NHÀ THƠ HỒ ĐẮC THIẾU ANH
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 11842
Giới thiệu sáng tác nhà thơ Hồ Đắc Thiếu Anh
NHÀ THƠ HỒ ĐẮC THIẾU ANH
Hội Viên Hội Nhà Văn TP. Hồ Chí Minh
Sinh ngày : 23.9.1950 , tại Thành Nội Huế
Quê quán : An Truyền (Làng Chuồn), Phú Vang, Thừa Thiên
Hiện đang sinh sống tại Sàigòn
Tác phẩm đã xuất bản :
- Mênh Mông Chiều (thơ) 1992, NXB Trẻ
- Giọt Buồn Nghiêng (thơ) 1998, NXB Trẻ
- Hương Chùm Kết (VCD thơ nhạc) 2002, NXB Âm Nhạc
- Mưa Rêu (thơ)2003, NXB Trẻ
- Sông mùa trẻ lại (VCD thơ nhạc) 2006, Bến Thành thực hiện
- Mùa Lá Chín (thơ) 2007, NXB Văn Học
Tác phẩm sẽ xuất bản 2006:
- Biển ngọt (Thơ)
ĐÊM SÀI GÒN
Đôi khi thấy mình vội vàng như gió
Thở cùng đêm Sài Gòn thoáng xuân thì
Ánh đèn màu loáng thoáng lối sông đi
Lòng trắc ẩn điệu Nam Bình gợn sóng
Lạc bước giữa đêm SàiGòn cao rộng
Ghé quán cà phê ấm khói hương xưa
Giọt nâu rơi nhằm ký ức ngày mưa
Dòng nhạc Trịnh xoáy bờ tim đau nhói
Thả hồn vào đêm SàiGòn vời vợi
Những con đường tình sử lá me bay
Hàng cây chụm đầu thủ thỉ gió lay
Phố đứng ngó người xưa tìm dấu cũ
Đêm Sài Gòn đêm vui không cần ngủ
Người phương xa nhòa lệ rủ nhau về
Nắng nóng mưa dày vẫn đậm tình quê
Vẫn Sài Gòn hơn 300 năm trẻ mãi
GIỌT NẮNG YÊN LẠ
Sài Gòn bây giờ tường vi đang nở
Những hạt sương mai lúng liếng mắt cười
Em một thời óng ả nắng vàng tươi
Mắt lá biếc thuở xuân thì đón đợi
Nụ trúc đào cánh môi hồng gió với
Cài lên ngực Ba Mươi Sáu Phố Phường
Tóc đuôi gà yếm tía ngóng người thương
Vời vợi lòng son bên bờ liễu rũ
Thành Nội mấy mùa mai vàng thay nụ
Vẫn tóc thề nón lá tiễn xuân qua
Lòng tím hoa sim thả nhớ phương xa
Nhớ níu nhau vỗ về tim bão tố
Tỉ muội tan hương ngấm vào bể khổ
Dư âm nào dỗ ngọt bóng chiều xưa
Cùng mây bay về lại chốn nguyên sơ
Bản giao hưởng bốn mùa reo rất lạ
Chợt tỉnh cơn mê giữa lòng phố xá
Gió xuân chao nhịp thở suốt ba miền
Hà Nội, Sài Gòn, Huế tím cười duyên
Giọt nắng mới rót vào lòng yên
CẢM ƠN MỘT CHIỀU MƯA
Cảm ơn một chiều mưa
Mưa như cầm chỉnh đổ suốt ngày
Huế đắm chìm trong khói mưa bay
Lòng tím hoa sim một lần Vĩ Dạ
Sóng sánh tách cà phê
chiều mưa như phép lạ
Rót ấm vào tim người xa về
Cảm ơn một chiều mưa
Giọt buồn vui
nghiêng ngã rớt xuống đời
Giọt lưng tròng
mênh mang kể chuyện đất trời
Ký ức bồng bềnh mưa
giăng vườn xanh trổ bạc
Khói trà sen
thả hương vào lòng Cố Đô ấm áp
san sẻ muối mặn, gừng cay
Ánh mắt rêu xưa bịn rịn buổi chia tay
Cứ ngỡ như hương cỏ quê nhà níu lại
Cảm ơn một chiều mưa
Mưa xói lòng trăm mối ngổn ngang
Chiếc lá nhẹ rơi gặp gỡ muộn màng
Chút tình lỡ vương mang
ngọt bùi xao xác
Vĩ Dạ xưa
một chiều tím ngát.
MƠ XUÂN
Thấy mình lạc giữa rừng xuân
Lụa ngà thắt bím tay cầm quạt tiên
Múa trong hoa, gạt ưu phiền
Cười cho quên phận thuyền quyên má đào
Thấy mình bay giữa trời cao
Cõi tiên mở lối lạc vào thiên thai
Bỏ sau lưng tiếng thở dài
Không còn vướng chuyện phôi phai hồng trần
Thấy mình say khước sắc xuân
Bẻ cành đào viết mấy vần thơ hoa
Buồn vui cơn gió thoảng qua
Làm tiên thắt bím lụa ngà mơ xuân.
Sông Mùa Trẻ Lại là tên album thơ nhạc tập hợp 9 bài thơ của tác giả Hồ Đắc Thiếu Anh, với bốn thi phẩm được nhạc hữu Châu Kỳ, Nguyễn Phú Yên, Nguyễn Hiệp, Kiều Tấn Minh phổ nhạc: Mây nhớ, Chợt nhớ quê xưa, Mẹ ơi xuân lại về, Nhịp sóng lúa vàng. Những giai điệu âm nhạc đã hòa thanh cùng thơ ca tạo nên những điểm nhấn trang trọng mượt mà lung linh thi ảnh.
Các giọng ca nữ Thu Hiền, Vân Khánh, Thùy Dương, Hương Mơ đã diễn ngâm rất thành công những bài thơ Huế vẫn dễ thương, Phượng tím, Nhặt cánh bằng lăng... đưa người nghe về với không gian trữ tình thơ mộng sâu lắng Huế.
Riêng phần hình ảnh trong Sông Mùa Trẻ Lại là những khuôn hình đẹp, bắt mắt gây ấn tượng cho người thưởng ngoạn. Vẻ đẹp Huế đã được đạo diễn Quý Tiết rất tâm huyết khi dày công chăm chút, đầu tư khá công phu giúp cho album thơ nhạc Sông Mùa Trẻ Lại đến với công chúng yêu thơ nhạc trong và ngoài nước một cách trọn vẹn sắc thanh.
VÕ QUÊ
.
*
Tư liệu:
Mưa Huế - Nhạc Võ Tá Hân - Thơ Hồ Đắc Thiếu Anh - Ca sĩ Vân Khánh
.
Chuyên gia ẩm thực Hồ Đắc Thiếu Anh, đem tình yêu vào trong món ăn
Ý Nhạc
Chúng tôi gặp bà tại nhà riêng, trong không gian căn phòng làm việc rất đỗi bình dị và hoà quyện với thiên nhiên. Được bà cho xem các tư liệu sách báo của một số văn sĩ tên tuổi trong nước và các phim ảnh của Đài Truyền hình TP.HCM, Đài Truyền hình Thừa Thiên Huế nói về đời thơ hướng thiện của Nhà thơ Hồ Đắc Thiếu Anh khiến chúng tôi càng thấy gần gũi với nữ sĩ miền Hương Ngự này. Từ giọng nói nhẹ nhàng rất Huế của bà đã lôi cuốn chúng tôi vào câu chuyện đời, chuyện nghề mà bà đã trải qua. Nhiều người biết đến bà là một nhà thơ tài hoa mang Tâm Huế và Tâm Thiền đằm sâu trong từng câu thơ qua các tác phẩm đã xuất bản như các thi tập Mênh mông chiều, Giọt buồn nghiêng, Mưa rêu, Mùa lá chín, các Album thơ nhạc Hương chùm kết, Sông Mùa trẻ lại, Sao không là ngày xưa, Khúc vàng phai; là một chuyên gia ẩm thực bởi họ thường gặp bà trên các chuyên mục ẩm thực của Đài truyền hình như Sức sống mới, Hương vị sống… hoặc được đọc các bài viết về món ăn chay trên một số báo Phật giáo như Vô Ưu, Hương Từ Bi… Bà luôn đem tài năng nấu nướng của mình để giúp những người khó khăn có bữa ăn ngon hơn.
Là một nhà thơ nữ làng An Truyền, mang dòng họ Hồ Đắc nổi tiếng của Cố đô Huế. Thân phụ của bà xưa là quan Nam triều Bộ Lễ, Bộ Học, Uỷ viên phiên dịch sử liệu Việt Nam của Trường Đại học Luật khoa Huế. Hiền mẫu là một nghệ nhân ẩm thực của đất Thần Kinh. Khởi nghiệp ngành chuyên môn của bà là Tài chính - Kế toán, bà xem đó là một phần sự nghiệp nhưng lại lập thân bằng con đường thơ văn và lại đam mê làm việc thiện, đam mê ẩm thực. Có lẽ bà được ảnh hưởng nếp nhà nho giáo, lại thấm nhuần giáo lý nhà Phật nên thơ của bà góp cho đời thật nhẹ nhàng, an nhiên. Nhiều bài thơ bà viết được các nhạc sĩ phổ thành ca khúc tâm tình sâu lắng như mang hơi thở của Huế, nhẹ nhàng mà sâu sắc, trăn trở mà trải lòng. Những món ăn bà nấu không chỉ ngon bởi hương vị, bí quyết mà còn ấm lòng người ăn bởi tấm chân tình của bà.
Bà tham gia nhiều hoạt động văn hoá, xã hội và nghệ thuật, hiện bà là hội viên Hội nhà văn TP.HCM, Ban biên tập tủ sách Nhớ Huế, Ủy viên Ban Từ thiện Hội đồng hương TP.Huế, Uỷ viên Câu lạc bộ Văn hoá Huế, Phó Ban văn Hóa -Xã hội - Từ thiện Hội đồng hương TT.Huế, Ủy viên Hội Phụ nữ từ thiện Đồng Tâm thuộc Hội Phụ nữ từ thiện TP.HCM. Với giọng Huế ngọt ngào cô tâm sự: “Ước chi sức khoẻ được lành mạnh, thời gian của ngày dài thêm chút nữa để mình có thể làm được nhiều việc hơn, bởi còn có nhiều mảnh đời bất hạnh, những người cần lắm bàn tay cộng đồng giúp đỡ chia sẻ. Được sống nhiệt tâm, sống cho người là mình thấy hạnh phúc”.
Thật vậy, vào khoảng thập niên 80, trong hoàn cảnh gia đình khó khăn, bà vẫn khắc kỷ đồng lương của mình, vận động bà con, mọi người để nấu những bữa ăn ngon cho trẻ em vùng sâu vùng xa. Mỗi khi nhìn những người bất hạnh có bữa ăn ngon, lòng cô như được thắp lên ngọn lửa tình thương ấm áp. Những món ăn bà nấu với cả tấm lòng mà bà gửi gắm, từ hoàn cảnh gia đình khó khăn, bà hiểu hơn ai hết trách nhiệm chia sẻ với cộng đồng và phải đóng góp sức mình cho sự phát triển của con người, xã hội. Trong phòng làm việc của bà có nuôi hai con heo đất, thấy chúng tôi tò mò bà giải thích kèm theo một nụ cười hiền: “Muốn chia sẻ với những nỗi đời khốn khó bất hạnh thì mình phải tự khắc kỷ bàn thân, tôi nuôi hai con heo đất này bằng nguồn thu từ tiền nhuận bút thơ văn, các đài báo trả thù lao tư vấn ẩm thực và học phí của học viên học nấu ăn, khi nào có việc làm thì tôi khui bụng heo…”. Lấy thuyết nhân quả trong giáo lý của đạo Phật là mục tiêu phấn đấu của đời mình, bà xuất hiện ngày càng nhiều tại các tổ chức từ thiện như trung tâm khuyết tật, câu lạc bộ trẻ em đường phố, trại trẻ mồ côi, trường học vùng sâu, bếp ăn miễn phí ở các bệnh viện, chùa chiền... tại Thừa Thiên Huế, TP.HCM, và nhiều nơi khác trên khắp cả nước. Bước chân bà rong ruổi khắp Long Khánh, Lộc Ninh, Bình Dương, Cần Thơ, Hậu Giang… Trong những chuyến đi từ thiện những bài thơ ngẫu hứng ra đời như Hoa của đất, Như giọt sương long lanh… những áng thơ bà viết ra để chia sẻ với cuộc đời bất hạnh trong khoảng thời gian hơn 30 năm bà làm từ thiện.Các chương trình từ thiện mà bà tổ chức hoặc tham gia không thể kể ra hết. Vào dịp Festival quốc tế Huế 2010 bà cùng với những người con xa quê tổ chức Ngày cơm chay tình thương tại Trung tâm văn hoá Liễu Quán Huế, với 2000 suất cơm chay đã góp phần san sẻ những phận nghèo, các trẻ em khuyết tật, tổng số tiền thu được Ban từ thiện giao trực tiếp cho các trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi và khuyết tật ở Huế. Chương trình Thơ - Nhạc từ thiện chủ đề Như giọt sương long lanh ngày 01/11/2008 tại Cung văn hóa Lao động TP.HCM, mọi chi phí cho chương trình cá nhân bà phát tâm tự lo. Toàn bộ khoản thu về gần 90 triệu đồng từ bán đấu giá 4 bộ Nhớ Huế, tập thơ Mùa lá chín, album nhạc phổ thơ Khúc vàng phai, kèm một số kỷ vật gia truyền của bà đã chuyển cho Ban Từ thiện đồng hương TP.Huế để trực tiếp ủng hộ cho trẻ em nghèo hiếu học vùng sâu Nam Đông, A Sao, A Lưới (Huế).
Bà còn chú trọng đến việc dạy dỗ các con mình đạo làm người, với mong mỏi những người trong gia đình cũng phải có cái tâm để kế tục công việc từ thiện của mình. Bà tập cho con cháu mình biết cảm thông, chia sẻ với mọi người bằng những chuyến đi từ thiện tại các trại trẻ mồ côi, trung tâm nuôi dưỡng người khuyết tật.
Đối với bà, dường như làm từ thiện là một cái duyên từ kiếp trước, những chuyến đi xa xôi dài ngày rất cực nhọc vượt quá sức của một người đã bước sang tuổi lục tuần, nhưng bà không hề thấy mệt mõi, mà ngược cảm thấy rất vui vẻ vì đã làm được thêm một việc có ích cho đời.
Gặp và trò chuyện với bà, chúng tôi thật bất ngờ vì thời gian không làm mất đi dáng dấp của bà. Vẫn chiếc áo tím ấy, con người ấy, giọng nói nhẹ nhàng ấy không phôi phai theo thời gian. Có thể nói chính học vấn của người cha, tài đảm đang, tháo vát của người mẹ, cảnh sắc thiên nhiên say lòng người của xứ Huế mộng mơ, truyền thống văn hoá chốn Cố đô và tấm lòng suốt đời tận tụy vì mọi người đã hình thành, hun đúc nên một Hồ Đắc Thiếu Anh, một người sống hết mình với đam mê văn chương, đam mê công việc nội trợ và đam mê giúp người. Những người đồng hương Huế tự hào về bà là “khuôn mặt đại diện cho lớp đàn em, kế tục xứng đáng, có khả năng làm thăng hoa dòng thơ miền Hương - Ngự”.
Khi ở bên kia dốc cuộc đời mới nghiệm ra rằng kiếp người thật ngắn ngủi. Quỹ thời gian không còn nhiều mà niềm đam mê của bà thì hầu như không hề cạn. Bà vừa trải qua cơn bạo bệnh để đứng lên và tiếp tục những đam mê của đời mình. Hạnh phúc đâu phải là của riêng mà cần biết sẻ chia với người để hạnh phúc lớn lao hơn. Đạo làm thơ, đạo làm bếp, đạo làm người của bà gắn kết nhau trong một thể thống nhất, thúc đẩy và bổ sung cho nhau, hợp nhất thành một chữ Tâm. Đó là phương châm, là lẽ sống của bà, thật đáng trân trọng và ngưỡng mộ biết bao!
Ý NHẠC