Thương hiệu địa phương - CA DAO
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 5833
Tại sao các địa phương không chú trọng việc xây dựng thương hiệu cho mình...
Thương hiệu địa phương
CA DAO
Khi các báo chí nói nhiều đến thương hiệu quốc gia, thì không biết các địa phương tỉnh, thành nghĩ gì về việc xây dựng thương hiệu cho mình.
Những danh hiệu như Sài Gòn – hòn ngọc Viễn Đông, Hải Phòng – thành phố Hoa phượng đỏ,… Cần Thơ – thủ đô của miền Tây (Tây Đô) hình như chỉ là danh hiệu do người đời đem tặng, dĩ nhiên, có dựa trên một số đặc điểm vốn có của các địa phương ấy, nhưng vẫn không do chủ đích “xây dựng” mà thành.
Tại sao các địa phương không chú trọng việc xây dựng thương hiệu cho mình, khi đây chính là cách quảng bá tốt nhất cho việc thu hút du lịch, đầu tư, hợp tác làm ăn. Và dưới đây, thử là một số các suy nghĩ theo ý kiến rất cá nhân, gọi là gợi ý chơi.
Như Huế. Huế đang xác định mình trở thành một thành phố festival của Việt Nam, bằng các hoạt động festival với quy mô lớn, nhỏ xen kẻ diễn ra hàng năm. Song, như thế vẫn chưa đủ, khi một thành phố festival không chỉ là một thành phố diễn ra festival theo định kỳ, mà còn là làm sao đó, để quanh năm tràn ngập không khí (có thể là ăn theo cũng được) của festival. Hoặc nếu không thế, thì phải làm festival sao cho khác các festival mà tỉnh tỉnh thành thành đều đang nô nức làm festival. Sau festival làng nghề có là festival ẩm thực, vì xứ Huế là xứ của ăn uống, từ cung đình ra dân giả, rất nhiều vị đặc trưng.
Ngoài ra, Huế cũng nên định vị to tát hơn một chút, là thành phố festival của cả Đông Nam Á, châu Á…chứ chẳng của riêng gì Việt Nam.
Như Vũng Tàu. Vũng Tàu đang được FIDE chọn tổ chức Giải vô địch cờ vua trẻ thế giới vào tháng 10-2008. Vậy tại sao không nhân cơ hội này, để Vũng Tàu trở thành một thành phố của thể thao, với việc tổ chức những giải thi đấu lớn cả quốc tế lẫn trong nước, từ giải cờ vua, đến giải bóng chuyền bãi biển, giải billiard… và cả giải hoa hậu thể thao…
Địa phương nào cũng đang sở hữu cho mình một thế mạnh nào đó; vấn đề làm mau chóng tìm ra sự khác biệt, và nhanh tay định vị mình trước khi quá muộn. Hãy nghĩ mình một Buôn Mê Thuột – xưởng cà phê của châu Á; một Chợ Lách (Bến Tre) – vương quốc trái cây của Việt Nam; và ngay cả khi một vùng đất nghèo như Quảng Nam, Quảng Trị tự hào mình là đất học, cũng có thể xây dựng mình thành một trung tâm Silicon của Việt Nam…
Và lúc này, Tp. HCM sẽ tự hỏi mình. Mình là ai?! Cần Thơ thắc mắc làm gì để mình là trung tâm của miền Tây? Đà Nẵng sẽ có những cá tính nào…? Tất cả những điều khác biệt ấy tạo nên sự thu hút, sự quyến rũ, sự nhớ tới, nghĩ tới khi nhắc đến mỗi địa danh.
Việc xây dựng thương hiệu cho các địa phương là một điều cần thiết. Và cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm này ở các địa phương, sẽ là sở thương mại, sở du lịch, sở văn hóa thông tin? Hay sẽ là các cuộc vận động sáng tác địa phương ca? Hay chỉ là những áp phích treo ở đầy đường với một câu slogan nào đó như Huế - thành phố xanh sạch đẹp? Hay chỉ là các văn nghệ sĩ đến đó thăm nhà máy này, công ty nọ, thắng cảnh kia… và viết những bài ca ngợi?
C.D