Nghệ sĩ VÕ NGỌC LAN -
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 7670
nhưng tất cả rồi cũng đi qua, sóng lớp phế hưng, chuông hồi kim cổ…
VÕ NGỌC LAN – ĐỜI VÀ THƠ
Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của nghệ sĩ Võ ngọc Lan, Phòng Văn nghệ Đài Truyền Hình Thành phố Hồ Chí Minh (HTV) đã thực hiện chương trình truyền hình “ Nghệ sĩ và công chúng” với chủ đề VÕ NGỌC LAN – ĐỜI VÀ THƠ – kịch bản Hoàng Vũ Quân. Hình ảnh dưới đây ghi nhận được tại phim trường HTV trong ngày 14. 8. 2010.
Nghệ sĩ Võ Ngọc Lan trình bày ca khúc”Một lời ru” thơ Trần Thương Bá, nhạc Võ Ngọc Lan. Vũ đoàn Rex múa minh họa.
Nghệ sĩ Võ Ngọc Lan ca làn điệu Tứ đại cảnh bài “Thư thăm Huế” của Bửu Lộc..
Tọa đàm Võ Ngọc Lan – Một đời thơ (Từ phải sang: Hoàng Vũ Quân; Tâm Trang – con gái út của NS Võ Ngọc Lan; NS Võ Ngọc lan; NSƯT Hồng Vân; Võ Quê.
Võ Ngọc Lan và Thanh Vân, nghệ sĩ đàn tranhNS Võ ngọc Lan với dàn nhạc: Bảo Cường (sáo trúc), Việt Hùng (đàn nguyệt), Thanh Vân (đàn tranh), Đăng Ninh (đàn nhị), Hoài Thương (diễn viên)
Lưu niệm Huế - Sài Gòn: Từ trái Việt Hùng, Thanh Vân, Đăng Ninh, Võ Quê, Võ Ngọc Lan, Hoài Thương, Đức Tâm , ( ? ).
Mẹ conNGHỆ SĨ VÕ NGỌC LANGIÓ THUỞ NÀO TƯƠNG TƯ
Võ Quê
Trong những năm gần đây, tên tuổi của nghệ sĩ Võ Ngọc Lan đã được nhiều người biết đến, nhất là đông đảo bà con đồng hương Thừa Thiên Huế tại Tp.Hồ Chi Minh. Võ Ngọc Lan được sinh ra và lớn lên tại Kim Long, một ngôi làng vườn xinh đẹp nổi tiếng ven dòng sông Hương thơ mộng với câu ca dao “Kim Long có gái mỹ miều. Trẫm thương trẫm nhớ trẫm liều trẫm đi”.
Võ Ngọc Lan đã có một quá khứ sống, phong phú với những kỷ niệm thuở ấu thời từ Kim Long yêu dấu. Tất cả nỗi vui buồn, khổ đau mà Võ Ngọc Lan đã từng nếm trải, kinh qua, sau này đã trở thành chất liệu sống trong thơ ca, âm nhạc của Võ Ngọc Lan. Được tiếp thu, ảnh hưởng khí chất văn nghệ dân gian của người cha yêu nước đã từng tham gia Vệ quốc đoàn, tình yêu văn học nghệ thuật dần thấm sâu trong tâm thức cô gái Kim Long. Đã một thời, Võ Ngọc Lan cùng với Thanh Vân, Bạch Tuyết, Thúy Hồng là những ca sĩ chủ lực của Đài phát thanh Huế. Giai đoạn ấy, được hát ca là nguồn vui lớn của Võ Ngọc Lan.
Theo sự biến động của cuộc sống, Võ Ngọc Lan đã phải theo gia đình vào Nam tìm kế mưu sinh. Từ nơi đất khách, quê người, nỗi nhớ nhà, nhớ làng luôn đau đáu trong lòng: ”Tôi nhớ nhà, nhớ Phủ Bà Chúa Nhất, nhớ Mệ Bông mẹ nuôi của tôi, nhớ vùng Kim Long quay quắt, nhớ lắm cây cầu ao ngập nước sau nhà…Ở đó, tôi đã từng có một gia đình êm ấm, có mộ ông bà nội nằm trên sườn núi Ngự Bình, có một người cha đi biền biệt…”
Chính vì đã có một dĩ vãng Huế sinh động, chứa chan tình tự quê hương mà trong gần 10 năm trở lại đây, Võ Ngọc Lan đã dành nhiều thời gian cho các hoạt động văn học nghệ thuật. Ngoài 2 tập thơ, 3 đĩa VCD, CD thơ và nhạc đã xuất bản trong những năm qua, năm 2006 Võ Ngọc Lan cho ra đời tác phẩm “Niệm Khúc Cho Mưa Huế” gồm những hồi ức, tùy bút gợi nhớ gợi thương về một thời đã sống, đã thăng trầm cùng mưa Huế. Cùng với tác phẩm trên, năm nay Võ Ngọc Lan cũng ra mắt bạn yêu thơ trong cả nước tập thơ “Mùa trăng Huế”. Mùa trăng Huế là dòng tình tiếp truyền từ ước mơ, khát vọng sáng tạo của người thơ. Vừa chơn chất, bình dị. Vừa sâu lắng, huyền ảo một cõi thiêng dành riêng cho cuộc sống, con người Huế có thủy có chung trong bốn mùa thiên nhiên hoa lá. Mùa trăng Huế là cuộc tìm về chốn xưa kỷ niệm. Ký ức được đánh thức nhẹ nhàng với lung linh hình ảnh, với rạo rực, day dứt cảm hoài của người con quê hương bao năm rời xa Huế cùng những băn khoăn thầm hỏi “gió thuở nào tương tư…”
Phải nói, Võ Ngọc Lan là một nghệ sĩ đa tài, bên cạnh việc sáng tác thơ, văn xuôi, biểu diễn thành công nhạc mới, ca Huế, ngâm thơ…Võ Ngọc Lan còn cho ra đời nhiều ca khúc về Huế. Chương trình giới thiệu ca khúc của Võ Ngọc Lan với chủ đề “Tình Huế Trong Tôi” với sự tham gia biểu diễn của các ca sĩ Quang Minh, Bảo Yến, Hương Mơ do Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Huế thực hiện đã giúp công chúng hiểu thêm về một con người Huế ở xa quê nhưng luôn trân trọng hướng tình về đất mẹ bằng những công trình nghệ thuật.
Hiện nay, dù bộn bề công việc gia đình, nhưng Võ Ngọc Lan cũng tích cực tham gia nhiều công tác xã hội, từ thiện đạt hiệu quả cao. Tâm huyết với các giá trị di sản văn hóa Huế, Võ Ngọc Lan đã trở thành một trong những sáng lập viên, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ ca Huế thuộc Trung tâm Văn hóa Thông tin Tp. Hồ Chí Minh. Sau ba năm hoạt động, CLB Ca Huế dưới sự điều hành của Ban chủ nhiệm và Võ Ngọc Lan đã có những bước trưởng thành, CLB đã tập hợp nhiều nghệ sĩ Huế đang sinh sống tại Thành phố như Đăng Ninh, Vĩnh Tuấn, Vân Khánh, Bảo Cường, Vân Khanh…gây được nhiều dư luận tốt trong xã hội, nhất là việc đáp ứng nhu cầu thưởng thức ca Huế cho bà con đồng hương Thừa Thiên Huế cũng như nhiều bà con Việt kiều khi về Việt Nam không có dịp ra thăm Huế vì chỉ dừng chân lại ở Sài Gòn. Mặc khác, CLB cũng góp phần giới thiệu những tinh hoa âm nhạc Huế với người Thành phố.
Một thời sống. Yêu thương. Hạnh phúc. Khổ đau trong lòng Huế. Cô gái Kim Long tài hoa ấy đã có quá khứ trữ tình cùng âm nhạc, thơ ca lấp lánh xuân thì và đầy ắp hương vườn xứ sở. Vẻ đẹp Huế, những giá trị tinh hoa văn hóa Huế luôn ấp yêu, nuôi dưỡng tình cảm, tâm hồn Võ Ngọc Lan vốn nhạy cảm trước cuộc đời nhiều đa đoan, hệ lụy: “Tôi đã ngẩng cao đầu, đi giữa Huế với cái tâm trong sáng, với lòng yêu thương tha thiết. “ Mặc dù dòng chảy cuộc đời đưa đẩy, phải rời Huế vào Nam, rồi ra sống ở nước ngoài, nhưng nhờ trời, có dịp đi đi, về về tôi vẫn luôn gần gũi Huế để yên lòng khi nghĩ rằng dẫu Huế trải qua lắm phong ba, bão táp, giằng xé, giành giựt…nhưng tất cả rồi cũng đi qua, sóng lớp phế hưng, chuông hồi kim cổ…Còn đó Huế vẫn mãi nghìn năm với cái đẹp, vẻ nên thơ trìu mến đến muôn đời.” (Niệm Khúc Cho Mưa Huế-Võ Ngọc Lan).