NGHỆ SĨ ƯU TÚ MỘNG ĐIỆP SỨC SÁNG TẠO SỐNG CÙNG NĂM THÁNG
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 4161
NSƯT Mộng Điệp sinh năm 1918 ở làng Trừng Hà, xã Vinh Phú, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế Từ thời niên thiếu, nghệ sĩ Mộng Điệp đã bộc lộ năng khiếu diễn xuất của mình do xuất thân từ một gia đình có truyền thống hát tuồng. Từ năm 12,13 tuổi nghệ sĩ Mộng Điệp thường theo gánh hát nhỏ của cha đi lưu diễn nhiều nơi từ nông thôn lên thành phố Huế. Kỷ niệm khó quên của nghệ sĩ Mộng Điệp là đã từng vinh dự vào hoàng cung Huế diễn tuồng cho đức bà Từ Cung.
Qua sự đào luyện của thân sinh kết hợp với tài năng cùng sự chịu khó trau dồi năng khiếu mà từ năm 16 tuổi nghệ sĩ Mộng Điệp đã thủ nhiều vai diễn Tống Địch Thanh, Lưu Thiên Tích, Lý Thiên Luân, Đổng Lang…
Năm 1937 nghệ sĩ Mộng Điệp tham gia gánh hát Ca kịch Kim Sanh được sáng lập bởi ông Hoàng Trọng Đồng sinh năm 1899 tại làng Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên. Ông là em ruột của Bà Từ Cung (Đoan Huy Hoàng Thái Hậu). Từ gánh hát Kim Sanh, những vai diễn của nghệ sĩ Mộng Điệp trong loại hình nghệ thuật Ca kịch Huế đã chiếm nhiều thiện cảm trong lòng khán giả.
Trong những năm của thập niên 1940, khi nghệ thuật Ca kịch Huế đang trong thời điểm hưng thịnh, nghệ sĩ Mộng Điệp đã đi biểu diễn nhiều vùng miền của đất nước; có khi còn theo gánh hát qua diễn tận bên Lào.
Năm 1945, giới nghệ sĩ Ca kịch Huế thành lập đoàn hát Việt Hưng. Trong bài viết: “Vọng thời gian” trên Tạp chí Sông Hương số báo kỷ niệm 50 năm Đoàn Ca Kịch Huế (1957-2007) tác giả Nguyễn Thanh Tú cho biết: “Cách đây hơn 50 năm về trước, cùng mấy chục kép đào của gánh hát tuồng Việt Hưng từ Huế ra miền Bắc biểu diễn. đôi bạn gái Kim Oanh - Mộng Điệp đang ở độ xuân thì nhan sắc, nhưng Mộng Điệp lúc đó đã có hai con nên phải gửi lại quê nhà. Mùa đông năm 1946, cuộc chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta nổ ra ác liệt tại Hà Nội, gánh hát Việt Hưng chia thành hai nhóm nghệ xung kích phục vụ bộ đội Việt Minh. Sau 2 năm trời sát cánh cùng chiến hào với các chiến sĩ Vệ Quốc quân, gánh hát Việt Hưng mới chính thức giải tán Từ bấy đến nay, bà Mộng Điệp chưa một lần biết tin tức gì về hai đứa con yêu quý của mình!”.
Khi gánh hát Việt Hưng không còn nữa, các nghệ sĩ vào vùng tự do Thanh Nghệ. Thời gian này, nghệ sĩ Mộng Điệp chia tay với mối tình không thành trước đây để lập gia đình với nghệ sĩ Ngọc Oanh, người đạo diễn từ lâu cùng hoạt động trong gánh hát.
Năm 1957, khi Đoàn Ca kich Trị Thiên thành lập vợ chồng Ngọc Oanh-Mộng Điệp đã tham gia từ những ngày đầu thành lập và sau đó cùng Đoàn phục vụ đồng bào miền Bắc, miền Trung trong những điều kiện, hoàn cảnh gian khổ do đất nước đang vào thời điểm chiến tranh chống Mỹ diễn ra ác liệt. Qua câu chuyện kể, nghệ sĩ Mộng Điệp đã rất hân hoan khi nhắc đến việc đã vinh dự được ba lần biểu diễn mời Bác Hồ xem những vở điển hình của Ca kịch Huế.
Trong những năm gắn bó nghệ thuật Ca kịch Huế, nghệ sĩ Mộng Điệp có biệt tài hơn người là chuyên đảm nhận việc đóng kép nam; nghệ sĩ Mộng Điệp rất điêu luyện khi “ra bộ” với những động tác thuần thục, kết hợp nhuần nhuyễn với giọng ca. Chính phong cách biểu diễn độc đáo, đầy tính sáng tạo này mà những vai diễn của nghệ sĩ Mộng Điệp đã trở thành khuôn mẫu cho nhiều thế hệ diễn viên sau này như vai Châu Tuấn trong vở Thoại Khanh - Châu Tuấn, vai Lữ Bố trong vở Phụng Nghi Đình…
Sau khi đất nước thống nhất, năm 1975 nghệ sĩ Mộng Điệp trở lại quê nhà cùng Đoàn Ca kịch Trị Thiên nay là Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế. Trong vai trò Phó Đoàn Ca kịch Huế bên cạnh chồng là Trưởng Đoàn, đạo diễn Ngọc Oanh, nghệ sĩ Mộng Điệp tiếp tục biểu diễn và tham gia giảng dạy bộ môn sân khấu Ca kịch Huế tại trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Tỉnh, đào tạo các thế hệ trẻ và có nhiều học trò của nghệ sĩ đã thành danh: NSND Ngọc Bình, NSNDT Kiều Oanh, NSƯT Đình Dũng, NSƯT Thu Hằng, NS Ngọc Linh, đạo diễn Kim Liên…
Năm 1983 khi Câu lạc bộ Ca Huế thuộc Nhà Văn hóa thành phố Huế tổ chức biểu diễn hằng tuần tại 47, Trần Hưng Đạo Huế vào tối thứ Tư, thứ Bảy, nghệ sĩ Mộng Điệp lại đỉnh đạc trong vai Lữ Bố với trích đoạn tuồng Phụng Nghi Đình bên nghệ sĩ trẻ Khánh Vân thủ vai Điêu Thuyền, Bích Bền vai Đỗng Trác và nghệ sĩ Minh Tâm vai Vương Tư Đồ. Thời điểm ấy tuy đã cao niên nhưngnghệ thuật biểu diễn tuyệt kỹ của nghệ sĩ Mộng Điệp được tri âm Huế vô cùng ái mộ về cái sức trẻ, độ bền, sự cao sang của người nghệ sĩ.
Năm 1984, nghệ sĩ Mộng Điệp vinh dự là nghệ sĩ đầu tiên ở Thừa Thiên Huế được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú trước niềm kính trọng, thương yêu của các thế hệ học trò; trong niềm hân hoan của giới nghệ sĩ Ca Huế, Ca kịch Huế.
Bước sang những năm 90 của tuổi hạc, sau khi đưa chồng về an táng ở quê nhà Trừng Hà, NSƯT Mộng Điệp cũng giã từ căn phòng ấm cúng, hạnh phúc một thời tại 46 Chi Lăng, Huế để an nhiên, tự tại vui sống nơi mà thời niên thiếu đã từng cùng gánh hát gia đình múa hát giữa lòng dân.
Khoảng thời gian này, dù làng Trừng Hà cách xa thành phố Huế nhưng ban lãnh đạo Đoàn Ca kịch Huế, nay là Nhà Hát Nghệ Thuật Cung Đình Huế vẫn thường xuyên tổ chức nhiều chuyến thăm viếng tận tình, chu đáo. Trong các dịp này, giới nghệ sĩ Ca kịch Huế càng bộc lộ những trạng thái tình cảm vô cùng trân quý về một “báu vật sống” đã có nhiều cống hiến lớn lao cho nghệ thuật truyền thống của quê hương.
Ngày 6 tháng 5 năm 2014, giới nghệ sĩ Ca Huế, Ca kịch Huế và công chúng Thừa Thiên Huế và trong cả nước bàng hoàng nghe hung tin NSƯT Mộng Điệp trút hơi thở cuối cùng tại quê nhà, hưởng thọ 96 tuổi.
Ngày nay, trên các trang báo điện tử, trên một số wesite đã và đang còn lưu nhiều bài viết về thân thế sự nghiệp cuộc đời người nghệ sĩ tài danh Mộng Điệp; Các lớp nghệ sĩ, nghệ nhân Ca Huế, Ca kịch Huế hậu bối cũng đang truyền cho nhau những câu chuyện kể về tài năng, đức hạnh của NSƯT Mộng Điệp. Qua đó, sức sống tinh thần của NSƯT Mông Điệp chắc chắn bền bỉ tới muôn sau.
Huế, 12.11.2018.