NGẨN NGƠ CA HUẾ TRÊN ĐÒ SÔNG HƯƠNG
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 7410
Cuộc phỏng vấn nhà thơ Võ Quê - chủ tịch Hội LHVHNT Thừa Thiên Huế, một người gắn bó với ca Huế...
Năm năm trước tôi có dịp đi nghe ca Huế trên sông Hương. May mắn được nghe chính các nghệ sĩ Thanh Tâm, Thái Hùng...biểu diễn. Mừng cho sự phát triển một hình thái nghệ thuật mang đậm bản sắc Huế nhưng vẫn còn đó nỗi lo cho khâu tổ chức, quản lý biểu diễn còn nhiều bất cập,, dẫn đến hạn chế chất lượng phục vụ cho nhu cầu thưởng thức của du khách. Tháng 6 (2005) vừa qua, trở lại với sông Hương thấy buồn vì những gì tồn tại của nhiều năm về trước bây giờ vẫn còn y nguyên. Cuộc phỏng vấn nhà thơ Võ Quê - chủ tịch Hội LHVHNT Thừa Thiên Huế, một người rất gắn bó với ca Huế, sẽ giúp bạn đọc hình dung ra những trăn trở của những ai mang nặng nỗi niềm với ca Huế trên sông Hương.
- Nghe đâu hiện nay trên sông Hương có khoảng 100 con đò tham gia chở du khách nghe ca Huế. Ai là chủ và quản lý những con đò này?
" Khoảng từ năm 1995 đến nay ca Huế bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc. Ca Huế tham gia lưu diễn từ trong nước ra nước ngoài và nhận được sự cổ vũ của người nghe. Ở Huế ban đêm rất ít có tụ điểm vui chơi. Du khách đến Huế thích xuống đò du ngoạn vào ban đêm và có nhu cầu thưởng thức ca Huế ngay trên sông nước đã trở thành một nét riêng độc đáo của Huế. Tôi còn nhớ chiếc đò đầu tiên sau năm 1975 tham gia chở khách nghe ca Huế là đò ông Đới. Trước đó, ban ngày đò ông chuyên chở cát sạn. Có lần chúng tôi muốn mướn đò ông để đi chơi đêm trên sông Hương ông chấp thuận với điều kiện phải trả ngang giá với chuyến đò ban ngày ông đi lặn cát sạn. Và từ đó đò này kéo theo đò kia, dần dần hình thành dịch vụ chở khách du lich trên sông Hương. HIện nay có khoảng một trăm con đò chở khách du thuyền và nghe ca Huế trên sông Hương".
- Dịch vụ nghe ca Huế trên sông Hương, cái được và cái mất?
" Bộ môn âm nhạc truyền thống Huế là một nghệ thuật có giá trị tinh thần đẳng cấp cao. Một sản phẩm du lịch thì sẽ có mặt được và mặt mất. Việc thưởng thức ca Huế là một nhu cầu chính đáng của du khách, nhưng lại bị làm rối lên là vì các dịch vụ ăn theo. Điều đáng vui mừng là trước đây có rấtt ít người sống theo nghề ca Huế, còn hiện nay số người được cấp giấy phép hành nghề cũng lên đến con số 300. Từ con số 300 này nếu "đãi cát tìm vàng" thì sẽ có vài chục ca sĩ thứ thiệt. Thực tế hiện nay dịch vụ du lịch trên sông Hương có phần phức tạp vì nạn "đò ca đa cò", nhất là đối với khách vãng lai, đột xuất muốn nghe ca Huế. Các tay cò móc với một số chủ đò chỉ biết chạy theo lợi nhuận thực hiện chương trình ca vHuế với loại "ca sĩ một bài". Các chưong trình ca Huế bị kêu ca thông thường ;là do những chuyến đò ngẫu hứng như vậy.Việc các thợ chụp ảnh xuống đò trong các chương trình ca Huế cũng gây nhiều lộn xộn, gây nhiểu không khí ca Huế, gây trở ngại và làm mất thời gian khi du khách thả hoa đăng trên sông Hương. Việc tặng hoa cho người biểu diễn vốn là một nét đẹp văn hóa nhưng đôi lúc lại trở thành điều bực mình, phi văn hóa. Mỗi tối các chủ đò chuẩn bị hoa tươi để bán cho du khách. Khi diễn viên được tặng xong thì đò xin lại. Có khi một bông hoa trên đò được bán lui bán tới 5-6 lần. Nhiều lúc xin hoa không được vì ca sĩ sợ khách mua phải hoa kém chất lượng do tặng quá nhiều lần một bông hoa thì chủ đò mạt sát diễn viên nặng lời"
- Hiện nay Huế đã có tác động nào góp phần làm hấp dẫn hơn chương trình ca Huế trên sông Hương?
" Cuối tháng 6.2005, Sở văn Hóa Thông Tin Thừa Thiên Huế có mở lớp tập huấn cho ca sĩ nhằm nâng cao nghiệp vụ ca Huế, nâng cao kiến thức về cách ứng xử giao tiếp và quán triệt các quy định của Nhà nước về những buổi biểu diễn có thu trên sông Hương. Sở VHTT cũng làm các chương trình mẫu để thực hiện đúng những bài bản, những chương trình ca Huế đúng nghĩa, đúng thực chất. Ca Huế là một loại nghệ thuật kén chọn du khách, đòi hỏi khách phải là người tri âm. Những bài bản lớn của ca Huế như cổ bản, phú lục, tứ đại cảnh, nam ai, nam bình nếu khách hiểu, cảm được thì bắt nhịp theo rất thú vị. Tùy đối tượng để cấu tạo chương trình phù hợp. Nhưng nhất thiết phải duy trì chương trình ca Huế truyền thống. Thực tế hiện nay một số chương trình ca Huế có bị pha tạp. Có không ít du khách ít am hiểu lắm về ca Huế nên dễ bị lẫn lộn giữa ca Huế là loại hình âm nhạc truyền thống với nhạc mới là những ca khúc về Huế. Lên đò là họ cứ yêu cầu các bài hát về Huế như "Huế thương", "Huế tình yêu của tôi", "Thương về miền Trung"... Ca sĩ không vững vàng thì phải theo yêu cầu của khách . Những vị khách thích nghe ca Huế lại phản ứng..."
- Ở Huế có bao nhiêu địa chỉ có khả năng tổ chức chương trình ca Huế trên sông Hương?
" Huế hiện có 6 địa chỉ đáng tin cậy mà du khách có thể tìm đến. Đó là Đoàn Ca Kịch Huế, Đoàn Nghệ thuật Cung Đình Huế, Đoàn nghệ thuật Múa Hát truyền thống Huế, Câu Lạc Bộ Ca Huế Nhà Văn Hóa Huế, Câu Lạc Bộ Ca Huế Trung Tâm Văn hóa Thông Tin TT Huế, Trường Văn Hóa Nghệ Thuật Huế.
- Cám ơn anh về những thông tin sinh động về thực trạng ca Huế trên sông Hương hiện nay.
DIỆU HIỀN thực hiện
Nguồn: Tuần báo THỂ THAO số 161 (21.7.2005)