HỘI LIÊN HIỆP VĂN HỌC NGHỆ THUẬT THỪA THIÊN HUẾ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
- Details
- Category: Báo chí
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 8216
HỘI LIÊN HIỆP VĂN HỌC NGHỆ THUẬT THỪA THIÊN HUẾ
HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Thừa Thiên Huế đã là nơi hội tụ gặp gỡ, giao lưu của nhiều văn nhân, thi sĩ thuộc nhiều thế hệ.Với dòng thơ văn yêu nước thì có Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Tố Hữu ... với dòng thơ văn lãng mạn thì xuất hiện nhiều tên tuổi như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Xuân Sanh, Bích Khê, Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính, Nam Trân, Nguyễn Đình Thư, Phạm Hầu, Phan Văn Dật, Tế Hanh, Thanh Tịnh, Thế Lữ, Thúc Tề, Trần Huyền Trân, Văn Cao, Xuân Tâm ... Họ là những người được sinh trưởng ở Thừa Thiên Huế hoặc là những người từ nhiều miền đất khác nhau đến với Huế để làm việc, học hành hoặc chỉ để tham quan du lịch, gặp gỡ giao du với bạn bè văn chương, tri âm, tri kỷ.
Nhiều tác phẩm văn học viết về Huế của thời kỳ này đã được tạp chí Sông Hương tập hợp để xuất bản năm 1987 với tiêu đề “Bài thơ Thôn Vĩ “(thơ viết về Huế trước 1945). Huế đã trở thành nguồn sáng tạo của thơ ca, âm nhạc cho nhiều thế hệ như Văn cao đã khái quát :”...Huế là một nguồn sáng tạo của tôi trong những năm 40. Thơ và nhạc là điều tôi tìm nguồn từ ấy. Có lẽ lịch sử và cảnh vật của cố đô có những điều gây cảm xúc cho sáng tác. Đối với nơi đó người ta phải suy nghĩ nhiều không vì lịch sử mà về một nền văn hóa. Những người Huế sống tự hào và đầy sáng tạo. Có lẽ sự sáng tạo của người dân Huế tôi làm được âm nhạc và thơ..” (Trích đoạn viết ngắn ngày 2.10.1986 của Văn Cao, tập Bài thơ Thôn Vỹ Sông Hương xuất bản 1987).
Tên tuổi của Hải Triều (bút danh của Nguyễn Khoa Văn) với hai cuộc bút chiến nổi tiếng “Duy tâm hay duy vật” và “Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị dân sinh” (1933-1939), tên tuổi của nhà thơ Tố Hữu với những bài thơ cách mạng nổi tiếng trong những năm 30, 40 được tập hợp in trong tập Thơ Tố Hữu do Hội Văn Hóa cứu quốc xuất bản năm 1946; dòng văn học dân gian, thơ ca hò vè trên mảnh đất TT-Huế thể hiện lòng yêu nước, đấu tranh chống Pháp xâm lược đã mở ra các hoạt động văn học nghệ thuật cách mạng trong những ngày đầu thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam; đại bộ phận trí thức, thanh niên, học sinh đã được ảnh hưởng nhiều của dòng thơ văn yêu nước, cách mạng của nhà thơ Tố Hữu mà lên đường tham gia vào các phong trào chống thực dân Pháp, phát xít Nhật.
Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, TT-Huế là vùng bị tạm chiếm, nhưng “xôi đỗ”, xen giữa các đồn bốt địch là những tiểu vùng tự do. Văn nghệ sĩ trong thời điểm này tùy theo tình hình diễn biến của chiến trường mà hoạt động, phục vụ. Công tác thông tin tuyên truyền, văn nghệ trở thành một nhu cầu cần thiết của quần chúng công nông binh mỗi khi có sinh hoạt tập thể, hội họp, mít-ting ... Các bộ môn như kịch, nhạc, tấu vè ... vì thế mà phát triển rầm rộ. Tờ báo “Giết giặc” của TT-Huế, tờ báo “Vệ Quốc Quân” của Liên khu IV bao giờ cũng có đăng các bài ghi chép, phóng sự chiến tranh, thơ, ca dao, hò, vè, tấu, nhạc ... TT-Huế đã có một đội ngũ văn nghệ sĩ tương đối nhiều như ở các cơ quan thông tin, tuyên truyền tỉnh, huyện, thị xã có : Phan Nhân, Hoàng Tuấn Nhã, Trịnh Xuân An, Hoàng Liên, Thái Quang Ngoạn, Lê Trọng Sâm, Trần Xuân Dục ... ở các đoàn văn công có : Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Hồng, Ngọc Lan, Mặc Hy, Vĩnh Cường ... ở đơn vị bộ đội có Hồ Vi, Phùng Quán, Văn Tôn (tức Hải Bằng), Viễn Tín, Trần Công Tấn, Nguyễn Ngọc Liễn ... Những tác phẩm ra đời trong giai đoạn này khá phong phú, phần nhiều sáng tác ngay tại chỗ, phục vụ tại chỗ. Những tác phẩm của nhà văn Bùi Hiển viết về TT-Huế như : ”Đánh trận giặc lúa” (1951), “Ánh mắt” (1957), hoặc về sau này như “Gặp gỡ”, “Một chuyện trong chiến tranh” ... cũng được giới văn nghệ sĩ TT-Huế lúc bấy giờ coi như là những sản phẩm văn học của địa phương mình. Nhiều tác phẩm còn có sức sống lâu bền hơn nữa như “Bình Trị Thiên khói lửa” của Nguyễn Văn Thương, “Lời quê” của Hồ Vi, “Trận Thanh Hương” của Nguyễn Khắc Thứ, “Trăm năm rừng cũ” của Hải Bằng v.v...
Tháng 8.1949, đoàn cán bộ ở Sở Tuyên truyền Liên khu IV đã được cử vào TT-Huế công tác giúp TT-Huế xây dựng phong trào văn nghệ, tuyên truyền các chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước về cuộc kháng chiến chống Pháp. Đoàn gồm có nhà văn Bùi Hiển, các văn nghệ sĩ Phan Nhân, Nguyễn Hồng, Mặc Hy, Nguyễn Văn Thương, Trịnh Xuân An, Hồng Liên, Hoàng Trấn Nhã, Hồng Chương, Đình Quang, Nguyễn Khắc Thứ, Chế Lan Viên, Dương Tường, Lương An, Minh Châu, Tấn Hoài, Hoàng Tài, Phan Giá, Minh Lương, Xuân Hoàng, Nguyễn Văn Dinh, Hoàng Liên ...Tháng 10.1950, tại làng Mỹ Lợi, huyện Phú Lộc đã diễn ra cuộc “Họp bạn” văn nghệ toàn tỉnh TT-Huế, đánh dấu sự ra mắt của Phân Hội Văn Nghệ TT-Huế. Lúc đầu dự kiến khoảng 150 người về dự, nhưng vì bị địch càn nên số văn nghệ sĩ phía bắc TT-Huế không vào dự được, hội nghị chỉ còn 50 người. Trong cuộc “Họp Bạn” có trình diễn các tiết mục văn nghệ, diễn vở “Nhật Xuất” của Tào Ngu. Hội nghị đã tranh luận, trao đổi về thơ văn, nhạc, kịch, trao giải thưởng cho những tiết mục xuất sắc. Hội nghị đã tổng kết đánh giá và bầu Ban Chấp Hành Phân Hội Văn Nghệ TT-Huế. Nhà văn Trịnh Xuân An được cử làm Phân Hội trưởng.
- Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, giới văn nghệ sĩ TT-Huế đã có nhiều cống hiến to lớn và sự nghiệp chung của đất nước. Nhiều văn nghệ sĩ đã dấn thân trên nhiều lĩnh vực để từ đó có nhiều tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật có giá trị về nội dung tư tưởng phục vụ công cuộc chống Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Trong thời gian này lực lượng văn nghệ sĩ vùng tạm chiếm (thành phố Huế) đã hình thành nhiều tổ chức nhằm tập hợp đội ngũ sáng tác văn học nghệ thuật với nội dung yêu nước, đấu tranh đòi hòa bình, thống nhất tổ quốc như nhóm “Việt Nam, Việt Nam”, nhóm “Việt”, “Mặt Trận Văn Hóa Dân Tộc Miền Trung”, “Hội Sinh Viên Sáng Tác Huế” ... Một số sách báo có nội dung đấu tranh chống Mỹ cũng xuất hiện rất phong phú trong các phong trào yêu nước tại thành phố Huế.Các ấn phẩm văn nghệ của Tổng Hội Sinh viên Huế được xuất bản như : “Tủ sách đồng bào”, tập thơ “Ngày quật khởi”, “Nguồn mạch mới”, tập ca khúc “Tiếng ca giữ nước” và các tác phẩm họa, thơ, nhạc được đăng tải trên các báo chí yêu nước cũng góp phần vào cuộc chiến đấu chung trên mặt trận văn học nghệ thuật. Một số văn nghệ sĩ thành phố đã hy sinh như Trần Quang Long, Lê Minh Trường, Ngô Kha ... thể hiện khí phách của giới văn nghệ sĩ TT-Huế trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước. Qua phong trào văn nghệ đấu tranh chống Mỹ ở Huế, nhiều tác giả đã trưởng thành như Bửu Chỉ, Thái Ngọc San, Lê Nhược Thủy, Trần Phá Nhạc, Võ Quê, Nguyễn Phú Yên, Nguyễn Đông Nhật, Lê Gành, Trần Đình Sơn Cước, Nguyễn Hoàng Thọ ...
Cùng thời điểm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, do nhu cầu phát triển của phong trào, tại chiến khu TT-Huế đã tiến hành tổ chức thành công Đại hội Văn nghệ TT-Huế.
Đại hội thành lập Hội Văn Nghệ Thừa Thiên Huế, tổ chức vào năm 1970, tại chiến khu TT-Huế. Ban chấp hành Hội gồm 7 người, do Tống Hoàng Nguyên, Chủ tịch Hội. Đại hội đã qui tụ lực lượng văn nghệ sĩ nong cốt từ các đơn vị chiến đấu của chiến trường TT-Huế gồm : phóng viên, biên tập viên của tờ Cờ giải phóng, Cứu lấy quê hương : Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngô Kha, Lê Khánh Thông, Nguyễn Đắc Xuân, Nghiêm Sĩ Thái, Văn Thái, Trần Thân Mỹ, Nguyễn Quang Hà, Tống Hoàng Nguyên, Doãn Yến, Nguyễn Kim Cúc, Trần Nguyên Vấn, Quế Lâm, Trần Phá Nhạc, Nguyễn Khoa Điềm ...Thời gian này giới văn nghệ sĩ TT-Huế đã xuất bản các tập thơ : Bài ca quê hương; Huế một mùa xuân; Những ngày giữ đất; Cửa thép, bút ký của Nguyễn Khoa Điềm; Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu, bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường; Dòng sông phẳng lặng, tiểu thuyết Tô Nhuận Vỹ; Người Sông Hương, truyện ngắn Tô Nhuận Vỹ; các tập thơ của Thanh Hải; các ca khúc của nhạc sĩ Trần Hoàn, Hồ Thuận An ...Xuất bản 2 số “ Văn nghệ giải phóng".
Ngày 26/3/1975 Huế được giải phóng, tiếp quản cơ sở 26 Lê Lợi Huế làm trụ sở của Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế. Nhà thơ Thanh Hải làm thủ trưởng cơ quan Hội. Thời kỳ này Hội tập trung vào việc tập hợp đội ngũ văn nghệ sĩ từ chiến khu TT-Huế về, từ miền Bắc vào và lực lượng tại chỗ : Thanh Hải, Trần Hoàn, Nguyễn Khoa Điềm, Tống Hoàng Nguyên, Nguyễn Quang Hà, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Đắc Xuân, Hà Khánh Linh, Nguyễn Tuyến Trung, Ngô Kha, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Vàng Sao, Nguyễn Hữu Ngô, Trần Công Tấn, Quế Lâm, Trần Thanh Lâm, Trần Phá Nhạc, Lê Khánh Thông, Nghiêm Sĩ Thái, Phạm Đăng Trí, Trịnh Công Sơn, Bửu Ý, Bửu Chỉ, Vĩnh Phối, Đỗ Kỳ Hoàng, Đinh Cường, Tần Hoài Dạ Vũ, Lê Khắc Cầm, Hoàng Đăng Nhuận, Thái Ngọc San, Nguyễn Đông Nhật, Ngụy Ngữ, Lê Văn Ngăn, Lê Gành, Đặng Mậu Tựu, Võ Quê, Trần Đình Sơn Cước ...
Năm 1976 hợp nhất 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế thành tỉnh Bình Trị Thiên. Nhạc sĩ Trần Hoàn, Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Trị Thiên làm Trưởng ban chỉ đạo hợp nhất lực lượng văn nghệ sĩ Bình Trị Thiên.
Ban Vận động thành lập Hội do Nhà thơ Thanh Hải làm Trưởng ban, Nhà thơ Xuân Hoàng, Nhà thơ Lương An làm Phó trưởng ban. Hoạt động của Hội trong giai đoạn này tập trung vào việc tập hợp đội ngũ hội viên của ba tỉnh, xây dựng chương trình hoạt động chuẩn bị Đại Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên lần thứ I.
Đại Hội Văn Nghệ Bình Trị Thiên lần thứ I, tổ chức vào các ngày 3,4,5/7 /1978, tại thành phố Huế. Hội có 285 hội viên (trong đó có 68 hội viên trung ương). Chủ tịch Hội : Nhạc sĩ Trần Hoàn; các phó chủ tịch : Nhà thơ Thanh Hải, Nhà thơ Xuân Hoàng, Nhà thơ Lương An...Nhiệm kỳ này Hội đã xuất bản 20 tác phẩm văn học; Thơ in trên tạp chí Bình Trị Thiên : 359 bài; Văn xuôi in trên tạp chí Bình Trị Thiên trên 100 tác phẩm; Năm 1978 : Thành lập Phân hội Mỹ thuật, Phân hội Nhiếp ảnh Bình Trị Thiên; 71 hội viên được trao tặng giải thưởng văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên lần thứ I; Nhà thơ Thanh Hải được truy tặng giải đặc biệt; Tháng 6.1983 Tạp chí Sông Hương ra số đầu tiên do nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm làm Tổng biên tập.
Đại Hội Văn Nghệ Bình Trị Thiên lần thứ II, tổ vào các ngày 1,2,3/8/1983, tại thành phố Huế. Ban Chấp Hành 23 người. Ban Thường vụ 11 người. Chủ tịch Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm kiêm Tổng thư ký, kiêm TBT Tạp chí Sông Hương. Các Phó chủ tịch : Nhà thơ Xuân Hoàng, Đạo diễn Xuân Đàm, Nhà Văn Tô Nhuận Vỹ, Họa sĩ Vũ Trung Lương. Các Phó tổng thư ký : Ông Phan Văn Khuyến, Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Các Ủy viên thư ký : Ông Minh Hằng, Nhạc sĩ Trần Hữu Pháp, Họa sĩ Bửu Chỉ, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Sĩ Sô.
Tháng 4.1986 nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên, Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương, chuyển công tác. Nhà thơ Nguyễn Xuân Hoàng giữ chức vụ quyền Chủ tịch, nhà văn Tô Nhuận Vỹ, Phó chủ tịch Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên kiêm chức TBT Tạp chí Sông Hương.
Ban Chấp Hành đã thành lập Chi hội Nhà văn Bình Trị Thiên (20.11.1984); tổ chức Hội Nghị thơ văn yêu nước của tuổi trẻ trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước(25.3.1985); Thành lập Hội Văn học nghệ thuật thành phố Huế (1987); Chi hội Kiến trúc Việt Nam tại TT-Huế gia nhập làm thành viên của Hội (1987); Thành lập Tủ sách Sông Hương (12.1986); Tạp chí Sông Hương kết nghĩa với tạp chí Nhê-man (Biêloruxia). Trên 40 văn nghệ sĩ TT-Huế nhận giải thưởng Bông Sen Trắng. (Quyết định tổ chức giải thưởng Bông Sen Trắng số 1280-QĐ/UB ngày 2.11.1987).Đại Hội Văn Nghệ Bình Trị Thiên lần thứ III, tổ chức năm 1988, tại số 3 Lê Lợi, Huế. Nhà văn Tô Nhuận Vỹ làm Tổng thư ký, Nhà văn Nguyễn Quang Lập, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Sĩ Sô làm Phó Tổng thư ký. Nhiệm kỳ này chỉ hoạt động một năm thì chia tỉnh Bình Trị Thiên.
Ngày 15.7.1989 Thường vụ Tỉnh ủy TT-Huế đã ra quyết định số 18 QĐ-TV về việc thành lập Hội Văn học nghệ thuật TT-Huế trên cơ sở số hội viên văn nghệ sĩ Bình Trị Thiên sau khi chia tỉnh còn công tác, sinh sống tại TT-Huế (270 hội viên trong đó có 70 hội viên các chuyên ngành TW); sáp nhập Hội Văn Học nghệ thuật Thành phố Huế và cử Ban Chấp Hành Hội Văn học nghệ thuật TT-Huế lâm thời gồm 17 thành viên. (Quyết định ngày 20.7.1989).
Ban Thư ký Hội : Tổng thư ký Nhà văn Tô Nhuận Vỹ, Phó tổng thư ký Nhà văn Hồng Nhu. Các Ủy viên thư ký : Họa sĩ Bửu Chỉ, Nhà văn Trần Thùy Mai, Nhà thơ Võ Quê.Giai đoạn này Hội tập trung thống kê lại danh sách hội viên; xây dựng chương trình hoạt động chuẩn bị tổ chức Đại hội Văn học nghệ thuật TT-Huế đầu tiên sau khi tách tỉnh.
Đại Hội Văn Học Nghệ Thuật Thừa Thiên Huế (nhiệm kỳ 1990-1994), tổ chức vào tháng 12.1990, tại số 3 Lê Lợi, Huế. Hội có 283 hội viên (trong đó có 96 hội viên các Hội chuyên ngành trung ương). Ban Chấp Hành Hội gồm 11 người. Ban Thường trực Hội : Nhà văn Tô Nhuận Vỹ, Tổng thư ký; Nhà văn Hồng Nhu, Phó Tổng thư ký kiêm TBT Tạp chí Sông Hương; Họa sĩ Bửu Chỉ, Ủy viênTrong nhiệm kỳ này Hội tham gia vận động, sáng lập viên Nhà trưng bày nghệ thuật điêu khắc Điềm Phùng Thị (1993).
- Giới nghệ sĩ Nhiếp ảnh nhận được 30 giải thưởng khu vực, toàn quốc, quốc tế.
- Trên 40 hội viên cống bố công trình, tác phẩm văn học nghệ thuật : Hồng Nhu, Nguyễn Quang Hà, Tô Nhuận Vỹ, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Khắc Thạch, Hải Bằng, Ngô Minh, Lê Thị Mây, Hà Khánh Linh, Lê Xuân Việt, Hồ Thế Hà, Võ Quê, Nguyễn Khắc Phê, Việt Đức, Lê Anh, Mai Xuân Hòa, Vĩnh Phúc, Dương Bích Hà, Trần Hữu Pháp, Khắc Yên, Đỗ Kỳ Hoàng, Hà Văn Chước, Bửu Chỉ, Hoàng Đăng Nhuận, Lê Quí Long, Trương Bé, Dương Đình Sang, Đặng Mậu Tựu, Văn Lang, Thái Hùng, Ngọc Tranh, La Cẩm Vân, Hồ Ngọc Ánh, Minh Hằng, Nguyễn Tuyến Trung, Nguyễn Văn Vinh, Đặng Việt Hùng, Lê Quang Hoàng, Lê Đình Liên, Nguyễn Khoa Quả, Phạm Bá Thịnh,Tôn Thất Bình, Triều Nguyên, Nguyễn Thế Truyền, Phùng Phu.
- Tổ chức kỷ niệm 10 năm Tạp chí Sông Hương (6.1983 - 6.1993)
- Tổ chức đoàn ca Huế giao lưu tại Thái Bình, Quảng Ninh (1993)
- Tham mưu UBND tỉnh thành lập Hội Đồng Nghệ Thuật Tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức giải VHNT Cố Đô 5 năm /lần (lần thứ I); đã có 40 hội viên nhận giải thưởng Văn học nghệ thuật Cố đô lần thứ I (Quyết định số 612/QĐ-UB ngày 16.6.1993)
Đại Hội Văn Học Nghệ Thuật Thừa Thiên Huế lần thứ VII (nhiệm kỳ 1994-1997)
Căn cứ vào quá trình hình thành và phát triển tổ chức Hội từ năm 1950; thể theo nguyện vọng của hội viên, Ban chấp hành Hội VHNT TT-Huế nhiệm kỳ 1990-1994 đã kiến nghị Tỉnh ủy, UBND TT-Huế tổ chức đại hội nhiệm kỳ 1994-1997 với tên gọi là Đại Hội VHNT TT-Huế lần thứ VII. (lần I tính từ 1950).
Tổng số hội viên đến cuối nhiệm kỳ : 288 (trong đó có 111 hội viên các Hội chuyên ngành Trung ương)
- Cơ cấu tổ chức : gồm 7 Phân hội chuyên ngành với Ban Chấp Hành các Phân Chi hội : Văn học, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Sân khấu, Âm nhạc, Kiến trúc, Văn nghệ dân gian
- Ban Chấp Hành : 16 người, Ban Thường vụ : 5 người, Chủ tịch Nhà văn Tô Nhuận Vỹ. Các Phó chủ tịch : Nhà thơ Võ Quê, Nhà văn Nguyễn Khắc Phê. Các ủy viên thường vụ : Nhà văn Hồng Nhu, Họa sĩ Đỗ Kỳ Hoàng.
Trong nhiệm kỳ này Hội đã phối hợp với các Hội chuyên ngành trung ương thành lập Chi hội Nhạc sĩ VN tại TT-Huế, thành lập Chi hội Mỹ thuật VN tại TT-Huế; Chi Hội Văn nghệ dân gian VN tại TT-Huế đề nghị làm thành viên của Hội Văn học nghệ thuật TT- Huế.Hội tổ chức khai trương Gallery tại trụ sở Hội (26 Lê Lợi, Huế); 50 hội viên nhận giải thưởng VHNT của Liên hiệp các Hội VHNT VN, các Hội chuyên ngành TW và quốc tế; Đã xuất bản 40 tác phẩm văn học (thơ, bút ký, truyện ngắn, tiểu thuyết, nghiên cứu, phê bình); Tổ chức 48 cuộc triển lãm (mỹ thuật : 33; Nhiếp ảnh : 15); Tổ chức 2 trại sáng tác cho tài năng trẻ tại Lăng Cô, Cảnh Dương; Phối hợp với một số ngành hữu quan tổ chức 6 cuộc thi hoặc vận động sáng tác VHNT; Đặc biệt trên 40 hội viên được đi trao đổi văn hóa với nhiều nước; Hội đã đón tiếp và làm việc với 31 đoàn văn nghệ sĩ, nhà văn hóa, nhà ngoại giao đến thăm và làm việc với Hội : Trung Quốc, Nhật, Mỹ, Pháp, Israel, Thụy Điển, Anh, Australia (1994 : 17 đoàn; 1995 : 6 đoàn; 1996 : 8 đoàn); Hội tổ chức 2 đoàn Ca Huế, dân ca dự Festival âm nhạc truyền thống tại Mỹ (1995); Festival Dân ca dân nhạc Châu Á tại Hồng Kông (10.1996); Thực hiện 7 công trình tập thể : (2 tập thơ văn thiếu nhi (Hoa ngũ sắc, Con ốc biển), 2 tập tổng hợp (văn nghệ dân gian); 20 ca khúc hay về Huế; 20 truyện ngắn hay của 20 cây bút trẻ TT-Huế; Hai thập kỷ thơ Huế.
Đại Hội Văn Học Nghệ Thuật Thừa Thiên Huế lần thứ VIII (nhiệm kỳ 1997-2000), tổ chức vào ngày 6,7/6/1997, tại số 3 Lê Lợi, Huế. Tổng số hội viên đến cuối nhiệm kỳ : 308 người, sinh hoạt trong 7 Phân hội chuyên ngành : Văn học, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Sân Khấu, Âm nhạc, Kiến trúc, Văn nghệ dân gian. Ban Chấp Hành 17 người. Ban Thường Vụ 5 người, Chủ tịch Nhà thơ Võ Quê, Phó chủ tịch Nhà văn Nguyễn Quang Hà kiêm TBT Tạp chí Sông Hương. Các ủy viên : Họa sĩ Đặng Mậu Tựu, Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Xuân Hoa.- Trong thời gian 1997 - 2000: Hội đã có những kết quả sau : đã xuất bản 63 tác phẩm văn học, 14 tác phẩm văn hóa, văn nghệ dân gian. 3 tác phẩm âm nhạc (ca khúc, nghiên cứu sưu tầm).
- 34 hội viên được tặng Huy chương “Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam” của UBTQLHCHVHNT Việt Nam.
- Phân hội Văn học được chọn là đơn vị “Người tốt việc tốt“ năm 1999 của Tỉnh; Một số hộiviên được danh hiệu “Người tốt việc tốt”.
- 41 hội viên được nhận Giải thưởng Văn học nghệ thuật Cố đô lần II : Văn học : Hồng Nhu, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Ngô Minh, Trần Thùy Mai, Lê Xuân Việt, Hồ Thế Hà, Phan Thuận An, Nguyễn Phước Hải Trung, Phạm Đức Thành Dũng, Phan Thanh Hải, Hoàng Dạ Thi, Dương Phước Thu, Nguyễn Khắc Phê, Đỗ Văn Khoái, Hồ Thế Hà, Phạm Nguyên Tường; Mỹ thuật : Trương Bé, Lê Ngọc Tường, Ngô Tâm, Phạm Văn Lập, Nguyễn Khắc Công; Nhiếp ảnh : Lê Quang Hoàng, Phạm Văn Tý, Hồ Ngọc Sơn, Việt Hùng, Phạm Bá Thịnh; Sân khấu : Hoàng Minh Hằng, Ngọc Tranh, La Cẩm Vân, Bạch Hạc, La Nguyên, La Thanh Hùng, Lan Phương, Đình Dũng, Kiều Oanh, Thu Hằng, Hiền Lương; Kiến trúc : Nguyễn Quốc Bảo; Văn nghệ dân gian : Dương Bích Hà, Tôn Thất Bình, Trần Đại Vinh, Triều Nguyên, Lê Nguyễn Lưu.
- 16 tác hội viên được nhận giải thưởng các Hội chuyên ngành Trung ương : Văn học : Lâm Thị Mỹ Dạ, Hồ Thế Hà, Nguyễn Quang Hà; Kiến trúc : Nguyễn Thúc Hoàng, Châu Thị Khánh Mai, Nguyễn Quốc Bảo; Văn nghệ dân gian : Nguyễn Tú, Triều Nguyên, Phan Thị Đào, Tôn Thất Bình, Huỳnh Đình Kết, Võ Quê, Trần Thùy Mai, Trần Hoàng, Lê Văn Thuyên, Mai Khắc Ứng.
- Hội viên Nhiếp ảnh đã nhận 90 giải thưởng địa phương, khu vực, quốc gia và 10 giải thưởng quốc tế về nghệ thuật Nhiếp ảnh.
- Hội tổ chức một đoàn ca Huế dự Festival Âm nhạc dân tộc Châu Á tại Đài Loan (1998)
- Dàn dựng, biểu diễn : 19 chương trình (9 sân khấu, 10 âm nhạc)
- Tổ chức 41 cuộc triển lãm (32 mỹ thuật, 8 nhiếp ảnh, 1 kiến trúc)
- 21 hội viên được tặng thưởng hằng năm của Hội LHVHNT TT-Huế.
- Hội đã tổ chức 4 trại sáng (3 trại sáng tác văn học, 1 trại sáng tác âm nhạc)
- Tham gia phối hợp tổ chức Trại điêu khắc Quốc tế “Ấn tượng Việt Nam-Huế lần thứ II (1998)
- Hội đã làm thủ tục giới thiệu cho hội viên các Hội chuyên ngành tham dự triển lãm, biểu diễn, hội nghị chuyên đề ở các nước Mỹ, Pháp, Thụy Sĩ, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Thái Lan ...
- Phối hợp Hội Nhà Văn Việt Nam thành lập Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Thừa Thiên Huế; phối hợp Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam thành lập Chi hội Múa Việt Nam tại Thừa Thiên Huế.
Đại Hội Văn Học Nghệ Thuật Thừa Thiên Huế lần thứ IX (nhiệm kỳ 2000-2005), tổ chức vào ngày18,19/8/2000, tại số 3 Lê Lợi, Huế. Tổng số hội viên đến ngày 30/01/2005 là 432 người (trong đó có 188 hội viên các Hội chuyên ngành trung ương). Đại Hội đã nhất trí với tên gọi mới : Hội Liên Hiệp Văn Học Nghệ Thuật Thừa Thiên Huế.
Về cơ cấu tổ chức : Đại hội đã đồng thuận nâng các Phân, Chi hội thành Hội với 8 Hội chuyên ngành : Hội Nhà Văn, Hội Mỹ Thuật, Hội Âm Nhạc, Hội Nhiếp Ảnh, Hội Kiến Trúc, Hội Nghệ Sĩ Múa, Hội Sân Khấu, Hội Văn Nghệ Dân Gian.
Ban Chấp Hành gồm 18 người. Ban Thường Vụ : Chủ tịch Nhà thơ Võ Quê; Các Phó chủ tịch : Nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch kiêm Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương, Họa sĩ Đặng Mậu Tựu; Các Ủy viên : Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Xuân Hoa.Trong nhiệm kỳ này Hội được tặng Huy chương "Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam", "Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam", Huy chương "Vì sự nghiệp Nhiếp ảnh Việt Nam", Bằng khen Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Văn Hóa Thông tin, của các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành ở Trung ương, của UB Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em Việt Nam, của UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế.
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường được tặng Huân chương Độc Lập hạng Ba
Nhiều hội viên nhận Huy chương các loại : Huy chương "Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam", Huy chương "Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam", Huy chương "Vì sự nghiệp Nhiếp Ảnh Việt Nam", Huy chương "Chiến sĩ văn hóa", Huy chương "Vì sự nghiệp văn hóa", Huy chương "Vì sự nghiệp Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em Việt Nam", Huy chương "Vì sự nghiệp Múa Việt Nam", Huy chương "Vì sự nghiệp Âm Nhạc Việt Nam", Huy chương "Vì sự nghiệp Công đoàn".
- 5 danh hiệu Nghệ nhân dân gian Việt Nam : Trần Kích, Nguyễn Văn Bê, Lê Văn Kinh, Nguyễn Văn Sính, Lê Tuý.
-12 Nghệ sĩ ưu tú (Mộng Điệp, Mạnh Cẩm, La Cháu, Châu Dinh, La Cẩm Vân, Ngọc Bình, Khánh Vân, Lan Phương, Bạch Hạc, Đình Dũng, Thái Hùng, Kiều Oanh)
- 4 nghệ sĩ được phong Tước hiệu Nghệ sĩ của Hội Nghệ sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam (AVAPA) : Lê Quang Hoàng, Phạm Bá Thịnh, Phạm Văn Tý, Nguyễn Văn Dũng; 3 nghệ sĩ được phong Tước hiệu Nghệ sĩ của Liên Đoàn Nhiếp Ảnh Thế giới (AFIAP) : Phạm Văn Tý, Nguyễn Văn Dũng, Phạm Bá Thịnh; Tham gia các Chương trình biểu diễn, triển lãm Festival Huế (2000,2002, 2004); Đã tổ chức 14 trại sáng tác văn học nghệ thuật (2000 : 1 trại, 2001 : 3 trại, 2002 : 4 trại, 2003 : 4 trại, 2004 : 2trại); Tham gia phối hợp tổ chức trại sáng tác Điêu khắc Quốc tế “Ấn tượng Việt Nam - Huế lần thứ III (2002), lần thứ IV (2004); tổ chức 46 cuộc triển lãm (38 mỹ thuật, 8 nhiếp ảnh).
- 35 tác giả nhận giải thưởng VHNT Cố đô lần thứ III : Nguyễn Khắc Phê, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Thùy Mai, Lâm Thị Mỹ Dạ, Trần Hồng Nhu, La Cẩm Vân, Ngô Tâm, Nguyễn Khắc Thạch, Võ Đông Bảy, Ngô Minh, Phan Thuận An, Nguyễn Hữu Thông, Ngọc Bình, Lê Văn Nhường, Hồ Thế Hà, Phạm Thị Kim Oanh, Phan Thị Bạch Hạc, Bùi Vĩnh Phúc, Hà Sâm, Đoàn Dân, Hồ Ngọc Sơn, Tô Trần Bích Thúy, Khắc Yên - Việt Đức - Vĩnh Phúc, Dương Phước Thu, Lê Phùng, Nguyễn Vĩnh Hiển, Trương Bé, Nguyễn Quang Hà, Phạm Văn Tý, Hiền Lương, Đặng Văn Trân, Việt Đức, Cao Chí Hải, Nguyễn Phước Hải Trung, Nguyễn Thị Phương Thảo.
- Tính đến 12.2004 trên 100 hội viên nhận giải thưởng của UBTQLH các Hội VHNT VN, các Hội chuyên ngành trung ương, khu vực địa phương và quốc tế.
Sự phát triển của hoạt động văn học nghệ thuật từ khi có Hội đến nay (2005) đã có nhiều giai đoạn thăng trầm theo từng hoàn cảnh lịch sử của đất nước. Điều đáng trân trọng là đội ngũ văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế trong từng thời kỳ, từng thế hệ luôn luôn giữ vững tư chất, phẩm hạnh, đạo đức, ý thức công dân của mình trên cương vị của người văn nghệ sĩ. Từ Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế đã có nhiều văn nghệ sĩ trưởng thành, đạt nhiều thành tích cao trong cuộc đời hoạt động văn học nghệ thuật như nhà thơ Tố Hữu, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, nhạc sĩ Trần Hoàn đã được giải thưởng Hồ Chí Minh cao quí; cố nhà thơ Thanh Hải, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm được giải thưởng Nhà nước ...
Một số văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế đã và đang đảm nhận công tác tại Trung ương với những cương vị trọng trách quan trọng như nhà văn Thanh Tịnh, nhà thơ Tố Hữu (ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Hội Đồng Bộ trưởng), nhạc sĩ Trần Hoàn (Phó ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, Chủ tịch Ủy Ban Toàn Quốc Liên Hiệp Các Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam), nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm (Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương),...
Võ Quê, Huế 2005( Trích Kỷ Yếu UBTQLHCHVHNT Việt Nam)