HUẾ: Làm đẹp thành phố, hay làm quảng cáo cho doanh nghiệp? - Đang Hậu - Trà My
- Details
- Category: Báo chí
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 3623
Tên một sản phẩm bia ngập tràn trong lòng Cố đô trong khi tác hại của bia rượu thì ai cũng thấy rõ.
(PL+) - Phản cảm, khó chịu, khó hiểu... là những điều còn tồn tại gây bức xúc cho người dân và du khách đến Huế trong các dự án làm đẹp thành phố.
Thời gian qua trên đường Lê Lợi - tuyến đường trung tâm của thành phố Huế xuất hiện “chình ình” các quảng cáo cho nhãn hiệu bia, biến nơi này thành nơi mang thương hiệu Huda Huế, gây phản cảm đến văn hóa Cố đô?.
Cố đô Huế mang trong mình di sản văn hóa độc đáo với một quần thể kiến trúc, con người và những nét văn hóa ấn tượng, đặc trưng hấp dẫn của văn hóa phi vật thể Huế.
Thế nhưng giờ đây người dân cố đô, du khách thập phương trong và ngoài nước đến trung tâm thành phố Huế không khỏi ngỡ ngàng khi bắt gặp những hình ảnh “chình ình” của các quảng cáo “nhuộm màu xanh Huda” thay vì quảng bá, gìn giữ nét văn hóa cố đô như hình ảnh của các câu khẩu hiệu, cầu Trường Tiền, chiếc nón lá hay áo dài tím rất Huế…
“Con đường bia?”
Lê Lợi là con đường trung tâm của thành phố Huế, trải dài từ Đập Đá đến Ga Huế. Con đường đi qua nhiều công sở, trường học và nhiều địa điểm sinh hoạt văn hóa, vui chơi, giải trí của người dân Huế lẫn du khách trong và ngoài nước.
Đây là tuyến đường tọa lạc của nhiều khách sạn sang trọng cùng nhiều tòa nhà có kiến trúc độc đáo trong thành phố. Một bên đường giáp với dòng sông Hương thơ mộng, cạnh đó là công viên trải dài với những vườn hoa, cây cảnh, thảm cỏ. Nơi đây từng là nơi dừng chân của biết bao thi nhân mặc khách mỗi lần đến Huế, níu giữ tâm hồn của những người con xa Huế.
Trước đây, có một thời người ta ưu ái đặt cho nó một cái tên đầy hoa mỹ “con đường đẹp nhất thành phố”. Và con đường đẹp nhất ấy đã góp phần làm nên điểm nhấn trong văn hóa Huế xưa nhưng có lẽ chỉ mãi là “kí ức đẹp” của những ai yêu Huế.
Ngày nay với vị trí đắc địa này, Lê Lợi trở thành tuyến đường “tập kết” của những biển quảng cáo, nhất là các cổng chào quảng cáo “chình ình” bia Huda.
Dọc đường Lê Lợi (từ cầu Trường Tiền cho đến cầu Phú Xuân) chỉ toàn bắt gặp những chiếc cổng chào lộng lẫy ánh đèn khắc tên Huda, những cột đèn trang trí nhấp nháy hai bên đường được lồng ghép tên thương hiệu bia này. Chỉ một đoạn đường ngắn mà có đến 5 cổng chào quảng cáo Huda.
Ảnh: Con đường bia "Huda".
Tôi yêu Huế hay Tôi yêu Huda?
Đó là câu hỏi băn khoăn của không chỉ rất nhiều người dân thành phố Huế mà cả du khách thập phương. Từ bao giờ “Huda” đã gắn bó với hình ảnh của Huế. Cụ thể, công trình “Tôi yêu Huế” chữ yêu được cách điệu bằng trái tim.
Tuy nhiên trong trái tim là logo "to tướng" có chữ Huda. Công trình tọa lạc tọa lạc tại công viên 3/2, cạnh cầu Trường Tiền, nằm đối diện với trường ĐHSP Huế và ở vị trí trung tâm của thành phố.
Là một doanh nghiệp lớn đóng trên địa bàn, nhiều năm qua, công ty Bia Huế với nhãn hàng bia Huda đã có nhiều hoạt động xã hội thiết thực, ý nghĩa được người dân ghi nhận. Nhưng với việc xây dựng công trình kể trên đã gây sự khó hiểu cho người nhìn, phản cảm đối với việc quảng bá, giữ gìn văn hóa cố đô.
Việc đặt logo của một thương hiệu bia vào ngay vị trí “ trung tâm” của hình trái tim đỏ cách điệu đã khiến cho nhiều người lầm tưởng đây là công trình “Tôi yêu Huda Huế” chứ không còn là “Tôi yêu Huế” nữa.
Trao đổi về vấn đề này, nhà thơ Võ Quê - Cựu Chủ tịch Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế, nhận định: “Thành phố Huế là một thành phố văn hóa, đáng lẽ phải ca ngợi những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, vấn đề giáo dục, vấn đề truyền thống.
Nhưng đây lại là quảng cáo chuyện ăn nhậu như một điểm nhấn. Vô hình chung tạo một dư luận không tốt. Môi trường văn hóa, môi trường giáo dục lại được quảng cáo bằng bia rượu, nhưng mà vì chạy theo lợi nhuận người ta quên mất những giá trị văn hóa đó.
Giả dụ như cứ để trái tim Huế như vậy và ở dưới có chú thích công trình này do Huda tài trợ thì nó hợp lý hơn. Và chắc chắn du khách sẽ đến để chụp hình. Còn bây giờ chỗ đó không ai chụp hình cả bởi vì người ta không muốn gián tiếp quảng cáo cho bia Huda, quảng cáo cho chuyện ăn nhậu”.
Các băng rôn, pano, áp phích tuyên truyền, cổ động vào các dịp lễ trọng đại của đất nước, các sự kiện văn hóa lớn của địa phương, treo dọc các tuyến đường phố được các doanh nghiệp, công ty tài trợ kinh phí làm là không hiếm.
Điều này phải được trân trọng và ghi nhận. Tuy nhiên, phần lớn các băng rôn, pano, áp phích này chỉ in logo của đơn vị tài trợ với kích thước rất khiêm tốn chứ không đặt vào vị trí “tiêu điểm” như các công trình của “Huda” tài trợ.
Với một công trình có sức ảnh hưởng và lan tỏa lớn như công trình “Tôi yêu Huế” hay các cổng chào trang trí mang thương hiệu Huda trên đây thì việc đặt vị trí quảng cáo cho doanh nghiệp liệu có thực sự phù hợp?
Các dự án làm đẹp thành phố là điều mà mọi người dân TP Huế rất hoan nghênh và ủng hộ. Tuy nhiên cách thức làm như trên thì thực sự còn rất nhiều vấn đề để bàn bạc lại.
Làm sao để vừa hội nhập với nền kinh tế chung nhưng lại vừa bảo tồn được các giá trị văn hóa vốn có của cố đô, là câu hỏi lớn không chỉ của các cấp lãnh đạo mà của cả các doanh nghiệp đóng trên địa bàn cần phải đặt ra.
Theo họa sĩ Đinh Khắc Thịnh (nổi tiếng với các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt ở Huế): “Với những thành phố văn hóa như Huế phải nhanh chóng có một hội đồng nghệ thuật đúng tầm để giải quyết được mọi vấn đề đó, chứ không chỉ giao cho một nhóm người mà trình độ chuyên môn không có”.
Thiết nghĩ các cấp, ban ngành cần có những giải pháp dài hạn, an toàn và hữu hiệu để dung hòa hai vấn đề trên thì sẽ tạo được cơ sở vững chắc cho sự phát triển của thành phố “di sản”.
Đăng Hậu - Mỹ Phúc
Nguồn: http://www.phapluatplus.vn/hue-lam-dep-thanh-pho-hay-lam-quang-cao-cho-doanh-nghiep-d45494.html