NGHỆ SĨ ƯU TÚ HỒNG LÊ GIỌNG CA HUẾ THANH KHÍ VÀ ĐIỆU NGHỆ
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 8149
NGHỆ SĨ ƯU TÚ HỒNG LÊ
GIỌNG CA HUẾ THANH KHÍ VÀ ĐIỆU NGHỆ
Nghệ sĩ Hồng Lê sinh năm 1926 tại An Cựu, thành phố Huế. Từ nhỏ, Hồng Lê đã có năng khiếu hất ca. Với chất giọng trong, mượt, rõ lời Hồng Lê thể hiện thành công nhiều bài bản ca Huế dưới sự dìu dắt của các bậc nghệ sĩ lớp trước. Hồng Lê đã chịu khó tìm dự nghe các buổi ca Huế thính phòng của các nghệ nhân, nghệ sĩ Huế đương thời rồi thầm ca theo từng lời bài ca Huế như Nước non ngàn dặm ra đi, cái tình chi mượn màu son phấn, đền nợ Ô Ly ... hay Vành trăng giọi non đông, con thuyền qua lại giữa dòng sông; ai ca vịnh bên sông, luống chạnh lòng đau lòng ...
Do cuộc sống hoàn cảnh gia đình nghèo khổ, từ những năm 7, 8 tuổi Hồng Lê đã trải qua những ngày tháng vất vả, gian truân khi đi giúp việc cho nhiều nhà quanh vùng An Cựu. Để đến với nghiệp cầm ca, Hồng Lê đã được bà bầu gánh hát Kim Sanh cho về giúp việc nhà bà. Do có năng khiếu và chất giọng ca tốt Hồng Lê được chọn vào ban Đồng Âu của gánh hát Kim Sanh. Được biết, gánh hát Kim Sanh thời ấy ra đời với đầy đủ đào kép phông màn như các gánh cải lương trong nam bộ, gánh hát đã đến với công chúng dưới hình thức đưa các làn điệu ca Huế, lý Huế vào các vở ca kịch dựa theo các tuồng tích cổ trang của Trung Hoa hoặc các vở ca kịch đề tài hiện đại.
Nhờ có thanh sắc cộng với khả năng ca, diễn xuất giỏi, theo thời gian và công việc Hồng Lê được niềm tin cậy của đoàn và nhiều bạn diễn. Hồng Lê đã nhập vai trong một số vở ca kịch như "Thói đời đen bạc", vai Điêu Thuyền trong vở "Điêu Thuyền Vọng Nguyệt", vai Quý Phi trong vở "Tống Nhân Tôn khóc biệt Bàng Phi" ... Việc rèn luyện, học tập ca, diễn trong giai đoạn này thường được các bậc nghệ sĩ thế hệ trước dạy theo phương pháp truyền khẩu, thực hành tại chỗ mà không qua trường lớp. Hồng Lê đã chuyên tâm tiếp thu từ các ngón nghề của các nghệ nhân, nghệ sĩ tiền bối, từ thực tiễn của sàn diễn Kim Sanh mà định hình tài năng, tên tuổi.
Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, Hồng Lê tình nguyện gia nhập vào Ban Văn nghệ Quân khu IV, rồi Liên đoàn văn nghệ kháng chiến khu IV. Hồng Lê đã cùng bạn đi lưu diễn phục vụ bộ đội, nhân dân trong liên khu IV với nhiều kỷ niệm buồn vui sâu sắc. Khi hòa nhập vào không khí kháng chiến của toàn dân, toàn quân Hồng Lê đã cảm nhận được niềm kính trọng đồng bào, tình yêu quê hương đất nước trong Hồng Lê ngày một nhân lên để từ đó thể hiện hết mình trong nghệ thuật hát ca.
Khi hòa bình lập lại, nghệ sĩ Hồng Lê được về công tác tại Đài Tiếng Nói Việt Nam tại Hà Nội. Nơi đây, Hồng Lê đã gặp được nhiều nghệ sĩ ca Huế nổi tiếng từ miền Trung, từ Huế ra Bắc, như nghệ sĩ nổi tiếng Châu Loan, nghệ sĩ Minh Tâm, những người sáng tác ca kịch, ca Huế như Ngọc Hùng, Hoàng Cầm, Châu Thành ... Đài Tiếng Nói Việt Nam khi ấy đã trở thành một mái ấm thật sự của nghệ thuật ca Huế, dân ca Bình Trị Thiên. Qua làn sóng, giọng ca trong sáng, nhiệt thành của Hồng Lê đã chuyển tải đến người nghe trong và ngoài nước những âm hưởng quê nhà, những nội dung ngợi ca sức sống mãnh liệt mà hiền hoà của người dân Việt. Các làn điệu bài bản lớn của ca Huế như tứ đại cảnh, phú lục, nam bình, nam ai, nam xuân, cổ bản ... qua giọng ca Hồng Lê ngân vang lời của nước non tình tự, của khát vọng thống nhất Tổ quốc, hòa bình. Từ những năm 60 đến 70 nghệ sĩ Hồng Lê được mọi người biết đến như một gương sáng về lao động nghệ thuật rất tài hoa. Lời ca Hồng Lê có sức rung động những tâm hồn yêu nghệ thuật đàn ca, nhân dân, cán bộ, bộ đội từ nhiều môi trường sinh hoạt khác nhau đều có chung một niềm ngưỡng mộ nghệ sĩ Hồng Lê, người con của xứ Huế mộng mơ.
Trên 25 năm công tác trong Ban ca Huế, dân ca Bình Trị Thiên của Đài Tiếng Nói Việt Nam, nghệ sĩ Hồng Lê đã cùng Châu Loan và nhiều đồng nghiệp khác nhau góp phần không nhỏ trong việc quảng bá, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của âm nhạc truyền thống Huế. Dù rời Huế lâu năm nhưng chất giọng nói Huế vẫn không thay đổi. Ngoài ý thức gìn giữ cái hồn tinh tuý ngôn ngữ quê nhà, nghệ sĩ Hồng Lê còn muốn giữ nguyên âm sắc Huế để mỗi khi cất lên tiếng ca, câu hò khán giả mọi miền vẫn rất trân trọng ghi nhận : Đó chính thực là giọng ca Huế Hồng Lê. Chị xứng đáng với danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú do Nhà nước phong tặng.
Đến tuổi nghỉ hưu, do hoàn cảnh không được về Huế sinh sống như nhiều đồng nghiệp ca Huế khác nhưng cho dù khi ở Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh, nghệ sĩ Hồng Lê vẫn qui tụ, gặp gỡ các nghệ sĩ, giới điệu nghệ cùng thời tổ chức những cuộc ca tri âm nhằm tiếp tục được ca Huế như xưa và thông qua lời ca để gửi gắm tiếng lòng mình về sông Hương núi Ngự, nơi một thời Hồng Lê từng đắm hồn trong giai điệu nam ai nam bình da diết tình người.