SÔNG HƯƠNG ÊM ĐỀM
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 4699
Truyện ngắn được tác giả PHẠM KIM DUNG viết tại Sài Gòn (1996) sau một chuyến du lịch Huế trở về
Năm 1998, tác giả qua đời vì chứng ung thư. Xin gửi truyện ngắn này lên trang web như lưu giữ một kỷ niệm đẹp và buồn...
Họ tình cờ gặp và quen nhau trên một chiếc thuyền ca Huế trên sông Hương. Chiều hôm đó tiết xuân ấm áp. Dòng sông xanh ngắt và phẳng lặng. Hai người ngồi bên nhau, một nhà thơ và một du khách. Tiếng ca, tiếng đệm đàn dìu dặt lan tỏa vào không gian mênh mông trời nước, len lỏi nhẹ nhàng thấm tận cõi tâm linh khán-thính-giả đang ngồi giữa khoang thuyền.
Chiếc thuyền vẫn trôi hờ hững theo con nước lên. Hoàng hôn dần buông xuống. Con thuyền bỗng chòng chành và tiếng cười tíu tít của du khách chợt vang lên. Mọi người đang tranh nhau thả những chiếc đèn xếp bằng giấy hình cánh sen xuống dòng sông...
- Ôi chao! Đẹp quá! Đẹp thật...
- Kìa! Cái đèn của tôi kìa!
- Thấy chưa? Của tui nó trôi xa quá kìa!
- Cho tui thả thêm một cái nữa đi!
Khoang thuyền vui nhộn hẳn lên, Nhưng người nữ du khách nãy giờ vẫn lặng lẽ ngắm những chiếc đèn. Những chiếc hoa đăng đang âm thầm tỏa sáng và lặng lẽ trôi vô định... Sông nước Hương Giang nơi đáy mắt của người nữ du khách chợt yên ắng u hoài giữa cái thực hư của tối và sáng, của ngày và đêm.
- Chị không thả đèn nữa sao? Một giọng Huế ấm trầm làm người khách chợt tỉnh. Chị bối rối mỉm cười:
- Anh trông kìa! Những chiếc đèn trôi đẹp quá!
Nhà thơ cũng mỉm cười. Mặt anh ửng đỏ lên trông thấy được dù ánh sáng cuối cùng của một ngày sắp sửa tàn lụi.
Thuyền cặp bến. Mọi người vui vẻ bước lên bờ và chuẩn bị ra xe để cùng về khách sạn. Hai người, nhà thơ và nữ du khách, đứng cạnh nhau.
- Tháng sau tôi sẽ có dịp vào Sài Gòn.
- Anh cứ đến nhà chơi...
Thế rồi họ im lặng. Không nhìn nhau, người nữ du khách bước lên xe. Nhà thơ đưa tay vẫy chào mọi người. Qua cửa kính, dưới ánh sáng mờ nhạt của một ngày đã tắt hẳn, người nữ du khách ấy chợt nhận ra khuôn mặt của nhà thơ, thật đẹp.
Hôm đó là ngày 5 tháng 3...
*
- Em chưa tìm được đối tượng sao Trâm? Người thiếu phụ tên Trâm vẫn ngồi im lìm bất động trên chiếc ghế. Tuổi đã ngoài bốn mươi nhưng vóc dáng, khuôn mặt chị còn rất đẹp. Dưới chiếc đèn néon, trong căn phòng nhỏ dùng để khám bệnh sơn toàn màu trắng này, ánh sáng đèn phản chiếu lên tường làm khuôn mặt chị trở nên thật quyến rũ. Nét thoáng buồn trong đôi mắt nhìn vô định vào khoảng không, trông chị vừa kiêu sa vừa tội nghiệp.
- Sao em không trả lời anh? Sao em cứ yên lặng, không nói gì hết vậy?
Lại vẫn im lặng. Khuôn mặt người đàn bà bây giờ hơi cúi xuống một chút, mắt vẫn buồn và dáng điệu trông ủ rủ hơn.
- Một người như em mà để mất thăng bằng về tinh thần thì thật đáng tiếc. Anh rất lo cho em. Em hiểu không?
- Nhưng em nghĩ, anh có thể chữa trị được những gì thuộc về cơ thể của em thôi. Còn nội tâm của em, em phải tự hóa giải nó mà!
- Thôi được rồi! Đúng vậy! Anh chỉ là bác sĩ nên anh chỉ trị liệu được những gì thuộc về cơ thể em thôi. Còn tâm hồn, đời sống tinh thần của em, anh không là gì cả! Ông bác sĩ chợt nổi giận và quát lên với Trâm. Người thiếu phụ vẫn im lìm. Bất động. Tâm trí chị dường như ở tận đâu đâu. Thật lâu, chị mới nghe tiếng chân nhẹ nhàng của ông đến gần chị, ông chìa ra mấy viên thuốc trên tờ giấy, im lặng phân chúng ra thành ba phần cho Trâm nhìn thấy, rồi lặng lẽ gói lại đưa cho Trâm.
- Em nghe anh nói đây. Tuần sau anh phải đi công tác xa rồi. Em không nên yếu đuối nữa. Em cũng phải sống cho em, và sống cho người khác nữa chứ!
Trâm vẫn không nói gì. Chị lặng lẽ bỏ gói thuốc vào túi xách. Một lát, như nghĩ ra được điều gì, chị nói bằng giọng phân trần:
- Nhưng em quan niệm rằng hạnh phúc của em không thể là nỗi bất hạnh và khổ đau của một người khác. Em có thể tự hóa giải được những nỗi buồn khổ của em mà. Anh cho em xin lỗi vì đã làm anh nổi giận...
- Anh không giận em, anh chỉ bực mình vì sao em cứ phải tự dối lừa mình. Em không có bệnh tật gì cả. Em chỉ bị suy nhược cơ thể trầm trọng vì em quá ưu phiền đó thôi. Nhưng nếu em cứ tiếp tục chịu đựng cuộc sống như vậy, sức khỏe tinh thần của em sẽ bị đe dọa. Bảo có quan tâm đến em không? Em có đạt được mục đích hôn nhân trong cuộc sống vợ chồng không? Cá tính của em và tánh tình của Bảo có hòa hợp được với nhau không? Có phải em luôn tự dằn vặt mình vì những chuyện mâu thuẫn, xung đột giữa em và chồng không? Và, em phải luôn tự dằn vặt như vậy vì em có lỗi, vì em yêu thương chồng hay chỉ vì em thương hại chồng? Cứ cái vòng lẩn quẩn như vậy, không chấm dứt được bằng một lối thoát cụ thể nào đó, em sẽ trở nên tâm thần mất thôi!
- Nhưng em đã chịu đựng được điều đó suốt hai mươi năm nay mà. Bây giờ em đã già rồi. Bảo lại rất cần có em trong cuộc đời anh ấy...
Người thiếu phụ bất chợt ngẩng lên, rồi nhìn ông với đôi mắt thật buồn:
- Thôi, em về nha! Em chúc anh thượng lộ bình an!
Trâm đứng dậy. Trong khi ông bác sĩ bước tới đẩy cửa phòng cho Trâm, chị bỗng đổi vui:
- Anh đừng lo cho em! Chỉ cần được xách vali đi du lịch là em sẽ hết bệnh ngay thôi mà!
Nụ cười trên đôi môi đã tạo được nét vui cho khuôn mặt chị. Trâm bước thật chậm trên đường phố. Buổi chiều Sài Gòn, gió nhiều, hàng me lao xao rớt lá. Lời đề nghị của Tuấn - ông bác sĩ - đã làm chị quá đổi bất ngờ. Suốt một tháng nay, Tuấn chỉ lặng lẽ trị liệu cho Trâm. Ông nổi tiếng là một bác sĩ khó tánh, nghiêm khắc và mẫu mực. Nhưng sự việc xảy ra hôm nay quá bất ngờ làm cho chị vô cùng bối rối. Trâm không biết mình phải ứng xử ra sao. Hai gia đình đã quen biết nhau từ lâu. Vợ của Tuấn là chị của một người bạn chơi rất thân với Bảo - chồng Trâm. Cho nên, Tuấn biết hết những nỗi đau buồn của Trâm trong cuộc sống riêng tư, Ông đã quan tâm, lo lắng thật sự cho Trâm. Nhưng chị lại tự hỏi: Tại sao một người mẫu mực nghiêm khắc như Tuấn lại có thể dễ dàng ly dị vợ? Họ đã có với nhau những 5 đứa con kia mà! Tại sao... Bỗng dưng Trâm nghe tâm hồn mình trĩu nặng, cô liêu. Những cánh lá me như những cánh bướm tung bay theo cơn gió, lả tả rơi đầy trên tóc, trên vai chị. Con đường chiều nay thưa vắng xe qua lại. Sự yên tĩnh nhất thời này làm Trâm nhớ lại những bước chân của chị cũng trên con đường này cách đây 24 năm. Hai mươi bốn năm về trước, con đường này thật đẹp. Như tình yêu. Như ước mơ của một thiếu nữ mới vào đời. Vòm lá me xanh trên cao kia là mộng ước. Nơi xây tổ uyên ương của những đôi trai gái yêu nhau. Một mái ấm gia đình. Những bữa cơm quây quần đoàn tụ. Một người vợ, người mẹ đảm đang, chung thủy. Một người chồng, người cha rộng lượng bao dung. Và, những đứa con xinh xắn... Một tổ chim sơn ca luôn ríu rít những giọng cười... Nhưng,
Chiều nay, sự yên tĩnh nhất thời này của con đường ngày xưa chỉ còn lại những âm vang của một hình ảnh trong tâm thức. Xa xôi. Trâm không thể bước lui về quá khứ nhưng dường như hình ảnh ấy là độc tôn, duy nhất, mà chiều nay, trên lối xưa và trong sự yên tĩnh nhất thời này, chị vẫn chưa tìm được một bóng hình nào thay thế.
*
Buổi sáng hôm nay trời xuân thật đẹp. Nắng mới lên làm lóng lánh giọt sương đêm còn đọng lại trên những khóm hồng. Lũ chim sâu kéo nhau về đây líu lo chuyền cành đùa giỡn cùng với cây ngọc lan tỏa hương ngan ngát.
Trên một chiếc giường nhỏ trong căn phòng của mình, bà lão cố gượng dậy nhìn ra ngoài khung cửa sổ. Mảnh vườn nhỏ xíu hôm nay vẫn đầy hoa, tuy đã gần một tháng qua nó thiếu vắng đôi bàn tay của bà chăm sóc. Những đóa hồng nhung mới rực rỡ làm sao! Giò lan cánh én vẫn trắng mượt mà. Hương hoa và tiếng chim. Nhìn cảnh vật, bỗng dưng bà lão cảm thấy yêu cuộc đời tha thiết. Khu vườn nhỏ nhắn này là một thế giới rất riêng tư của bà. Ở đây, bấy lâu nay bà luôn có được một khoảng trời xanh mây trắng. Và, những đêm đầy sao, bà thường vẫn một mìn trên chiếc ghế đá để nhìn trời. Bà không đếm sao. Bà chỉ thích nhìn về một ngôi sao sáng nhất. Nơi có một người đàn ông mà bà đang yêu thương. Nhưng rất xa cách. Nghìn trùng.
Từ dạo chối từ lời đề nghị của Tuấn, bà hiểu, bà phải tự tìm cho mình một sự thanh thản, bình yên. Một niềm vui, sự cảm thông an ủi nào đó về tinh thần để bà không còn phải tìm đến Tuấn, nhờ ông trị bệnh. Bà đã tự nhủ: rồi Tuấn cũng sẽ phải cùng vợ hàn gắn lại với nhau thôi, những đứa con của họ sẽ làm gạch nối. Và Tuấn cũng sẽ mãi mãi quên bà.
Vì thế, những chuyến du lịch của bà trong suốt những năm qua vừa là niềm say mê nhưng đồng thời cũng là để tìm khuây khỏa, cho những nỗi buồn. Những nỗi buồn thâm căn cố đế mà nó đã ăn sâu gốc rễ trong cõi tâm linh của một con người ưa sống âm thầm và lặng lẽ như bà.
Ông nhà thơ mà bà đã gặp trên sông Hương ấy dường như đã thấu hiểu được lòng bà ngay từ phút giây đầu gặp gỡ. Một người đàn ông chững chạc, tự tin. Một chút gì đó sâu lắng trong cõi tâm linh phảng phất trên nét mặt, và đôi mắt của ông nhìn. Rồi bà kết bạn cùng ông. Hai người bạn tâm giao, rất tri âm đồng điệu. Một tình bạn đích thực cho dù cái ranh giới đó trong thâm tâm mỗi người, cả ông và bà đều hiểu, nó sẽ lập tức bị phá vỡ nếu như cả hai cùng yếu đuối, cho nên...
Ông-lão-nhà-thơ ấy và bà chỉ gặp nhau một lần trong năm, khi ông ấy có dịp vào Sài Gòn. Những lần đó trong ngôi nhà của bà, họ thường ngồi đối diện nơi phòng khách để nói với nhau những điều rất bâng quơ. Chuyện vụn vặt đời thường. Những câu chuyện luôn rời rạc, không đâu.
Ông tìm thăm bà một năm một lần duy nhất, cho đỡ nhớ, đỡ mong. Chỉ những cánh thư của bà mới thật sự chứa chất nỗi niềm. Ở đó, bà trở nên trẻ trung, nhí nhảnh như một con chim sâu, luôn quấn quýt bên chân ông, líu lo trò chuyện. Bà vẫn ưa ví von với ông rằng: cánh thư giống như cánh chim sâu, mỗi tháng đôi lần, sẽ bay vào phòng ông làm việc. Nó nhảy nhót, nghịch phá lung tung đồ đạc của ông rồi mới chịu chuyện trò cùng ông bằng một thứ ngôn ngữ rất riêng tư của nó. Bởi vì bà biết, bà với ông có quá nhiều điểm tương đồng, đến nỗi, ngôn từ đôi khi không cần thiết nữa. Có một gì đó rất vô hình nhưng bền chặt cột buộc hai người lại với nhau, trong tâm thức. Và bà cũng biết, cuộc sống của bà sẽ lẻ loi, buồn chán đến tột cùng nếu như bà không có ông. Bởi, cho dù ông không hiện diện cạnh bà, nhưng những cánh thư qua lại chính là sự hiện hữu của mỗi người. Bà trông ngóng thư ông cũng như bà đã từng mong ngóng ông về với bà trong cõi mộng. Nơi mà ông phải thuộc về bà, mãi mãi.
Nhưng, hôm nay...
Bà chợt nhớ ra rằng bà đã nhận thư của ông một tháng rồi mà bà vẫn chưa viết hồi âm. Một tháng rồi bà nằm liệt trên giường. Nhiều lúc bà rất muốn viết, để ông đừng mong đợi, nhưng tay bà đã quá run rẩy. Bà thật sự không còn như bà ngày xưa nữa. Cố hết sức, bà nhích lại gần về phía chiếc bàn bên cạnh. Ngăn bàn đầy ắp những lá thư của ông. Bà lôi chúng ra, ngồi đếm lại. Hai bà tay run rẩy nhưng đôi mắt của bà vẫn còn một chút nét tinh anh để bà ngắm nghía từng dòng chữ, khuôn mặt của ông trong tấm ảnh rất đổi thân thương với bà và cái nét chữ bay bướm mà bao năm qua, nó đã thực sự mang lại cho bà những cảm xúc rất êm đềm, hạnh phúc...
Nhưng giờ đây, bà chợt linh cảm rằng, bà đang sắp phải xa lìa nó. Vĩnh viễn. Ý nghĩ đó làm cho bà bỗng nhiên cảm thấy buồn rầu. Day dứt. Bà vẫn chưa nói thật hết những nỗi niềm của bà cho ông biết. Chừng ấy năm dài đằng đẳng, bà vẫn cố kìm chế mọi cảm xúc của mình. Đó là sự cứng rắn, đôi khi hơi lạnh lùng của bà trong ứng xử. Nhưng làm sao ông hiểu được, có đêm nào mà bà không nghĩ về ông! Có chiều mưa Sài Gòn nào mà bà không ngóng trông về hướng một dòng sông, nơi ước mơ về một cõi người bình yên, hạnh phúc, êm đềm. Không dưng bà chợt khát khao được nói hết với ông tất cả. Nhưng, quá muộn rồi.
Bà lặng lẽ gom hết lại những lá thư, bỏ thành một đống dưới sàn nhà rồi tìm chiếc quẹt, bật lửa. Một ngọn lửa đỏ rực bùng lên rồi lặng lẽ liếm dần từng phong thư, từng phong thư... giống như nỗi đau âm thầm của bà cũng đang lặng lẽ trào dâng lên khóe mắt và lăn dài như những giọt mưa.
*
Sông Hương cũng đang ở vào tiết xuân, ấm áp, êm đềm... Dưới gốc đa, trên bến nước, một ông già đẹp lão ngồi một mình, rất lặng lẽ, hững hờ nhìn theo những chiếc thuyền trôi trên sông. Hình như ông đang buồn và nhớ. Đợi ai? Nhưng ông không thấy ai và cũng chỉ có một mình ông với cây đa bến nước...
Hoàng hôn. Bóng tối phủ dần lên vạn vật. Tĩnh mịch. Ông âm thầm đứng lên. Bước chân ông thẩn thờ. Một giọng hót chim sâu gọi bạn muộn màng đâu đó bất chợt líu lo. Ông lão dừng lại, dõi mắt trông tìm. Nhưng ông không thấy ai, và ông lại bước. Những bước chân của ông lẻ loi, đơn độc, buồn xa xăm...
Chiều hôm ấy, ngày 5 tháng 3.
Sài Gòn, ngày 19. 9. 1996.
PHẠM KIM DUNG (+)