạt động ý nghĩa nhằm gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc. CLB tiên phong khai sinh một sản phẩm độc đáo của du lịch Huế - Ca Huế trên sông Hương. Những chiếc thuyền lung linh trên dòng sông, giai điệu ngọt ngào réo rắt, khi vui, khi buồn sầu da diết với các làn điệu vang lên mênh mang trên sông nước cảm hoài. CLB còn tổ chức truyền dạy cho những người trẻ đam mê với âm nhạc dân tộc, đưa Ca Huế vòng quanh các trường học, từng bước hình thành các CLB Ca Huế tại các trường học, đưa Ca Huế đến với các trung tâm xã hội, bệnh viện phục vụ y, bác sĩ, bệnh nhân; tham gia các hoạt động lễ hội của Phật giáo, Thiên chúa giáo…; thực hiện các chương trình chuyên đề Biển đảo, 27/7, Ngày Nhà giáo, Phụ nữ, Gia đình, Ngày kỷ niệm di sản UNESCO.
Đào tạo thế hệ trẻ, giữ gìn, duy trì, phát huy bài bản lớn là một trong những đóng góp đáng kể của CLB Ca Huế cho nghệ thuật truyền thống Huế. Nhiều nghệ sĩ thành danh từ Câu lạc bộ. Các nghệ sĩ, nghệ nhân bên cạnh đàn, ca đã soạn lời Ca Huế kế tục thế hệ soạn giả trước, nội dung: ca ngợi thiên nhiên, cảnh sắc, con người, tình yêu quê hương, tình yêu Huế, tình yêu lứa đôi... phản ảnh cuộc sống. Đây là nét mới của Câu lạc bộ, hình thành một đội ngũ soạn lời mới cho Ca Huế. Nhiều bài bản đã được giới thiệu trên hệ thống phát thanh truyền hình, được giải lớn từ các cuộc thi soạn mới lời Ca Huế. Việc các diễn viên tự ca lời do mình soạn là nét mới. Việc làm này làm cho tình yêu nghệ thuật Ca Huế trong họ càng sâu sắc thêm. Nhờ sự lan tỏa từ hoạt động Ca Huế, các luận văn TS, ThS, cử nhân về Ca Huế được bảo vệ thành công.
Với tâm niệm “tri ân tiền nhân để phát tiết tinh hoa”, cùng với sự phát triển của CLB, đã xuất hiện nhiều nhân tố mới, một thế hệ nghệ sĩ mới, đàn, ca và soạn lời…đang phát tiết. “Hòa điệu tri âm”, tập lời ca mới của nhiều tác giả, được xuất bản, giới thiệu như một ghi nhận những thành tựu, những tín hiệu vui từ những nghệ nhân, nghệ sĩ trẻ của CLB. Họ đã và đang ngày đêm thắp sáng ngọn lửa đam mê, phát sáng tinh hoa của một nghệ thuật bất biến với thời gian.
N.D.H
CÂULẠC BỘ DUYÊN TRANH NƠI KHƠI NGUỒN TÌNH YÊU NGHỆ THUẬT
- Details
- Category: Ca Huế
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 503
CÂU LẠC BỘ DUYÊN TRANH
NƠI KHƠI NGUỒN TÌNH YÊU NGHỆ THUẬT
Võ Quê
Đầu năm 2017 cô giáo Đặng Thị Quỳnh Nga,giảng viên trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, đồng thời là thành viên của Câu lạc bộ Ca Huế đã chủ động trình bày ý tưởng với Ban Giám đốc Bảo tàng Văn hóa Huế (25 Lê Lợi, Huế), nay là Trung tâm Văn hóa Thông tin Thể Thao thành phố Huế về việc mở lớp dạy đàn tranh bên cạnh Thính phòng Ca Huế đã hoạt động biểu diễn miễn phí tối thứ Ba hàng tuần từ năm 2013.
Trước nhiệt tâm của một người yêu những giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc muốn truyền bá lan tỏa nghệ thuật đàn tranh trong cộng đồng thành phố Huế, Ban Giám đốc Bảo tàng Văn hóa Huế đã đồng thuận và Câu lạc bộ Duyên Tranh chuyên giảng dạy đàn tranh do nhà giáo, nghệ sĩ Quỳnh Nga được ra đời vào ngày 22.08.2017.
Từ khi khai trương Câu lạc bộ Duyên Tranh ở Bảo tàng Văn hóa Huế, nhiều người đã tìm đến học. Tuy nhiên do được học miễn phí nên có người tùy tiện thích thì đến học, còn không thích hay vì một lý do nào đó thì nghỉ không báo với cô giáo Quỳnh Nga. Trước thực tế ấy, sau một thời gian dài dạy học đàn tranh miễn phí, cô giáo Quỳnh Nga đã quyết định thu học phí với ý tưởng để các học viên hiểu giá trị và thấy có trách nhiệm với điều mình đang theo học; có ý thức ràng buộc, gắn bó với lớp thể hiện niềm đam mê đàn tranh hết lòng.
Theo thời gian Câu lạc bộ Duyên Tranh đã dần ổn định và có sự phát triển rõ rệt. Do tín nhiệm, trân quý các hoạt động đầy năng động, phong phú, cởi mở, có chiều sâu của Câu lạc bộ nên các phụ huynh có con em đang sinh hoạt tại đây đã góp công giới thiệu, quảng bá cho nhiều phụ huynh khác đưa con em đến ghi danh theo học đàn tranh với Câu lạc bộ Duyên Tranh. Không chỉ giảng dạy trong thính phòng 25 Lê Lợi, Huế Câu lạc bộ Duyên Tranh còn tổ chức các buổi sinh hoạt dã ngoại, giúp các em hòa nhập và cảnh sắc thiên nhiên vốn đẹp và thơ của Huế giúp tâm hồn, trí tuệ của em các em thấm đượm tình yêu quê hương, cảm nhận sâu sắc những giai điệu đàn tranh mà các em đang miệt mài học tập, trau luyện.
Bên cạnh các lớp giảng dạy đàn tranh cho tuổi thơ, học sinh các cấp, Câu lạc bộ Duyên Tranh còn thu hút các học viên lớn tuổi, trong đó có một cô gái quê Tuy Hòa, trong những lần thăm Huế đã yêu Huế,yêu nghệ thuật đàn tranh và đã ghi danh theo học đàn tranh tại Câu lạc bộ Duyên Tranh. Từ tình yêu Huế sâu sắc, lòng thương quý đàn tranh nồng nàn, cô gái ấy đã quyết định mua nhà định cư tại Huế với ước mong sẽ còn tiếp tục học đàn tranh tại Huế. Gần đây, một cô gái khác ở Nam Phước, Duy Xuyên, Quảng Nam cũng xin theo học đàn tranh tại Câu lạc bộ Duyên Tranh và đã được cô giáo Quỳnh Nga hoan hỉ tiếp nhận.
Cô giáo Quỳnh Nga đã chịu khó vận dụng phương pháp tiếp cận giảng dạy cho từng học viên một. Hạn chế cách dạy cùng một lúc cho các em. Chính hình thức một cô giáo, một học viên đã giúp các em hiểu và thực hành đúng từ thế ngồi đến cách bấm phím. Bên cạnh sự hướng dẫn học viên kỹ thuật, phương pháp biểu diễn từng bài bản, làn điệu, việc giúp các học viên có thêm kiến thức về âm nhạc truyền thống Huế, dân ca Việt Nam cũng là một trong những điều tâm huyết của cô giáo Quỳnh Nga.
Ngôi biệt thự Pháp 25 Lê Lợi Huế với không gian tĩnh lặng đã ngân lên âm vang thanh thoát, tươi sáng, nhẹ nhàng những cung bậc mùa xuân, những điệu lý ba miền Bắc Trung Nam đồng cảm. Thỉnh thoảng vuông chiếu thính phòng Ca Huế được Câu lạc bộ Duyên Tranh thực hành biểu diễn; khán giả, tri âm Huế lại có dịp vui mừng chứng kiến phong cách thể hiện, sự khổ luyện, năng khiếu của các mầm mới đàn tranh từ Câu lạc bộ Duyên Tranh.