HỌA SĨ THÂN VĂN HUY VẼ TRANH TỪ LÀNG HOA GIẤY
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 10018
"... dường như tranh Thân Văn Huy có duyên với các vị đại sứ
nước ngoài tại Việt Nam như..."

![]()
HỌA SĨ THÂN VĂN HUY
VẼ TRANH TỪ LÀNG HOA GIẤY - Võ Quê
Thiếu nữ
Làng Thanh Tiên thuộc xã Mậu Tài, Phú Vang là một địa danh nổi tiếng về nghề chuyên làm hoa giấy. Tại đây nhiều gia đình, nhiều người đã gắn bó lâu đời với ngành nghề truyền thống này. Từ những sắc màu lung linh của hoa giấy mà có nhiều người thấy yêu nghệ thuật tạo hình, vượt lên những khó khăn thường nhật của cuộc sống để theo đuổi, học tập ngành mỹ thuật. Họa sĩ Thân Văn Huy là một trong những người như thế.
Quyền năng một thời
Năm 1968 Thân Văn Huy thi vào học trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế. Dù từ làng quê đến trường tương đối xa xôi cách trở, nhất là về những mùa bão lụt, đi lại khó khăn, nhưng với niềm yêu thích vẽ, có chí trong việc định hướng về nghề nên Thân Văn Huy đã vượt qua tất cả những trở ngại trong suốt thời gian đi học và anh đã tốt nghiệp năm 1972 rồi học tiếp thêm ba năm nữa về nghệ thuật tranh sơn dầu. Chính những chuyến lên về trong thời gian đi học đã cho Thân Văn Huy cảm nhận một cách tinh tế, sâu sắc về những vẻ đẹp linh động của thiên nhiên. Dòng sông Hương chảy ngang nhà anh cũng là một chi bảo trong vốn liếng nghệ thuật mà anh luôn trân trọng, gìn giữ để nuôi dưỡng nguồn rung động, cảm hứng sáng tạo. Dòng sông với cảnh sương sớm, sương chiều. Dòng sông của ánh trăng đêm khi tròn khi khuyết và những con đò cắm sào thầm lặng. Từ dòng sông trữ tình, từ vườn cây rợp bóng lá xanh quen thuộc, Thân Văn Huy đã lĩnh hội được phần nào những tinh chất thiên nhiên để cố gắng đưa vào tranh những hình ảnh vừa hư vừa thực cùng sức sống nội tâm mãnh liệt, giàu cá tính của chính mình
Ánh trăng
Sau khi ra trường, Thân Văn Huy đã có một thời gian dài dạy hội họa tại trường Quảng Lộc, Quảng Điền. 10 năm là thầy giáo, rồi 10 năm làm nghề thiết kế mẫu đồ gỗ đã giúp Thân Văn Huy có nhiều dịp để chiêm nghiệm về những giá trị thật của nghệ thuật tạo hình trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn lúc bấy giờ. Chỉ có niềm say mê nghệ thuật Thân Văn Huy mới có thể chuyên tâm sáng tác nhằm đưa tác phẩm đến với công chúng. Trong lời giới thiệu cho lần triển lãm tranh đầu tiên của Thân Văn Huy về chủ đề Mùa Thu 1974 tại Đà Nẵng, họa sĩ Vĩnh Phối đã nhận xét: “Thân Văn Huy là một họa sĩ trẻ trên bước đường phục vụ nghệ thuật; đây là lần đầu tiên Huy dấn thân là nghệ thuật, trưng bày những tác phẩm đầu tay của mình. Với những năm dài miệt mài, tìm tòi học hỏi để khai phá những gì gọi là nghệ thuật của mình ở trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế. Con người đầy ý chí, nhiệt huyết, yêu nghệ thuật; tâm hồn lại tế nhị, nhạy cảm, họa sĩ Huy đã và đang kiên nhẫn tạo dựng được một phần nào bản chất nghệ thuật, cá tính nghệ thuật của riêng mình; do tâm hồn Huy qua tác phẩm rất nhiều. Từ nét bút nhẹ nhàng, màu sắc tươi mát, êm dịu nên thơ, bố cục đơn giản, đến mọi hình ảnh trên tác phẩm đã khiến cho các tác phẩm của Huy đa số đều mờ ảo, huyền diệu, phát hiện từ con người có tâm hồn của Huy...Những tác phẩm màu lam lục trong mát có hơi huyền ảo như tranh lụa là sắc mầu căn bản của Huy, với những nét bút nhẹ, nét nhỏ nhưng chững chạc, uyển chuyển, những nhân vật trong tác phẩm Huy tuy nhiều mặt phẳng song có sắc thái của môn phái Lập thể...Trong những tác phẩm bước vào môn phái Trừu tượng, Huy đang tìm sự sáng tạo độc đáo”.
Một thời
Tại cuộc triển lãm đầu tiên trên, Thân Văn Huy rất tâm đắc với tác phẩm Vẳng nghehồn thiêng réo gọi vì theo anh, tình cảm quê nhà làng mạc và những giá trị văn hóa dân tộc là mạch nguồn chân chính mới có thể chốn lại dòng văn hóa ngoại lai đang có dấu hiệu du nhập vào mảnh đất Huế trong những năm 70. Anh cũng rất chí cốt với bức tranh Đe dọa khi anh thể hiện hình ảnh những bóng đen diều hâu đang vờn lên những số phận người Quảng Trị dưới làn bom đạn nhằm lên án cuộc chiến tranh xâm lược.
Hoa hồng
Bên cạnh hàng chục lần gửi tranh tham gia trưng bày chung trong nhiều cuộc triển lãm chuyên đề tại Huế, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, tại hầu hết các Liên hoan Mỹ thuuật Bắc Miền Trung...Thân Văn Huy đã tếp tục thực hiện thêm hai cuộc triển lãm cá nhân ở Huế (1994), ở Đà Nẵng (1995). Riêng năm 2000, được sự bảo trợ của Đại sứ quán Thụy Sĩ, họa sĩ Thân Văn Huy đã cùng các họa sĩ Đỗ Kỳ Hoàng, Đặng Mậu Tựu, Nguyễn Thái Hòa, Vũ Văn Thiện, Hồng Trọng Mỹ, Ngô Lan Hương tổ chức triển lãm thành công tại thủ đô Hà Nội. Trong những năm tháng qua, tranh Thân Văn Huy đã xuất hiện trong nhiều sưu tập của cá nhân trong và ngoài nước cung như trong sưu tâp của một số co quan đơn vị, bảo tàng trong nước. Đáng chú ý là dường như tranh Thân Văn Huy có duyên với các vị đại sứ nước ngoài tại Việt Nam như: ông bà Đại Sứ Thụy Sĩ sưu tập 3 bức: Chiều Vàng; Mênh Mang, Biển; ông bà đại sứ Phi Líp Pin: Hoa giấy mùa Xuân; ông bà đại sứ Angiêri: Bến Xuân; bà đại sứ Hà Lan: Chợ Hôm.
đêm hội
Đêm hội
Festival Huế 2006, Thân Vân Huy đã tổ chức thành công cuộc trưng bày hoa giấy Thanh Tiên ngay tại nhà vườn anh (ảnh). Người tứ phương đã háo hức tìm đến làng quê Thanh Tiên của anh thích thú ngắm hoa giấy, tranh Thân Văn Huy, thưởng thức bánh tro, uống nước chè xanh. Sản phẩm hoa giấy từ ngày hội này đã đươc công chúng, du khách trong và ngoài nước biết đến và hoa giấy Thanh Tiên ngày càng đi vào đời sống văn hoá chung của đất nước.
Hiện nay, dù đang bề bộn với công việc gia đình, nhưng Thân Văn Huy đang thầm lặng vẽ, anh đang cố gắng để tạo nên một không gian tranh tại ngôi nhà vườn đẹp 38, Nguyễn Bĩnh Khiêm, Huế. Bằng niềm say mê sáng tạo, tâm huyết với nghề hy vọng Thân Văn Huy sẽ còn nhiều dịp đưa tác phẩm mới của mình đến với công chúng yêu tranh trong thời gian tới.
Xin bấm các ảnh nhỏ để xem tranh!
***
THÂN VĂN HUY HIỀN LÀNH NHƯ CỎ - Lý Hạnh
Chàng trai Thân Văn Huy sinh ra và lớn lên ở làng Thanh Tiên, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế) vốn nổi tiếng với nghề trồng hoa và làm hoa giấy nên tuổi thơ của anh đã đầy ắp sắc màu và hương hoa.
Xa cha mẹ từ nhỏ, anh sống trong tình thương của bà, người đã bươn chải nuôi anh khôn lớn. Dù khó khăn, thiếu thốn đủ điều, anh vẫn quyết tâm trở thành họa sĩ. Năm 1968, anh thi đỗ vào Trường cao đẳng Mỹ thuật Huế, tốt nghiệp năm 1972 rồi học tiếp ba năm về sơn dầu. Đến năm 1974, anh triển lãm phòng tranh cá nhân đầu tiên tại Đà Nẵng với cái tên “Mùa thu”, đưa người xem vào không gian thật bình yên, phảng phất chất thơ, chất thiền.
Ra trường, Thân Văn Huy lặng lẽ làm công việc của một nhà giáo trường làng trong 10 năm rồi chuyển sang nghề thiết kế mẫu đồ gỗ cũng suốt mười năm. Khi đã phần nào vượt qua hoàn cảnh khó khăn, anh gác lại mọi công việc để trở lại với nghệ thuật. Những bức tranh hiền lành như cỏ, rạng rỡ như hoa xuân, lung linh như sương sớm, luôn thấp thoáng nét trầm mặc, cổ kính của đất cố đô với gam màu lam lục chủ đạo lần lượt ra đời. Bến phố, Hoa mong manh, Chợ sương… đều gợi cho người xem về một xứ sở bềnh bồng sương khói.
Ngoài những triển lãm chung tại Huế, Đà Nẵng và TP.HCM, Thân Văn Huy còn dự hầu hết các liên hoan mỹ thuật Bắc Trung bộ, thêm hai triển lãm cá nhân ở Huế (1994) và Đà Nẵng (1995). Năm 2000, được sự bảo trợ của Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam, anh đã cùng sáu họa sĩ xứ Huế tổ chức triển lãm tại Hà Nội. Một số tranh của anh tại triển lãm này đã thuộc về sưu tập của các vị thuộc ngoại giao đoàn tại Việt Nam.
Festival Huế 2006, anh trở về làng Thanh Tiên, thực hiện một cuộc triển lãm “tổng hợp” vừa để giới thiệu tranh, vừa để giúp du khách hiểu thêm về ngôi làng hàng trăm năm tuổi. Trong không gian làng quê đẫm mùi rơm rạ, du khách vừa xem những bức tranh sơn dầu, vừa thưởng thức tranh dân gian làng Sình, vừa xem tác phẩm sắp đặt Hoa giấy Thanh Tiên do Thân Văn Huy thực hiện.
Đến Festival Huế 2008, ngoài tranh sơn dầu, tranh làng Sình, anh cùng hai nghệ nhân trong làng phục dựng lại nghề làm hoa sen giấy đã thất truyền hơn 50 năm nay. Cả thảy 150 bông sen bằng giấy được làm trong gần một tháng đã tham gia vào lễ khai mạc Festival Huế 2008, sau đó được sắp đặt trong hồ tại làng Thanh Tiên để du khách thưởng ngoạn.
Mới đây, trong một ngôi nhà vườn khá đẹp tại số 38 Nguyễn Bỉnh Khiêm, chúng tôi lại được Thân Văn Huy cởi mở giới thiệu một số tác phẩm mới. Bên cạnh những bức tranh Đà Lạt, Thanh bình, Giao hòa, Khởi sắc… cũng vẫn với gam màu quen thuộc ấy có thêm những Quyền năng, Chiến tranh, Ảo ảnh, Phù du… chở nặng ưu tư về cuộc sống. Chất liệu không chỉ sơn dầu, mà còn thêm mặt mây, xơ dừa, con chíp điện tử… Không giải thích, anh chỉ cười hiền lành: “Càng lớn tuổi, người ta càng có nhiều điều phải trăn trở”.
(Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần)
NGẮM HOA SEN GIẤY THẤT TRUYỀN 50 NĂM
Nằm ở cuối làng Thanh Tiên (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, TT-Huế) họa sĩ Thân Văn Huy đã cho xây dựng ngôi nhà của mình thành một điểm triển lãm những sản phẩm truyền thống đặc trưng của làng như tranh làng Sình và hoa sen giấy đã thất truyền hơn 50 năm.
Bên ngoài ngôi nhà là khu vườn được thiết kế rất phù hợp với cảnh sắc của con sông Hương thơ mộng chảy qua. Cũng như hai mùa Festilval trước, năm nay họa sĩ Huy sẽ đầu tư cho nghệ thuật sắp đặt hoa giấy của mình với rất nhiều sen, hoa bằng giấy. Ông tâm sự: “Du khách rất thích thú với loại sen giấy này. Chúng tôi sẽ khôi phục và giới thiệu nó trong dịp Festival này như một điểm nhấn. Qua đó có thể tìm kiếm thị trường nhằm làm sống lại làng hoa truyền thống này”.
Theo ông Huy cho biết, muốn làm hoa sen giấy cần có sự công phu, hơn nữa sen giấy khó có thị trường thế nên không mấy ai mặn mà. Giấy làm hoa sen thường là giấy dó hay giấy vẽ, hiện nay thay bằng giấy A4. Giấy được gấp lại theo những đường gấp nhỏ sau đó dùng keo dính lại thành chùm như cánh sen. Cuống sen được làm từ những thân mây khô. Công phu nhất là công đoạn nhuộm màu cho cánh sen. Trước đây các nghệ nhân thường nhuộm theo kiểu truyền thống, hoa khi đã làm xong được nhuộm màu hồng hết. Nhưng với cách áp dụng nghệ thuật nhuộm của hội họa, họa sĩ Huy đã làm cho những cánh sen có sắc màu độc đáo, từ hồng đậm, nhạt dần và phớt trắng. Nó tạo nên cái hồn cho cánh sen.
“Làm hoa này không khó nhưng do công phu, thị trường lại không có nên các hộ trong làng đều bỏ, chỉ làm các loại hoa thờ cúng mà thôi”, vừa gấp những cánh sen từ giấy, ông Huy cho biết.
Không những sen giấy, trong ngôi nhà còn trưng bày rất nhiều tranh về sen. Có bức ông vẽ từ năm 2009, có bức vừa hoàn thành, về rất nhiều chủ đề như hồ sen, thiếu nữ và sen. Tất cả tạo nên một không gian chiêm ngưỡng lý tưởng cho du khách.