VỚI TIỂU KIỀU - Nguyệt Kim & Chíp Trần
- Details
- Category: Báo chí
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 6041
Nén nhang gửi cô Tiểu Kiều - Nguyệt Kim
Quán chiều lênh đênh nhạc Trịnh, bóng của những nỗi nhớ quẩn quanh nơi phía tường thành loang lổ, ủ dột.Tôi ngồi lặng yên nhìn theo điệu thơ của chú đang bay trên bầu trời cao xanh kia, hình như gửi nỗi niềm cho một người. Lặng lẽ, qua mấy con đường nho nhỏ. Ngôi nhà xinh nằm trong một con hẻm hun hút… Bàn thơ cô, nhang ấm áp, nụ cười hiền của cô đáng yêu biết bao đang nghiêng nghiêng hóm hỉnh… cất giọt nước mắt sau cặp kính… cũng lặng lẽ thì thầm:
GỬI TẶNG CHÚ - NHÀ THƠ VÕ QUÊ ( http://voque.org/)
Chẳng biết nói gì với cô
khi con ngồi với chú
mỗi câu, lời chú nói
đều mang hình bóng cô
—-
Những ân tình như thơ
mượt mà nhưng buồn bã
hai cây bàng nghiêng cả
về phía gió chênh vênh
—-
con đi qua nhẹ tênh
nên cuộc đời đơn giản
nhìn về phía tản mản
thấy bóng chú cô đơn
—
con lại thấy buồn hơn
nghĩ mà thương cho chú
cuối đời đau ủ rũ
cô ơi, sao cô đi?
—
Cũng không trách chia li
vì là điều không biết
nghĩ thương cô da diết
bỏ quên một người yêu
—
bóng chú dài liêu xiêu
ngõ buồn nên heo hút
căn nhà xinh một chút
đầy ắp những nén nhang
—
mưa sầu gọi địa lan
cây hoa hường gọi nắng
cô nơi xa, nhà vắng
chú nơi này gọi cô
…
ngẫm cho nhớ qua thu
ngẫm cho buồn qua mắt
ngẫm cho ngọn nến tắt
âu cũng đời phận duyên
—
chỉ mong chú bình yên
nơi kia cô nhắm mắt
tình dù hơi xa cách
cô chú vẫn bên nhau.
—
Đường dài rồi qua mau
ai cũng có lần sống chết
dù người ơi, xa hết
vẫn còn lại Tiếng yêu!
Ở bên kia cô hãy luôn mỉm cười… vì chú luôn luôn nghĩ về cô, trong từng khoảnh khắc! Và có cả bọn con nữa…
28/8/2011
Nguồn: http://nguyetkim.com/?p=730
***
Kí ức và tập “ghi chép” của cô Tiểu Kiều – Chíp Trần
1. Kí ức
Tối qua có đọc được ở đâu đó một câu nói: “Nước dạy ta biết cách chấp nhận. Hãy để những cảm xúc trôi đi theo dòng nước”. Đây không phải là đề từ sáo rỗng, công thức cho một ý định nào đó trước khi tôi gõ những dòng này. Chỉ đơn giản, câu nói ấy bất chợt mà đọng lại, bất chợt mà khiến người khác phải lưu tình, ghi nhớ. Người sống cảm tính hay là lí tính đi chăng nữa, vẫn còn đó cả một trái tim biết rung theo từng nhịp đập và biết yêu thương, tiếc nuối khi rời xa những người thân gắn bó nhất. Đời bình yên lắm, nếu chúng ta biết cách chấp nhận nó, biết cách thả trôi đi nhẹ nhàng như dòng nước vậy.
Nụ cười và giọt nước mắt hoà lẫn nhau phải chăng đó mới thực sự là hạnh phúc mà loài người cảm nhận được trong kiếp sống của mình. Tôi chỉ là một cô sinh viên bé nhỏ, lạ lẫm với khoa ngữ văn từ cái thuở bước chân vào trường, cho đến lúc rời gót khỏi bàn ghế và sách vở.
Tôi chỉ là một đứa con gái Tây Nguyên, gốc Huế, ngang tàng và bướng bỉnh đến lạ kì. Tôi chỉ là một cơn gió, đi qua rồi biến mất chẳng ai nhớ. Nhưng, tôi đã ghi lại ánh mắt dịu dàng của cô, bởi một lời nhắc nhở nhẹ nhàng, nghiêm khắc: “Không được mặc quần ngố lên khoa nhé”(sau này mới biết đó là cô Tiểu Kiều). Ừ, thì cũng qua, chẳng nhớ nhiều lắm được bao nhiêu người, bao nhiêu thầy cô, nhưng ít ra còn đọng lại cho tôi cả một trời kí ức của tháng năm đó, của những người thầy đáng kính. Cô không phải là người đứng lớp mỗi lần đến tiết, nhưng tôi lại đợi chờ mỗi lần có thư báo về hàng tuần, để chạy lên văn phòng khoa hỏi cô. Vẫn vóc dáng hiền hoà, vẫn nụ cười dịu dàng, vẫn giọng nói thỏ thẻ, ngọt ngào như mẹ tôi ở nhà vậy. Và cũng chỉ là thoáng qua, phía trước tôi còn nhiều thứ để bay nhảy, mộng mơ quá. Dẫu thế, mỗi lần tò mò cầm cuốn tạp chí của Đại học Huế trên tay, tôi vẫn lật giở lướt qua từng cái tên, từng bút danh một. Ngạc nhiên lắm, khi đều đều nhìn thấy tên cô trên báo. Tôi bắt đầu ghi nhớ cái tên ấy: Cô Tiểu Kiều.
Tên cô thật dễ thương, mà cũng lạ – sự nhạy cảm của tôi đôi khi đáng sợ quá chừng. Tên của cô mỏng manh như sương gió. Tôi chẳng kịp nghĩ nhiều hơn nữa. Cuộc đời vẫn còn nhiều thứ đang chờ và đang đợi một đứa con gái thích bay nhảy như tôi. Và cuộc đời cũng thật là kì lạ, khi đưa đến những cái duyên gặp gỡ. Sau ba năm, tôi quay trở lại học cao học ở mái trường đó, ở khoa ngữ văn đó. Vẫn là những người thầy, người cô năm xưa dạy dỗ. Tôi có hỏi, biết cô Tiểu Kiều vừa mới nghỉ hưu rồi, khoa đã có một người văn thư mới. Rồi, có bận học chuyên đề của thầy Tôn Thất Dụng, tôi lại nghe thầy kể về cô, nghe thầy kể cô đã tập tành viết lách như thế nào. (Nói thật tôi phục cô lắm. Lại nhất quyết tìm hiểu thêm về gia thế của cô, mới biết chồng cô là nhà thơ Võ Quê – một cái tên khá nổi tiếng không riêng gì với sinh viên Huế). Nhưng, tôi cũng chỉ lặng im thế thôi, chứ thật sự chưa bao giờ nói chuyện trực tiếp, thân tình với cô, (và cũng chẳng bao giờ có cơ hội được thăm nom, chăm sóc cô những ngày cuối đời như cô bé sinh viên tên Dung – trong tập ghi chép của cô vậy).
Một giờ chuyên đề tiếp nữa của thầy Tôn Thất Dụng, lớp chỉ có 10 thành viên, trong đó đã có đến 8 người là sinh viên cũ của khoa quay về học cao học, đều ngỡ ngàng khi nghe thầy bảo: Hôm nay, chúng ta nghỉ sớm, lát nữa thầy đi cùng khoa đến viếng cô Tiểu Kiều. Tôi giật mình thảng thốt. Và cũng tiếp tục lặng yên như thế. Trong kí ức vẫn còn đó bóng dáng của cô. Dịu dàng như mẹ của tôi ở nhà vậy.
2. Gặp nhà thơ Võ Quê
Quán cà phê Chiều rủ bóng hoàng hôn xuống trong một góc nhà cổ xưa ấm cúng trong thành nội. Tôi và cô bạn nhỏ học sau mấy khoá, lại có dịp được ngồi nói chuyện với nhà thơ Võ Quê. Một con người mà trước đây tôi chỉ nghe tiếng chứ chưa bao giờ thấy người, với một con người mà có lần tôi đọc được những dòng thơ thổn thức với kí ức, với nỗi nhớ thương người bạn đời yểu số trên mạng facebook.
Tôi cũng lặng im theo dõi, chẳng biết phải nói lời gì cho nỗi đau ấy của chú nguôi ngoai. May mắn quá, như chú kể, bên cạnh chú còn nhiều lắm những người bạn, những đứa con hiếu thuận biết chia sẻ, bên cạnh chú còn có nguồn thơ chứa chan mặn nồng yêu thương như khi chú viết cho cô những ngày còn nằm trong bệnh viện:
“Thầy thuốc gieo hy vọng
Chồng em chỉ có thơ
Đôi lúc anh ngẩn ngơ
Nén lòng mà nước mắt”
Mấy dòng này, thực ra chỉ vừa đọc tối qua đây thôi. Nhưng, nghe xót lòng quá chừng quá đỗi. Thương lắm một khối tình giờ chỉ còn là hình với bóng trong căn nhà nhỏ nhiều kỉ niệm ấm cúng của cô chú. Có những lúc nhìn thấy chú đăm chiêu hơn khi nghĩ về cô. Đôi mắt chú rơm rớm khi nhắc đến cô. Vòng bánh xe của chú chạy nhanh hơn khi lướt qua những con đường từng chở cô đi.
Giọng nói chú nghẹn ngào khi đốt mấy nén nhang cho hai đứa sinh viên lạc lõng giờ mới bước chân đến gặp cô lần đầu. Tôi không quen lạy, không quen cầu nguyện, nhưng nhìn thấy nụ cười trên di ảnh, cắm vội những nén nhang muộn màng đó và chỉ muốn nói: Cuối cùng em cũng đã đến gặp cô, đã đến nhà cô, đã đến để được nhìn thấy cô gần hơn nữa. Em – là một đứa nhóc sinh viên mặc quần ngố ngày xưa lì lợm bước chân đến văn phòng khoa đó.
Chú Võ Quê, đem khoe nhiều sách lắm, nào là sách của bạn bè tặng, nào là sách con trai gửi về. Chú gần gũi và thân tình, như một người cha vậy, dẫu chỉ lần đầu gặp gỡ. Chưa thấy ai hảo sách như chú. Thường thì, người chơi sách, quý sách rất ngại cho ai đó mượn, cứ sợ làm hỏng sách, mất sách. Còn chú thì ngược lại. Thật đáng mến, cứ bảo hai đứa nhóc thích đọc sách gì thì lên nhà chú lấy về. Ngồi nói chuyện với chú thêm dăm phút để căn nhà đỡ trống vắng, chú chỉ căn phòng toàn màu hồng của cô, chỉ những cuốn tiểu bút cô đã viết. Rồi chú đưa cho chúng tôi tập bút kí cuối cùng này: “Người thân ơi! Bạn bè ơi!”…
3. Đọc tập ghi chép của cô Tiểu Kiều
Gần một năm tròn sau ngày cô rời xa cõi này. Chữ duyên giữa người với người hình như có thật trên đời. Tôi không được hội ngộ cùng cô khi cô còn tươi vui, cười nói. Nhưng, tôi đã được nhìn thấy cô qua từng trang viết, qua từng dòng chữ đau đến xót xa ấy. Tập ghi chép nhỏ nhắn có nụ cười cô trên trang bìa. Tập ghi chép ngắn ngủi, có nước mắt và cả sự tiếc nuối bởi một dòng tựa đề thôi: “Người thân ơi! Bạn bè ơi!”.
Chưa dám lật giở từng trang giấy trong đó. Tôi và cô bạn nhỏ cất lại để dành mang về nhà đọc. Cái luận văn đến hạn chót vẫn còn đang để mở. Nhưng, tập ghi chép đó cứ lùa vào trong từng suy nghĩ của riêng tôi. Không thể đợi, không thể cất lại thêm nữa. Ngày xưa, tôi đã lãng quên và bỏ qua quá nhiều cơ hội để gặp cô rồi.
Mấy dòng đầu trong tập ghi chép của cô vẫn còn là những lời tươi vui như trình tự của cuộc đời con người vậy. Nói hoài cũng thành ra quen lắm, hình như đã nghe ở đâu đó rồi, đã biết hết cả rồi những chuyện sinh tử khó có thể cưỡng lại. Chỉ cốt yếu, người ta khi được làm người, khi về với cát bụi họ đã sống ra sao, đã thực sự mãn nguyện hay chưa? Có lẽ cô cũng chưa, bởi tình yêu thương dành cho người thân và bạn bè, kể cả cuộc sống tươi đẹp thú vị này nữa. Có lẽ cô chưa, bởi còn đó những điều muốn làm thật nhiều nữa. Nhưng cũng có thể, cô sẽ hài lòng bởi tình thân của biết bao nhiêu người thương quý luôn nhớ về cô trên dương thế. Cả tình yêu và trái tim của chú Võ Quê đã dành cho cô nữa mỗi ngày mỗi giờ, mỗi lần tết lễ, chú bày biện một mâm cơm đơn sơ nhỏ mời cô. Đó là sự vĩnh cửu mà vòng tròn sinh – tử khó sắp bày, ngăn chia được. Đó là những gì còn sót lại cho cuộc đời nhiều đắng cay hơn hạnh phúc.
Tiếp tục lật giở cho đến hết cuốn ghi chép này, mới biết: năm tháng ngắn ngủi con người đấu tranh với sự sống và cái chết dằn vặt, xa xót đến chừng nào? Đọc nữa, mới biết, có một gia đình tuyệt vời biết bao, khi đấu tranh cùng nhau từng giây từng phút, giành giật lại nụ cười cho người thương yêu nhất trong nhà. Đọc nữa, mới biết trái tim cô là cả một bầu trời tràn đầy ánh nắng ấm áp, vừa rộng mở với người thân, bạn bè, với cả từng con người đến vậy. Đọc nữa, mới biết: Hình như tôi đang cố nén lại từng giọt nước mắt. Chỉ thấy cổ họng nghẹn ngào, chắp nối những điều không thể nói thành lời.
Nhớ lại, lúc rời nhà cô chú – nhìn thấy bóng dáng đó một mình tiễn hai cô sinh viên nhỏ, một mình khép cửa lặng yên. Tôi và cô bạn chỉ biết nói cùng một câu: sẽ viết điều gì đó. Đã đọc hết rồi tập ghi chép này của cô. Những người thân, những bạn bè, đồng nghiệp được cô lần lượt nhắc tên đến. Kể cả một cô bé sinh viên nào đó nữa. Tôi biết, tôi không hối hận vì tháng năm xưa chưa từng được nói chuyện với cô một lần. Chỉ là kí ức nhỏ, lắng lại. Chỉ là, sau gần một năm cô ra đi, tôi đến nhìn cô qua di ảnh nhỏ. Chỉ là,… phải chăng giữa người với người còn có một chữ “Duyên” đúng không cô? Vậy là mãn nguyện, vậy là đủ – dẫu ít ỏi. Nhưng sẽ nhớ…
Thành kính đốt nén tâm nhang này, gửi đến một người có bút danh Tiểu Kiều đang sống mãi trong lòng của tất cả tình thân yêu như tiếng gọi muôn đời còn đó của cô: “Người thân ơi! Bạn bè ơi!“
CHÍP TRẦN
Nguồn: http://chiptran.com/?p=3080#comment-3291