NGHỆ NHÂN LỮ HỮU THI VỚI NHÃ NHẠC CUNG ĐÌNH TRIỀU NGUYỄN Võ Quê
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 2432
Nghệ nhân Lữ Hữu Thi sinh năm Canh Tuất (1910) ở làng Thế Lại Thượng, xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế; ông xuất thân trong một gia đình có truyền thống về âm nhạc dân tộc; Lữ Hữu Cử người em trai kém ông 10 tuổi cũng là nhạc công trong Đội nhạc của cung đình. Hai anh em Lữ Hữu Thi, Lữ Hữu Cử có được tài hoa, khả năng trình tấu Nhã nhạc là nhờ sự tiếp truyền từ thân sinh vốn làm nghề thợ bạc nhưng lại tài giỏi về nghệ thuật diễn xướng âm nhạc truyền thống Huế.
Thời niên thiếu cho đến lúc trưởng thành, bên cạnh việc hành nghề thợ bạc đến mức tuyệt kỷ, ông còn được học thuần thục các loại nhạc cụ: đàn tam, đàn nhị, đàn tỳ bà, đàn nguyệt, trống, kèn… do thân sinh ông truyền dạy cùng lúc cho con cháu ở trong gia đình và được theo thân sinh đi phục vụ nhạc lễ nhiều nơi ở địa phương và các vùng phụ cận.
Trong bài viết Gia đình: môi trường trao quyền nhã nhạc của họ Lữ ở Thế Lại Thượng (Hương Trà, Thừa Thiên Huế) nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Hằng đã rất chi tiết khi viết nguyên nhân việc nghệ nhân Lữ Hữu Thi được vào Đội Nhã nhạc cung đình Triều Nguyễn: “… Tình cờ, ông biết được nhà của ông Đội Thức (Nguyễn Hữu Thức), phụ trách ban nhạc Chánh Đại Nội, ở gần tam cấp chùa Bảo Quốc. Thấy hàng chè Tàu ngả nghiêng, cỏ rác nhiều, ông lặng lẽ dọn dẹp, rồi về mà không ai biết. Lần khác lại lên, thấy xe đạp của ông Đội dựng phía trước, mới ghé thăm, lấy cái cớ nói là lên thăm chùa, nhân tiện vô thăm Thầy. Thấy trong nhà nhiều mạng nhện, ông cũng nhanh tay quét sạch. Đến khi đứng trước dàn nhạc cụ trong nhà thầy Đội, ông lặng người, nhìn chăm chú. Ông Đội hỏi: “Mi ngó cái chi, có mần được không, mần tau coi?”. Thế là ông lần lượt “mần” cho ông Đội coi, và đem đến cho ông Đội từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Đó là cơ duyên để đến với ông Đội, và cũng là đến với ban nhạc Chánh Đại Nội vào năm 1925, dưới thời Khải Định, lúc chỉ mới 16 tuổi”.
Nghệ nhân Lữ Hữu Thi cho biết sau khi vua Khải Định mất, Ban nhạc Hòa Thanh ngưng hoạt động một thời gian cho đến khi vua Bảo Đại lên ngôi thì mới hoạt động lại. Những ngày cùng ban nhạc sống trong hoàng cung đã trở thành những hồi ức khó quên trong cuộc đời ông. Vốn hằng ngày đã quen lề thói dân dã bình thường trong cộng đồng quê kiểng quen thuộc, khi phải tập làm quen, chịu đựng thi hành những luật lệ, quy cách khuôn phép khắc khe nơi chốn quyền quý cao sang ông không khỏi lo lắng, thấp thỏm, bồn chồn như các nhạc công đồng nghiệp khác. Nhưng niềm say mê, tình yêu nghệ thuật cổ truyền quá lớn lao trong ông đã giúp ông vượt qua những bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu để hội nhập vào lối sống mới, tuân thủ nghiêm túc các quy định chặt chẽ của hoàng gia, của ban nhạc cung đình luôn có những đòi hỏi, yêu cầu cao về trang phục, về phong cách diễn xướng, nhất là những khi trịnh trọng biểu diễn trước sự hiện diện của nhà vua.
Ban nhạc Hòa Thanh không còn khi triều Nguyễn đã cáo chung năm 1945, nghệ nhân Lữ Hữu Thi cũng như các đồng nghiệp khác trở lại với đời thường, tìm kế mưu sinh khác cũng như dốc lòng tích cực truyền dạy nghệ thuật Nhã nhạc cung đình cho các lớp con cháu. Một trong những thành viên của gia đình, con trai nghệ nhân Lữ Hữu Thi là nghệ nhân Lữ Hữu Minh kế nghiệp ông đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú vào năm 2019. Sự kiện này đã phần nào nói lên sự quý hóa cần thiết của môi trường giáo dục trong các gia đình nghệ thuật truyền thống ở Huế nói riêng và Việt Nam nói chung.
Cùng với việc chuyên tâm truyền dạy nghệ thuật Nhã nhạc cung đình cho các thế hệ tương lai trong gia tộc, nghệ nhân Lữ Hữu Thi không ngại khó khăn, vất vả để hành nghề nhạc lễ trong các mùa Thu tế ở các đình làng, những dịp khánh thành nhà thờ họ, hoặc các đại lễ trai đàn chẩn tế… Nghệ nhân Lữu Hữu Thi tâm sự: “Nhã nhạc cung đình triều Nguyễn đã không còn nơi diễn xướng quy mô, hoành tráng như trước nữa, nhưng từ chính những sinh hoạt lễ hội văn hóa làng xã, lễ hội tín ngưỡng tôn giáo ở các địa phương này lại gợi cho tôi niềm mong ước là một ngày nào đó tinh hoa Nhã nhạc cung đình triều Nguyễn với các giá trị truyền thống độc đáo được hồi sinh trên Cố đô Huế. Tôi luôn sẵn lòng để hướng dẫn, truyền dạy cho các thế hệ sau này vì với tôi nghệ thuật Nhã nhạc cung đình triều Nguyễn là bảo vật vô giá của dân tộc, của quốc gia cần được gìn giữ, lưu truyền tới cho đời sau!”.
Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, loại hình nghệ thuật Nhã nhạc cung đình, nghệ thuật Ca Huế đã có sự chú ý, quan tâm đáng kể từ nhiều hướng; phát những tín hiệu tốt về công cuộc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể này. Ông Thái Công Nguyên, Giám đốc đầu tiên của Trung Tâm Bảo tồn Di tích Cố Đô Huế đã hình thành một ban Nhã nhạc cung đình chuyên phục vụ du khách tại điện Thái Hòa; ban nhạc này được xem như là tiền thân của Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế hiện nay; Câu lạc bộ Ca Huế, Nhã nhạc Phú Xuân thuộc Trung tâm Văn Hóa Huế tổ chức lưu diễn ở Mỹ, Hồng Kông, Đài Loan, Pháp, Trung Quốc, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Hàn Quốc… gặt hái nhiều thành quả mỹ mãn. Và từ năm 1994, Giáo sư Trần Văn Khê, Giáo sư Trần Quốc Vượng và giáo sư Tô Ngọc Thanh… vận động tích cực các giáo sư Nhật Bản là Tokumaru và Yamaguti, đề nghị chính phủ Việt Nam và UNESCO lưu tâm nhìn nhận Nhã nhạc cung đình Huế, chính nghệ nhân Lữ Hữu Thi và một số nghệ nhân Nhã nhạc còn lại của Huế như nghệ nhân Trần Kích, nghệ nhân Nguyễn Kế… đã được mời tham gia các công trình nghiên cứu phục hồi, sưu tầm, biên soạn và tổ chức các chương trình diễn xướng Nhã Nhạc cung đình Huế.
Với nỗ lực đáng trân trọng của Chính phủ Việt Nam, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân Thừa Thiên Huế, sự đóng góp quan trọng của Trung Tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế; của các giáo sư, các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa trong nước và hải ngoại cùng giới nghệ sĩ, nghệ nhân trong việc xây dựng hồ sơ Nhã nhạc cung đình triều Nguyễn, lúc 15 giờ ngày 7.11.2003, Nhã nhạc - âm nhạc cung đình Việt Nam được UNESCO vinh danh là Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, đây là di sản phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được thế giới công nhận.
Từ sau mốc lịch sử này, giới truyền thông trong nước biết đến nghệ nhân Lữ Hữu Thi nhiều hơn, qua sự giới thiệu của thông tấn, báo chí, truyền hình ông được mọi người vui mừng hiểu ông là thành viên duy nhất còn sót lại của ban nhạc Hòa Thanh - ban nhạc phục vụ qua hai đời vua Khải Định và Bảo Đại và trong thời điểm cuối của thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21 nghệ nhân Lữu Hữu Thi chính là “báu vật sống” của âm nhạc cung đình Huế.
Nghệ nhân Lữ Hữu Thi đã được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trân trọng mời vào trực tiếp giảng dạy theo phương pháp thực hành cho các nhạc công, diễn viên đang phục vụ trong Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế. Mặt khác, nghệ nhân Lữ Hữu Thi và một số nhạc hữu, nghệ nhân am hiểu Nhã nhạc cung đình đã chuyên tâm, nhiệt huyết tham gia tổ chức các lớp tập huấn của Dự án bảo tồn và phát huy giá trị Nhã nhạc – Âm nhạc cung đình Việt Nam do UNESCO và chính phủ Việt Nam tài trợ. Với dự án này, các nhạc công trẻ, các diễn viên của Huế đã được nghệ nhân Lữ Hữu Thi công tâm, tận tình hướng dẫn, chân truyền dạy những ngón nghề tuyệt chiêu khi sử dụng các nhạc cụ dân tộc: đàn nhị, đàn tam, đàn nguyệt, tam âm, mõ, bạt, trống, kèn… Với làn điệu Thài, từ trước đến nay chỉ sử dụng trong các lễ thu tế tại làng An Truyền (tục danh làng Chuồn), quê hương của ông Hồ Đắc Trung, thượng thư Bộ Lễ thời Khải Định, thì nay được nghệ nhân Lữ Hữu Thi truyền dạy cho các nghệ sĩ, nghệ nhân Nhã nhạc cung đình các bài bản Thài sử dụng trong lễ tế Nam Giao, nhờ vậy mà làn điệu, nội dung Thài không bị thất truyền.
Ngày 15 tháng 9 năm 2016, tức ngày mùng 15 tháng 8 năm Bính Thân, giới nghệ sĩ nghệ nhân Nhã nhạc, Ca Huế và những người mộ điệu trong nước, hải ngoại vô cùng thương tiếc trước sự ra đi vào cõi vĩnh hằng của nghệ nhân Lữu Hữu Thi, một trong những Nghệ nhân Nhã nhạc cuối cùng của triều Nguyễn, sau một thời gian lâm trọng bệnh, hưởng đại thượng thọ 107 tuổi; đây là một tổn thất lớn đối với giá trị di sản văn hóa truyền thống của Cố đô Huế.
Tại buổi lễ tri ân và vĩnh biệt nghệ nhân Lữu Hữu Thi, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã đánh giá cao về sự nghiệp nghệ thuật Nhã nhạc cung đình và những đóng góp quý báu, hiệu quả của ông trong những năm tháng cuối đời: “Là đơn vị trực tiếp quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Nhã nhạc – Âm nhạc Cung đình Việt Nam, đồng thời cũng là đơn vị sát cánh cùng Cụ nghệ nhân Lữ Hữu Thi và các nghệ nhân Nhã nhạc khác trong hành trình bảo vệ gìn giữ giá trị Nhã nhạc cung đình Huế và âm nhạc cung đình Việt Nam trong nhiều năm qua, toàn thể lãnh đạo, cán bộ nghiên cứu, các nghệ sĩ, nhạc công, diễn viên của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xin bày tỏ sự tri ân và lòng thương tiếc vô hạn đối với Cụ nghệ nhân Lữ Hữu Thi, người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp âm nhạc và đóng góp lớn trong việc giảng dạy, truyền bá, để bảo tồn và phát huy giá trị của Nhã nhạc – Âm nhạc cung đình Việt Nam. Với những người đang làm công tác bảo tồn những giá trị di sản văn hóa phi vật thể, cụ luôn là “báu vật nhân văn sống" của Âm nhạc truyền thống cung đình Việt Nam”.
Võ Quê
Huế 18.2.2020.