NHÀ VĂN NGUYỄN TƯỜNG BÁCH
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 14782
Năm 1948: Sinh ra tại TP Huế.
Năm 1967 - 1971: Du học Đức ngành xây dựng.
Năm 1975 – 1979: Nghiên cứu và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ngành vật lý ĐH Stuttgart.
Năm 1979 – 1992: Giám đốc kinh doanh tập đoàn ABB chuyên sản xuất từ thiết bị phát điện.
Năm 1992 - đầu 2008: Giám đốc điều hành một công ty thương mại chuyên xuất khẩu các thiết bị công nghiệp.
- Tác phẩm dịch:
Con đường mây trắng Nhà XB Trẻ.
Đạo của vật lý Nhà XB Trẻ.
THIỀN TRONG NGHỆ THUẬT BẮN CUNG Nhà XB Trẻ.
Đối diện cuộc đời
Sư tử tuyết bờm xanh NXB Thành phố Hồ Chí Minh.
- Tác phẩm:
Đêm qua sân trước một cành mai Nhà XB Trẻ.
Lưới trời ai dệt Nhà XB Trẻ.
Mùi hương trầm Nhà XB Trẻ.
MỘNG ĐỜI BẤT TUYỆT Nhà XB Trẻ.
***
TIẾN SĨ NGUYỄN TƯỜNG BÁCH: NHÀ KHOA HỌC VIẾT VĂN
THÁI AN
Sống ở CHLB Đức từ trẻ nhưng Nguyễn Tường Bách vẫn được trong nước biết đến như một trong những người viết văn, dịch thuật nổi tiếngLà một nhà khoa học, rồi chuyển sang kinh doanh xuất nhập khẩu, 60 tuổi, nghỉ hưu ông trở về cố quốc sinh sống.
Hiện ông làm huấn luyện đào tạo về nhân sự cấp cao, đi thỉnh giảng ở một số trường đại học, học viện.
Tất cả chúng ta đều có những gương mặt khác nhau! Tùy theo từng đối tượng và trong những thời khắc, chúng ta xuất hiện với một gương mặt khác nên cũng chẳng có gì ngạc nhiên khi cùng một lúc, ông lại làm nhiều việc tưởng như trái ngược nhau. TS vật lý Nguyễn Tường Bách nói vậy.
Lần đầu tiên nghe tên, nhiều người lầm tưởng ông có họ hàng với anh em nhà Nguyễn Tường – những trụ cột của Tự lực Văn đoàn (Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam). Nhưng tuyệt nhiên không, ông gốc Bao Vinh – Huế, cách xa cái phố huyện Cẩm Giàng của Hai đứa trẻ gần ngàn cây số. Có chăng, một điểm tương đồng là ông cũng thích viết lách. Một buổi sáng mùa xuân. Hà Nội ẩm ướt. Ngồi trên căn gác nhỏ trên phố Bảo Khánh vừa nhâm nhi ly cà phê vừa ngắm cuộc sống trôi đi một cách chậm rãi bên Bờ Hồ, nghe giọng đặc Huế của Nguyễn Tường Bách nhỏ nhẹ và chầm chậm nói về những chiêm nghiệm của ông với đạo Phật, nhiều người cứ ngỡ đó là một “mệ” suốt đời gắn bó với Huế vừa ra, chứ không phải một người đàn ông xa đất nước hơn 40 năm.
Đặc trưng của nền vật lý hiện đại trong thế kỷ XX là sự tìm kiếm nguồn gốc khởi thủy của vật chất, cố tìm ra những “hạt cơ bản” cuối cùng tạo nên nguyên tử. Thế nhưng, khi đến cánh cửa cuối cùng mở ra để thấy bộ mặt thật của vật chất, nhà vật lý phát hiện vật chất hình như không phải do những hạt cứng chắc tạo thành nữa mà nó chỉ là dạng xuất hiện của một thực tại khác.
Vì thế mà vật chất mang những tính chất hầu như đối nghịch nhau, nó vừa liên tục vừa phi liên tục, vừa hữu hiện vừa phi hữu hiện, dạng xuất hiện của nó tùy theo cách quan sát của con người. Những tính chất lạ lùng đó đưa ngành vật lý vào thẳng cửa ngõ của triết học: Nền vật lý hiện đại vừa thống nhất và lý giải nhiều khái niệm cơ bản của triết học, vừa đề ra những câu hỏi lớn của loài người mà các nhà đạo học từ xưa tổng kết.
Và kỳ lạ thay, những phát hiện hiện nay của nền vật lý hiện đại không khác bao nhiêu so với những kết luận của các thánh nhân ngày xưa. “Ngành vật lý và triết học đứng trước những luận đề vô cùng kỳ lạ và thú vị. Trong khung cảnh đó, người ta thấy tư tưởng Phật giáo về vũ trụ và đời người có những giải đáp vừa rất bất ngờ vừa rất phù hợp với cách đặt vấn đề của khoa học hiện đại”.
Đó là lý do Nguyễn Tường Bách đã tâm đắc để dịch cuốn The Taos of Physics (Đạo của vật lý) của giáo sư vật lý nổi tiếng Fritjof Capra. Phật giáo có câu “tự lợi lợi tha”, làm lợi cho mình, cùng làm lợi cho người khác. “Thấu hiểu điều này một cách sâu sắc là doanh nhân đã sống đúng nghĩa với chiến lược cùng thắng (Win – Win)” – nhà vật lý Nguyễn Tường Bách nói.
“Từ lúc nằm trong nôi, 4 giờ sáng đã nghe ông nội tụng kinh. Có lẽ vì thế mà tinh thần Phật giáo thấm đẫm trong tâm hồn mình” - ông Bách nhỏ nhẹ. Cùng những trải nghiệm của một hành trình hơn 60 năm, trong đó, nhiều năm trong ngành vật lý, ông càng hiểu rõ Phật giáo không phải là sự cứu rỗi hay chạy trốn khỏi cuộc đời mà là con đường, thái độ và triết lý sống mang lại hạnh phúc và an lạc cho bất cứ ai. Nếu có một tôn giáo nào tương thích với khoa học, thì đó chính là Phật giáo, A.Einsteins đã “quán tưởng” từ hơn nửa thế kỷ trước.
Ở thời điểm này, ông cảm thấy hài lòng nhất với vai trò của một người viết văn, công việc ông cho rằng mình làm tốt hơn mảng khoa học, kinh doanh và dịch thuật, bởi qua đó ông tiếp cận được nhiều người nhất... Tất cả những tác phẩm của ông, từ truyện ngắn, tiểu luận khoa học và triết học đều mang hơi hướng thiền.
Năm 1989, khi sang Ấn Độ để tiếp thị sản phẩm của ABB, ông là một nhà kinh doanh thuần túy. Nhưng những nền tảng của cội rễ, cùng những trải nghiệm thú vị của chuyến du hành về miền đất Phật đã thôi thúc ông cầm bút để cho ra đời tập ký sự Mùi hương trầm, một ký sự trải dài qua những miền đất Phật giáo như Ấn Độ, Tây Tạng, Trung Quốc, Thái Lan...
Những chuyến hành hương địa lý, mở ra trong những trang viết của ông những chuyến hành hương tâm linh, tác phẩm Lưới trời ai dệt. Vẫn xoay quanh những câu hỏi muôn đời của loài người “vũ trụ là gì, từ đâu mà có?”, “thực tại trước mắt chúng ta thực chất là gì?”, “bản chất của thực tại vật chất là gì?”..., tác giả dẫn dắt chúng ta theo một hành trình từ vật lý đến triết học, rồi gõ cửa và dừng chân ở tư tưởng Phật giáo để lý giải thế giới hiện tượng.
“Cuộc sống là một dòng tâm thức bất tận, không đầu không đuôi... Hãy đơn giản hóa một đời thành một ngày. Đời này của chúng ta như là ngày hôm nay”.
Ở tuổi lục tuần, con trai duy nhất đang làm việc ở UAE, vợ chồng TS Nguyễn Tường Bách chọn con đường trở về cố quốc định cư. Nghỉ hưu, nhưng với ông là một sự lựa chọn, một khởi đầu mới, trải nghiệm mới cho những trang viết mới mẻ hơn.
THÁI AN
(Theo Người Lao Động)
Nguồn: http://www.phattuvietnam.net/6/33/5520.html