HỒNG TRỌNG MỸ TỪ ĐƯỜNG NÉT SẮC MÀU THỂ HIỆN NỘI TÂM
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 6161
"...Dòng thơ giàu chất nội tâm, nhiều hình ảnh cùng sự suy tưởng của Bùi Giáng phần nào có tác động đến quá trình sáng tạo mỹ thuật của anh..."
HỒNG TRỌNG MỸ
TỪ ĐƯỜNG NÉT SẮC MÀU THỂ HIỆN NỘI TÂM
Hồng Trọng Mỹ đến với nghệ thuật tạo hình từ những năm học trung học tại thành phố Huế. Vẽ đẹp sinh động, giàu mỹ cảm của các tác phẩm hội họa mà anh bắt gặp từ những cuộc triển lãm của giới họa sĩ Huế trong những năm 60, 70, từ các bức tranh nổi tiếng của các danh họa trên sách báo được xuất bản trong và ngoài nước đã dần cuốn hút anh vào thế giới sắc màu. Anh đã theo học và tốt nghiệptrường Cao đẳng Mỹ Thuật Huế năm 1974.Sau khi ra trường, từ những năm đầu thống nhất đất nước, Hồng Trọng Mỹ đã có một thời gian dài về công tác tại Phòng Văn hóa Thông tin huyện Hương Phú rồi ở Ban triển lãm Bình Trị Thiên với chuyên nghề vẽ tranh cổ động, pa-nô, áp-phích; thực hiện các triển lãm thời sự chuyên đề vô cùng tất bật, bộn bề sự vụ. Và cũng chính từ những hoạt động tác nghiệp đó mà Hồng Trọng Mỹ được tiếp cận với thực tế sinh động của cuộc sống, thấy mình càng gắn bó với mỹ thuật, say mê đường nét, sắc màu nhiều hơn. Bên cạnh việc nghiên cứu học hỏi nghệ thuật tạo hình, Hồng Trọng Mỹ còn có sự hứng thú với âm nhạc, văn học. Dòng thơ giàu chất nội tâm, nhiều hình ảnh cùng sự suy tưởng của Bùi Giáng phần nào có tác động đến quá trình sáng tạo mỹ thuật của anh. Từ những góc cạnh của cuộc sống phong phú đến những đường nét, sắc màu được bắt gặp hằng ngày mà Hồng Trọng Mỹ đã cố gắng tìm cách thể hiện, diễn tả tình cảm, tâm hồn mình lên trên mỗi tác phẩm giàu cảm xúc, đầy ấn tượng. Tính nhân văn trong mỹ thuật được Hồng Trọng Mỹ ý thức chú trọng khai thác nhằm nâng cao chất luợng, giá trị nội dung tác phẩm.
Năm 1993, Hồng Trọng Mỹ đã cùng đồng nghiệp Vũ Văn Thiện mở cuộc triển lãm mỹ thuật chung đầu tiên tại Huế. Nhân dịp này, bài viết Đôi điều suy nghĩ về phòng tranhHồng Trọng Mỹ và Vũ Văn Thiện của tác giả Khánh Trang đăng trên báo Thừa Thiên Huế đã có nhận xét tinh tế về nghệ thuật vẽ tranh của Hồng Trọng Mỹ: “ Hồng Trọng Mỹ với bút pháp hiện đại, chất sơn dầu mang dấu ấn riêng, nhiều nét mảng lan tỏa rồi bất chợt dừng lại, đôi chỗ ánh lên một mảng màu xanh gắt, đỏ rực dể tạo nên tương phản gây được ấn tượng thẩm mỹ ở người xem. Tranh của anh thuộc phong cách bán trừu tượng với cái ảo chập chờn, bóng dáng của con nguời, cảnh vật và những ý niệm tạo hình chỉ có thể được nhận ra từ cảm xúc liên tưởng. Những tên tranh gợi nhớ như Hoài vọng, Suy tưởng, Cõi hư vô, Phố hạ...hẳn nhiên chỉ là cái cớ chân thực để lý giải những xúc cảm nội tâm đã hình thành trong anh.”
Trong những tháng năm gần đây, dù hằng ngày Hồng Trọng Mỹ phải thường xuyên bận bịu, chịu khó chăm chút công việc kinh doanh, nhưng anh vẫn cố gắng tranh thủ sắp xếp thời gian dành cho sáng tác. Anh thường lặng lẽ vẽ một mình với ngỗn ngang cảm xúc. Anh phải cố dẫn dắt những rung động, niềm hứng khởi trong anh để bố cục từng mảng màu, từng đường nét thành tranh. Với anh, được giao lưu với bằng hữu, đồng nghiệp, đựợc có dịp đi nhiều nơi trên mọi miền đất nước là điều rất đáng trân trọng. Gần đây, được dự trại sáng tác tại Vũng Tàu, Hồng Trọng Mỹ đã có dịp để chiêm nghiêm về chuyện đi và sáng tác. Chính từ những cuộc thâm nhập vào thực tiễn cuộc sống, được gặp gỡ, trao đổi về nghệ thuật mà anh thấy mình như được tăng thêm sự háo hức, nguồn đam mê trong lao động nghệ thuật.
Từ sau cuộc triển lãm năm 1993, năm 1995 Hồng Trọng Mỹ lai tiếp tục tổ chức triển lãm chung với Vũ Văn Thiện và tích cực tham gia những cuộc triển lãm mỹ thuật khác: Triển lãm toàn quốc tại Hà Nội (1995); triển lãm họa sĩ Huế tại Hội Mỹ Thuật TP. Hồ Chí Minh (1996); triển lãm Mỹ thuật Bắc Miền Trung do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức(1996-1999), triển lãm cá nhân tại Huế (1998), riêng trong năm này tác phẩm tranh sơn dầu trên bố Rừng Cổ mã của Hồng Trọng Mỹ đã được Hội LHVHNT Thừa Thiên Huế trao tặng thưởng hằng năm; triển lãm Tuần Văn hóa Huế tại Hà Nội (1999); triển lãm 3 tác giả Vĩnh Phối,Hồng Trọng Mỹ,Vũ Văn Thiện tại Ý (1999); triển lãm Mùa Xuân tại Huế (2000), triển lãm Hà Nội-Huế-TP.Hồ Chí Minh Festival Huế 2000...Cũng trong năm 2000, được sự bảo trợ của Đại sứ quán Thụy Sĩ tác phẩm mỹ thuật của Hồng Trọng Mỹ và của 6 họa sĩ Đỗ Kỳ Hoàng, Đặng Mậu Tựu, Ngô Lan Hương, Vũ Văn Thiện, Thân Văn Huy, Nguyễn Thái Hòa đã được tổ chức triển lãm thành công tại thủ đô Hà Nội.
Thời gian gần đây tranh Hồng Trọng Mỹ đã có những chuyển biến mới trong màu sắc, nội dung. Các tác phẩm Thung lũng hoa, Sân khấu cuộc đời, Hoa sen đỏ ... đánh dấu một giai đoạn chuyển biến nội tâm rất sâu sắc. Tranh của anh đã được các nhà sưu tập từ Singapore, Hồng Kông... tìm đến rất trân trọng, điều ấy chứng tỏ tranh của Hồng Trọng Mỹ hiện nay đã có chỗ đứng trong thị trường tranh quốc tế.
MỘT SỐ TÁC PHẨM CỦA HOẠ SĨ HỒNG TRỌNG MỸ:
Thung lũng hoa
Trăng cổ
Hoa đăng
Nguyệt thực
Hoa sen đỏ
Sân khấu cuộc đời
Một góc phòng vẽ tranh của Hồng Trọng Mỹ
25. Huỳnh Thúc Kháng Huế. ĐT: 01686694475
*
(Ảnh: Võ Quê)
Võ Quê & Hồng Trọng Mỹ by Vu Van Thien.