MỪNG SINH NHẬT THÍNH PHÒNG CA HUẾ TRÒN 5 TUỔI! – Nguyễn Đắc Xuân
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 3173
Nhà văn Nguyễn Đắc Xuân phát biểu mừng sinh nhật Thính phòng Ca Huế tròn 5 tuổi đêm 21.8.2018
Thứ năm 16-8-2018 vừa qua gia đình tôi tổ chức giỗ ông nội tôi là cụ Nguyễn Đắc Tiếu (1878-1962) – Chánh đội Nhạc chánh Nam triều (Nhã nhạc) tại quê nhà Dã Lê Chánh, Thủy Vân, TX Hương Thủy. Tôi được gặp nhiều nghệ sĩ hậu duệ của học trò nhã nhạc của ông nội tôi. Rất vui. Không đầy một tuần sau, tối 21-8-2018 niềm vui được nối tiếp - tôi được mời dự buổi gặp mặt nghệ thuật Mừng sinh nhật CLB Ca Huế tròn 5 tuổi tại thính phòng Ca Huế - Bảo tàng Văn hóa Huế. Những ấn tượng lưu lại trong tâm trí tôi là:
- Tôi gặp được những nghệ sĩ cao tuổi nhất nổi tiếng từ thời thịnh hành ca Huế là cô Thanh Hương, trải qua nhiều thế hệ xuống đến các cháu trên dưới mười tuổi trong thính phòng có đông đủ người thích nghe ca Huế trong Nam, ngoài Bắc, trong nước và nhiều người nước ngoài. Tôi không còn sợ ca Huế thất truyền nữa.
- Hai là có được sự thành công nầy là nhờ người bạn vong niên Võ Quê đã xả thân cho nghệ thuật ca Huế. Anh là nhà thơ am hiểu ca Huế sâu sắc, sáng tác cập nhật lời ca mới, nói chuyện về ca Huế và tự ca để minh họa cho mình, có tài tổ chức và được tín nhiệm. Ngoài các bậc thầy trước đây như nhạc sư Nguyễn Hữu Ba, tôi chưa thấy có ông Trần Lê Nguyễn nào giống như Võ tên Quê mà chuyên hoạt động đô thị.
- Thứ ba là CLB đã nối kết được với các nghệ sĩ người Quảng Nam chính cống ở Nam Phước, Duy Xuyên mà đàn ca Huế rất điêu luyện, được Võ Quê gọi là nhóm Tam Văn (ba người họ Văn).
- Thứ tư là lần đầu tiên được nghe Nhà văn Tô Nhuận Vỹ (Nguyên Chủ tịch Hội Văn Nghệ tỉnh, nguyên Giám đốc sở Ngoại Vụ) đã hỗ trợ hết mình bằng nhiều cách để Võ Quê đưa ca Huế đi nhiều nước, đặc biệt ở Hoa Kỳ. Chưa có một tổ chức văn nghệ dân gian tự phát nào của tỉnh nhà có được thành tích ấy;
- Thứ năm, hiện có các bộ sưu tập đồ sộ về nghệ thuật ca Huế, các công trình nghiên cứu về ca Huế (bằng chữ Hán, bằng tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh), với vô số băng đĩa (trong nước và cả ngoài nước) về ca Huế, với hàng trăm nghệ sĩ đàn ca Huế còn tại thế hay đã qua đời.v.v. không thua kém bất cứ ngành nghệ thuật dân gian nào thế mà không hiểu tại sao ca Huế chưa được làm hồ sơ đệ trình UNESCO để được công nhận là di sản văn hóa phi vật chất như Cồng Chiêng Tây Nguyên, Ca trù, Quan họ Bắc Ninh, Hát Xoan ở Phú Thọ, Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ, Dân ca Ví dặm Nghệ Tĩnh ?
Biết làm sao bây giờ? Chỉ biết chờ thôi.
- Thứ sáu, may ra còn có Bảo tàng Văn hóa Huế (thực chất mới chỉ là nhà trưng bày từng chuyên đề văn hóa lịch sử) đã có một bộ phận bảo tàng sống là Ca Huế. Bảo vệ cái hồn của Huế. Để khi các ngành chức năng ngó nghĩ đến ca Huế còn có nơi để tham khảo làm hồ sơ. Thật quý giá. Xin cám ơn!
Huế 21.8.2018
Nguyễn Đắc Xuân