THƠ NÓI LÁI, TỪ VĂN HỌC DÂN GIAN ĐẾN TÁC PHẨM CỦA VÕ QUÊ - TRẦN HOÀNG
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 19230
Nói lái xưa nay vốn được xem là một hiện tượng trong ngôn ngữ độc đáo xuất phát và phổ biến trong dân gian. Các cụ đồ, cụ tú làm nghề gõ đầu trẻ hoặc bốc thuốc ở các làng xã, cũng như những người bình dân sống nơi “thôn cùng xóm vắng” khi trò chuyện với nhau, và nhất là khi sáng tác các truyện kể, bài vè, các câu đố, câu ca dao…, hễ có chỗ nào thích hợp là họ đưa cách nói lái vào để cho câu chuyện thêm ý vị.
- Trên trời rơi xuống mau co
- Ai mua mà mãi tới lui
Thử hỏi làm vui dì bán?
Hai câu đó trên thật dễ tìm lời giải, nhưng cái thú vị, cái vui của nó lại nằm ở việc dùng cách nói lái để giấu vật đó. Hay như lời đối đáp của đôi nam nữ dưới đây, người nghe, người đọc cũng thấy rõ cái sâu sắc, cái dí dỏm, đằm thắm của lời ca qua các từ nói lái:
- Có cá đâu mà anh ngồi câu đó
Biết có không mà công khó anh ơi…
- Anh ngồi đây ngày đôi ba lượt
Biết mất công mong cất con cá diếc lên…
Bài Vè nói lái của người Nam Bộ tất cả 12 câu không có câu nào là không có từ nói lái. Từ động vật, hoa quả đến con người nhờ cách nói lái mà trở nên phong phú, sinh động hơn. Trong truyện Trạng Quỳnh có truyện “Chúa ngủ ngày”. Ở truyện này, người sáng tác đã dùng cách nói lái để đả kích sâu cay kẻ có quyền chức và làm cho người nghe bị bất ngờ rồi òa ra tiếng cười đầy thích thú khi hiểu hai chữ “ngáy đèo” là gì!
Cùng với Văn học Dân gian, trong văn học viết cũng có một số tác giả đưa nói lái vào sáng tác của mình ví như bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương, nhà thơ Thảo Am Nguyễn Khoa Vi v.v… Những năm gần đây chúng ta lại gặp cách nói lái trong giới văn nghệ sỹ khi họ đàm đạo với nhau lúc trà dư, tửu hậu hoặc khi họ bàn luận về nhân tình thế thái. Xin được nêu một đôi câu làm vui.
- Qua Đèo Ngang thấy đang nghèo
- Đến Lý Hòa bỗng hóa lỳ
- Lên Sơn Trạch thấy sạch trơn.
(Các địa danh Đèo Ngang, Lý Hòa, Sơn Trạch thuộc tỉnh Quảng Bình)
- Cỏ đầu Cầu Đỏ xanh biêng biếc
- Cò lửa Cửa Lò trắng phau phau.
Một trong số rất ít nhà thơ có tài nói lái và sáng tác thơ theo kiểu nói lái là nhà thơ xứ Huế - Võ Quê. Tập thơ “Ngược xuôi thế sự” của anh được Nhà xuất bản Văn Học ấn hành vào tháng 8 năm 2011 vừa qua được đông đảo bạn đọc gần xa đón nhận với một tình cảm rất đặc biệt không những chỉ ở nội dung các bài thơ mà còn bởi chính anh đã kế thừa, nâng cao, và phát huy được cách nói lái rất dân dã mà rất sâu sắc của các tác giả dân gian trong sáng tác của mình.
Tập “Ngược xuôi thế sự” gồm 49 bài, trong đó chỉ có 2 bài dài 6 câu, các bài còn lại chỉ có 4 câu, viết theo thể thơ 4 câu và thơ lục bát. Làm thơ dài đã khó, làm thơ ngắn, theo chúng tôi lại càng khó hơn. Cái hay của các bài thơ ngắn là “ý tại ngôn ngoại”, là dễ được độc giả tiếp nhận và nhớ lâu. Chắc là có phần vì lẽ ấy mà nhà thơ Võ Quê đã dùng cách nói lái để nói được sâu hơn, đầy đủ hơn những điều mà anh hằng trăn trở trong cuộc sống lâu nay.
Đọc tập thơ của anh Võ Quê ta thấy toát lên ở tập thơ này cái sâu sắc, cái thâm trầm, đậm tính chất trữ tình của một hồn thơ da diết tình đời, tình người. (Các bài: Nỗi đau mùa lụt, Chuyện tình buồn, Thơ tự tặng…) những ẩn chứa đằng sau nhiều câu chữ là nụ cười trào lộng, là sự phẫn nộ trước những hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Tính chất trữ tình và tính chất trào lộng hòa quyện với nhau trong nhiều bài thơ, thậm chí từng câu thơ; chính cách nói lái đã giúp cho tác giả làm được nhiều điều tưởng như rất khó khăn này. Ngay cả tựa đề một số bài thơ cũng đã thể hiện được điều đó, ví như các bài: Tình đầy tầy đình, Cõi đi về kẻ đi vòi, Đò ca đa cò v.v…
Nhà thơ Võ Quê rất nhạy cảm trước mọi hiện tượng, mọi sự việc diễn ra trong cuộc sống hằng ngày. 49 bài thơ trong tập “Ngược xuôi thế sự” không nhiều những đề tài lớn lao, mà phần lớn chỉ đề cập tới những cái rất đời thường, những cái gần như không mấy người là không biết. Nhưng từ những cái đời thường này, tác giả đã nói được nhiều vấn đề rất bức xúc của xã hội ta hiện nay như: lụt bão, vật giá leo thang, tàn phá môi trường, sự xuống cấp về đạo đức, nạn tham ô, lấy chồng ngoại v.v… Những hiện tượng xấu, những cái tiêu cực trong xã hội biến thành nỗi đau, thành trò cười trong thiên hạ như cách nói lái rất độc đáo trong các câu thơ:
Dầu xăng tăng giá dạ giăng sầu
Đầu tiên trăn trở bạc tiền đâu
(Dầu xăng tăng giá)
Hoặc:
Đầy tớ vét tiền bao tờ đấy
Tranh thùng, tranh thủ mới trung thành…
(Giành nhau giàu nhanh)
Thơ nói lái của Võ Quê rất đa dạng, độc đáo và đầy sáng tạo trong cách dùng từ, đặt câu. Bài ít thì có một hai từ trong một hai câu, bài nhiều thì tất cả 4 câu, 6 câu đều có dùng lối nói lái (ví như các bài: Lụt thế kỷ 1999 cảm tác, Nỗi đau mùa lụt, Tự trào, Lời bợm nhậu v.v…). Từ nói lái có khi là danh từ, động từ hoặc cả một cụm từ…; từ đặt ở phần trước thuộc loại từ này, nhưng khi đọc lái lại chuyển qua từ loại khác:
Mùa lễ hội thơ hoa lỗi hệ
Lục bát đành lạc bút từ khuya
Đợi lâu mới biết đâu có lợi
Bìa treo đây mai mốt ruột đầy bia
Bài Tự trào trên đây cả bốn câu đều có dung lối nói lái: ở câu 1 và câu 2, hai danh từ “lễ hội”, “lục bát” đã biến thành hai động từ “lỗi hệ”, “lạc bút”. Còn ở câu 3 cụm từ 2 chữ “đợi lâu” đã chuyển sang dạng cụm từ 3 chữ “đâu có lợi” và ở câu 4 cụm từ 3 chữ “bìa treo đây” khi nói lái được rút gọn thành cụm từ 2 chữ “đầy bia”.
Không chỉ sáng tạo trong chữ nghĩa, nhà thơ còn rất linh hoạt trong việc bố trí, sắp xếp các từ nói lái trong một bài thơ:
Bỏ cao tốc cốc tao khô ngoại tửu
Định vay đô mở cặp bỏ vô đây
Được đà chơi đời cha ham ăn mặn
Vây đời con khát nước nợ vai đầy
Ở bài trên, câu 1 và câu 3 có từ láy đi liền nhau (cao tốc-cốc tao, đà chơi-đời cha), câu 2 và câu 4 từ nói lái nằm ở hai vị trí đầu câu và cuối câu.
Trong một số bài khác, từ nói lái được bố trí ở hai câu khác nhau hoặc ghép từ tố này với từ tố khác chứ không phải các từ tố được láy nguyên gốc. Bạn đọc phải tự suy nghĩ, cân nhắc mà tìm ra các từ được nói lái. Chẳng hạn các từ nói lái ở các câu:
- Cuối năm cắm cúi chăm nuôi vợ
- Biến chất điếm đàng đi chiếm đất
- Khi dã quỳ ướp hương cà phê đắng
Bóng quỷ già phủ đen vườn hạnh…
Bài “Nỗi đau mùa lụt” cả 4 câu đều có từ nói lái, 2 từ đầu câu được láy lại ở 2 từ cuối câu tạo cho câu thơ sự cân xứng, hài hòa và rất chặt chẽ. Đọc xong bài thơ, người đọc không khỏi thấy cay đắng, xót xa về thế thái nhân tình chính từ các từ nói lái: sầu đói-sói đầu, cầu lon-còn lâu, đất tổ-đỏ tất, giàu đi-gì đau.
Lái liền từ, lái cách từ, lái nguyên âm, bán nguyên âm; một cụm tù có 2 từ tố, khi nói lại lại biến thành cụm từ 3 từ tố, nói lái ngay từ tựa đề bài thơ v.v… Mỗi bài có một kiểu, mỗi cách nói lái khác nhau… Sự linh hoạt, sáng tạo trong cách nói lái của nhà thơ đã tạo nên sự hứng thú cho người đọc. Độc giả đọc xong bài này cứ muốn đọc tiếp bài sau để xem từ nói lái nằm ở đâu… Tôi đặc biệt thích thú khi đọc bài thơ “Khỏa thân vì môi trường”. Ở bài này từ “môi trường” do nói lái đã biến thành “mương trồi”, “trương mồi” và môi, trường (2 bộ phận trong cơ thể…).
Từ mấy chục năm nay, bạn đọc gần xa biết đến nhà thơ xứ Huế Võ Quê qua các bài thơ, tập thơ anh viết khi xuống đường đấu tranh chống Mỹ, khi bị giam cầm trong ngục tù Côn Đảo, hoặc khi anh viết cho thiếu nhi, cho các nghệ sỹ ca Huế hát ở đài phát thanh, đài truyền hình v.v… Giờ đây người đọc lại biết thêm một nét tài hoa trong thơ ca của anh qua các bài thơ nói lái. Sống ở một vùng đất giàu truyền thống văn hóa, truyền thống thi ca, am hiểu sâu sắc văn hóa dân gian các làng quê, phường phố. Hẳn là vì vậy mà các vần thơ nói lái của anh vừa có cái thâm trầm, sâu sắc, vừa có cái cười cay đắng, trào lộng… rất dân gian, rất Huế. Hy vọng sau tập “Ngược xuôi thế sự”, nhà thơ Võ Quê còn thêm nhiều tập “Thế sự ngược xuôi”…
Trần Hoàng
(Cựu GV Khoa Văn – ĐHSP Huế)